“Lời đem lại sự sống đời đời” Bài giảng của Cha Giuse Nguyễn Văn Chữ,OP

393 lượt xem 10 Tháng Tư, 2018

“LỜI ĐEM LẠI SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI”

SỰ TỪ BỎ – Rm 7:14-25

Rm 7:14-25 là một trong những đoạn văn thực tế nhất trong KT. Mỗi lần đọc đoạn văn này, chúng ta thấy chính mình ở trong đó như một con người, một Kitô hữu, một tu sĩ, một linh mục. Đó là một đoạn văn vừa bi quan vừa lạc quan; vừa khích lệ vừa làm cho người ta nản lòng. Nó lôi ta ra khỏi ảo tưởng và bộc lộ sự lo lắng và sợ hãi: nhưng đồng thời, nó cũng chất chứa đầy hi vọng, cho thấy chiến thắng và chinh phục.

HAI CON NGƯỜI

  1. Cũ và mới

Cái tôi cũ, con người cũ đẩy tôi xuống, kéo tôi đi theo con đường sự dữ, đưa tôi lên bờ vực, làm cho tôi quay trở lại với những thái độ và những đường lối mà đức tin và ơn gọi của tôi đã từ bỏ từ lâu. Cái tôi cũ kỹ, sức mạnh của tội lỗi và sự xấu, là tổng hợp tất cả những khuynh hướng và ước muốn tội lỗi trong tôi.

Trong khi đó, cái tôi mới, tức là tinh thần của Chúa Kitô, luôn luôn thúc đẩy tôi đi theo Người trên mọi nẻo đường, gợi lên trong tâm trí tôi những mộng ước về sự thánh thiện,  rao giảng về sự phục sinh, nâng tôi lên trên những nền tảng cao hơn, bảo đảm với tôi rằng mọi sự rồi sẽ tốt đẹp.

  1. Sự sống và sự chết

Như vậy ở đây có hai hoàn cảnh đối lập nhau: một là của sự chết, hai là của sự sống. Hoàn cảnh nào sẽ chiếm ưu thế ở trong tôi? Tội là cái chết, và đó là một sức mạnh; nhưng Chúa Kitô là sự sống, và Người là một sức mạnh còn mạnh mẽ hơn. Như thế, tôi sẽ sống! Chính vì vậy, ở giữa những khốn khó, thánh Phaolô kêu lên một cách phấn khởi: “Tạ ơn TC nhờ Đức Jêsu Kitô Chúa chúng ta.”

Chẳng có ai muốn chết cả. Ai cũng tìm tư do và sự sống. Sống là một khát vọng tự nhiên của trái tim. Ngay cả những người không tin có sự sống đời đời, cũng tìm cách trốn tránh cái chết bằng mọi giá để được tiếp tục sống. “Suối nguồn tuổi trẻ” vẫn luôn luôn là một trong những giấc mơ của con người. Các nhà khoa học hiện đại đã làm rất nhiều thí nghiệm “ngủ đông,” hi vọng sẽ làm cho thân thể con người sống lại một ngày nào đó.

Hai con người của thánh Phaolô (một cũ, một mới) có thể coi là con người “tối tăm” và con người “giác ngộ”: một người nhìn thấy Ánh sáng, một người thì không.

Con người không nhìn thấy Ánh sáng thì tìm câu trả lời và giải đáp cho các vấn nạn của anh ta, đặt tất cả niềm hi vọng một sự sống bất tận vào khoa học, triết học, luật pháp, luân lý, khổ hạnh. Còn người đã thấy Ánh sáng thì hi vọng tìm thấy sự sống ở nơi Chúa Kitô, vì Người là ánh sáng và là sự sống.

  1. Định mệnh của con người

Kitô giáo không phải là một hệ thống triết học, cũng không phải là một nền luân lý, hay một bộ luật. Kitô giáo là sức mạnh của Thiên Chúa, được nhân hóa và được trao ban cho chúng ta nơi Chúa Kitô. Truyền giáo có nghĩa là loan báo tin mừng rằng TC đến cứu chúng ta, rằng có thể, và hơn thế nữa, chắc chắn có cứu độ, có sự sống đời đời, có việc đi qua cái chết để vào cõi sống. Sự khả dĩ ấy, sự chắc chắn ấy, sự bảo đảm ấy là Chúa Kitô, và chỉ duy Chúa Kitô mà thôi!

Cuộc đời của một con người có thể chuyển động trong hai cái vòng tròn: một vòng tròn của sự chết và một vòng tròn của sự sống. Khi anh ta tìm sự sống trong quyền bính, trong khoái lạc, trong tham vọng… anh ta đi từ khám phá này đến khám phá khác, thấy rằng tất cả những cái đó đều hạn chế, và do đó, không thể thoả mãn được nỗi khát khao một thế giới không biên cương và một cuộc sống không sợ phải biến mất hoặc tan ra hư không. Anh ta đi loanh quanh vô định trong tình trạng vô vọng của sự chết.

Nếu chúng ta tìm sự sống qua các phương thế khổ hạnh, qua triết học, qua “tôn giáo” (theo nghĩa là chỉ bám vào các tín điều và những hình thức phụng tự bên ngoài), qua các bộ luật… mà thôi, chúng ta sẽ không tìm thấy đâu, vì tất cả những cái này, dù là tốt, dù là hữu ích, nhưng căn bản là bất lực, dễ dàng trở thành gánh nặng, và tự chúng không thể đem lại sự sống thật.

Trong hoàn cảnh đó, người nào muốn tự do và một cuộc sống không giới hạn thực sự, chỉ có một con đường: cũng như dân Israel ở Ai Cập, kêu cầu “cánh tay hùng mạnh” của Giavê đến giải cứu; và như thánh Phaolô: “Ai sẽ cứu tôi khỏi cái thân thể chết dẫm này?” hay như ông Job giữa những khốn cùng:

“Tôi sẽ liều mạng đến một mất một còn

Người có thể giết tôi, tôi chẳng còn gì để hy vọng

Nhưng trước nhan Người,

cách sống của tôi, tôi phải biện hộ.

Đó chính là điều sẽ cứu tôi,

vì trước nhan Người,

ác nhân sẽ không dám xuất đầu lộ diện” (Jb 13:14-16)

Dân Israel được cứu thoát, không phải bởi Môsê hoặc Aaron hay bởi những cố gắng riêng của họ, nhưng là bởi “cánh tay hùng mạnh” của Yavê. Ông Job cũng thế, Phaolô cũng thế, và chúng ta cũng thế. Trong Kitô giáo, “cánh tay hùng mạnh” của Chúa là Chúa Giêsu Kitô.

“Thiên Chúa, giàu lòng thương xót và hết sức yêu thương chúng ta, nên dù chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (Ep 2:4-5).

Với “cánh tay hùng mạnh” của Người, Chúa Kitô phải đến trong cuộc đời tôi, cuộc đời một Kitô hữu, cuộc đời tác vụ của một linh mục, cuộc đời tông đồ của một tu sĩ. Không phải là một phần, không phải là thỉnh thoảng, không phải là một ít phút hay một vài giờ mỗi ngày, không chỉ chợt đến trong trí tôi để tôi tin, không chỉ đến khi tôi chuẩn bị bài giảng hay khi tôi tĩnh tâm. Nếu ngài đến với tôi một cách hà tiện như thế, tôi sẽ mãi mãi bơi giữa hai dòng nước, ở giữa thế gian và tinh thần, cố gắng vừa là tinh thần vừa là thế tục, để rồi cuối cùng tôi không thể vui hưởng đời sống tinh thần cũng chẳng vui hưởng đời sống thế tục. Một sự mâu thuẫn, vừa có vừa không, một con người chẳng bao giờ hài lòng mà cũng chẳng bao giờ không hạnh phúc.

Chúa Kitô phải đến trong đời tôi một cách trọn vẹn, với tất cả sức mạnh của ngài, với tất cả sức sống của ngài, sẵn sàng chiếm hữu tâm trí, cõi lòng và ý chí của tôi, để thấm nhuần mọi sự với tinh thần của ngài, để thâm nhập vào tất cả mọi khía cạnh cuộc đời tôi, đem lại ý nghĩa cho mọi sự trong tôi, cho tôi chân lý của ngài, và dùng tự do và bình an của ngaì mà biến đổi những trở ngại, những giới hạn và tội lỗi thành những giá trị tích cực, biến đổi “những tình huống chết” thành “những tình huống sống”.

Thực sự, Chúa Kitô luôn luôn sẵn sàng làm tất cả những điều này cho tôi, nhưng ngài chờ đợi tôi mở cửa.

Cũng Chúa Kitô này, Đấng đến với tôi, cũng đến với anh chị em tôi, ngài đứng ở giữa tôi và anh chị em tôi, giữa tôi và những người cùng làm việc với tôi; và khi ngài ở đó, ngài phá vỡ mọi hàng rào, mọi ngăn cách, mọi tình huống của sự chết ở giữa chúng tôi, và làm cho chúng tôi có thể thương yêu nhau, có thể sống bình an với nhau, có thể vào nước trời và sống với nhau trong nước trời. Ngài là sợi dây thương yêu ràng buộc tất cả chúng ta, và làm cho chúng ta trở nên thân thể của ngài, gia đình của ngài. Đây là cái tôi mới, thụ tạo mới do Chúa Kitô sinh ra mà chúng ta phải chấp nhận với tất cả tấm lòng nếu chúng ta muốn là môn đệ của ngài.

  1. Chọn lựa

Đây thực là vấn đề căn bản: là hoặc không là tu sĩ! Đối với dân Israel, họ phải chọn lựa: hoặc là dân của Thiên Chúa, hoặc không là dân của Thiên Chúa. Hễ khi nào họ thưa Vâng, mọi sự trở nên tốt đẹp. Hễ khi nào họ thưa không hoặc vâng một cách không thành thực, mọi sự trở nên cay đắng chua chát. Đối với chúng ta, đó là chấp nhận Chúa là sản nghiệp và giữ cho sản nghiệp ấy được tinh tuyền, nguyên vẹn trước những sản nghiệp khác kém giá trị hơn, là nghiêm chỉnh khi chúng ta nói rằng chúng ta không muốn phục vụ ai khác ngoài Chúa Kitô, là thực sự tin vào Chúa Kitô khi Ngài nói rằng “không ai có thể phục vụ hai chủ” (Mt 6:24).

Khi dân chúng thấy những lời Chúa Giêsu nói về bánh từ trời là khó chấp nhận, và bỏ ngài mà đi, thì ngài hỏi các môn đệ: “Còn các anh thì sao, có muốn bỏ đi không?” Phêrô trả lời: “Thưa sư phụ, chúng con sẽ đi đâu? Sư phụ mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Chúng con tin, và chúng con biết rằng Sư phụ là Đấng Thánh của TC” (Ga 6:67-69).

Chúng ta hãy tưởng tượng một chút. Ở giữa đồng không mông quạnh âý, chúng ta đứng lẫn vào đám đông, nghe Chúa Giêsu, nghe đám dân, rồi nghe ông Phêrô… rồi tự hỏi mình: Chúng ta tin tới mức nào, trong thực tế đời sống hàng ngày, rằng Chúa Giêsu và chỉ có Chúa Giêsu mới có những lời đem lại sự sống đời đời? Không phải là hiến chương hay tu luật, cũng không phải là những phương pháp mục vụ mới mẻ nhất, cũng không phải là những cuộc hội họp… có những lời như thế; và rằng với Chúa Giêsu, mọi sự trở nên có giá trị và hữu ích, nhưng nếu không có ngài thì mọi sự chỉ là “thanh la não bạt va chạm coong coong”.

Khi chúng ta đắm chìm vào tất cả những việc này và quên mất Chúa Giêsu – hoặc cho người một ghế dự bị ở băng sau trong kế hoạch của chúng ta – chúng ta hăng say làm việc và hoàn thành nhiều việc… hoặc chúng ta nghĩ thế! Nhưng khi chúng ta trở lại cung thánh tâm hồn và thấy mình một mình trước lương tâm, và trước Chúa, chúng ta có nhận thấy là mình sống thực sự không? Chúng ta có an nhàn thư thái không? Chúng ta có xác tín đầy đủ rằng “những lời đem lại sự sống” đang hoạt động trong chúng ta và trong công việc tông đồ của chúng ta không?

Nhiều bạn bè của chúng ta: Linh mục, tu sĩ, đã “trở lại đất Ai Cập”, đã thay đổi quyết định và từ bỏ sứ vụ. Tại sao? Và chúng ta nghĩ là chúng ta có thể kiên trì trong ơn gọi của chúng ta trong bao lâu, và hi vọng tìm được niềm vui và hạnh phúc trong “gia sản” của chúng ta nếu chúng ta không gắn bó với Chúa Kitô như là Đấng duy nhất có những lời đem lại sự sống đời đời?

Có lẽ chúng ta đang sống dưới đám mây của ảo tưởng chăng?…

Chúa Kitô có những lời đem lại sự sống đời đời, không phải một cách chung chung, nhưng ở đây và lúc này, trong từng hoàn cảnh cụ thể. Bất cứ khi nào người ta đến với Chúa với những khó khăn về đức tin, đau ốm hay sợ hãi… thì ngài nói đến lời ngài là lời của đức tin, lời chữa lành, lời đem lại bình an, và vì là lời của một Thiên Chúa tối cao, nên lời đó đem lại kết quả ngay tức khắc. Bình an, đức tin và sự chữa lành có công hiệu ngay lập tức.

Chúng ta thường nói những lời tương tự cho người ta và khích lệ người ta đến với Chúa để tìm kiếm lời toàn năng của ngài. Chính chúng ta cũng hãy đến với ngài, ngày lại ngày, với tất cả sự khiêm tốn và tin tưởng hoàn toàn: Lạy Chúa, xin hãy nói lời Chúa trên con, nhờ đó con có thể theo Chúa và chỉ một mình Chúa; xin hãy nói lời Chúa trên sứ vụ của con, nhờ đó con có thể rao giảng Chúa và chỉ một mình Chúa thôi.

Cuộc đấu tranh giữa cái tôi cũ và mới vẫn tiếp tục torng chúng ta, vì trên trái đất này không có sự hoàn thiện, và chúng ta sẽ tiếp tục nếm mùi thất bại; nhưng với Chúa Kitô là lời thực sự trong cuộc đời chúng ta, thách đố không còn là sự đe dọa, và nhất định có thể có chiến thắng trong trận chiến.

Chúng ta vẫn tiếp tục phải đọc kinh “Xin Chúa thương xót con” mỗi ngày, nhưng chúng ta sẽ cảm thấy là mình đứng vững trên mặt đất cứng và đáng tin cậy.

Chúng ta sẽ chán nản khi nhận ra rằng chúng ta là những kẻ tội lỗi, nhưng chúng ta cũng biết rằng Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta và biến đổi tội lỗi thành nguồn hy vọng và động lực để tin tưởng hơn vào ngài. Chúng ta sẽ vẫn than vãn về vô số những giới hạn trong cuộc đời chúng ta và trong sứ vụ tông đồ của chúng ta, nhưng đồng thời chúng ta cũng sẽ cảm nghiệm được sức mạnh của TC trong chúng ta.

Chúng ta sẽ vẫn thấy mình ở trong những hoàn cảnh của sự chết; nhưng chúng ta vẫn được bảo đảm được sống. Chúng ta sẽ vẫn đi qua sa mạc, nhưng chúng ta cũng sẽ được thưởng thức những hoa quả dồi dào nơi Đất Hứa.

Giống như con rắn đồng treo lên trước mặt dân Israel, thập giá của Chúa Kitô cũng luôn luôn đứng trước mặt chúng ta mà chiếu giãi sự sống. Chúng ta hãy tập trung nhìn vào đấy, và gạt bỏ những vị thần khác đi.

Bí tích rửa tội là một sự chọn lựa căn bản, chọn lựa Chúa Kitô. Lời khấn dòng và chức linh mục chỉ là long trọng khẳng định lại những cam kết khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội.

Chúng ta biết rằng Thiên Chúa không thích chuyện nửa vời. “Tôi là đường, là sự thật và là sự sống” (Jn 14:6). “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi tựa đầu” (Mt 8:20). “Hãy theo Tôi và Tôi sẽ làm cho các anh thành ngư phủ lưới người ta” (Mt 4:19).

Mỗi ngày, chúng ta có sẵn sàng để trả lời không do dự: “Thưa sư phụ, con sẽ theo sư phụ đi bất cứ nơi đâu” (Mt 8:19) không? Không quay nhìn lại, không cầm lại cái cày, không xin có thòi giờ để “chôn cất kẻ chết”?

Một linh mục có thể đi nơi đâu khác nếu muốn là một linh mục thực sự? Một tu sĩ có thể đi nơi đâu khác nếu muốn sống đời thánh hiến thực sự?

Chọn lựa triệt để là bí tích rửa tội mà việc truyền chức và lời khấn dòng đôi khi gọi là quyết định triết để. Ngay lúc này tôi có cần đến một quyết định triệt để không? Chúa Jêsu bảo tôi phải làm gì:

“Nếu mắt phải ngươi gây dịp tội cho ngươi, hãy móc mắt và quẳng đi… Nếu tay phải ngươi gây dịp tội cho ngươi, hảy chặt và ném đó đi” (Mt 5:29-30).

“Mắt phải, tay phải” – đó là những thứ mà chúng ta quí nhất, yêu nhất, những thói quen mà chúng ta gắn bó nhất, công việc tông đồ mà chúng ta cho là không thể thiếu được, một mối liên hệ mà chúng ta cho là không thể thiếu được… Nếu những thứ này gây dịp tội, nghĩa là trở thành nguyên cớ của sự sai lạc, phân tách chúng ta thành hai con người: con người thánh hiến và con người thế tục… thì không đáng để giữ lại, cần phải cắt chặt và quăng đi. Dù là đau đớn!

Bao nhiêu ơn gọi bị mất đi mà lẽ ra không bị mất nếu việc này được làm đúng lúc?

Nếu có gì đó trong đời chúng ta đáng bị cắt chặt và quăng đi, đừng hoảng hốt. Chúng ta hãy kêu lên Chúa và xin Người làm việc đó cho chúng ta. Người sẽ làm việc đó, vì tuy là nhà giảng tuyết triệt để, nhưng ngài cũng là một y sĩ có lòng nhân từ. Hay như ông Job đã xác nhận từ kinh nghiệm bản thân của mình:

Người gây thương tích rồi chính Người băng bó,

Đánh ầm dập, rồi lại ra tay chữa lành” (Job 5:18).

                                                                        Bài giảng tĩnh tâm, 4/2018 

                                                                        Lm Giu se Nguyễn Văn Chữ, OP