Khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời trong thời đại thế tục

571 lượt xem 24 Tháng Năm, 2018

Khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời trong thời đại thế tục

Có người từng hỏi Hồng y Francis George rằng ngài nghĩ sao về chủ nghĩa hòa bình triệt để của những người như Dorothy Day và Daniel Berrigan, những nhân vật mang tính ngôn sứ, những người tin vào bất bạo động tuyệt đối. Họ bảo ngài rằng chủ nghĩa hòa bình không có chút thực tế nào cả, thật quá ngây thơ khi tin rằng chúng ta có thể sống mà không có cảnh sát hay quân đội. Và ngài trả lời thế này: Thế giới cần những người theo chủ nghĩa hòa bình, cũng như cần có những người khấn giữ đời độc thân. Họ không thực tế. Họ như không thuộc về thế giới này vậy. Nhưng họ hướng về thế giới cánh chung, thế giới thiên đàng, một thế giới trong đó không có súng đạn, một nơi mà sự riêng biệt quan hệ không như kiểu hiện thời, một nơi mà gia đình không dựa trên sinh học, huyết thống, hôn nhân, một nơi không có người nghèo, và một nơi mọi thứ thuộc về mọi người.

Gần đây tôi đã nghĩ về điều này khi hướng dẫn tĩnh tâm về đời sống tu trì cho một nhóm thanh niên đang nhận định xem mình có đi vào đời sống tu trì hay không. Nhiệm vụ của tôi không phải là thuyết phục họ vào một dòng tu, mà là giúp họ hiểu rằng cuộc sống đó như thế, mà từ đó là quyết định có gia nhập hay không. Dĩ nhiên là có một cuộc thảo luận dài về ba lời khấn trong đời sống tu trì là khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời.

Trong một thế giới đặt hy vọng vào sự giàu có vật chất, đánh đồng khiết tịnh với lãnh cảm, và xem tự do cá nhân cao hơn bất kỳ điều gì, thì chúng ta nói gì về khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục đây?

Chắc chắn ba đức tính này bị xem là phản văn hóa triệt để, nhưng chủ yếu là bởi người ta không hiểu rõ chúng (thậm chí có khi cả những người sống ba đức tính này cũng vậy). Chúng chủ yếu bị xem là một sự từ bỏ quyết liệt, hy sinh cả đời mình, một sự chối bỏ phi tự nhiên tính dục của mình, và nông nổi từ bỏ tự do cũng như sự sáng tạo của mình. Nhưng đấy là hiểu lầm.

Khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, không hề tránh đi sự giàu có, tính dục, và tự do. Đúng ra, chúng là một phương thức đích thực và phong phú, của sự giàu có, tính dục và tự do.

Lời khấn khó nghèo không phải chủ yếu là để sống với những thứ rẻ tiền, không có máy rửa chén và phải làm việc nhà. Cũng không phải là từ bỏ những dạng giàu có có thể làm triển nở cuộc đời. Một đời sống khó nghèo tự nguyện là một cách sống nói lên rằng mọi sở hữu vật chất đều là ơn ban, rằng thế giới thuộc về tất cả mọi người, rằng không ai làm chủ cả một quốc gia, và không một ai được đặt nhu cầu của mình lên hàng đầu. Đấy là một lời khấn đối đầu với chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa bộ lạc, nó đem lại những sự giàu có tuyệt vời của nó với ý nghĩa và hạnh phúc vui mừng của đời sống chia sẻ.

Lời khấn khiết tịnh cũng thế. Hiểu cho đúng, thì đó không phải là bỏ lỡ những niềm vui của tính dục. Mà đó là một phương thức phong phú của tính dục, nói lên rằng tính dục không chỉ là tình dục. Tính dục thật đẹp, là ơn Chúa ban và thúc đẩy chúng ta làm rất nhiều điều: xây dựng cộng đồng, tình bạn, sự gần gũi, sự trọn vẹn, gia đình, vui chơi, vị tha, thưởng thức, phấn khởi, sáng tạo, chăn gối, và mọi thứ đưa chúng ta vượt ra khỏi sự cô đơn cũng như làm cho chúng ta sinh sôi. Và thế là nơi cộng đồng, tình bạn, và việc phục vụ người khác có những niềm vui thực sự, chứ không chỉ là một thứ thay thế hạng hai cho tình dục. Chúng đem lại sự triển nở tính dục theo nghĩa đưa chúng ta ra khỏi sự cô độc.

Về lời khấn vâng phục cũng thế. Nếu hiểu đúng, thì đấy không phải là bỏ qua tự do đích thực. Mà là một phương thức phong phú của tự do, một phương thức mà Chúa Giêsu đã sống: (Ngài nói rằng: “Ta không tự mình làm việc gì. Mà Ta làm theo ý Cha Ta.”) Lời khấn vâng phục, không phải là nông nổi từ bỏ tự do và sự chính chắn của mình. Đúng ra đấy là sự quy phục triệt để bản ngã con người (cùng mọi thương tích, khao khát, dục vọng, tham vọng và ghen tỵ) cho một sự và một Đấng cao hơn chính mình, như chúng ta đã thấy nơi những người dấn thân nhân văn và tu trì của Chúa Giêsu, Teilhard de Chardin, Dag Hammarskjold, Simone Weil, Mẹ Teresa, Jean Vanier, Daniel Berrigan. Nơi Chúa Giêsu và các vị ấy, chúng ta thấy một con người sống trên đời này với sự tự do mà chúng ta phải ghen tỵ, nhưng cũng là một tự do dựa vào sự quy phục ý mình trước một sự cao trọng hơn.

Suy nghĩ và cảm giác của chúng ta bị chi phối nhiều bởi tâm thức văn hóa mà chúng ta đang sống. Do đó, với cách hiểu của nền văn hóa ngày nay về sự giàu có, tính dục và tự do, thì đây có lẽ là thời kỳ khó khăn nhất trong nhiều thế kỷ qua, để ai đó tuyên khấn khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục, và sống theo những lời khấn ấy. Các cộng đoàn dòng tu nhỏ tuyệt vời cũng không phải chỗ người ta đổ xô đến xin vào. Nhưng vì hiện tại là thời điểm khó khăn hơn bao giờ hết, thì cũng cần hơn bao giờ hết, những người nam nữ tự nguyện chọn sống những lời khấn này trong tinh thần ngôn sứ.

Và cái có vẻ như là hy sinh của họ sẽ là phần thưởng dư dật, vì nghịch lý thay, khó nghèo đem lại sự giàu có của nó, khiết tịnh đem lại sự triển nở của nó, và vâng phục cho chúng ta sự tự do sâu sắc nhất của con người.

Ronald Rolheiser, 2018-04-30

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: http://phanxico.vn