Sr. Maria Hồng Tuyền, OP
Mọi người được mời gọi nên thánh và có bổn phận nên thánh dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào.[1] Tuy nhiên, mỗi vị thánh có con đường nên thánh khác nhau, có vị dùng máu đào minh chứng đức tin, vị khác dùng mạng sống bảo vệ đức khiết tịnh, có vị hy sinh hãm mình trong tất cả các việc lớn nhỏ để tỏ lòng yêu mến Chúa, v.v… Mỗi vị mỗi cách thức riêng, cách nào cũng độc đáo chẳng rập khuôn ai, nhưng giữa các vị có một điểm chung, đó là đức khiêm nhường theo gương Đức Giêsu.
Khiêm nhường là gì? Tại sao cần sống khiêm nhường?
Khiêm nhường thường được hiểu là sự biết mình, không khoe khoang, phô trương hay kiêu căng tự mãn nhưng nhã nhặn, khiêm tốn trong cung cách ứng xử. Người khiêm nhường không ỷ lại vào sức riêng mình nhưng luôn trông cậy, phó thác vào Thiên Chúa và tình thương của Người.
Trong cuộc sống hằng ngày, người khiêm nhường dễ cảm thấy hạnh phúc và bình an trong tâm hồn vì họ chấp nhận sự thật về chính mình, không bận tâm đua chen để giành lấy tiếng tăm hay tìm kiếm sự ảnh hưởng. Họ an vui trong hoàn cảnh của mình và cố gắng xây dựng cuộc sống theo khả năng Chúa ban, không màng hư danh. Với cách sống này, họ được nhiều người yêu mến, kính trọng vì luôn sẵn sàng mở lòng đón nhận cái hay, cái tốt từ người khác, kiên trì học hỏi và rèn luyện bản thân. Cũng nhờ đó, khi gặp những hoàn cảnh khó khăn của người khác, họ dễ dàng thông cảm và sẵn sàng ra tay giúp đỡ.
Dân gian có câu: “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”. Đây là những hình ảnh trong tự nhiên tượng trưng cho sự khiêm nhường. Sống trên đời, con người cần khiêm tốn, giống như dòng sông càng “hạ mình xuống” thì nó càng hứng được nhiều nước và phù sa từ các con sông khác mới đổ vào. Bông lúa cũng vậy, khi chín, ngọn lúa sẽ rũ xuống theo quy luật tự nhiên như để tỏ lòng biết ơn về tất cả những gì đã được đón nhận.[2] Bài học từ dòng sông và bông lúa chín giúp ta hiểu rõ hơn rằng càng khiêm tốn đón nhận ta sẽ càng được ban tặng nhiều hơn và mọi sự ta có là nhờ bởi ơn Chúa.
Đối với người Kitô hữu, khiêm nhường được coi là nhân đức nền tảng cho các nhân đức luân lý và là điều kiện cần để tâm hồn có thể đón nhận các ân sủng, vì chỉ những ai khiêm hạ mới thiết tha tìm kiếm Thiên Chúa và đón nhận sự trợ giúp của Người. Kẻ kiêu căng tự mãn sẽ chẳng còn chỗ trống trong tâm hồn để Thiên Chúa bước vào cuộc đời và thi ân giáng phúc cho họ. Thiên Chúa không thể ban ơn cho những ai đã thấy mình dư đầy vì họ không muốn đón nhận. Người chỉ ban ơn cho kẻ khiêm nhường và chống lại phường kiêu ngạo (x. Cn 3,34). Ai khiêm tốn hạ mình xuống thì sẽ được cất nhắc lên như người đi dự tiệc khiêm tốn tìm chỗ cuối và được chủ mời lên nơi vinh dự (x. Lc 14,11). Nói cách khác, nếu sự kiêu căng khiến con người xa cách Thiên Chúa và anh chị em thì trái lại, sự khiêm nhường giúp họ gần gũi tha nhân và là con đường dẫn tới quê trời.
Vậy, nhân đức khiêm nhường không chỉ là yếu tố giúp ta sống an bình, hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại mà còn là phương thế giúp ta trở nên công dân nước trời mai sau. Chiêm ngắm gương sống của Chúa Giêsu, ta có thể dễ dàng nhận ra sự khiêm tốn của Người được thể hiện qua cách sống và tinh thần phục vụ, vì Người không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ trong yêu thương và khiêm tốn.
Đức Giêsu: Thầy sống và dạy sống khiêm nhường
Chúa Giêsu không dạy lý thuyết suông nhưng những gì Ngài dạy các môn đệ thì Ngài đã sống và thực hành trước. Điều ấy được thể hiện cách cụ thể qua việc Ngài là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa nhưng đã hạ mình vâng phục Chúa Cha, chấp nhận mang thân phận phàm nhân, làm con người thợ mộc nghèo thành Nagiaret. Ngài rao giảng Tin Mừng để cứu độ nhân loại nhưng bị nhiều người hiểu lầm, vu oan, chống đối và cuối cùng chịu chết ô nhục trên Thập giá (x. Pl 2,6-8). Nơi Tin Mừng Mát-thêu, ta bắt gặp chân dung của Đức Kitô như vị Tôi Trung hiền lành và khiêm nhường: Không kêu to, không nói lớn, không nỡ bẻ cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn leo lét (x. Mt 12,18-20). Người Tôi Trung ấy đã vâng ý Cha thi hành sứ mạng cứu độ nhân loại với tâm tình khiêm nhường của người con thảo. Khi vào thành Giêrusalem, dù được dân chúng tung hô, Chúa Giêsu vẫn xuất hiện như vị vua hiền lành, khiêm nhường cỡi trên lưng lừa (x. Mt 21,1-11). Đặc biệt, trong bữa Tiệc Ly, Ngài đã khiêm tốn cúi xuống rửa chân cho các môn đệ để các ông cũng noi gương Chúa, khiêm tốn phục vụ lẫn nhau (x. Ga 13, 4-5), v.v… Đó là cung cách sống khiêm nhường của Chúa, chẳng phải là những ngôn từ cao xa nhưng là những hành động cụ thể đầy tình thương mến Chúa dành cho các môn đệ. Vậy, Chúa Giêsu đã thực hành đức khiêm nhường cách sống động như thế, còn những bài học Ngài dạy các môn đệ thì sao?
Trong hành trình rao giảng, khi dạy dỗ các môn đệ và đám đông, Chúa Giêsu loan báo và mời gọi mọi người hãy mang lấy tinh thần hiền lành và khiêm nhường. Trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế, Chúa Giêsu nêu rõ bài học: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14). Chúa dạy các môn đệ đừng tự mãn vì những gì mình làm nhưng sau khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, hãy nói: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). Chúa giúp các môn đệ khiêm tốn chân nhận rằng mọi sự họ có là bởi lòng thương xót của Chúa, vì “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Thật thế, chúng ta chỉ là những tôi tớ vô duyên bất tài được Thiên Chúa đoái thương, chẳng có gì để cao ngạo hay tự mãn. Là môn đệ của Chúa, chúng ta được mời gọi bước theo Chúa trên con đường khiêm nhường như Người đã phán: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Bước theo Thầy Giêsu trên đường khiêm nhường
Là những người được Thiên Chúa “tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương,” chúng ta cần luyện tập để có lòng khiêm nhu (x. Cl 3,12) như Thầy Giêsu đã sống. Tuy nhiên, việc trở nên người hiền lành và khiêm nhường là điều không dễ dàng, nhất là trong xã hội mà người ta thường đánh giá nhau qua những thứ bên ngoài như hiện nay. Thế nhưng điều an ủi chúng ta là Thiên Chúa có cái nhìn khác loài người. Ngài không nhìn theo kiểu thế gian nhưng nhìn vào tấm lòng và thấu biết thâm tâm từng người (x. 1 Sm 16,7). Kẻ khiêm nhường luôn luôn được Thiên Chúa yêu thương đoái nhìn, bao bọc và chở che. Thêm vào đó, với ước muốn được trở nên khiêm nhường, chúng ta không đơn độc trên con đường rèn luyện nhân đức. Đồng hành với chúng ta có Mẹ Maria và rất nhiều anh chị thánh trong Dòng cùng nhiều vị thánh khác đã đi trước nêu gương.
Nhìn vào cuộc đời Mẹ Maria, ta thấy Mẹ là nữ tỳ khiêm hạ luôn chăm chú lắng nghe và mau mắn vâng phục thánh ý Thiên Chúa và được Thiên Chúa hết lòng sủng ái. Mẹ đón nhận biết bao ân huệ của Thiên Chúa và được ca tụng là người “được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (Lc 1,42) nhưng Mẹ vẫn luôn khiêm tốn với tâm tình xin vâng, phó thác và quy hướng tất cả về Thiên Chúa. Chính vì thế, khi suy gẫm về gương khiêm nhường của Mẹ Maria, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ cho chúng ta biết bí quyết để Đức Mẹ được Thiên Chúa ân thưởng cao trọng đó là nhờ lòng khiêm nhường. Quả vậy, bằng cuộc sống khiêm nhường, Mẹ đã “thu hút ánh nhìn của Thiên Chúa” và để Thiên Chúa lấp đầy tâm hồn Mẹ bằng những ân sủng tuyệt vời.[3]
Nhìn vào gương cha thánh Đa Minh ta cảm nhận một điều là đức khiêm nhường là nền tảng cho sự thánh thiện. Những câu chuyện về gương sống khiêm nhường của cha thánh thường được anh chị em trong Dòng kể lại với lòng yêu mến và cảm phục. Cha thánh luôn ý thức mình là hư vô trước mặt Thiên Chúa nên ngài thường ăn chay đánh tội và phủ phục cầu nguyện lâu giờ trước mặt Chúa. Ngài đã từng khước từ chức giám mục. Không những thế, cha thánh hằng mong ước được an táng dưới chân anh em mình. Di ngôn cha để lại cho con cái trong Dòng là: “Các con hãy có đức ái, giữ lòng khiêm tốn và tình nguyện sống nghèo.” Đời sống của cha thánh chứng minh rằng sự khiêm tốn giữ vai trò quan trọng trong sứ vụ rao giảng Lời. Người giảng thuyết là người phục vụ Lời Chân lý. Do đó, người giảng thuyết trước hết phải là người khiêm tốn, có như thế họ mới để Lời Chúa thấm nhuần, hướng dẫn và trở nên nguồn sống của họ. Kẻ kiêu ngạo chỉ thích nói về mình, ca ngợi bản thân và chẳng muốn ai chen vào vinh quang của họ.
Noi gương cha thánh, mỗi chúng ta mong được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu – Vị Thầy khiêm nhường trong các hoạt động và cầu nguyện chiêm niệm của chúng ta.[4] Không những thế chúng ta cần biến điều mong ước đó trở thành hiện thực nhờ trung thành tập luyện trở nên khiêm tốn để biết mau mắn lắng nghe và thực thi ý Chúa hầu có thể ra đi rao giảng về Chúa.
Tuy nhiên, sự khiêm nhường đích thực mà Thiên Chúa muốn chúng ta thực hành phải xuất phát từ trong lòng chứ không chỉ là thái độ bên ngoài. Cách cụ thể, với bản thân, chúng ta hãy tô điểm cuộc đời mình và làm cho nó có giá trị bằng các nhân đức. Mỗi chúng ta hãy là người có “nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà” (1 Pr 3:3-4). Còn trong đời sống cộng đoàn, chúng ta hãy khiêm tốn, nhường nhịn nhau để xây dựng đời sống huynh đệ yêu thương, hiệp nhất. Kẻ kiêu ngạo thường gây chia rẽ, bất an, loại trừ người khác, nhất là đối với những ai yếu kém hơn mình. Vì thế, nếu một cộng đoàn càng có nhiều người khiêm nhường thì cộng đoàn ấy càng có phúc, như Thánh Phêrô đã nói: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5:5).
Tóm lại, sự khiêm nhường, bé nhỏ, luôn trông cậy vào Chúa là tâm tình mà Chúa muốn nơi mỗi chúng ta. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không được lơ là trong việc học và thực hành bài học này. Đó là một trong những cách để chúng ta nên thánh giữa đời thường. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria và cha thánh Đa Minh giúp chúng ta thực hành đức khiêm nhường với niềm vui phó thác. Ước gì tâm tình khiêm tốn của Vịnh gia trong Thánh vịnh 131 cũng là tâm tình chúng ta thưa lên Chúa mỗi ngày:
Lòng con chẳng dám tự cao,
Mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
Việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
Hồn con, con vẫn trước sau
Giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
(Tv 131,1-2)
_______________
[1] x. Vaticanô II, Lumen Gentium, số 42.
[2] Xem https://voh.com.vn/song-dep/song-sau-tinh-lang-lua-chin-cui-dau-495773.html.
[3] ĐTC Phanxicô. Khiêm Nhường Là Bí Quyết Dẫn Lên Thiên Đàng. Xem https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-08/dtc-phanxico-kinh-truyen-tin-duc-me-hon-xac-len-troi-khiem-ton.html.[4] GLHTCG, số 2713.
Tin cùng chuyên mục:
Trải nghiệm sa mạc tâm hồn trong Mùa Chay
Vui mừng chào đón người ăn năn thống hối – Suy niệm tin mừng Chúa nhật 4 Mùa Chay năm C
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Chay C – Sám Hối Và Canh Tân Đời Sống
Mùa Chay – Mùa Sám Hối Và Biến Đổi