Cô Jeanne Pelat trong một chương trình Téléthon khi còn nhỏ, từ năm 2004.
Cô Jeanne Pelat, hình ảnh tiêu biểu của chương trình gây quỹ trên truyền hình, Téléthon đã chọn đời sống cầu nguyện nơi các nữ tu Dòng Đức Mẹ Đi Viếng. Sắp 22 tuổi và sau 5 năm nhận định, ngày 16 tháng 10, cô Jeanne Pelat sẽ vào nhà dòng.
Cô Jeanne Pelat người gốc Lezennes, gần thành phố Lille, cô bị bệnh suy cơ, là sứ giả của chương trình gây quỹ trên đài truyền hình Téléthon, tốt nghiệp lịch sử nghệ thuật và ngành báo chí, cử nhân thần học, cô sẽ vào Dòng Đức Mẹ Đi Viếng và sẽ sống với 10 nữ tu khác, trong đó có hai tập sinh. Cô sẽ là nữ tu trẻ nhất, người lớn tuổi nhất 58 tuổi. Đầu tháng 10, trong lần Hành hương quốc gia Mân côi ở Lộ Đức, cô đã đọc tham luận trước hàng ngàn người về chủ đề “Bệnh tật, một món quà”. Tháng 1 năm 2019, cô sẽ ra mắt quyển sách thứ nhì về chủ đề linh đạo của sự đau khổ, Đau khổ và con đường đến Chúa (Souffrance et chemin vers Dieu, nxb. Bayard). Ngạc nhiên trước niềm hy vọng, niềm vui sống, trước sự trưỏng thành đặc biệt của cô, chúng tôi gặp cô ở nhà cô vài ngày trước khi cô vào Dòng… tu kín, để làm chứng thêm một lần nữa đức tin của mình.
Quyển sách thứ nhất của cô: Cự lại! Một đời sống trong một thân thể mà tôi không chọn. Nxb. Bayard.
Vào nhà dòng lúc 21 tuổi… Cái gì thúc đẩy cô có một chọn lựa dứt khoát như vậy?
Một chọn lựa như vậy luôn đến sau một tiếng gọi mà mình không mong chờ. Nhưng mình biết tiếng gọi này đến từ Chúa. Tuổi vị thành niên tôi sống như bất cứ một cô gái bình thường nào. Tôi vui về mặt học hành, về cuộc sống xã hội cũng như cuộc sống tình thương. Dù vậy, tôi nhận tiếng gọi này từ 5 năm nay. Vào thời đó nó vẫn còn mù mờ, tôi còn quá trẻ. Nó đặt cho tôi câu hỏi về đời sống tu trì. Một năm sau có tiếng gọi thứ nhì, tiếng gọi này cũng rất mạnh và làm cho tôi xáo trộn, nhưng nó cực kỳ chính xác, đó là sống đời sống chiêm niệm.
Chính xác tiếng gọi này kêu gọi cô phải sống như thế nào?
Đây là một câu hỏi lớn! Tôi sống kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô rất mạnh. Một cái gì mà tôi hoàn toàn không mong chờ. Chính tôi là người đầu tiên ngạc nhiên. Một cú sét mạnh không thể tưởng tượng. Dù tôi là người có đức tin và giữ đạo, nhưng tôi không nghĩ đến đời sống tu trì.
Tôi hình dung tôi sẽ lập gia đình, sẽ có một nghề. Và tiếng gọi này đã làm thay đổi tất cả. Một cái gì điên điên khùng khùng chỉ có thể đến từ Chúa. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình hạnh phúc và triển nở như bây giờ và chưa bao giờ tôi thấy chỗ của mình là phải ở trong tu viện.
Nhưng làm sao mà ơn gọi lại áp đặt trên cô?
Tôi dùng thì giờ để suy nghĩ. Khi lần đầu tiên nghe tiếng gọi, tôi nói với với người hướng dẫn tâm linh của tôi. Sau đó mới thật sự đến thời gian phân định. Tôi được tháp tùng trong quyết định này và trong suốt thời gian này, tôi được thúc đẩy để xem xét và nghĩ đến mọi khía cạnh.
Tôi đã nghĩ đến việc hành nghề báo chí, tôi cũng nghĩ đến đời sống gia đình. Tất cả các dự trù này đều có thể thực hiện được. Nhưng có một tiếng gọi mạnh hơn và tận căn hơn tiếng gọi kia, không còn gì có thể làm cho mình thích và lôi cuốn mình. Không phải chuyện bỏ trốn hay một chọn lựa vì không có chọn lựa nào khác, nhưng đây là một chọn lựa thật. Ở Dòng Đức Mẹ Đi Viếng, các nữ tu vào Dòng sau khi đã đi học, đã có một cái gì trước đó, một nghề hay một đời sống khác. Về phần tôi, tôi đã có vài bạn trai, chúng tôi rất hợp. Quyết định của tôi làm mọi người ngạc nhiên. Nhưng chính tôi là người ngạc nhiên đầu tiên!
Dù vậy đời sống tu trì này sẽ làm cho cô bị bỏ rơi. Cô rời gia đình, rời nhà cửa… Làm sao cô chắc lối sống tu trì sẽ hợp với cô?
Đây là một chọn lựa đã chín muồi sau nhiều năm tháng suy nghĩ để tìm hiểu đời sống tu trì mà tôi được gọi. Tôi tìm hiểu các chứng từ trên trang mạng của Hội đồng giám mục Pháp (CEF) về dòng tu nữ, về đời sống đan tu và những điều này củng cố cho quyết tâm của tôi, thậm chí tôi không còn nghi ngờ gì. Tôi tìm hiểu đặc sủng của nhiều dòng khác nhau, linh đạo, quy tắc, lối sống của họ. Phân định này tôi làm trong ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là phân định giữa đời sống chiêm niệm và đời sống tông đồ. Phân định thứ nhì là tìm hiểu mình nên đi Dòng nào. Phân định thứ ba là chọn cộng đoàn. Sau khi phân định, dĩ nhiên đối với tôi, tôi chọn đời sống chiêm niệm trong Dòng Đức Mẹ Đi Viếng.
Cô rời gia đình, nhà cửa, bạn bè…
Mỗi thời có một việc! Để đi ra, để đi học, để làm chứng… và một thời để trả lời cho Chúa, Đấng đã chỉ cho tôi có một đời sống hạnh phúc đích thực và tự do cho tôi, trong đơn sơ, không thừa mứa, không nông cạn.
Vì sao cô chọn Dòng Đức Mẹ Đi Viếng?
Đó là Dòng xây dựng trên đức bác ái được Thánh Phanxicô Salê và Thánh Gioana Chantal thành lập – Thánh Phanxicô Salê là thánh bổn mạng của các nhà báo! Để phản ứng lại với tình trạng suy đồi các dòng tu thời đó, nhưng nhất là để đón nhận các phụ nữ không được các dòng lớn nhận, vào thời đó các phụ nữ này là các bà góa, các phụ nữ nghèo và có sức khỏe kém. Thánh Phanxicô Salê muốn “dâng lên Chúa các cô gái của hương nguyện, các tâm hồn có chiều sâu xứng đáng phục vụ Chúa cao cả và thờ phượng Chúa trong tinh thần, trong sự thật”.
Cô Jeanne Pelat trong một chương trình Téléthon
Chúng tôi hoàn toàn xác tín, chúng tôi khi nào cũng hiệu quả hơn, hữu ích hơn khi ở dưới chân nhà tạm.
Là “các Nữ tu hương nguyện” có nghĩa là gì?
Là nữ tu chiêm niệm, chúng tôi tin chắc chúng tôi dấn thân trong giáo hội như tôi đã được đào tạo ở Trung tâm đào tạo mục vụ và giáo lý liên địa phận (Cipac), để quản trị giáo xứ, dạy giáo lý, dạy các lớp cho các người trẻ hơn và qua chứng từ của tôi. Nhưng chúng tôi cũng hoàn toàn xác quyết, chúng tôi sẽ hiệu quả hơn, hữu ích hơn khi ở dưới chân nhà tạm. Cũng khá khùng khùng khi nói các nữ tu chiêm niệm thì không hữu ích, nhưng chúng tôi sống trong cầu nguyện, trong công việc, trong đời sống chị em. Chúng tôi khấn đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Linh đạo là linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu, dịu dàng và khiêm tốn.
Công việc của cô sẽ là công việc nào?
Một vài nữ tu làm trong ngành vẽ… Tôi sẽ tái tạo lại các bức tượng mà chúng tôi đã được tặng, chúng tôi không muốn để chúng trong tình trạng hư hại. Cũng có ngành may mặc, làm vườn. Chúng tôi khấn đức khó nghèo. Đức này thể hiện trong việc làm. Chúng tôi ăn những gì mình sản xuất, phải làm việc với đất đai để sống, để có tiền trả biên lai! Vì chúng tôi không đụng đến tiền bạc.
Hết trang điểm, hết điệu đàng, những thứ mà cô rất thích!
Thêm một lần nữa, mỗi thời có một việc! Điều này không phải là nói không với nữ tính vì mình vẫn thấy mình là phụ nữ. Dòng Đức Mẹ Đi Viếng là một trong những dòng chỉ có phụ nữ. Các nữ tu dòng tôi ăn mặc rất nữ tính: một áo đen với khăn vuông trắng, một tấm voan đen và thánh giá bằng bạc. Còn chuyện khó nghèo, tôi để lại điện thoại. Nhưng dĩ nhiên là chúng tôi có Internet! Chẳng có gì là cấm chuyện này. Tất cả là phải quân bình. Trong đời sống đan tu, không có gì là cùng đích, không phải thanh chắn, không phải thinh lặng, không phải khiết tịnh, không phải kinh nguyện, không phải khó nghèo… Đó chỉ là phương tiện để đi đến với Chúa.
Cô sống trong thanh chắn?
Dĩ nhiên là có thanh chắn, nhưng chúng tôi không hoàn toàn cắt đứt với thế giới bên ngoài. Tôi sẽ ít tiếp xúc với bên ngoài, nhưng chúng tôi không phải là Dòng Camêlô, các giờ kinh nguyện của chúng tôi mở ra cho giáo dân. Chúng tôi cầu nguyện với họ. Và gia đình, bạn bè có quyền đến thăm chúng tôi. Chúng tôi đón nhận các phụ nữ đến tĩnh tâm bên trong thanh chắn hay các thiếu nữ đến ôn bài trước khi thi. Vì đối với chúng tôi, tinh thần khó nghèo lớn nhất là tinh thần khó nghèo thiêng liêng.
Sẽ có người đến thăm bệnh cho cô?
Các nữ tu ở đây sẽ giúp tôi hàng ngày. Đó cũng là chuyện mới cho họ! Họ cũng đã từng săn sóc các nữ tu lớn tuổi. Họ sống trong đức ái. Tôi đến để bổ túc ơn gọi này của họ và họ giúp tôi sống ơn gọi của tôi. Có một sự hỗ tương giữa chúng tôi!
Vào nhà dòng khi Giáo hội đang suy tư về phân định ơn gọi cho giới trẻ. Thật là mạnh. Cô chờ gì ở đây?
Đúng là có một biểu tượng thật đẹp khi trùng hợp với các ngày này! Tôi đã tham dự tiền thượng hội đồng bằng cách trả lời các câu hỏi và tham dự với các nhóm trên Facebook. Các mong chờ của tôi? Đầu tiên, ý thức những gì chờ chúng tôi, những người trẻ ngày nay. Chúng ta để qua một bên các nghi thức phụng vụ hay mong chờ ngày trở về các nghi thức phụng vụ đẹp đẽ với các bài hát du dương hơn, với hương trầm để đưa chúng ta vào huyền nhiệm Thánh Thể. Phải nhấn mạnh đến giờ chầu, để giúp các bạn trẻ nếm hương vị của thinh lặng trong một thế giới ồn ào và chạy quá nhanh. Ở nhóm tuyên úy sinh viên ở thành phố Lille, tôi dự thánh lễ với đèn cầy quy tụ hơn 300 bạn trẻ đi lễ buổi chiều. Thánh lễ này thật mãnh liệt! Cũng phải đặt việc xưng tội lên hàng đầu và nên nhắc thường xuyên hơn. Các đề nghị này có thể lạc hậu nhưng chúng ta cần những điểm gốc để tựa.
Khi các tập sinh chúng tôi vào nhà dòng, có một cái gì thuộc vũ trụ được xảy ra.
Nếu tôi nói cô vẽ cho tôi hình ảnh một Giáo hội tương lai, cô sẽ vẽ như thế nào?
Một Giáo hội táo bạo, một Giáo hội dám nói lại về đức tin của mình, dám rao giảng Phúc Âm. Trong các bài giảng, chúng ta nói lại giáo điều đã dạy chúng ta. Chúng tôi không muốn các lời nguội lạnh. Tôi cũng nghĩ, Giáo hội chúng ta không sợ khi cho thấy các ơn gọi. Trong thời Công đồng Vatican II, chúng ta đã bỏ áo chùng để gần với giáo dân, nhưng ngày nay Giáo hội không còn một hình ảnh rõ ràng dưới mắt thế giới. Như thế, chiếc áo tự chính nó đã là rao giảng Phúc Âm. Chúng ta hãy tự vấn mình. Chủng viện thu hút nhiều nhất là chủng viện của cộng đoàn Thánh Mác-ti-nô, họ còn mặc áo chùng. Các cộng đoàn này không sợ mình là những người gìn giữ gốc rễ. Tất cả những gì đẹp đưa chúng ta đến với chiêm niệm. Điều này nói với chúng ta, ngày nay chúng ta cần các điểm quy chiếu. Không che mặt, như thế Giáo Hội mới Phúc Âm Hóa và mới kêu gọi được. Lần đầu tiên tôi thấy các tu sĩ mặc áo dòng là khi tôi tới Lộ Đức năm tôi 17 tuổi! Làm sao một người trẻ có thể nghĩ đến đời sống tu trì nếu họ chưa thấy ai mặc áo dòng? Nữ tu giáo tập nói với tôi, khi các tập sinh ở tuổi chúng tôi vào nhà dòng thì như có một cái gì thuộc vũ trụ được xảy ra. Tôi vào trong một đời sống hạnh phúc. Tôi sẽ không còn đi diễn thuyết, không còn trả lời phỏng vấn, nhưng vào trong Phúc Âm như vào trong sự sống, những chuyện quan trọng đi trong thinh lặng. Sự Sống Lại được làm trong kín đáo và thinh lặng tuyệt đối và sự Sống Lại của Chúa Kitô là chuyện chưa từng có.
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn: http://phanxico.vn/2018/10/14/jeanne-pelat-di-tu-khong-phai-la-bo-tron-nhung-la-mot-chon-lua/?fbclid=IwAR2roz4E8WfLhfdW-G2eKfT8OprJEZPExpVyeZMv07wpGPhvI7MngWE88sU
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”