Đừng Vội Ném Đá (Suy niệm Chúa Nhật V Mùa Chay C)

3 lượt xem 5 Tháng 4, 2025

Trong dòng chảy bất tận của cuộc sống thường nhật, con người thường xuyên đối diện với cám dỗ dễ dàng lên án và chỉ trích người khác, thay vì tự vấn và nhìn nhận những khiếm khuyết của bản thân. Thói quen này, một tật xấu khó tránh khỏi, cần được mỗi cá nhân nhìn nhận và khắc phục trong tâm tình Mùa Chay và trong suốt cuộc đời này.

Quả thật, như đoạn trích Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay năm C mời gọi chúng ta suy ngẫm về sự hoán cải và tự sửa đổi. Hình ảnh Chúa Giê-su, biểu tượng của lòng bao dung và trắc ẩn, đối lập hoàn toàn với sự ích kỷ, vô cảm và loại trừ của những người biệt phái và hữu trách Do Thái. Người đàn bà phạm tội ngoại tình, đại diện cho những ai vô tình hay hữu ý lầm đường lạc lối, nhắc nhở chúng ta về tội lỗi và sự đứt gãy trong mối liên hệ với Thiên Chúa và tha nhân.

Hôm nay, nơi đây và hiện tại, trước những hình ảnh ấy, mỗi người cần tự vấn: “Tôi là ai trong những nhân vật này?”. Liệu tôi có đủ tư cách để vội vàng lên án người khác? Tôi đã sẵn lòng tha thứ và đón nhận những người lầm lỡ hay chưa? Mùa Chay, với ý nghĩa sám hối và hoán cải, là cơ hội quý báu để mỗi người chúng ta nhận ra những yếu đuối và tội lỗi của bản thân, từ đó quay trở về với nẻo chính đường ngay và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Quả thật, kính thưa, phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mang đến cho chúng ta một sứ điệp đầy ý nghĩa: sứ điệp của tình yêu thương, sự bao dung và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Mặc dù con người có thể rơi vào tội lỗi, bất trung và quay lưng lại với Chúa để chạy theo các tà thần hay lối sống thế gian, nhưng Thiên Chúa không chọn giận dữ hay trừng phạt. Trái lại, Ngài luôn mở rộng vòng tay yêu thương, tha thứ và dẫn dắt con người hướng đến một hạnh phúc đích thực. Tất cả các Bài Đọc hôm nay đều toát lên thông điệp đó, truyền tải tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại. Cụ thể như sau,

Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa cho thấy rằng, dù con người chịu cảnh lưu đày vì tội lỗi, Ngài vẫn kêu gọi họ hướng về tương lai, trao cho họ cơ hội trở về quê hương. Hình ảnh Thiên Chúa từng khai mở một con đường qua Biển Đỏ để cứu tổ tiên khỏi ách nô lệ Ai-cập tiếp tục khẳng định lời hứa trung thành và tình yêu vĩnh cửu của Ngài. Sang Bài Đọc II, dù con người phải đối mặt với cái chết do không tuân thủ Lề Luật, Thiên Chúa vẫn bày tỏ lòng thương xót sâu sắc qua việc sai Con Một là Đức Kitô xuống thế gian, chết thay cho nhân loại. Nhờ mầu nhiệm vượt qua và phục sinh của Chúa Kitô, mỗi tín hữu giờ đây được công chính hóa và hy vọng vào sự sống đời đời. Cuối cùng, trong bài Tin Mừng, câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đã minh họa sâu sắc cách Chúa Giê-su đưa ra một tình yêu mang tính cứu độ thay vì xét xử.

Kính thưa, câu chuyện Tin Mừng cho thấy các kinh sư và biệt phái đã dẫn một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến trước mặt Chúa Giê-su với mục đích thử thách Ngài. Họ vịn cớ vào Luật Mô-sê để yêu cầu ném đá người phụ nữ, nhằm thách thức lối sống yêu thương mà Chúa vẫn rao giảng. Tuy nhiên, Chúa Giê-su với sự khôn ngoan và lòng nhân hậu đã thốt lên một câu hỏi đủ sức thức tỉnh: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Hành động im lặng của Chúa khi viết lên mặt đất chính là cơ hội để từng người trong số họ hồi tâm nhìn lại chính mình. Kết quả, từ người lớn tuổi nhất đến người trẻ tuổi nhất, họ lần lượt rút lui, để lại nơi đó chỉ còn lại Chúa và người phụ nữ. Với tình yêu bao dung, Chúa không lên án mà khuyên bảo: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).

Kính thưa, câu chuyện này mang lại một ánh sáng rõ ràng về lòng thương xót của Chúa. Ngài ghét tội lỗi nhưng không ghét bỏ con người mang tội. Qua sự tha thứ đó, chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa, cần được hoán cải và cũng cần khả năng tha thứ, bao dung với anh chị em mình. Nghĩa là, chúng ta đừng vội vàng phê phán hay chỉ trích người khác, mà hãy dành thời gian suy xét bản thân. Như ông bà ta thường nói: “Chân mình thì lấm mê mê, cứ cầm bó đuốc mà rê chân người”, chúng ta cần nhìn lại bản thân thay vì hăng hái “ném đá” người khác. Thật là đúng khi nói: “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” (trước tiên hãy lên án hay quy trách về bản thân mình, sau đó mới trách cứ người khác) là vậy.

Hơn nữa, qua câu chuyện này, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy tin tưởng và chạy đến với lòng thương xót vô biên của Ngài. Khi nhận thức rõ thân phận yếu đuối của mình, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông và yêu thương người khác hơn. Vì thế, biết tha thứ cho người khác không chỉ là hành động yêu thương, mà còn là cách chúng ta gần gũi hơn với hình ảnh Chúa trong cuộc sống. Chúng ta thử suy xét sau đây,

Tôi đang ở trong tình trạng nào vậy? Là những kinh sư và biệt phái đầy định kiến hay là người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội? Tôi có sẵn sàng từ bỏ phán xét, nỗ lực để noi gương lối sống yêu thương và bao dung của Chúa Giê-su đối với mọi anh chị em xung quanh hay không? Những câu hỏi này, tự mỗi người chúng ta cần hồi tâm và trả lời trong hành trình Mùa Chay và Năm Thánh 2025 này. Amen.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

Nguồn: https://www.dcvphanxicoxavie.com/