HỘI NHẬP ĐỜI THÁNH HIẾN
Loan báo Tin Mừng là sứ mạng của mọi Kitô hữu. Sứ mạng đó lại càng trở nên chính thức hơn cho những ai sống đời thánh hiến. Quả thật, nếu đời sống thánh hiến không gắn liền với sứ mạng loan báo Tin Mừng thì nó không có ý nghĩa gì và không có lý do để hiện hữu.[1] Tuy nhiên, phải làm sao để loan báo Tin Mừng cho có hiệu quả? Thưa rằng, phải loan báo Tin Mừng có kế hoạch, phương pháp và nghệ thuật. Hội nhập chính là một trong những phương thế để làm nên tính hiệu quả đó. Đời thánh hiến cũng không nằm ngoài tiến trình ấy để có thể thực thi sứ mạng của mình, đặc biệt là trong bối cảnh đa văn hóa và đa tôn giáo như hiện nay. Vậy hội nhập là gì? Tại sao phải hội nhập? Và phải hội nhập như thế nào để đời thánh hiến trở nên một thứ men Phúc Âm bên trong một nền văn hóa, có khả năng thanh luyện và biến đổi nền văn hóa?[2] Đó cũng là thao thức của người viết khi đọc đến số 80 trong Tông huấn Vita Consecrata của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: “HỘI NHẬP ĐỜI THÁNH HIẾN”
Hội nhập là gì?
Hội nhập là việc tham gia vào một cộng đồng để cùng hoạt động và phát triển với cộng đồng ấy[3]. Trong việc loan báo Tin Mừng, hội nhập là rao giảng sứ điệp Kitô giáo một cách thích ứng với nền văn hóa hay những yếu tố văn hóa của từng dân tộc để có thể phúc âm hóa nền văn hóa đó, làm cho nền văn hóa đó thấm nhuần tinh thần Tin Mừng. Như vậy, hội nhập không phải chỉ theo một chiều là thích ứng cách diễn tả sứ điệp với nền văn hóa của dân tộc, mà còn theo chiều ngược lại là nhờ sự thích ứng đó mà sứ điệp Kitô giáo mới dễ dàng thấm sâu vào nền văn hóa ấy, biến đổi nền văn hóa ấy trở nên tốt hơn, thuận lợi hơn cho việc mở mang Nước Chúa. Chiều thứ nhất là phương tiện, chiều thứ hai là mục đích phải đạt được. Nếu hội nhập mà không nhắm phúc âm hóa thì chưa phải là hội nhập đúng nghĩa. [4]
Tại sao phải hội nhập?
Như đã đề cập, hội nhập chính là một trong những phương thế để các Kitô hữu nói chung và người tu sĩ nói riêng thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, sống giữa một xã hội hưởng thụ và tục hóa, người tu sĩ được mời gọi sống hội nhập để làm chứng cho niềm tin và những giá trị cao quý của Kitô giáo. Khi xã hội càng đi xuống, những giá trị đạo đức luân lý ngày càng bị đảo ngược, người tu sĩ càng cần phải đi ra để đồng hành với thế giới, càng phải dấn thân hơn cho sứ mạng loan báo Tin Mừng, vì như lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình”[5]. Người tu sĩ cần hội nhập để cùng đồng hành và chia sẻ với con người để vừa giúp họ và vừa giúp mình tìm được giá trị đích thực về đời sống con người. Người tu sĩ hội nhập để chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của kiếp người.
Đời thánh hiến phải hội nhập như thế nào?
Một vấn đề đặt ra là giữa xã hội với nhiều biến động như hiện nay, những người sống đời thánh hiến cần phải hội nhập như thế nào để hòa nhập mà không hòa tan, đồng thời giúp họ phát huy được tính ngôn sứ của mình?
Hội nhập đời thánh hiến trước hết phải khởi đi từ chính cộng đoàn của những người sống đời thánh hiến. Vì đó là nơi có nhiều người sống với nhau tuy cùng chung lý tưởng nhưng lại khác nhau về quê quán, phong tục, văn hoá, suy nghĩ, lối sống,… Chính sự khác nhau đó làm cho cộng đoàn thánh hiến song song với sự đa dạng lại tiềm ẩn nhiều mối nguy và thách đố. Bởi thế, mỗi người cần phải biết hội nhập tất cả những gì là của riêng mình để làm nên cái chung của cộng đoàn nhằm biến cộng đoàn trở nên môi trường tuy đa dạng nhưng luôn gắn bó trong sự hài hòa, hiệp nhất. Mỗi thành viên phải là sứ giả Tin Mừng của “cộng đoàn nhỏ” trước khi trở thành ngôn sứ trong “cộng đoàn lớn”.
Mặt khác, người tu sĩ có thể đến với những bóng đêm của cuộc đời để kéo con người trong đó ra ánh sáng, nhưng họ phải luôn ý thức về căn tính của mình để không ở luôn trong bóng đêm ấy. Nhờ thế mà người tu sĩ có thể đến với những người yếu đuối để nâng họ đứng lên, chứ không bị những yếu đuối ấy nhận chìm…
Thêm vào đó, ngày nay, thiết nghĩ rằng người chọn đời tu vẫn đang sống trong xã hội này, không thể tách rời. Vì thế, họ cần tận dụng những thuận lợi mà xã hội đem lại để phục vụ cho sứ mạng của mình. Đồng thời, họ cần phát huy hơn nữa những giá trị tích cực mà cơ chế thị trường, xã hội thực dụng, công nghệ – khoa học đem lại để phần nào làm hạn chế những điều tiêu cực do chính cơ chế ấy gây ra. Hoà nhập được như thế thì thực trạng xã hội sẽ không còn là một thách đố với người tu sĩ nữa, mà trở thành một phương tiện hữu dụng để họ rao giảng sứ điệp Tin Mừng của Thiên Chúa cho con người hôm nay.[6]
Đức Kitô Nhập Thể chính là mẫu gương mô phạm của những ai sống đời thánh hiến trong tiến trình hội nhập: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7). Để nhập thể cùng với Chúa Giê-su, người tu sĩ cần phải sống mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa làm người ngay trong chính cuộc đời mình. Hay nói cách khác, người tu sĩ phải mang chính Chúa Giê-su nơi cuộc đời mình, phải sống như Đức Ki-tô đã sống. Công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo hội nói chung và của những người sống đời thánh hiến nói riêng không gì khác là rao giảng Đức Kitô Nhập Thể – Đấng là nền tảng và trung tâm của tiến trình hội nhập được thể hiện trong tinh thần yêu thương, hiệp thông, cầu nguyện và khiêm tốn phục vụ như Đức Kitô.
Tạm kết
Đời thánh hiến vốn đã mang sẵn những giá trị Tin Mừng[7], cho nên khi người tu sĩ sống đời thánh hiến một cách trung thực và trung thành sống trọn vẹn căn tính của đời tu sẽ là cách thế hội nhập hữu hiệu mà không sợ bị hòa tan và là lời chứng Tin Mừng hùng hồn cho mọi người trong xã hội hôm nay.
Thiên Hồng.Op
[1] José Cristo Rey García Paredes, Mission: The key to understand consecrated life today
[2] X. ĐGH Gioan Phao lô II, Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 80.
[3] Hoàng Phê và nhóm tác giả (Trung Tâm Từ Điển Học), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2010, 593
[4] X. Nguyễn Chính Kết, Hội Nhập Văn Hóa là gì?, https://bit.ly/3KqzGuh, truy cập ngày 19/01/2022
[5] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 49
[6] X. Giuse Nguyễn Xuân Quang, SDB, Thách Đố Của Người Tu Sĩ Trong Thời Đại Mới, https://bit.ly/3tDGz5E, truy cập ngày 17/01/2022
[7] ĐGH Gioan Phao lô II, Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 80.
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ