Hội nghị Quốc tế của các Thần học gia Luân Lý tại Sarajevo, Bosnia và Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Hội nghị

221 lượt xem 30 Tháng Bảy, 2018

Có khoảng 450 thần học gia luân lý, từ 67 quốc gia thuộc năm châu lục, quy tụ tại Trường Trung Học Công Giáo Thánh Giuse (Katolički školski centar Sv. Josip), Sarajevo, Bosnia từ chiều ngày 26/7 đến hết ngày 29/7. Trong đó Việt Nam có hai tham dự viên là linh mục Đinh Trung Hòa (Dòng Tên), tỉnh dòng Úc Châu, và nữ tu Trần như Ý Lan (Dòng Đức Bà). Chủ đề chính của Hội nghị là “Thời điểm quan trọng để xây dựng nhịp cầu nối kết, Đạo Đức Thần học Công Giáo ngày nay”, được tổ chức bởi Hội “Đạo Đức Thần Học Công Giáo trong Giáo Hội Toàn Cầu” (Catholic Theological Ethics in the World Church, CTEWC)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã quan tâm gửi sứ điệp đến cho Hội nghị. Sau đây là toàn văn bản dịch bức thư của Đức Thánh Cha.

–o0o–

Gửi Hội thảo Quốc tế về Đạo Đức Thần Học Công Giáo trong Giáo Hội Toàn Cầu Sarajevo, 26-29/07/2018

Anh Chị Em thân mến!

Cha xin gửi lời chào đến tất cả anh chị em tham gia hội thảo này, hội thảo thế giới lần thứ ba về đạo đức thần học. Hội thảo diễn ra tại Sarajevo, một thành phố có giá trị biểu tượng lớn cho hành trình hòa giải và xây dựng hòa bình sau những đổ vỡ khủng khiếp của cuộc chiến gần đây, một cuộc chiến gây ra quá nhiều đau khổ cho những người dân trong vùng.

Sarajevo là thành phố của những cây cầu. Cuộc hội thảo của anh chị em được gợi hứng nhiều bởi mô hình nổi trội này, một mô hình nhắc nhở về nhu cầu xây dựng, giữa một môi trường đầy căng thẳng và chia rẽ, những con đường nối kết con người, văn hóa, tôn giáo, cách nhìn về đời sống và khuynh hướng chính trị. Cha rất trân trọng nỗ lực này của anh chị em ngay từ lúc đầu, ngay từ khi các thành viên trong ban kế hoạch thăm Cha tại Vatican vào tháng Ba vừa qua.

Chủ đề của cuộc hội thảo của các con cũng là chủ đề mà Cha thường nhắc đến: nhu cầu xây dựng những nhịp cầu nối kết, chứ không phải xây tường ngăn cách. Cha không ngừng nhắc lại điều này với một niềm hy vọng sống động rằng con người ở mọi nơi sẽ chú ý đến nhu cầu này, một nhu cầu ngày càng được tri nhận, mặc dù đôi khi cũng bị khước từ bởi sự sợ hãi và các hình thức suy thoái. Với sự cẩn trọng, chúng ta được mời gọi để nhận ra mọi dấu chỉ và huy động toàn lực để phá bỏ những bức tường chia rẽ và xây dựng những nhịp cầu huynh đệ mọi nơi trên thế giới.

Có ba điểm chính trong cuộc hội thảo giao thoa với hành trình xây dựng những nhịp cầu trong một thời điểm rất quan trọng mà chúng ta đang sống. Anh chị em đã dành cho vấn đề môi trường một ví trí trung tâm, vì một số khía cạnh của nó có thể gây ra sự mất cân bằng nghiêm trọng không chỉ trong góc độ tương quan giữa con người với thiên nhiên, nhưng còn giữa các thế hệ và con người với nhau. Thách đố về môi trường – như thấy trong Tông Thư Laudato Si-không đơn thuần là một thách đố giữa muôn vàn thách đố, nhưng là một bối cảnh rộng lớn hơn để hiểu cả đạo đức môi trường và đạo đức xã hội. Vì lý do này, các con rất bận tâm đến người di dân và người tị nạn; và việc bận tâm này khơi lên một sự hoán cải nhắm đến việc nuôi dưỡng một phản tỉnh mang tính thần học và đạo đức, ngay cả trước khi nó gợi hứng cho những thái độ mục vụ thích hợp và những chính sách chính trị có trách nhiệm và được hoạch định cẩn thận.

Trong một hoàn cảnh phức tạp và đòi hỏi như thế, cần có những cá nhân và tập thể có khả năng đảm nhận một cung cách lãnh đạo mới. Mặt khác, chúng ta lại không cần việc hô hào các khẩu hiệu trống rỗng hoặc cũng không cần sự cạnh tranh đối đầu giữa các đảng phái cố gắng dùng mọi cách để đạt vị trí hàng đầu. Chúng ta cần một cung cách lãnh đạo có thể giúp tìm ra và đem vào thực hành một cách thế công bình hơn cho tất cả chúng ta; cách thế này giúp chúng ta sống trong một thế giới như những người cùng chia sẻ một vận mệnh chung.

Về vấn đề bằng cách nào đạo đức thần học có thể đóng góp phần của mình, Cha thấy anh chị em có cái nhìn rất thấu đáo khi đề nghị tạo lập một mạng lưới nối kết các cá nhân giữa các châu lục khác nhau, những người, với những cách sống và lối diễn tả khác nhau, có thể dấn thân cho việc suy tư phản tỉnh mang tính đạo đức trong cung bậc thần học và trong một nỗ lực tìm ra nơi đó những nguồn lực mới và hiệu quả. Với những nguồn lực như thế, những phân tích thích hợp có thể được thực hiện, nhưng quan trọng hơn, sức mạnh có thể được huy động cho một cách thức hành động đầy nhiệt tâm và chú ý đến những hoàn cảnh bi thương của nhân loại, và quan tâm đến việc đồng hành với họ với một sự chăm sóc đầy lòng trắc ẩn. Để tạo lập một mạng lưới như thế, điều cấp thiết trước hết là xây dựng những nhịp cầu nối kết anh chị em các con lại với nhau, để chia sẻ những ý tưởng và chương trình, và phát triết các hình thức nối kết. Không cần phải nói, điều này không có nghĩa là cố gắng để có một sự đồng nhất trong quan điểm, nhưng đúng hơn là tìm kiếm cách chân thành và với thiện chí một điểm hội tụ các đích nhắm, trong sự cởi mở mang tính đối thoại và trong sự bàn thảo các góc nhìn khác nhau. Nơi đây anh chị em sẽ thấy một hình thức cụ thể về năng lực rất hữu ích, hình thức ấy lại càng khẩn thiết và phức tạp trong bối cảnh hiện nay và được Cha nói đến trong Lời Tựa của Tông hiến Veritatis Gaudium. Trong khi đề cập đến các tiêu chuẩn chính cho việc canh tân và tái cổ võ cho việc nghiên cứu và học tập mang tính giáo hội, Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự đối thoại ở tầm rộng” (số 4b); việc đối thoại này có thể trở thành nền tảng cho việc mở ra mang tính liên ngành và xuyên ngành vốn rất quan trọng đối với thần học và đạo đức thần học. Cha cũng nói đến “nhu cầu cấp thiết tạo lập ‘mạng lưới’ giữa các cơ sở trên toàn thế giới, những cơ sở vun trồng và cổ võ cho việc học tập và nghiên cứu mang tính giáo hội” (số 4d).

Cha khuyến khích anh chị em, những người làm việc trong lãnh vực đạo đức thần học, biết say mê với việc đối thoại và với mạng lưới nối kết như thế. Cách tiếp cận này có thể làm nảy sinh các phân tích có ý nghĩa và nhắm vào sự đa phức của thực tại con người hơn. Chính anh chị em sẽ học hỏi tốt hơn bao giờ hết cách thế trung thành với Lời Chúa vốn luôn thách thức chúng ta trong lịch sử, và cách thế diễn tả tình liên đới với thế giới, một nơi mà anh chị em không phải được kêu mời để lên án nhưng để trình bày những lối đi mới, để đồng hành trên những hành trình, để băng bó những thương tích và nâng đỡ những yếu đuối mỏng giòn.

Anh chị em đã có hơn mười năm kinh nghiệm trong việc xây những nhịp cầu trong hội của mình, Đạo Đức Thần Học Công Giáo trong Giáo Hội Hoàn Vũ.Những cuộc họp quốc tế của anh chị em ở Padua (2006) và ở Trentô (2010), các cuộc họp vùng ở những châu lục khác nhau và nhiều sáng kiến khác nữa, những hoạt động xuất bản và giảng dạy, đã dạy cho anh chị em cách thế chia sẻ mà Cha tin rằng anh chị em sẽ theo đuổi sao cho mang lại hoa trái cho toàn thể Hội Thánh. Cha hợp với anh chị em cám ơn những người đã mãn nhiệm kỳ và những ai mới lãnh trách nhiệm mới; Cha sẽ cầu nguyện cho những người ấy. Cha thân ái ban phép lành cho toàn thể anh chị em, và Cha cũng xin anh chị em cầu nguyện cho Cha.

Phanxicô

Bs Trần Như Ý Lan, CND