“Thánh Thần” là danh xưng của Đấng chúng ta phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Hội Thánh đã nhận danh xưng này từ Chúa Giêsu và tuyên xưng danh này trong bí tích rửa tội (Sách GLCG số 691).
Thuật ngữ “ Thần” dịch từ Ru-ah của tiếng Hip-ri, là hơi thở, không khí, gió. Đức Giêsu dùng hình ảnh khả giác “gió” để gợi ý cho Ni-cô-đê-mô sự mới mẻ siêu việt của Đấng là Hơi Thở của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần (Ga 3,5-8).
Có nhiều hình ảnh thường dùng để chỉ về Chúa Thánh Thần, mà khi nghe nhắc đến chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận trong đức tin mà Chúa Giêsu đã Mạc Khải cho các môn đệ của Ngài.
NƯỚC
Trong bí tích rửa tội, nước là một biểu tượng đầy ý nghĩa về tác động của Chúa Thánh Thần, vì sau khi kêu cầu Thánh Thần, nước trở thành dấu chỉ bí tích hữu hiệu của việc tái sinh. Trong nghi thức làm phép nước để cử hành Bí tích rửa tội, chủ sự đọc: “Thiên Chúa dùng bí tích Thánh tẩy mà ban sự sống của Người cho những kẻ tin. Vì thế trong niềm tin tưởng chúng ta xin Người cho những em nhỏ này được tái sinh bởi nước và Thánh Thần”. Nước rửa tội thực sự nói lên rằng cuộc tái sinh vào đời sống Thiên Chúa được ban trong Thánh Thần. Vì đã được chịu phép rửa trong cùng một thánh Thần, nên chúng ta” đầy tràn một Thánh Thần duy nhất”(1Cr 12,13).
XỨC DẦU
Trong cựu ước, việc xức dầu chỉ dùng cho vua và các vị Thượng tế, trong lần gặp gỡ với Môsê, Yavê phán: “Ngươi sẽ xức dầu cho Aharon và các con nó và ngươi sẽ tác thánh chúng cho chúng sung làm tư tế của Ta” (Xh 30,30). Cựu ước nói đến những người được xức dầu, đặc biệt là vua Đavít (1Sm 16,13). Biểu tượng xức dầu cũng chỉ về Chúa Thánh Thần, đến nỗi trở thành đồng nghĩa với Ngài: “Phần anh em, anh em nhận được dầu, do tự Đấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết” (1Ga 2, 20; 2Cr 1,21).
LỬA
Nếu như nước nói đến việc sinh ra và sự sống được ban trong Thánh Thần, thì lửa chính là năng lực biến đổi do tác động của Thánh Thần. Ngôn sứ Êlia xuất hiện như lửa hồng và lời ông như ngọn đuốc; bằng lời cầu nguyện, ông kéo lửa từ trời xuống thiêu cháy hy tế trên núi Cát-minh (1V 18, 38-39).
Đức Giêsu Ngài cũng dùng hình ảnh lửa khi nói về Chúa Thánh Thần: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy bùng cháy lên” (Lc 12,49).
Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ nhận được ơn của Thánh Linh dưới hình những lưỡi lửa.
Trong thư thứ nhất, gởi cho Giáo đòan Thessalônica, Thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Anh em đừng dập tắt Thánh Thần”(1 Th 5,19).
ÁNG MÂY VÀ ÁNH SÁNG
Trong suốt quãng đường đi trong sa mạc, cũng như lúc trên núi Sinai, trong Lều hội ngộ, hai biểu tượng này luôn đi đôi với nhau trong các cuộc Thần hiện: “Mây phủ cả núi, vinh quang Yavê đậu xuống núi Sinai và mây phủ núi sáu ngày, ngày thứ bảy, từ giữa đám mây, Người gọi Môsê” (Xh 24, 15-16). Hay lúc vua Salômon cung thánh Đền Thờ:” Khi các tư tế ra khỏi Thánh điện, thì mây xuống đầy nhà Yavê. Vì có mây nên các tư tế đã không thể đứng lại phụng sự; “vì vinh quang Yavê xuống đầy nhà Yavê”( 1V 8, 10-11). Đến thời Chúa Giêsu, hình ảnh này lại được nhắc đến một cách rõ ràng hơn, như trong việc thụ thai của Đức Maria. Chính Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Trinh Nữ Maria và “rợp bóng” trên Người, để thụ thai và hạ sinh Đức Giêsu (Lc 1,35). Trên núi Tabor, Chúa Thánh Thần cũng đến trong “đám mây bao phủ” Đức Giêsu, Môsê, Êlia, Phêrô, Giacôbê và Gioan, và “từ trong đám mây có tiếng phán rằng:” Đây là con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9, 34-35).
ẤN TÍN
Là biểu tượng gắn liền với biểu tượng xức dầu. Thật vậy chính Thiên Chúa đã đóng ấn xác nhận: “Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6,27b). Đức Kitô, Ngài đã đóng ấn Thánh Thần trên chúng ta trong Con của Người (x. 2Cr 1,22; Ép,13;4,30). Ấn tín cũng là dấu chỉ không thể xòa mờ được khi chúng ta đón nhận các Bí tích: Thánh Tẩy, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh.
BÀN TAY
Trong một số Bí tích, việc đặt tay cũng là dấu chỉ xin ơn Chúa Thánh Thần. Như Đức Giêsu, khi Ngài đặt tay chúc lành cho các em nhỏ (Mc 10,16). Nhân Danh Người các Tông đồ cũng làm như vậy. Chúa Thánh Thần được thông ban, nhờ vào việc đặt tay của các Tông đồ.
CHIM BỒ CÂU
Có lẽ đây là một trong các biểu tượng hết sức quen thuộc khi nói về Chúa Thánh Thần. Chim Bồ câu, sứ giả mang hòa bình, trong con tàu ông Noê, chú chim bồ câu, miệng ngậm cành Ôliu xanh tươi báo hiệu cho một cuộc sống an bình trở lại, sau cơn đại hồng thủy. Sau khi Đức Giêsu bước từ dòng sông Giodan lên thì Thánh Thần, dưới hình chim bồ câu, đáp xuống và đậu trên Người (Mt 3,16). Trong các ảnh tượng Kitô giáo, hình chim bồ câu là biểu tượng truyền thống chỉ về Chúa Thánh Thần.
Đức Giêsu về trời và Chúa Thánh Thần tiếp tục công cuộc loan bao Tin mừng của Ngài trong dòng chảy của Mạc Khải mà Đức Giêsu đã hoàn tất. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mỗi người trong chúng ta luôn đón nhận được những hồng ân của Chúa Thánh Thần mà truyền thống Giáo hội vẫn xác tính bảy ơn của Chúa Thánh Thần: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và sau cùng là ơn kính sợ Chúa, như những quà tặng của Thiên Chúa Cha trao ban cho Hội Thánh trên trần gian này.
Lm Giacôbê Tạ Chúc.
Nguồn http://ductinjesus.com
Tin cùng chuyên mục:
Biết ơn trường đời
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết