Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận

93 lượt xem 28 Tháng Mười, 2024

Như một người đói mơ tưởng đến bữa tiệc, như một người nghèo nghĩ tới sự giàu có, hay như một người đau ốm nói về sức khoẻ, tôi cũng nói về việc xử lý cơn giận một cách phù hợp. Đã từng thất bại trong vấn đề này, nên tôi hiểu tầm quan trọng của nó.

Hầu hết, nếu không phải là tất cả chúng ta, đã trải qua và bộc lộ sự giận dữ không đúng nơi đúng lúc, không đúng lý do hoặc cách thức sai lầm. Hầu hết các mối tương quan của chúng ta bị hư hỏng vì xử lý cơn giận sai. Rồi chúng ta hối tiếc rằng sự thiếu khôn ngoan hoặc thiếu kiên nhẫn của mình đã làm tổn hại sự hoà hợp của các mối tương quan. Phần nhiều sự bình an, vẻ đẹp và niềm vui của cộng đoàn thường bị hư hại vì sự giận dữ, nó có thể đưa tới xung đột giữa các cá nhân và sự phân rẽ trong cộng đoàn.

Mỗi phần tử trong cộng đoàn và toàn thể cộng đoàn phải phát triển khả năng chấp nhận việc bộc lộ cơn giận. Nếu không bộc lộ sự giận dữ và bất mãn, các phần tử không thể biết nhau và đáp ứng được những nhu cầu thực sự của nhau.

Trong cuốn Chúng ta đi tìm hạnh phúc, Ramon Nubiloa viết, “Đôi khi chúng ta thấy khó lòng chịu đựng những khiếm khuyết, tính khí hay sự bất cẩn của người khác. Chúng ta dễ dàng bị cám dỗ thất vọng, có ý tưởng giận dữ và bực bội. Để chống lại những cám dỗ như vậy, sẽ hữu ích khi nghĩ rằng người khác cũng phải chịu đựng những khuyết điểm, thói kiểu cách và sự nhẹ dạ của chúng ta.”

Hãy chịu đựng tính khí của người khác và cố gắng không làm cớ cho ai khó chịu vì mình. Hãy chịu đựng khuyết điểm của người khác cũng như bạn muốn người khác chịu đựng khuyết điểm của bạn. Nếu hiểu như thế, bạn thực sự xứng đáng là con cái của Chúa.

CẢM XÚC CẦN ĐƯỢC BIỂU LỘ

Nếu cảm xúc không được biểu lộ, khi ấy sẽ có sự bất mãn không được giải quyết và bị đè nén, tình cảm bị bóp nghẹt, những đấu tranh dựa dẫm không lành mạnh thay vì chấp nhận, chia sẻ cho nhau nhu cầu và khả năng. Nếu bạn có thể bộc lộ sự giận dữ trong cộng đoàn và cộng đoàn không từ khước bạn vì điều ấy: đó là một dấu chỉ lành mạnh. Chúng ta cũng có thể giúp người khác lượng định việc biểu lộ cơn giận. Đó là vấn đề được thoải mái ở trong cộng đoàn, vì nhà là nơi bạn được tự do để không phải che giấu cảm xúc của bạn, nơi bạn không cần phải cảm thấy mình có lỗi khi biểu lộ những cảm xúc ấy.
Châm ngôn Trung Hoa có câu:

  1. “Một người bạn là người mà ta có thể trút hết tâm tư, cả trấu lẫn hạt, biết rằng những bàn tay nhân hậu nhất sẽ sàng sẩy, giữ cái đáng giữ, những gì còn lại thì thổi bay đi với một làn gió nhân từ”.

Mỗi cá nhân đều có những nhu cầu lệ thuộc nào đó, những nhu cầu ấy là bình thường. Một bầu khí cùng nhau đáp ứng những nhu cầu này cho phép bạn cảm thấy thoải mái trong cộng đoàn, và cảm nghiệm được sự an toàn về cảm xúc đủ mà cộng đoàn đem lại. Một khi việc biểu lộ những nhu cầu và cảm xúc chính đáng được chấp nhận – cho dù không nhất thiết phải đồng ý – khi ấy mỗi người sẽ trở thành một người trưởng thành có hiệu quả hơn.
Vì thế, chúng ta cần phải để cho mình cảm thấy giận trong khi sử dụng lý trí để kềm chế cảm xúc này. Gia đình hoặc cộng đoàn có thể giúp chúng ta bộc lộ cơn giận và đánh giá sự bộc lộ của chúng ta. Hiểu lầm thường xảy ra ở cả hai phía, và một bầu khí tự do và chân thành bày tỏ cảm xúc sẽ đưa chúng ta tới chỗ hiểu biết mới và một ý thức mới về tình yêu.
William Blake, một thi sĩ nổi tiếng thế kỷ 18, viết,

  1. “Tôi tức giận với bạn tôi,
  2. Tôi nói ra cơn giận, cơn giận chấm dứt.
  3. Tôi tức giận với kẻ thù của tôi,
  4. Tôi không nói ra, cơn giận tăng thêm”.

HIỂU BIẾT CƠN GIẬN CỦA BẠN

Hiểu biết cơn giận của chúng ta và kềm chế nó là điều rất quan trọng để xây dựng cộng đoàn, vì cộng đoàn mà mọi người mong ước không tự nó mà có. Cộng đoàn phải được xây dựng bằng cố gắng cá nhân của mỗi phần tử và được nên phong phú nhờ sự đóng góp của mọi người. Nếu có những tổn thương, họ phải giúp nhau chữa lành. Như Thomas Kane nói trong cuốn Đụng chạm khẳng định để chữa lành, chữa lành là một đáp trả thỏa đáng cho một sự khủng hoảng, do một nhóm người có tính cách cá nhân và tập thể thực hiện.
Sợ mất bình tĩnh, sợ nổi giận, đặt lên chúng ta khuôn mẫu của sự tự hủy diệt. Khi ấy chúng ta bị kiểm soát bởi áp lực của sự sợ hãi đó, và tự do cũng như sự tự biểu lộ của chúng ta bị bóp nghẹt. Đồng thời, đè nén cơn giận bằng ý thức đầy đủ và hoàn toàn tự do chọn lựa có thể dẫn đến sự thiện tốt hơn, vì nó bao gồm sự tha thứ và thiện chí đối với người xúc phạm. Nó có thể đem lại bình an nội tâm sâu xa và niềm vui cho người biết kềm chế, cũng như cho cộng đoàn của họ.
Cơn giận tự nó không xấu; cái xấu là biểu hiện có hại của nó. Cơn giận cần thiết để sống còn, để chiến đấu với kẻ thù hoặc để chạy trốn, vì nó cho chúng ta nghị lực để đáp trả lại một chướng ngại. Cảm nhận hay không cảm nhận được cơn giận không hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của chúng ta. Dầu sao đi nữa, chúng ta phải chịu trách nhiệm về việc biểu lộ cơn giận. Thánh Phaolô nói, “Nếu anh em có giận thì đừng phạm tội, và đừng giận suốt cả ngày” (Ep 4:26). Không phải chỉ có cuộc tấn công trực diện, chủ động, mới làm người ta bị thương; cuộc tấn công thụ động – thinh lặng, chiến tranh lạnh, tránh né, làm mặt lạnh – cũng là cách biểu lộ cơn giận có thể gây tổn thương.
Có một hình thức giận được gọi là “sự thù địch trôi nổi tự do”, sự thù địch này nhanh chóng nhận ra khuyết điểm của người khác, và lúc nào cũng tiêu cực, cằn nhằn và chỉ trích. Những người thỏa nguyện trong đó dường như kiêu căng khi giơ ngón tay tố cáo và khi mỉa mai trong lời nói. Họ giận dữ vì khuyết điểm của người khác, và nhanh chóng quy trách nhiệm. Hậu quả, người ta tránh họ càng nhiều càng tốt.

NGUYÊN NHÂN GIẬN DỮ

Giận dữ có những nguyên nhân bên ngoài và bên trong. Bất cứ điều gì làm bạn thất vọng hay chọc tức bạn đều làm bạn giận dữ, và bạn không kềm chế được. Người này có khuynh hướng giận dữ hơn người kia. Có những người quanh năm ngày tháng giận dữ lung tung. Những người có mức tự trọng thấp thì dễ cáu giận. Mức tự trọng càng thấp, mức cáu giận càng cao. Mệt mỏi kinh niên quá đáng, bệnh tật thể lý, bệnh tật tinh thần, hoang tưởng, suy sụp, cao huyết áp, bất an, động kinh, rối loạn não bộ do tuổi già, nghiện rượu… cũng đều gây cáu giận.
Nếu có ai đó xúc phạm bạn, có lẽ bạn giận người đó vì sự xúc phạm ấy đe dọa sự an toàn của bạn, làm hỏng sự tự trọng của bạn và làm bẩn hình ảnh công khai của bạn. Nếu bạn có thể lý giải vì sao người ta hành động như vậy, cơn giận của bạn sẽ dịu lại.
Có những xúc phạm là cố ý, chẳng hạn cố tình dùng cơ bắp tấn công bạn, chỉ trích bạn, nhảy qua đầu bạn mà đứng xếp hàng bên trên bạn… Có những xúc phạm là gián tiếp, chẳng hạn có ai đó làm điệu làm bộ và khoe khoang, hoặc bạn học của bạn đạt điểm cao hơn bạn trong kỳ thi, hoặc tu sĩ đồng môn của bạn được nhiều phiếu hơn bạn trong cuộc bầu cử. Khi người khác được đánh giá cao hơn bạn, bạn cảm thấy mình bị coi nhẹ và do đó bạn ghen tỵ. Những chuyện ấy gián tiếp cho thấy sự tự ti của người cảm thấy mình bị xúc phạm; nó giống như một cú đánh vào lòng tự trọng của bạn.
Lại có những xúc phạm tưởng tượng. Người khách bộ hành cáu giận khi thấy một người cưỡi xe môtô phóng nhanh bất chấp đèn đỏ. Việc này gián tiếp vi phạm lòng tự trọng. Tuy nhiên điều rất quan trọng đối với người đóng vai chính thì lại không được coi là quan trọng: luật lệ bị phá vỡ!
Một sự xúc phạm được coi là cố ý sẽ gây nên sự cáu giận. Nếu chúng ta có thể bào chữa cho cách hành xử của người ta, cơn giận của chúng ta sẽ giảm đi. Một sự xúc phạm được nhìn nhận là ác ý, không thể biện minh, hoặc bất công thì khó mà lý giải và có thể gây nên sự giận dữ cay đắng. Nếu người xúc phạm lại là một người ta không ưa, thì cơn giận bùng lên dữ dội hơn.
Có một phản ứng giận dữ được gọi là “dê tế thần”. Nó thay thế đối tượng của sự giận dữ. Khi bạn giận một người nào đó, bạn đạp bàn, đá ghế, v.v… Vì sợ hậu quả, bạn không thể bộc lộ cơn giận của bạn với người đã gây nên cơn giận, bạn hướng cơn giận của bạn về một người vô tội, một nạn nhân dễ dàng. Đây là việc lột vỏ nhầm một cái cây. A rất giận B, nhưng không thể giết anh ta vì luân lý ngăn cấm. Thế là A tìm vật thay thế: anh cắt cụt cây chuối trong vườn. Tất nhiên, đây là một cách xử lý cơn giận rất bất công và không chín chắn.
Điều gây nên cơn giận nơi các tu sĩ rất thường là chính chủ nghĩa lý tưởng của họ. Khi thực tế không phù hợp với lý tưởng, khi những mong ước hợp pháp của người ta không được thỏa mãn, người ta mất bình tĩnh. Khi thấy những người khác không dấn thân với những nguyên tắc và mục tiêu chính yếu của đời sống tu trì như đòi buộc, hoặc khi khó chịu vì sự thờ ơ của người khác, ta sẽ nổi giận. Người yêu thương cộng đoàn trong mơ của mình hơn là cộng đoàn thực tế sẽ trở thành người phá hủy cộng đoàn thực tế. Có những người yêu thương nhân loại nhưng không thể chịu đựng được con người.
Billy Graham, một nhà giảng thuyết lừng danh, đã nói, “Tình bằng hữu đổ vỡ bởi con dao nhọn của sự bất mãn được mài bằng hòn đá mài cáu giận. Nó giết hại, công kích, tấn công, gây ra những tổn hại tinh thần và thể lý cho các nạn nhân. Như khẩu súng có sức công phá lớn, nó dội lại vào người sử dụng, gây ra cùng một tai hại cho người xúc phạm và người bị xúc phạm.” Cáu giận khiến cho cả đôi bên mất đi niềm vui sống. Vì thế, nếu bạn giữ bình tĩnh, bạn là người khôn ngoan; bằng không, bạn là người khờ dại (x. Cn 14:29).
Có một cái gì đó đặc biệt, đáng ngưỡng mộ và gây cảm hứng, cái gì đó gây tự vấn, về người giữ được sự bình thản và can đảm trong những trường hợp bị kích động tột cùng. Khi bạn đúng, bạn có thể có khả năng để giữ bình tĩnh, còn khi bạn sai, bạn không thể mất bình tĩnh. Một khi bạn mất bình tĩnh – để cho con mèo chui ra khỏi bị còn dễ hơn là lấy lại bình tĩnh!

NHỮNG BƯỚC THỰC HÀNH ĐỂ KỀM CHẾ CƠN GIẬN

Thánh kinh nói, “Một câu trả lời nhẹ nhàng dập tắt cơn giận, trả lời gắt gỏng khơi dậy cơn giận” (Cn 15:1). “Người mau giận gây nhiều cãi vã và phiền toái” (Pr 29:22). La lối không làm thay đổi tình thế. Phải chấp nhận thực tế và hành động. Cuốn sách của Phong trào Những Người Nghiện Rượu Vô Danh dùng lời cầu nguyện bình thản sau đây, một lời cầu nguyện hữu ích cho tất cả chúng ta:

  1. “Lạy Chúa, xin cho con can đảm thay đổi những gì con có thể thay đổi,
  2. bình thản chấp nhận những gì con không thể thay đổi,
  3. và khôn ngoan để biết sự khác biệt”.

Leo Madow đưa ra những bước sau đây để kềm hãm cáu giận:

  1. 1. Thừa nhận cơn giận và chấp nhận nó.
  2. 2. Nhận ra nguồn cơn giận của bạn: đó là người hay đồ vật.
  3. 3. Xác định nguyên cớ.
  4. 4. Tìm một giải pháp thực tế – bộc lộ cơn giận môt cách lành mạnh.
  5. 5. Phương pháp tốt nhất là đối mặt với nguồn – tức là người có liên quan.
  6. 6. Đôi khi tốt nhất là từ bỏ ước muốn của bạn, chẳng hạn khi không thể thực thi được.
  7. 7. Bộc lộ cảm xúc của bạn, nói cho người mà bạn tin tưởng.
  8. 8. Thể dục như chạy bộ, chơi bóng, làm vườn, hoặc chơi nhạc, nghe nhạc, đọc sách, v.v…
  9. 9. Đừng tích lũy những khó khăn của bạn; hãy giải quyết các khó khăn mỗi ngày.
  10. 10. Đấm cái gối để giải tỏa cơn giận.
  11. 11. Tránh xa nguyên nhân của cơn giận.
  12. 12. Viết một lá thư bày tỏ cơn giận của bạn một cách đầy đủ, nhưng không bao giờ gửi. Hãy hủy nó đi.

Đây không chỉ là những cách thức kiểm soát và kềm chế cơn giận, mà còn là những bước hữu ích để làm tan biến cơn giận. Trái lại, đập cửa, la hét, rút lui vào im lặng, nói xấu sau lưng, v.v… là những phản ứng không kiểm soát nổi và không lành mạnh.
Dora Albert nói, “Cho dù bạn cố gắng kềm chế tính khí của mình, nhưng cũng có những lúc bạn nổi giận. Khi ấy bạn làm gì? Điều quan trọng phải nhớ là sự cáu giận đã trang bị cho bạn để hành động đấy. Nó đã cho bạn những khối năng lực thể lý khổng lồ. Vậy, hãy chọn lựa một hành động đòi hỏi một nghị lực dồi dào”.
Khi biểu lộ cơn giận bằng lời nói, đừng quên rằng nói ra bạn giận gì thì hiệu quả hơn là to tiếng.
Trong cuốn sách nhỏ thú vị tựa đề là Abby thân mến, Abigail Van Buren khuyên, “Nếu bạn có những điều khác biệt với ai đó, hãy cố gắng giải quyết. Nếu ai đó làm bạn tổn thương, thời gian sẽ giúp chữa lành vết thương nhờ đó bạn có thể nhìn vào biến cố ấy một cách khoan dung hơn, cho dù có thể chẳng bao giờ bạn quên nó… Day dứt mãi lại không phải là một khó khăn trầm trọng sao? Nếu vậy, hãy đưa nó ra ánh sáng, bàn bạc và xử lý nó. Nếu đó là một nỗi phiền muộn nho nhỏ và tạm thời, có lẽ sẽ là khôn ngoan nếu bạn làm nó tan chảy, cố nhìn nó trong toàn cảnh, rồi lấy nó ra khỏi đầu óc thay vì cứ ở lại với nó, hoặc coi nó là rất quan trọng”.
Thất vọng vì các nhu cầu, có thực hay không, đều dẫn tới cáu giận và mâu thuẫn với người khác. Ở đây có một chân lý quan trọng phải nhớ là: con người không những muốn thể hiện mình mà còn muốn vượt mình. Thể hiện mình không phải là mục tiêu cao nhất. Người ta có thể từ bỏ một vài nhu cầu, thậm chí là những nhu cầu căn bản nhất, vì một mục đích lớn hơn và cao quý hơn. Tuy nhiên, chúng ta không nên triệt tiêu các nhu cầu bao lâu chúng không mâu thuẫn với mục tiêu tối hậu của chúng ta.
Trước khi bạn cho phép cơn giận của bạn gây ra một phản ứng mạnh bạo, bạn hãy thử một hoặc nhiều những biện pháp thay thế sau đây.

  1. 1. Đặt tay lên miệng và đếm tới 20 hoặc 30.
  2. 2. Bất thình lình dừng ngay. Mím môi lại và thở sâu.
  3. 3. Điện thoại cho một người bạn (đường dây đỏ này phải luôn luôn sẵn sàng) và nói cho họ biết bạn cảm thấy khó chịu như thế nào.
  4. 4. Thay vì nói những lời đau lòng, hãy đọc các mẫu tự hoặc đọc một bài thơ mà bạn thuộc.
  5. 5. Vào trong một căn phòng yên lặng và la hét tùy thích.
  6. 6. Nói với chính mình. Đôi khi giảng dạy cho mình hoặc thậm chí mắng mỏ chính mình cũng giúp giải tỏa căng thẳng.
  7. 7. Đi ra ngoài cuốc bộ một lúc. Tận hưởng màu xanh của cỏ, hoa thơm của hoa, ngắm chim chóc. Đừng loay hoay làm dịu cơn giận của bạn; bạn có thể gây tai nạn đấy.
  8. 8. Tắm một cái, hoặc rửa mặt bằng nước lạnh.
  9. 9. Lấy một tờ giấy và ghi chép tình trạng cảm xúc của bạn lúc ấy:
  10. “Tôi rất, rất giận”.
  11. “Tôi thực sự sắp lìa đời rồi”.
  12. “’Tôi thực sự vui vì sắp tống khứ được cơn giận này ra khỏi tôi’, nếu không, Thiên Chúa biết tôi phải làm gì”.
  13. 10. Cầu nguyện xin ơn kềm chế chính mình. Thiên Chúa biết sự căng thẳng của bạn, và Người giúp bạn kềm chế cảm xúc để chúng không bộc phát thành lời nói hay hành động mạnh bạo.
  14. 11. Khi tất cả những phương thế khác đều thất bại, bạn có thể khóc. Khóc là cách giải tỏa cơn giận tuyệt vời. Nhiều người, nam cũng như nữ, đã dùng cách này và thấy khá hơn. Chú ý đừng làm tổn thương chính mình, hoặc pha trộn cơn giận với rượu, thuốc nghiện, thuốc an thần, thuốc ngủ, v.v…
  15. 12. Cuối cùng, học biết tha thứ. Trước hết là tha thứ cho chính mình. Khi cơn giận đã ra đi, hãy nói với người khác, “Chúng ta hãy tử tế với nhau. Xét cho cùng, mọi người đều trải qua cơn giận một lần trong đời, vì chúng ta chỉ là con người”.

YÊU THƯƠNG THÙ ĐỊCH

Tha thứ là điều cốt yếu của đời sống cộng đoàn. Trong cộng đoàn, chúng ta phải học sống với sự căng thẳng, vì đụng chạm và căng thẳng phải xảy ra. Vì thế, chúng ta cần kiên nhẫn với mình và với người khác. Tha thứ không phải là chèn ép những cảm xúc bị thương tổn, nhưng là ý thức chúng và chấp nhận người xúc phạm.

Khi tôi còn là tập sinh, vị giám sư của chúng tôi là một người tận tâm, nhưng rất nghiêm khắc và đôi khi nổi giận vô cớ. Khi đó là mùa hè và ngài thích ngủ ở sân thượng thoáng mát. Mỗi ngày sau kinh tối, tôi có nhiệm vụ đem cái giường gấp của ngài lên sân thượng. Một người bạn tập sinh giúp tôi trong việc này. Chúng tôi thường thấy phòng của vị giám sư mở. Nhưng tối hôm ấy lại thấy nó đóng. Không thấy vị giám sư đâu cả. Chúng tôi có nên lấy cái giường ra hay không? Sau một lúc do dự, chúng tôi kết luận rằng ngài không để cửa mở có nghĩa không muốn chúng tôi lấy giường ra. Chúng tôi nghĩ có lẽ ngài bị cảm hay sao đó.

Sáng hôm sau vị giám sư gọi tôi lại và hỏi, “Sao anh không đem giường của tôi ra?” Tôi trả lời, “Chúng con thấy cửa phòng cha đóng”. “Thì sao? Các anh không mở ra được à?” Rồi tiếp theo là một chuỗi những lời mắng mỏ làm tôi thấy bị tổn thương và tôi giận. Tất nhiên, tôi không thể bộc lộ sự cáu giận của tôi được. Tôi đến nói với người bạn của tôi về vụ “bắn hạ” này. Anh ấy cũng cảm thấy bị tổn thương. Nhưng chúng tôi tìm được một giải pháp. “Xét cho cùng, bọn mình chỉ là những kẻ mà ngài có thể la mắng. Ngài không có vợ con. Thế thì cứ để ngài la mắng. Bọn mình chỉ làm những gì mà mình nghĩ là tốt nhất cho ngài thôi. Chúng ta không có lỗi. Chúng ta sẽ tha thứ cho ngài”. Chúng tôi lý luận như thế để an ủi mình. Nhiều năm sau, khi mà tôi có thể thoải mái chuyện trò với ngài, tôi kể lại chuyện này và cả hai chúng tôi đều cười.

Chúa Giêsu bảo chúng ta, là môn đệ của Người, “Hãy yêu thương thù địch, làm ơn cho người ghét anh em, chúc lành cho người nguyền rủa anh em, cầu nguyện cho những người làm hại anh em… Và những gì anh em muốn người ta làm cho anh em, anh em hãy làm cho họ… Nếu anh em yêu thương những người yêu thương anh em, như thế có công gì?… Nhưng hãy yêu thương thù địch… rồi phần thưởng của anh em sẽ lớn lao và anh em sẽ là con cái của Đấng tối cao, vì Người nhân hậu với kẻ vô ơn cũng như với kẻ ích kỷ. Hãy thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót” (Lc 6:27-36). Chỗ khác, Người dạy chúng ta phải tha thứ bảy mươi lần bảy.

Chúa Giêsu không chỉ yêu cầu chúng ta từ bỏ ý tưởng báo thù hay xa lánh kẻ làm hại mình. Người muốn chúng ta thực sự yêu thương kẻ thù địch, làm ơn cho họ và cầu nguyện cho họ. Điều này còn hơn chuyện thường được hiểu là tha thứ. Chúng ta phải tuân theo Luật vàng, làm điều thiện cho người làm điều xấu cho chúng ta. Vì thế, tha thứ là:

  1. 1. Không báo thù, không muốn sự xấu cho người làm hại mình. Đây là bước đầu tiên và là đòi hỏi cơ bản tối thiểu.
  2. 2. Mong muốn kẻ làm hại mình được yên ổn. Điều này tỏ ra thiện chí của bạn.
  3. 3. Khẳng định giá trị, tính tốt của người hại mình. Chiến thắng điều dữ bằng điều thiện.
  4. 4. Giữ im lặng về nỗi đau. Nhắc đi nhắc lại là dấu chỉ không tha thứ.
  5. 5. Đón nhận họ trở lại trong tình bằng hữu thân thiện. Một cộng đoàn tốt có thể uốn nắn những người bạn xấu.
  6. 6. Sẵn sàng giúp họ khi họ cần, ngay cả khi họ không xin bạn giúp. Đây là đức ái Kitô giáo tích cực.
  7. 7. Tiếp tục tha thứ cho dù sự xúc phạm tái diễn: “bảy mươi lần bảy”.
  8. 8. Không đặt bất cứ trở ngại nào trên đường đi của họ. Nếu không, bạn lại trở thành kẻ thù nghịch của họ.
  9. 9. Không đòi hỏi thay đổi. Đừng thống trị hay đóng vai trò bề trên. Chỉ cần nhân hậu.
  10. 10. Vui với điều tốt của họ. Khi có điều tốt xảy đến với họ, hãy chia sẻ niềm vui của họ.
  11. 11. Hãy để cho người ấy chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của bạn.
  12. 12. Đừng kết án. Người nào yêu thương sẽ cố gắng cứu giúp chứ không lên án.
  13. 13. Đừng đưa ra những lời khuyên không đáng mong ước và người ta không quan tâm. Nếu không bạn sẽ cằn nhằn và gò ép người ta.

Sự tha thứ của kitô hữu là một hành vi yêu thương. Tha thứ là coi người xúc phạm đến bạn như là bạn hữu. Bằng yêu thươg và tình bạn, bạn tiêu diệt kẻ thù, nghĩa là biến họ thành bạn. William Arthur Ward nói:

  1. Tha thứ là một điều kỳ lạ.
  2. Nó sưởi ấm tâm hồn và làm dịu nọc độc.

XỬ LÝ NHỮNG XUNG ĐỘT

Xung đột là điều không thể tránh được và rất bình thường trong cuộc sống. Hậu quả của nó có thể là xây dựng mà cũng có thể là phá hoại. Nó có thể đưa tới sự tin tưởng hơn, thân thiết hơn, nâng cao lòng tự trọng và những giải pháp sáng tạo một khi chúng được xử lý và giải quyết một cách khéo léo.

Xung đột phát sinh từ nhiều lý do:

  1. 1. Khác biệt về nhận thức. Nhận thức chịu ảnh hưởng của thành kiến. Chúng ta phản ứng về thực tại như chúng ta nhận thức nó.
  2. 2. Khác biệt về giá trị hay ưu tiên. Điều bạn coi là rất quan trọng, người khác coi là nhỏ nhặt. Điều bạn coi là khẩn thiết, người khác có thể chẳng quan tâm.
  3. 3. Khác biệt về mong ước nơi vai trò. Bạn cho rằng mình có một vai trò đặc biệt, người khác có thể không đồng ý. Hoặc có khi bạn mong ước ai đó đóng một vai trò đặc biệt trong khi người ấy chẳng quan tâm gì.
  4. 4. Khác biệt về mục tiêu. Điều bạn coi là mục tiêu chính thì người khác coi là nhỏ mọn.
  5. 5. Thử thách sức mạnh giữa hai cái tôi, một cuộc kéo co. Nếu ai đó coi thường bạn hoặc ra vẻ bề trên đối với bạn, bạn cảm thấy bị xúc phạm vì lòng tự trọng của mình bị tấn công.
  6. 6. Đụng chạm về nhân cách, hỗn độn về cá tính, những hoàn cảnh về thần kinh.

Suy nghĩ về kỹ năng có thể áp dụng một cách hữu ích cho việc kềm chế xung đột. Lãnh trách nhiệm cá nhân đối với lựa chọn của chúng ta là một trong những kỹ năng ấy. Cách khác là chọn lựa đáp trả ngược lại trong mâu thuẫn, chẳng hạn, đưa ra một lời khen ngợi chân thành, nói với giọng điệu nhẹ nhàng. Kỹ năng thứ ba là nhận thức về người khác chính xác hơn: chính xác những gì người ấy nói hoặc làm, và tại sao. Như châm ngôn Trung Hoa nói, hai phần ba những gì chúng ta thấy là thấy đàng sau đôi mắt chúng ta. Chúng ta nhìn người khác qua cặp kính màu của thành kiến và nhãn hiệu. Cần phải ý thức về thành kiến và nhãn hiệu dành cho người khác, và ý thức cách chúng ta bóp méo người khác vì thiếu thông tin và vì sai lầm trong nhận thức.

Những kiểu méo mó chính là:

  1. 1. Phóng đại những khía cạnh tiêu cực.
  2. 2. Cường điệu sự việc: “anh luôn luôn trễ”, “hắn ta không bao giờ nói sự thật”, v.v…
  3. 3. Khái quát hóa quá đáng, mô tả một sự kiện đơn độc hoặc hiếm khi xảy ra thành một sự kiện thường xuyên.
  4. 4. Suy nghĩ trắng đen rạch ròi, lượng giá một người, một biến cố hay một sự việc theo khía cạnh thái quá.
  5. 5. Sai lầm khi quy gán nguyên cớ của mâu thuẫn.

Với sự chú ý thận trọng và làm việc chân thành, chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ và cách cư xử của mình. Chúng ta cần thu thập thêm thông tin về người mà chúng ta mâu thuẫn, và tìm cách biết về người ấy chính xác hơn. Cần biết bối cảnh của lời nói và việc làm gây ra mâu thuẫn. Chúng ta cũng phải đặt sự việc vào trong nhãn quan riêng của nó, kiểm tra và làm rõ. Ngoài ra, nên tránh thái độ cạnh tranh.

SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG

  1. 1. Đọc và suy niệm 2 Cr 2:5-8; Gc 2:12-13; Mt 5:21-24
  2. 2. Nếu bạn từng cãi cọ với một người anh em, sau đó bạn cảm thấy thế nào?
  3. 3. Nếu ai đó không tốt với bạn, bạn làm thế nào để bước đầu bắc cầu qua khoảng trống?
  4. 4. Nếu lúc này có người bị tổn thương vì lời hoặc hành động của bạn, bạn có gặp người ấy sớm hết sức và xin lỗi không?