Chúa Giê-su, Bạn Trăm năm Chí Thánh của linh hồn tôi đã dặn dò và mời gọi tôi hãy đến học nơi Người sự khiêm nhường đích thực. Người đã nên mẫu gương tuyệt vời cho tôi trong suốt cuộc đời trần thế của Người. Người đã khiêm nhường hạ sinh nơi máng cỏ thấp hèn. Dù Chúa chẳng mang tội, nhưng Người đã khiêm nhường để cho Gio-an Tẩy Giả dìm mình xuống dòng sông Gio-đan. Người là Thầy, là Chúa nhưng lại cúi xuống rửa chân cho các môn sinh của mình. Người chỉ im lặng, không một lời kêu thán trước những vu khống, những sỉ nhục, những roi đòn. Người đã khiêm nhường nhận lấy hình phạt ghê rợn nhất của con người là cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu chuộc con người.
Nền tảng của sự khiêm nhường là sự biết Chúa và biết mình. Tôi chẳng bao giờ khiêm nhường được cho đến khi tôi nhận biết sự cao cả vô biên của Thiên Chúa. Chúa ban cho tôi có trí khôn, có lý trí để tôi có thể nhận biết Người qua vũ trụ, qua Thánh Kinh, qua tha nhân và qua tiếng nói từ bên trong linh hồn tôi. Một khi tôi nhận biết rằng tôi có một người Cha vĩ đại là Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo muôn loài, Đấng cao cả vô biên, Đấng giàu lòng xót thương, Đấng Quan Phòng đã an bài cho tôi mọi sự trước khi ngày đầu của tôi khởi sự, tôi mới có thể nhìn nhận con người tôi một cách đúng đắn. Trước sự vô biên của Thiên Chúa, tôi chỉ là xác phàm hư vô, không có Chúa làm sao tôi có thể hiện hữu và tồn tại trên trái đất này. Làm sao tôi dám có lòng kiêu ngạo trong khi tôi quá hư hèn và yếu đuối so với sự toàn năng tuyệt đối của Thiên Chúa. Lẽ nào tôi không khiêm nhường mà nép mình trong vòng tay của Thiên Chúa là Cha, Đấng hằng hết lòng yêu thương tôi sao?
Thứ đến, khiêm nhường là biết ơn và chấp nhận con người của tôi với tất cả những ưu điểm và cả những khuyết điểm vì tất cả những điều đó tạo nên sự riêng biệt của tôi so với hơn 7 tỉ người trên thế giới. Chẳng lẽ tôi cứ buồn sầu đến mặc cảm, tự ti khi tôi quá béo hay quá gầy sao? Cái đó mới tạo nên sự độc đáo và khác biệt của con người tôi. Nếu tôi bực tức khi chị em tôi cứ than vãn vì cái mặt nổi mụn, nước da ngăm đen hay một khuyết điểm trên khuôn mặt, trên cơ thể của tôi, thì đã ra kiêu ngạo rồi. Chẳng lẽ tôi không vui lòng đón nhận tất cả những điều đó để chia sẻ với những người khuyết tật hay những bệnh nhân phong cùi được sao? Họ đã chịu đau khổ thay tôi, để tôi được lành lặn, có đủ sức khỏe và trí khôn. Có khi những khuyết điểm của tôi không bắt nguồn từ vẻ bên ngoài nhưng là một tật xấu nào đó từ bên trong con người tôi. Nó dằn vặt linh hồn tôi khi tôi cố gắng sửa chữa, nhưng dường như ngày càng chìm sâu trong nó. Khi đó, tôi hãy dâng sự yếu đuối của tôi lên cho Chúa và xin Người biến đổi tôi một cách tận căn. Tật xấu đó có khi lại là thánh giá Chúa gửi đến cho tôi để thanh luyện linh hồn. Tôi hãy liệu cho mình đừng quá chú ý đến nó, nhưng luyện tập một nhân đức khác, như thế khi linh hồn tôi nảy nở trong các nhân đức thì tật xấu ấy cũng từ từ mất đi. Ước chi tôi khiêm nhường nhìn nhận sự yếu đuối và bất toàn của tôi, và tin tưởng rằng những yếu đuối và bất toàn ấy có thể giúp tôi lớn lên trên con đường hoàn thiện.
Thứ hai, khiêm nhường là vui lòng đi theo con đường Chúa dành riêng cho tôi. Thiên Chúa là Cha hằng kêu gọi con cái mình: “Hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2) nhưng Người muốn và dành riêng cho mỗi người một con dường nên thánh riêng, chẳng ai giống ai. Chị A nên thánh trong sự đơn sơ, bộc trực của chị; Chị B nên thánh trong tính hài hước và sự tự nhiên của chị; Chị C nên thánh trong cá tính mạnh mẽ của chị; Chị D nên thánh trong thơ văn và ca nhạc của chị… Đó là những con đường Chúa dành cho các chị em của tôi. Chúa cũng vạch ra cho tôi một con đường chỉ dành cho riêng tôi mà thôi: là nên thánh trong sự thầm lặng, trong tịch cốc của tâm hồn, trong đau khổ và thử thách. Tôi chẳng phải bận tâm, lo lắng, buồn sầu, so sánh, ganh tị, hay cố gắng bắt chước họ. Tôi cứ an tâm khiêm nhường đón nhận và cùng Chúa bước đi trên con đường Người đã dành cho riêng tôi.
Thứ ba, khiêm nhường là dùng những ân huệ chúa ban để phục vụ tha nhân và vinh quang Nước Trời. Khiêm nhường không có nghĩa là tìm cách ẩn núp dưới cái bóng của sự khiêm nhường để thoái thác công việc hay bổn phận với câu khẩu hiệu trên môi: “tôi dốt lắm, tôi không biết gì, tôi không làm được,…” Đó là tính lười biếng và kiêu ngạo đội lốt khiêm nhường. Tôi hãy liệu cẩn thận với chước cám dỗ tinh vi đó. Những khả năng, năng khiếu Chúa ban cho tôi, tôi hãy dùng nó mà đảm đương công việc bề trên giao phó trong khiêm hại và niềm tin tưởng rằng Chúa sẽ giúp tôi hoàn thành công việc. Nếu công việc ấy thành công mĩ mãn, tôi đừng bao giờ mong ước lời khen ngợi vì lời khen ngợi ấy có thể dung dưỡng trong tôi tính kiêu ngạo, có mong ước thì tôi hãy mong ước lời khen ngợi cho vinh quang của Chúa vì nhờ ơn Chúa, tôi mới hoàn thành công việc cách tốt đẹp. Tôi chỉ tìm vinh quang Chúa chứ đừng tìm vinh danh tôi. Nếu tôi đã cố gắng hết sức mà công việc ấy không mấy kết quả gì thì tôi đừng phân bua, đừng bào chữa, đổ lỗi lý do này nọ, nhưng tôi hãy khiêm nhường nhìn nhận sự yếu đưới của tôi mà cố gắng hơn và xin Chúa thêm sức cho tôi trong những công việc tiếp theo.
Thứ tư, người khiêm nhường đích thực chẳng bao giờ ao ước lời khen ngượi nhưng chỉ muốn bị lãng quên. Ao ước lời khen ngợi ư? Tôi có đáng là chi, tôi có công trạng chi trước mặt Chúa. Những lời nói sẽ chẳng ra gì nếu không có Chúa Thánh Thần soi sáng. Tôi chẳng làm gì nên công trạng nếu không có ơn Chúa phù trợ. Lẽ nào tôi xứng đáng với lời khen ngợi sao? Vả lại, lời khen ư? Cũng chỉ thoảng qua như mây bay, bay đi cùng với công đức của tôi, khiến tôi chẳng còn chút của lễ hy sinh mà dâng lên Chúa. Cho dù tất cả những người sống chung quanh tỏ ra thán phục về những việc tôi làm đi chăng nữa, tôi hãy luô nhớ rằng: tôi cũng chỉ là đầy tớ vô dụng trong nhà Chúa mà thôi. Người khiêm nhường không buồn sầu khi không được tán dương, ca ngợi nhưng vui lòng đón nhận sự lãng quên. Giả sử vào dịp lễ bổn mạng nọ hay dịp sinh nhật kia của tôi, chẳng ai nhớ đến tôi, chẳng ai nói với tôi những lời chúc tốt đẹp, chẳng ai tặng cho tôi món quà nào cả, tôi cứ vui lòng đón nhận. Những niềm vui và sự quan tâm bề ngoài ấy làm sao sánh được với sự bình an của trái tim mà Thiên Chúa ban tặng cho tôi khi tôi ao ước bị lãng quên để được nên giông Chúa và để cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục. Điều tôi ao ước là Thiên Chúa của tôi được vinh danh, tôi khao khát yêu mến Người, và Người được mến yêu. Điều đó quan trọng hơn bấy cứ vinh quang chóng qua ở đời này.
Khi không còn vương vấn với vinh quang trần thế, người khiêm nhường ao ước mình nhỏ lại để người khác được lớn lên. Nếu tôi có những năng khiếu mà không ai dùng tới hay không được sử dụng trong cộng đoàn, tôi cứ vui mừng đem những năng khiếu đó đến dâng cho Chúa dưới chân thập giá. Một lần kia, một chị nữ tu đã phải thức khuya để viết một kịch bản cho buổi diễn nguyện với lòng nhiệt huyết cháy bỏng, nhưng nó không được đón nhận và bị gạt đi một cách phũ phàng. Nhưng không sao, chị vui mừng dâng cho Chúa, và tối hôm ấy cả thiên quốc đã phải phá lên cười khi vở kịch ấy được diễn bởi các thiên thần của Chúa. Lòng chị tràn đầy bình an khi nghĩ đến điều đó, và chị càng vui mừng khi vở kịch của chị em khác được mọi người hết lòng khen ngợi. Nếu chị em nọ được bề trên ban cho nhiều ân huệ, còn tôi chẳng được ai đếm xỉa tới. Giả như chị em kia được bề trên cắt đặt làm những việc lớn lao, còn tôi chỉ làm những công việc hết sức tầm thường. Tôi cứ vui lòng làm những công việc ấy với toàn thể trái tim, linh hồn và tình yêu của tôi với ước mong làm rạng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Tôi chớ có ghen tương hay phân bì. Liệu sự ghen tương có làm cho kẻ bất mãn được trở nên dễ thương hơn hay chỉ sự ghen tương xấu xa ấy chỉ làm hư hại linh hồn tôi mà thôi? Nhưng trên hết, Chúa muốn tôi nhỏ lại để chị em của tôi được lớn lên, thì tất cả những sự lãng quên ấy nào có hề chi đâu, vì đó là điều đẹp lòng Chúa.
Một khi đã dần hoàn thiện lòng khiêm nhường, linh hồn vui lòng chịu đựng một cách nhẫn nại khi bị khinh dễ, bị hiểu lầm và ao ước chịu những sự ấy vì lòng yêu mến Chúa. Khi tôi bị người khác vu khống những điều tôi chẳng có, tôi hãy tạ ơn Chúa và vui mừng vì đã được diễm phúc chia sẻ đau khổ với Bạn Trăm năm Chí Thánh của tôi. Suốt những năm rao giảng Tin mừng và nhất là trong Cuộc khổ nạn, Người đã bị vu khống đủ điều, bị kết án một cách oan khiên đến nỗi phải lãnh án chết trên thập giá. Dù như thế nhưng tôi chẳng bao giờ thấy Chúa biện hộ cho mình. Người luôn im lặng vì chính sự thật sẽ giải phóng tất cả. Tôi hãy học lấy nơi Người sự khiêm nhường đích thực ấy. Tôi đừng thanh minh, đừng cãi lại , nhưng hãy thinh lặng trong khiêm tốn và dâng tất cả cho Chúa. Nếu Chúa muốn trả lại danh giá cho tôi, Người sẽ lo liệu, bằng không tôi cứ vui lòng đón nhận thánh giá này.
Ôi, tôi nói sao hết sự cao cả của đức khiêm nhường vì sự giới hạn to lớn của tôi. Chúa Giê-su mới thực sự là Thầy dạy khiêm nhường tuyệt hảo, tôi cứ đến ngồi bên chân Chúa Giê-su Thánh Thể, chính Người sẽ dạy tôi mọi điều và giúp tôi thực hành những điều Người đã truyền dạy.
Rose Rain
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ