Một cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Con người có thể sống 40 ngày mà không cần ăn, 1 tuần mà không cần uống, 4 phút đến 5 phút mà không cần thở, nhưng chỉ một vài giây mất hy vọng thôi có thể đưa con người đến cái chết. Vậy, niềm hy vọng là gì? mà tác động mạnh mẽ đến đời sống của con người? và phải chăng giữa cái khủng hoảng của cơn đại dịch Covid-19 này, con người đang dần đánh mất niềm hi vọng?
Theo từ điển Hán –Nôm: Hy là tốt lành, vui mừng; vọng là đợi chờ, mong ngóng. Như vậy, hy vọng theo cách hiểu căn bản đó là sự tin tưởng và chờ đợi một điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai. Giữa cuộc sống thực tại với biết bao bất công, đau khổ, đói nghèo con người vẫn luôn ấp ủ trong mình về một viễn cảnh ngày mai tươi sáng và tốt đẹp hơn.
Dưới nhãn quan Kitô Giáo, hy vọng là sự tín thác, cậy trông vào Thiên Chúa và lời hứa của Người. Không những thế, hy vọng cũng là một cách diễn tả khác của đức cậy một trong ba nhân đức đối thần. Niềm hy vọng của người tín hữu vượt lên những thực tại trần thế như giàu sang phú quý, danh vọng hay tiền bạc mà vươn tới gia tài “Không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (x. Pr 1,4) đó là nước Trời. Niềm tin và sự viên mãn trong hành trình bước theo Chúa là hướng về quê hương trường cửu, nơi Thiên Chúa hứa ban hạnh phúc cho những ai tin tưởng và phó thác nơi Người.
Niềm hy vọng như là bệ đỡ nâng bước con người trong cuộc sống lữ thứ này, nó tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho con người vươn lên nghịch cảnh để hướng đến những điều tươi sáng. Nhưng giữa cái khủng hoảng của cơn đại dịch virus Corona (Covid-19), con người dường như đang dần đánh mất niềm hy vọng và rơi vào tình thế tuyêt vọng. Qủa thế, trong mấy tháng trở lại đây, con người dần trở nên quen với việc mỗi sáng lại nhìn lên bảng điện tử để theo dõi từng con số lên xuống, đó không phải giá vàng, giá đất hay chỉ số chúng khoán Index mà là thống kê số người phơi nhiễm và tử vong vì Covid-19. Nỗi sợ hãi bao trùm thế giới, con virus bỏ qua sự phân biệt của biên giới vùng miền, sắc tộc màu da, tôn giáo tín ngưỡng mà len lỏi vào từng hang cùng ngõ hẻm trên mặt đất này. Và khi đứng bên bờ vực của cái chết, con người mới bắt đầu bừng tỉnh và đặt lại mục đích sống của mình. Họ đau khổ, run sợ và tuyệt vọng vì nhận ra cái mong manh và ngắn ngủi của phận người. Cả một đời vất vả lao tác, vùi đầu vào công việc và chạy theo đà tiến của xã hội để rồi chết đi và chẳng trông mong một điều gì. Con người bắt đầu đi tìm cho mình một cứu cánh nhưng họ lại bơ vơ và vô định vì chẳng biết bám víu vào ai, chẳng biết bám víu vào điều gì để đem lại cho họ niềm hy vọng. Ngược lại, người Kitô hữu đón nhận cơn đại dịch với một tâm thế khác, họ không được miễn nhiễm hay có khả năng kháng thể lại virus nhưng đón nhận cơn đại dịch dưới ánh nhìn của đức tin. Họ cũng đau khổ, lao đao nhưng họ không quá bi quan mà rơi vào tuyệt vọng. Bởi tự sâu trong họ có một niềm hi vọng lớn lao, niềm hi vọng của họ không phải là một ý niệm hay một tâm tình, nhưng là nơi một Người – “Đức Kitô chính là niềm hy vọng của chúng ta” (1Tm 1,1). Người Kitô hữu đích thực là người sống niềm hy vọng, niềm hy vọng vào Chúa Giêsu Phục Sinh. Bởi vì đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa nên họ tin chắc rằng mình sẽ không bao giờ phải thất vọng, bởi vì Người phổ hiện trong thời gian “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời. (Hr 13,8). Cơ sở vững chắc của niềm hy vọng Kitô Giáo là sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Vì sự Phục Sinh của Chúa mà không ai phải đầu hàng sự chết, không ai phải tuyệt vọng.
Bên cạnh đó, cơn đại dịch cũng làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt thế giới và con người sống trong đó, làm đảo lộn nhân sinh quan và giá trị sống của nhiều người. Con người với những hệ giá trị và lý tưởng như được bừng tỉnh khi đối diện với cơn đại dịch quái ác này; để rồi khi thức dậy họ sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Nơi mà Paris không còn là một thành phố tráng lệ, lãng mạn để tản bộ và tự hào; NewYork không thể khoe sự vô tận của thời gian để chiêm ngắm và ngưỡng mộ; Vạn Lý Trường Thành không thể là thành lũy chống đỡ và ngăn chặn một sinh vật bé nhỏ; thành phố được mệnh danh là đáng sống nhất lại trở thành tâm dịch và cái nôi của của chết chóc và sợ hãi; siêu thị, phi trường trở nên một nơi hoang vu và ghê sợ. Khi mà một cái ôm, một nụ hôn có thể là vũ khí giết người hàng loạt. Ngược lại, không thăm viếng bạn bè, tránh xa họ lại là những cử chỉ yêu thương. Bất ngờ con người nhận ra rằng: quyền lực, cái đẹp của những show thời trang, tiền bạc chẳng còn mấy giá trị vì nó không giúp ta có thêm oxi để thở, để chiến đấu giành lại sự sống. Sống trong cơn đại dịch, những hệ giá trị, những tư tưởng mà con người coi trọng và tôn vinh dường như bị lỗi thời. Con người thất vọng, bởi biết bao thứ mà họ vun vén, xây dựng và vun đắp lại chẳng còn giá trị gì. Họ bừng tỉnh và phân định lại giá trị mà họ đang theo đuổi và thất vọng vì những thứ đó là những thực tại trần thế chóng qua và mau hư nát. Đối với người tín hữu, niềm trông đợi và giá trị sống của họ không phải là của cải dưới thế này nhưng là kho tàng sự sống trên thiên đàng “là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất” (x. Mt 6,20). Thật vậy, thiên đàng không phải là chốn hoang tưởng cũng chẳng phải là khu vườn huyền bí. Nhưng thiên đàng là nơi vòng tay Thiên Chúa đang dang rộng chờ đón con người, nơi mà tình yêu nhưng không của Thiên Chúa tỏ hiện và con người đi vào đó nhờ Đức Kitô đã chịu chết và sống lại.
Cuộc chiến chống đại dịch là không phải là cuộc chiến của khói thuốc súng đạn của các binh chủng lữ đoàn; không có sự góp mặt của các vũ khí tối tân mà các siêu cường đã chuẩn bị nhưng nó âm thầm và khốc liệt gấp nhiều lần. Nó ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống con người từ kinh tế, chính trị đến xã hội, văn hóa. Làm chuyển biến mạnh mẽ đời sống con người và các cơ chế xã hội. Giữa đại dịch người ta mới bừng tỉnh nhận ra rằng họ có đạn dược nhiều hơn khẩu trang, súng ống nhiều hơn máy thở, xe tăng nhiều hơn giường bệnh và bỗng chốc những thứ con người chuẩn bị dường như vô hiệu trước con virus nhỏ bé. Bây lâu nay, con người vẫn tự vỗ ngực xưng mình là đỉnh cao trí tuệ, tự quy về chính mình, mãn nhãn với những thành tựu mình tạo ra và lãng quên một Thiên Chúa, cho Ngài là thứ yếu trong cuộc đời. Để rồi con người phải lao đao, khốn đốn trước một “vị khách” không mời mà đến, vả lại vị khách đó không mấy “thiện cảm”. Người Kitô Hữu là người sống niềm hy vọng nên toàn bộ cuôc sống họ chuẩn bị cho niềm hy vọng mai hậu. Dẫu biết rằng, cuộc sống vẫn đầy rầy những khó khăn, cơn đại dịch vẫn hoành hành ác liệt nhưng Kitô Hữu vẫn tin tưởng cậy trông lời hứa của Thiên Chúa. Sống niềm hy vọng là cách thế tốt nhất để hướng về Trời với sự tn tưởng rằng Thiên Chúa vẫn luôn đông hành và chờ đợi chúng ta để bước vào sự sống mới với Ngài. Bởi như ngôn ngữ của Thánh Phaolo “ơn cứu chuộc không chỉ là một điều đã được ban cho, nhưng được cống hiến cho chúng ta như là điều mà ta hy vọng. Chúng ta hy vọng được cứu rỗi. Nhờ hy vọng đó mà chúng ta có thể đối diện với thực tại cuộc sống rất khó khăn, đầy dẫy những thách thức. Dù cuộc đời lữ thứ có gian nan bao nhiêu, ta vẫn chắc chắn sẽ đạt đến mục đích cuối cùng”. Và trong thông điệp Được cứu độ nhờ hy vọng Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã diễn giải điều này rõ hơn: “Theo đức tin Kitô giáo, sự “cứu chuộc’, cứu độ không đơn thuần là một sự kiện. Sự cứu chuộc được tặng ban cho chúng ta theo nghĩa là chúng ta đã được ban cho niềm hy vọng, một niềm hy vọng khả tín, nhờ đó chúng ta có thể đương đầu với hiện tại. Dù là một hiện tại khổ nhọc, chúng ta có thể sống và chấp nhận hiện tại, nếu nó dẫn đến một cùng đích,” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Spe salvi, số 1).
Tựu trung lại, hy vọng như là một nền linh đạo của Kitô Giáo. Người tín hữu sống niềm hy vọng giữa những thách đố của cuộc sống và được mời gọi “Sẵn sàng trả lời cho bất kỳ ai chất vấn về niềm hi vọng (x. 1Pr 3,15-16). Khi đó người Tín Hữu hiểu rằng không phải trao ban lý do cho niềm hy vọng này trên binh diện lý thuyết, bằng lời nói, nhưng nhất là với chứng tá cuộc sống và phải để Chúa Giêsu hiện diện hữu hình ngang qua chính gương chứng nhân của mình đặc biệt trong cơn đại dịch Covid -19 này.
Tác giả : Anton. Lê Đức Tuân
( Bài viết tác giả giả gửi về Hiệp Hội )
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ