Giọt ấm giữa trời đông

142 lượt xem 13 Tháng Một, 2020

   “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. (Mt 5,5)

Tiết trời mùa đông lạnh ngắt, những giọt mưa cứ vô tình đổ xuống làm lầy lội con đường và tăng thêm cái giá lạnh trời đông; đường phố cuối năm hối hả, tấp nập người qua lại. Những chiếc xe hon đa đỗ xịch trước cổng bệnh viện Đa Khoa 115, chị em chúng tôi hồ hởi khiêng những thùng quà nhỏ xuống khỏi xe, chuyển vào khoa thận với niềm hi vọng mang một chút hơi ấm của Chúa Giáng Sinh đến chia sẻ cho các bệnh nhân chạy thận. Họ là những chiến sĩ đang từng ngày âm thầm vật lộn với tử thần để bảo tồn sự sống còn mỏng manh.

 Tôi gặp anh trong ngày hôm ấy. Thoạt nhìn, tôi tưởng anh là cậu bé lên mười hai. Anh nằm gọn lỏn trong một tấm chăn mỏng, đôi tay co quắp, nhỏ bé và dị dạng. Đôi bàn  chân teo nhỏ không ăn nhập gì với cái đầu “sọ trứng” trọc lóc và to bự. Thế nhưng tạo hóa đã ưu ái để lại cho anh đôi mắt biết nói, một đôi mắt sáng ngời và tinh anh. Anh là Nguyễn Văn Cường, 38 tuổi, quê ở Nghệ An. Tính đến hôm nay, chặng đường gắn bó với bệnh viện của anh tròn 20 năm.

Anh đã từng là một cậu bé thông minh, nhanh nhẹn. Cuộc sống êm ả trôi như một bản nhạc nhẹ nhàng, anh dần lớn lên trở thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Sau tốt nghiệp cấp III, anh tiến lên con đường đại học như mơ ước. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển của trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, anh và gia đình vỡ òa hạnh phúc. Ước mơ bao năm đã trở thành hiện thực. Cậu tân sinh viên háo hức với những chân trời mới. Thế nhưng, niềm vui kéo dài chưa được bao lâu thì căn bệnh ập tới vào lúc không ai ngờ nhất. Cơ thể anh bắt đầu có những biểu hiện lạ, toàn thân phù ra và sưng húp. Những cơn đau đầu, choáng váng bất chợt đến bất cứ lúc nào. Gia đình lo lắng vội đưa anh đi khám thì mới hay tin anh bị bệnh suy thận. Tất cả như đóng sầm lại trước cậu sinh viên trẻ đầy nhiệt huyết. Gia đình bắt đầu chạy ngược chạy xuôi tìm cách chữa chạy cho đứa con trai tài giỏi nhưng xấu số. Thế nhưng tất cả trở nên vô phương cứu chữa khi bệnh tình ngày càng nặng và buộc anh phải nghỉ học nhập viện, bắt đầu những ngày tháng lọc máu chạy thận.

Gấp lại trang sách và bắt đầu những ngày điều trị, thân thể anh suy sụp nhanh chóng, từ một chàng thanh niên cao 1m75 nặng 70kg nay chỉ còn như một cậu bé. Anh không thể đi lại và tất cả mọi sinh hoạt phải nhờ vào bố mẹ già. Thế giới của anh thu gọn trong một chiếc giường tám mươi phân. Trên chiếc cằm nổi lên một cục bướu kéo xuống cổ làm cho khuôn mặt anh biến dạng. Thế nhưng, thấp thoáng sau con người tật nguyền ấy, tôi thấy một con người khác đầy nghị lực và mạnh mẽ.

Tôi hỏi anh rằng đã vượt qua được những khó khăn ấy bằng cách nào?. Anh không ngần ngại chia sẻ: “Từ một cậu thanh niên khỏe mạnh với những cuộc vui kéo dài cùng bạn bè, những dự tính công việc cho tương lai bỗng dưng trở thành người tàn phế, tất cả phải phụ thuộc vào người khác, đó là một cú sốc lớn đối với anh. Suốt hai năm trời, anh chẳng nói chuyện với ai, sống trong bế tắc và tuyệt vọng. Lúc ấy, anh chỉ muốn chết đi để đỡ khổ cho mình và cho gia đình. Thế nhưng, chính trong thời gian ấy, anh đã bình tâm để nghĩ về cuộc đời, cuối cùng anh nghiệm ra một điều: ‘Trên đời này ai cũng có nỗi khổ riêng, không ai giống ai. Nếu đời trao cho mình nỗi đau này, chỉ cần vui vẻ chấp nhận thì mình sẽ không cảm thấy khổ nữa. Và điều quan trọng hơn là bên cạnh mình còn có gia đình và mọi người yêu thương’”. Tôi ngước nhìn người cha với mái đầu muối tiêu, trên mặt hằn rõ những nếp nhăn khắc khổ nhưng vẫn toát lên sự bao dung trìu mến. Nhìn cách bác ấy bóp chân và cho con trai uống từng ngụm nước với một cử chỉ nhẹ nhàng, cẩn thận đã đủ nói lên tình phụ tử bao la bất tận. Đó là người đàn ông suốt hai mươi năm qua đã cùng con trai mỗi tuần ba lần lên đường chiến đấu bảo tồn sự sống nơi bệnh viện này. Lòng tôi thầm tạ ơn Chúa đã tạo nên những người cha và người mẹ tuyệt vời với trái tim tròn đầy nguyên vẹn một tình yêu dành cho con cái.

Anh là một trong vô số hàng ngàn bệnh nhân chạy thận hàng tuần ở đây, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Thế nhưng, mỗi người một cách, họ đã vượt qua số phận để sống, không chỉ vì họ ý thức rằng sự sống là quà tặng vô giá mà còn sống vì người khác. Họ biết rằng gia đình, bố mẹ, vợ, chồng, con cái cũng đang rất cần đến họ. Và thấp thoáng trong tôi hình ảnh trái ngược, coi thường mạng sống của những cô cậu thanh niên khỏe mạnh chỉ vì một chút thất vọng, một cuộc cá độ nhão nhoẹt đã vội tìm đến những cái chết lạnh.

Khi cầm nắm những bàn tay run rẩy, tật nguyền, khô ráp và lạnh cóng vì thiếu sức sống; khi nhìn những nụ cười vỡ òa hạnh phúc vì nhận được những gói quà, những suất cơm nóng hổi hàng tuần; khi chứng kiến những giọt nước mắt lặng lẽ rơi vì có người cảm thông, chia sẻ của các bệnh nhân, tôi mới hiểu rõ được những lời cảm nhận sâu sắc của nhà bác học nổi tiếng Albert Einstein: “ Tình cảnh của những đứa con trái đất chúng ta mới kỳ lạ làm sao! Mỗi chúng ta đến đây như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ta không biết để làm gì, nhưng đôi khi ta tin rằng ta cảm nhận được điều đó. Song, khi nhìn từ cuộc sống thường nhật mà không đi sâu hơn, ta biết rằng: ta đến đây vì người khác. Trước hết vì những người mà hạnh phúc của riêng ta phụ thuộc hoàn toàn vào nụ cười và sự yên ấm của họ, kế đến là vì bao người không quen mà số phận của họ nối với ta bằng sợi dây của lòng cảm thông”. (Albert Einstein, Thế giới như tôi thấy, nxb Tri thức). Và hơn nữa, với ý thức của người có niềm tin, tất cả đều là con một Cha trên trời, tôi biết rằng họ là anh chị em của tôi chứ không còn là người xa lạ.

      Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa các bệnh nhân, đó là những đóa hoa nhạt màu, thiếu sức sống và cần thay đổi nhựa sống liên tục để giữ được sự sống yếu ớt. Tuy nhiên, con nghĩ rằng đó lại là những bông hoa tỏa hương thơm nhất để dâng lên Chúa Hài nhi bé nhỏ, đơn sơ. Xin Hoàng Tử Hòa Bình nâng đỡ, ban bình an và tiếp thêm nghị lực cho những Bông Hoa của Ngài để tiếp tục chiến đấu và tỏa hương giữa cuộc sống đầy khó khăn này.

                                                                                                            Chút Xíu