GIÁO HỘI THÁNH THIỆN
Dẫn nhập
“Ngôi nhà chung của chúng ta là trái đất màu xanh bao la,
ngôi nhà chung của chúng ta là trái đất màu xanh hiền hòa”[1]
Với bài hát trên, trái đất được gọi là ngôi nhà chung của tất cả con người trên thế giới sinh sống thì đối với niềm tin Kitô Giáo, Giáo Hội là ngôi nhà thân yêu mà người Kitô hữu nương nhờ. Nếu ngôi nhà trái đất màu xanh bao la hiền hòa nhưng cũng đầy những màu đen ảm đạm và sự dữ thì ngôi nhà Giáo Hội phải chăng cũng đang ẩn chứa sự đối nghịch tương tự. Bởi khi nhìn lại hành trình dọc dài lịch sử Giáo Hội, chúng ta nghiệm thấy sự phong phú thánh thiện nơi từng mẫu gương nhân đức của các vị Thánh để lại, đặc biệt ghi dấu trong những năm gần đây như Mẹ Têrêxa, Maximilian Kolbe, Gioan Phaolô II….thì bên cạnh đó, chúng ta vẫn không khỏi nuối tiếc về những tổn thương, đổ vỡ bởi sự bất toàn, tội lỗi của con cái Giáo hội. Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã từng nói: “Thành thực mà nói Giáo Hội chẳng thánh thiện…” Ngay cả công đồng Vaticanô II cũng đã đi đến kết luận: “Giáo Hội không chỉ thánh thiện mà còn tội lỗi.”[2] Thực trạng cho thấy rằng: “Lịch sử Giáo Hội được đan xen bởi ánh sáng và bóng tối. Nếu Giáo Hội tự hào vì đã có những người con thánh thiện, góp phần làm thay đổi thế giới, thì Giáo Hội cũng đau lòng vì đã có nhiều lầm lỗi do con cái mình gây nên. Có những lỗi lầm do một số người nắm giữ địa vị cao trong Giáo Hội là thủ phạm, gây nên nhiều tổn thương và làm hình ảnh tốt đẹp của Giáo Hội bị biến dạng”[3] Thế nhưng “Giáo Hội, người vốn ôm kẻ tội lỗi trong lòng, cùng một lúc vừa thánh thiện vừa luôn luôn cần được thanh tẩy, luôn dấn bước trên nẻo đường thống hối và canh tân”[4]. Với lòng trân quý sự vĩ đại thánh thiêng nơi ngôi nhà Giáo Hội, mặc cho những vết nhơ tội lỗi; với thao thức có thể tiến bước trên con đường thánh thiện, đáp lại tiếng Chúa gọi nên thánh trong chính cuộc sống của mình, người viết muốn được tìm hiểu sâu hơn về đặc tính Thánh Thiện của Giáo Hội qua những điểm sau:
- Giáo Hội Thánh Thiện phát xuất từ Thiên Chúa là Đấng Thánh
Giáo Hội là tòa nhà của Thiên Chúa (1Cr 3,9)…Thật vậy, ở trần thế này, chúng ta thuộc về công trình đó như những viên đá sống động xây nên thành thánh (x 1Pr 2,5)[5]. Chính vì thế, mọi tín hữu được diễm phúc cư ngụ trong Giáo Hội cần ý thức được rằng: Ngôi nhà Giáo Hội là Thánh Thiện vì xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng Thánh, Người trung tín với Giáo Hội và không bỏ mặc Giáo Hội cho quyền lực của sự chết và sự ác (Xc Mt 16,18). Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu và là Đấng Thánh. ‘Tên’ của Thiên Chúa là ‘Thánh’ (Ed 36,22-24; Lc 1,49). Bên cạnh đó, “Hội Thánh được tuyên xưng là Thánh Thiện vì Chúa Kitô thiết lập và đã yêu thương Hội Thánh như hiền thê của mình, đã hiến thân và không ngừng thánh hóa Hội Thánh. Người kết hợp Hội Thánh như thân thể Người và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần cho Giáo Hội để làm vinh danh Thiên Chúa.”[6] Từ đó, ý thức sự cao cả thánh thiêng của Giáo Hội Thánh Thiện không phải vì công trạng của chúng ta, không phải chúng ta làm cho Giáo Hội thánh thiện; nhưng là Thiên Chúa, là Chúa Thánh Linh, trong tình thương, Người làm cho Giáo Hội Thánh Thiện![7] “Sự thánh thiện mà Giáo Hội sống tiên vàn là tặng phẩm của Thiên Chúa nhân lành, yêu thương và trung tín. Không có thực tại này, sự thánh thiện chỉ là giả dối. Chính vì thế, được đặt nền trên thực tại tuyệt đối này, sự thánh thiện của Giáo Hội mang bộ mặt khác hẳn: sự thánh thiện của khiêm nhường chứ không phải của tự mãn và kiêu căng, của nhân hậu chứ không phải của kết án và thẩm phán, của can đảm trong kiên nhẫn chứ không phải của nhu nhược muốn làm vui lòng con người.”[8] Vì thế, mọi Kitô hữu “tuỳ theo ân huệ và phận vụ riêng của mình, mỗi người phải nhất quyết tiến tới trên đường đức tin sống động, một đức tin khơi dậy đức cậy và hoạt động nhờ đức ái.” (LG 41) Rõ ràng sự thánh thiện Kitô hữu không thể có được mà không có một ý chí, một quyết tâm, một chọn lựa triệt để, tận căn. Mà như thế là trách vụ của từng người. “Vì thế, với ơn Chúa, họ phải tiếp tục giữ gìn và hoàn thành trong đời mình sự thánh hoá mà họ đã lãnh nhận.”[9] Để từ đó, ý định Thánh Thiện nơi Thiên Chúa Ba Ngôi luôn được đoàn dân trên đường lữ hành dương thế trân quý và làm triển nở mỗi ngày.
- Vẻ nghịch lý trong một Giáo Hội Thánh Thiện
Thật vậy, dù xuất phát từ Thiên Chúa, nhưng Giáo Hội tồn tại hữu hình ngang qua cơ cấu của con người. Nói theo ngôn ngữ thần học, Giáo Hội là một thực thể đang trong cuộc hành hương tiến về sự hoàn thiện. Dù đã thừa hưởng ơn cứu độ của đức Kitô phục sinh, nhưng Giáo Hội vẫn đang thực hiện lộ trình băng qua sa mạc để được thanh tẩy trước khi trở nên thánh thiện vào ngày sau hết. Đó là những lý do vì sao vẫn còn nhiều mặt tối trong Giáo Hội. Lịch sử cho thấy đã có lúc những vụ bê bối xảy ra ngay tại giáo triều Rôma, nơi những vị lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội. Và gần đây, việc hàng loạt những vụ lạm dụng liên quan đến giới giáo sĩ bị đưa ra ánh sáng đã làm dấy lên trong Giáo Hội những luồng tư tưởng và thái độ khác nhau. Tuy nhiên, Giáo Hội không phủ nhận những khuyết điểm của con cái mình, nhưng can đảm chấp nhận chúng, như một thực tại đau buồn của dân Chúa trong cuộc lữ hành trần gian. Công đồng Vaticano II đã nhìn nhận: “Chúa Kitô thánh thiện, vô tội và tinh tuyền, không hề phạm tội chỉ để đền tội lỗi dân chúng, còn Giáo Hội, vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối canh tân[10]. Trước thềm thiên niên kỷ thứ ba, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi các môn đệ của Chúa Kitô cùng thanh tẩy ký ức, sám hối vì một quá khứ đau thương do tội lỗi của các phần tử trong giáo hội gây nên. Thánh nhân viết: “được tháp nhập vào Chúa Kitô, mặc dù là thánh, Giáo Hội không mỏi mệt trong việc thực hiện thống hối: “trước nhan Thiên Chúa và trước mặt con người, Giáo Hội luôn công nhận những người con nam nữ tội lỗi như là của riêng mình”[11]
Vì thế, việc đón nhận vẻ nghịch lý trong một Giáo Hội Thánh Thiện là điều hết sức cần thiết. Bởi Giáo hội bao gồm những con người, chứ không phải các thiên thần, nên chắc chắn không được miễn trừ khỏi những yếu đuối và tội lỗi. Hơn nữa, khởi từ Đấng yêu mến chúng ta đến cùng, một Giáo Hội Thánh Thiện song đầy dẫy tội nhân, xét cho cùng, lại mang đến an ủi và khích lệ hơn là đè bẹp[12]. Hình ảnh thửa ruộng vừa có lúa, vừa có cỏ lùng cho thấy một Giáo Hội thời nào cũng bao gồm những người tốt và những người chưa tốt và Giáo Hội phải đón nhận hết thảy với lòng bao dung nhân từ ( x.Mt 13, 24-30). Như Đức Ratzinger suy tư: “Thú thật đối với tôi, sự thánh thiện đầy vết nhơ của Giáo Hội lại là niềm an ủi không cùng. Vì nếu phải đứng trước một sự thánh thiện tuyệt đối tinh tuyền, chỉ biết có tuyên án và luận phạt thì làm sao không khiếp hãi [13]. Cho nên, sự Thánh Thiện của Chúa hiện diện trong Giáo Hội, nhưng đó là một tình yêu lạ lùng và không biết mệt mỏi, vẫn chọn những bàn tay nhơ uế của con người như chiếc bình chứa đựng sự thánh thiện của Người.[14] Từ đó, ta có thể nói rằng: chính vì cấu trúc nghịch lý của vẻ vừa thánh thiện vừa tội lỗi của Giáo Hội, mà Giáo Hội là hình tượng của ân sủng trong thế giới này.[15] Nhờ đó, hiểu sâu và đón nhận sự đối lập này là động lực để mỗi Kitô hữu nỗ lực nên thánh đồng thời cảm thông, yêu mến và đẩy lùi những đổ vỡ làm cho Giáo Hội tổn thương. “Giáo Hội được trang điểm bằng một sự thánh thiện đích thực, tuy chưa hoàn hảo” nhưng các chi thể của Giáo Hội còn phải phấn đấu để đạt tới sự thánh thiện hoàn hảo bằng cách “được ban cho những phương tiện cứu rỗi dồi dào và cao cả, để mọi Kitô hữu, dù ở bậc sống nào, mỗi người trong hoàn cảnh của mình, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự thánh thiện trọn hảo như Chúa”[16] Bởi từ muôn đời, theo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, Người muốn chúng ta để nên “thánh thiện vô tì tích trước nhan Người” (Ep 1,4). Trải qua dòng lịch sử của dân Chúa, ý định đó vẫn được lặp lại với Israel: “Hãy nên Thánh, vì Ta, Đức Chúa của các ngươi, là Đấng Thánh” ( Lv 19,2 ) và Chúa Giêsu cũng đã mời gọi “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48; Lv 11,44.)
- Hiệp hành nên thánh trong đức ái
Sự thánh thiện gắn bó với tình yêu, theo Kitô giáo càng yêu mến càng thánh thiện, và càng thánh thiện càng yêu mến. Đức ái là một điều kiện không thể thiếu trong hành trình nên thánh. Công đồng Vatican II đã viết: “Đức ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật, nên đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được cùng đích[17]”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “sự thánh thiện chẳng bao giờ là kết quả của một sự chinh phục cá nhân, nhưng được lồng trong đời sống của một thân thể Dân Thiên Chúa. Người viết như sau: “Không ai tự cứu độ riêng mình, nhưng Thiên Chúa lôi kéo chúng ta nhờ những mối dây tương quan được thiết lập trong cộng đồng nhân loại: Thiên Chúa muốn chúng ta đi vào động lực của một dân tộc” (GE 6).[18] Mặt khác, nếu Giáo hội là một dân tộc, thì sự thánh thiện phải mang tính “toàn dân”[19], “chứ không phải là tuyển lọc”.[20]Bên cạnh đó, một đời sống thánh thiện chủ yếu không phải là kết quả cố gắng riêng và hoạt động của chúng ta, nhưng chính Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh (Is 6,3) làm cho chúng ta nên Thánh, chính hoạt động của Chúa Thánh Linh Đấng gọi chúng ta từ nội tâm, chính sự sống của Chúa Kitô Phục Sinh được thông ban cho chúng ta, biến đổi chúng ta. Vì trong Đức Kitô Thiên Chúa đã chọn chúng ta trước khi tạo thành vũ trụ, để chúng ta sống thánh thiện không tỳ ố trước Thiên Chúa (Ep.1,4) “Sư thánh thiện hệ tại sống như Chúa Kitô, diễn tả lối cư xử, tư tưởng và hành động của Chúa trong đời sống chúng ta bằng cách mến Chúa và yêu người. Tình yêu này luôn đươc nuôi dưỡng bằng kinh nguyện, lắng nghe Lời Chúa và siêng năng lãnh nhận các Bí tích cùng với cộng đoàn dân Chúa.”[21] Những cố gắng thực thi đức ái sẽ giúp chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn, và nhờ đó mọi người sẽ nhận ra Thiên Chúa vô hình qua những người con của Giáo Hội khi sống sứ điệp yêu thương của Tin Mừng . Vì thế mỗi người Kitô hữu được mời gọi góp phần vào sự thánh thiện của Giáo Hội bằng việc nỗ lực tiến tới sự hoàn thiện, thực hành đức ái và thường xuyên hoán cải canh tân
Kết luận
Là người tu sĩ theo sát dấu chân Đức Giêsu Khó Nghèo- Khiết Tịnh -Vâng Phục trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” được thánh hiến để tham gia vào sứ mệnh chứng tá của Người, mà chứng tá quan trọng nhất của đời sống thánh hiến chính là đời sống “thánh thiện”. Tuy nhiên, trong đời sống ơn gọi không tránh khỏi những chông gai, cạm bẫy của thế giới bóng đêm và bao hình thức bấp bênh, bất cập khác vì sự yếu đuối của chính mình. Chính vì thế người tu sĩ cần hoán cải và hoàn thiện mỗi ngày trên con đường nên thánh. Tuy nhiên, tự bản thân người tu sĩ không thể nào vững vàng, kiên định trên con đường hoàn thiện, nhưng nhờ Chúa Thánh Thần dẫn dắt, người tu sĩ sẽ vượt qua tất cả những thách đố và chướng ngại và hân hoan tiến bước theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô:“Đừng sợ nhìn lên cao hơn, để cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương và giải phóng. Đừng sợ để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sự thánh thiện không làm cho anh chị em trở nên ít nhân bản hơn, vì nó là một cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của anh chị em và quyền năng của ân sủng của Thiên Chúa[22].
Như vậy, sự thánh thiện của Giáo Hội là do bản chất và nguồn gốc vì Đức Kitô là đầu và nhờ mầu nhiệm cứu độ của Người mà mọi thành phần trong Hội thánh được biến đổi, cứu vớt và được thánh hóa. Sự thánh thiện của Giáo Hội là luôn ôm ấp những tội nhân, luôn tha thứ và không ngừng mời gọi họ hoán cải. Dù chúng ta tuyên xưng Giáo Hội là thánh thiện thì cộng đoàn Giáo Hội vẫn bao gồm những con người tội lỗi trong cuộc lữ hành trần thế. Khi kêu gọi mọi người nên thánh, Công đồng cũng cho chúng ta thấy mỗi con cái của Giáo Hội cần phải luôn thống hối, và hằng ngày phải luôn cầu nguyện: “Xin Cha tha nợ cho chúng con” (Mt 6,12). Quả thật, Giáo Hội chỉ thành toàn trong vinh quang trên trời khi Chúa Kitô ngự đến để tái tạo mọi sự nơi Người (LG 48). Chính vì thế, được làm con Chúa trong ngôi nhà Thánh Thiện của Mẹ Giáo Hội là một hồng phúc quý giá mà Thiên Chuá dành tặng cho mọi Kitô hữu. Ước mong cho mọi người ý thức chọn Chúa làm trung tâm trong cuộc sống để nhờ đó giữa phân định, chọn lựa liên tục của cuộc sống biết nhận ra điều gì là điều Thiên Chúa muốn mỗi người thực hiện, điều gì để vinh danh Thiên Chúa và đem lại nguồn năng lượng tích cực làm tỏa rạng vẻ đẹp Thánh Thiện của Giáo Hội.
La Nobita
[1] Nhạc sĩ: Hình Phước Liên, https://loicakhuc.com/loi-bai-hat-ngoi-nha-cua-chung-ta-alin-music-school/ur6.html
[2] Ratzinger, Đức tin Kitô Giáo, trang 364
[3] http://conggiao.info/thanh-thien-va-toi-loi-d-9875, truy cập ngày 8/5/2021.
[4] Công Đồng Vatican II, “Lumen Gentium”, số 8,
[5] Ibid., số 6
[6] Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Lumen Gentium, s. 39.
[7] http://www.mtgcaimon.net,giao-hoi-thanh-thien-theo-nghia-nao.html ( truy cập ngày 8/5/2021)
[8] https://catechesis.net/cong-dong-vatican-ii-su-thanh-thien-kito-huu-thanh-tuu-hay-len-duong-hong-an-va-trach-nhiem-2/, cập nhật 30/10/2018
[9] Ibid., số 40
[10] Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Lumen Gentium, s. 8
[11] Gioan Phaolô II, Tông thư Tetiô millennio adveniente, số 33.
[12] Ratzinger, Đức tin Kitô Giáo, trang 368
[13] Ibid., trang 368
[14] Ibid., trang 367
[15] Ibid., trang 366-367
[16] GH 48,11
[17] Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Lumen Gentium, s. 42
[18] ĐTC Phanxicô, « Evangelii Gaudium », 87.
[19] X. M.G. MASCIARELLI, « Santi. Guida di lettura alla terza esortazione del pontificato », 198.
[20] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/khuon-mau-thanh-thien-theo-duc-thanh-cha-phanxico-42894, cập nhật 16/10/2021
[21] Đức GH Bênêdictô XVI, bài giáo lý “giải thích sư thánh thiện”, sáng ngày 13-4-2011
[22] Đức Thánh Cha Phanxicô. Tông huấn Gaudete Exsultate. Số 34
Tin cùng chuyên mục:
Biết ơn trường đời
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết