Giáo hội không phải là pháo đài đóng kín, nhưng là căn lều đón tiếp mọi người

113 lượt xem 25 Tháng Mười, 2019

Đức Thánh Cha nói nếu Giáo hội không “đi ra” khỏi chính mình thì không phải là Giáo hội; nếu Giáo hội không mở rộng cửa đón tiếp những người đến với mình thì không phải là Giáo hội. Ngài mời gọi các Kitô hữu biết đối thoại, lắng nghe và gặp gỡ các anh chị em trong đức tin và gặp gỡ những người ở xa chúng ta, để cảm nếm và bày tỏ sự phong phú của Giáo hội.

Sáng thứ tư 23/10 đã có khoảng 30 ngàn tín hữu tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô vào sáng thứ tư 23/10. Đoạn sách thánh được Đức Thánh Cha giảng giải trong buổi tiếp kiến trích từ sách Công vụ Tông đồ 15, 7-11, thuật lại quyết định của thánh Phêrô trong sự kiện được gọi là Công đồng đầu tiên của Giáo hội – Công đồng Giêrusalem. Ngài mời gọi các anh em không nên choàng vào cổ dân ngoại ách nặng của Lề luật, vì chính niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô cứu độ mọi người chứ không phải Lề Luật Môsê.

Từ hành trình truyền giáo của hai thánh Phaolô và Barnaba: rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, và quyết định của Công đồng Giêrusalem: dân ngoại không phải chịu phép cắt bì trước khi lãnh nhận bí tích rửa tội, Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội “đi ra” để đến với mọi người”, mở rộng cửa cho mọi người có thể đến để được ơn cứu độ. Và Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng cách thức giải quyết các khác biệt khó khăn trong Giáo hội là đối thoại dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để tìm ra tiếng nói chung. Đây chính là tính công nghị trong Giáo hội.

Hành trình của Lời Chúa

Trong phần đầu của bài giáo lý, ĐTC nhắc lại “hành trình của Lời Chúa”, từ cuộc gặp gỡ đổi đời của Phaolô với Chúa Giêsu cho đến Công đồng Giêrusalem.

Từ cuộc hoán cải của Phaolô đến Công đồng Giêrusalem

Sau khi hoán cải, nhờ trung gian của Barnaba, Phaolô được đón nhận vào Giáo hội Giêrusalem và bắt đầu rao giảng Chúa Kitô. Nhưng do sự thù ghét của một số người, Phaolô buộc phải chuyển đến Tarso, nơi sinh quán của ngài. Barnaba đã đến đây gặp Phaolô và mời gọi ngài tham dự vào cuộc “hành trình của Lời Chúa”. Sách Công vụ Tông đồ mà chúng ta đang học hỏi trong các buổi tiếp kiến chung này, có thể nói là cuốn sách về cuộc hành trình dài của Lời Chúa: Lời Chúa được loan báo và loan báo mọi nơi.

Kitô hữu chạy trốn với Lời Chúa và gieo rắc khắp nơi

Cuộc hành trình này bắt đầu sau một cuộc bách hại dữ dội (xem Cv 11,19); nhưng cuộc bách hại này, thay vì chấm dứt việc rao giảng Tin Mừng, thì lại trở thành cơ hội để mở rộng cánh đồng nơi hạt giống tốt của Lời Chúa được gieo rắc. Các Kitô hữu không sợ hãi. Họ phải chạy trốn nhưng chạy trốn với Lời Chúa và gieo rắc Lời Chúa khắp nơi.

Đầu tiên, Phaolô và Barnaba đến Antiokia thuộc Siria và các ngài ở lại đây một năm để dạy dỗ và giúp cho cộng đoàn được đâm rễ sâu, vững chắc (xem Cv 11,26). Họ rao giảng cho cộng đoàn người Do thái. Antiokia trở thành trung tâm thúc đẩy truyền giáo, nhờ lời giảng dạy mà hai vị truyền giáo Phaolô và Barnaba ghi khắc trong trái tim của các tín hữu. Tại Antiokia, lần đầu tiên họ được gọi là “Kitô hữu” (xem Cv 11,26).

Từ rao giảng cho người Do Thái đến rao giảng cho dân ngoại

Bắt đầu từ Antiokia, Phaolô và Barnaba, “được Chúa Thánh Thần gửi đi” (Cv 13,4), đi qua những nơi khác nhau – trên đảo Síp và sau đó trên bán đảo Anatolia – rao giảng Chúa Kitô và thu hút nhiều người đến với đức tin. Đây là cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên của Phaolô, ghi lại bước thay đổi từ rao giảng Tin Mừng trong các hội đường của cộng đồng người Do thái hải ngoại đến việc loan báo trong môi trường đa số là dân ngoại.

Giáo hội không phải là một thành trì, nhưng là căn lều tiếp đón mọi người

Khi trở lại Antiokia, Phaolô và Barnaba kể cho các anh em nghe biết Thiên Chúa đã mở “cánh cửa của đức tin” cho dân ngoại như thế nào (Cv 14,27) khi hoàn thành “công việc” mà Chúa Thánh Thần đã trao phó cho các ngài. Qua sự việc này, Đức Thánh Cha nhận định: Sách Công vụ Tông đồ cho thấy bản chất của Giáo hội, không phải là một thành trì, nhưng là một căn lều có khả năng mở rộng không gian (xem Is 54,29) để tất cả có thể đi vào và cho mọi người cơ hội bước vào. Giáo hội “đi ra ngoài”, nếu không thì không phải là Giáo hội; Giáo hội lữ hành hay luôn được mở rộng để họ có thể bước vào, hoặc nếu không thì không là Giáo hội. Đó là một Giáo hội với các cánh cửa mở rộng (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 46), luôn có các cánh cửa mở rộng.

 Giáo hội: ngôi nhà mở rộng cửa của Chúa Cha

Đức Thánh Cha chia sẻ: Khi tôi nhìn thấy một vài nhà thờ ở đây, trong thành phố này, hay tại các giáo phận khác mà tôi đến, có các cánh cửa đóng kín, đây là một tín hiệu xấu. Các nhà thờ phải luôn mở cửa để là dấu chỉ của nhà thờ: luôn mở cửa. Giáo hội “được gọi để luôn trở thành ngôi nhà mở rộng cửa của Chúa Cha. […] Như thế, nếu ai đó muốn theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và đến gần để tìm kiếm Thiên Chúa, họ sẽ không gặp phải sự lạnh lùng của một cánh cửa đóng kín” (ibid., 47).

Việc “mở cửa cho dân ngoại” gây nên tranh luận

Đức Thánh Cha lưu ý: các vấn đề bắt đầu xuất hiện khi có tin tức về “những cánh cửa mở rộng cho dân ngoại”, bởi vì các Tông đồ đã rao giảng cho người Do Thái, nhưng những người dân ngoại cũng đến gõ cửa Giáo hội; và tin tức về việc mở cửa cho dân ngoại đã gây ra một cuộc tranh cãi rất sôi nổi. Một số người Do Thái khẳng định rằng dân ngoại cần thiết phải trở thành Do Thái trước đã, nghĩa là phải cắt bì để được cứu độ. Họ nói: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê, thì anh em không thể được cứu độ (Cv 15,1), nghĩa là không thể được lãnh nhận phép rửa tội. Trước hết là nghi lễ của Do Thái, rồi mới đến bí tích rửa tội: Đây là lập trường của người Do Thái. Để giải quyết vấn đề, Phaolô và Barnaba tham khảo ý kiến của các Tông đồ và các trưởng lão ở Giêrusalem, và sự kiện diễn ra sẽ được xem là công đồng đầu tiên trong lịch sử của Giáo hội, công đồng Giêrusalem. Công đồng này được thánh Phaolô đề cập đến trong thư gửi tín hữu Galát ( 2,1-10).

Chúng ta được cứu độ là nhờ ơn sủng của Chúa Giêsu

Trong công đồng Giêrusalem, một câu hỏi về thần học, tu đức và kỷ luật, rất nhạy cảm, đã được thảo luận: tương quan giữa đức tin vào Chúa Kitô và Luật Môsê. Các diễn văn của Phêrô và Giacôbê, “các cột trụ” của Giáo hội Mẹ, có tính quyết định trong công đồng (xem Cv 15,7-21; Gl 2,9). Hai Tông đồ mời gọi họ tin rằng chúng ta được cứu độ là nhờ ơn sủng của Chúa Giêsu chứ không bởi điều gì khác. Tiếp theo phát biểu của Phêrô, Giacôbê cũng mời gọi đừng áp đặt việc cắt bì cho các dân ngoại, nhưng chỉ yêu cầu họ loại bỏ việc thờ ngẫu tượng và tất cả các hình thức của nó. Từ việc thảo luận họ đi đến con đường chung và quyết định đó, được phê chuẩn với điều được gọi là “thư tông đồ” gửi cho Antiokia.

Phương pháp của Giáo hội: đối thoại, lắng nghe và phân định dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần

Đức Thánh Cha nhận định: Công đồng Giêrusalem đưa ra cho chúng ta một ánh sáng quan trọng về cách thức giải quyết các sự khác biệt và tìm kiếm “chân lý trong bác ái” (Ep 4,15). Nó nhắc chúng ta rằng phương pháp Giáo hội dùng để giải quyết các xung đột là dựa trên đối thoại, được thực hiện qua việc lắng nghe chân thành và kiên nhẫn và trên việc phân định được thực hiện dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, chính Thần khí giúp vượt qua sự khép kín và căng thẳng và hoạt động trong trái tim để, trong sự thật và thiện ích, họ đạt được sự hiệp nhất. Văn bản này giúp chúng ta hiểu được tính công nghị, cùng suy tư và hành động dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thật thú vị khi Thư gửi Antiokia viết: các Tông đồ bắt đầu nói: “Chúa Thánh Thần và chúng tôi nghĩ rằng …”: đó chính là hiệp hành, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu xin Chúa củng cố nơi tất cả Kitô hữu, đặc biệt nơi các giám mục và linh mục, mong ước và trách nhiệm hiệp thông. Xin Chúa giúp chúng ta sống đối thoại, lắng nghe và gặp gỡ các anh chị em trong đức tin và gặp gỡ những người ở xa chúng ta, để cảm nếm và bày tỏ sự phong phú của Giáo hội, được mời gọi luôn luôn trở thành “người mẹ vui mừng” của đông đảo con cái (xem Tv 113,9)

Mời gọi đối thoại trong cuộc khủng hoảng tại Chilê

Đức Thánh Cha cũng đưa ra lời kêu gọi cho Chilê. Ngài nói: “Tôi theo dõi với sự lo lắng những điều đang xảy ra tại Chilê. Tôi hy vọng rằng, bằng cách chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực, thông qua đối thoại, các nỗ lực sẽ được thực hiện để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng và đối mặt với những khó khăn, vì lợi ích của toàn dân.

Tưởng nhớ Đức Hồng Y Adam Kozłowiecki

Trong lời chào các tín hữu Ba Lan, ĐTC đặc biệt chào Ban tổ chức triển lãm về Đức Hồng Y Adam Kozłowiecki, mới khánh thành tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana. Đức Thánh Cha nói: “Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, ngài là tù nhân của các trại tập trung ở Auschwitz và Dachau. Sau đó, trong hơn 60 năm, ngài đã truyền giáo ở Zambia. Với lòng can đảm Tin Mừng, ngài đã đã chiến đấu không ngừng vì phẩm giá và quyền lợi của cư dân châu Phi, thúc đẩy việc xây dựng nhà thờ, trường học, bệnh viện và viện dưỡng lão. Cầu xin công việc của nhà truyền giáo không biết mệt người Ba Lan này có thể mở rộng trái tim của chúng ta trước nhu cầu của anh chị em sống ở các nước truyền giáo”.

                                                                                                          Hồng Thủy

(VaticanNews 23.10.2019)