Giáo dục Việt Nam 2018: Đi tìm câu trả lời trong một bối cảnh đang thay đổi
Tiến bộ công nghệ đang làm thay đổi tận gốc rễ cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và những thay đổi đó đang tiếp tục diễn ra từng giờ từng phút. Có phải ngày nay hầu như cả cuộc đời chúng ta đang nằm trong chiếc máy điện thoại? Ra khỏi nhà mà quên nó, ta sẽ lật đật quay về lấy, cho dù với Facebook, Viber, Zalo, Twitter, Google v.v… từ một thiết bị khác ta vẫn có thể kết nối với hàng trăm, hàng ngàn người khắp nơi trên thế giới này mà ta đang có quan hệ trong công việc và cuộc sống cá nhân? Mức độ phụ thuộc của ta vào các thiết bị điện tử và di động đang tăng thêm từng ngày, và đó là điều chưa hề có chỉ cách đây chừng một thập niên mà thôi. Ai có thể nói trước được một thập niên nữa, cái gì sẽ diễn ra? Liệu cuộc sống quanh chúng ta sẽ tiếp tục thay đổi như thế nào? Làm sao giáo dục có thể chuẩn bị thế hệ tương lai cho một viễn cảnh mà ta chưa biết nó sẽ ra sao?
Tuy thế, có một điều mà chúng ta có thể biết chắc: nếu nhà trường hiện nay của chúng ta không thay đổi lối dạy học truyền thống, thì nó sẽ không còn lý do để tồn tại nữa. Nhà trường truyền thống là nhà trường xem truyền đạt kiến thức là nội dung giáo dục chủ yếu, nhấn mạnh việc chấp nhận những chân lý đã có hơn là thách thức nó, đặt câu hỏi về nó, và đi tìm những chân trời mới. Lối dạy ấy không đào luyện cho người ta sẵn sàng đối mặt với những gì chưa biết ở phía trước.
Trong nhà trường truyền thống ấy, vẫn có những cá nhân kiệt xuất vượt ra khỏi những khuôn khổ thông thường và có những phát hiện quan trọng, chính họ và những khám phá của họ đã đẩy biên giới nhận thức của con người tiến về phía trước. Nhưng đó chỉ là một số ít, rất ít. Phần còn lại thì ngơ ngác khi bước ra khỏi cổng trường với một tấm bằng ĐH ngày càng bị lạm phát giá trị, khó khăn để giành một chỗ đứng trên thị trường lao động khi số chỗ làm ngày càng ít đi và đòi hỏi kỹ năng ngày càng cao, chỉ sẩy một bước là gia nhập đội quân thất nghiệp, bất đắc chí, lạc hướng và lạc lõng.
Có vẻ như khoảng cách giữa những người “được” và “mất”, “thành công” và “thất bại”, “giành được ưu thế/ưu quyền” và “tụt lại phía sau, bị đẩy ra bên lề” sẽ ngày càng giãn rộng. Sẽ có vô số vấn đề xã hội nảy sinh từ tình trạng đó, và nếu chúng ta không chuẩn bị sẵn sàng để vượt qua nó, thì xã hội tương lai sẽ đầy bất ổn, và trong một xã hội như thế, không có ai là bình yên cả, kể cả người giàu, người có quyền chức. Những vụ khủng bố bằng bom, bằng máy bay, bằng xe tải, những vụ nổ súng giết người hàng loạt đâu có lựa chọn nạn nhân? Ai cũng có thể trở thành nạn nhân, dù bạn có bao nhiêu tiền trong tài khoản, dù bạn làm to cỡ nào, dù dòng dõi gia thế bạn có là trâm anh thế phiệt, dù bạn thông minh kiệt xuất tới đâu, dù bạn trẻ trung hay xinh đẹp như thế nào.
Vậy thì giáo dục liệu sẽ có thể làm được gì để chúng ta có một tương lai tốt hơn? Trong một bối cảnh rối bời như thế, nhà trường hôm nay của chúng ta vẫn dạy kiến thức và loay hoay với việc kiểm tra, thi cử; những năm gần đây thì nhấn mạnh kỹ năng mà hầu như bỏ quên hoàn toàn ba thứ khác thậm chí còn quan trọng hơn cả kiến thức và kỹ năng, đó là NHẬN THỨC, GIÁ TRỊ và THÁI ĐỘ SỐNG.
Nhận thức, chứ không phải kiến thức
Ai cũng biết trong thời đại kinh tế tri thức, thì kiến thức quan trọng cỡ nào. Kiến thức chuyên môn tạo ra tiến bộ công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo ra phồn vinh. Đúng thế!
Nhưng nếu chỉ kiến thức thôi, thì chúng ta sẽ thua xa trí tuệ nhân tạo. Không ai có nổi một bộ nhớ tầm cỡ dù chỉ bằng một cái máy tính hạng bét hiện nay.Và không phải chỉ là ghi nhớ, mà còn là tốc độ và mức độ phức tạp trong xử lý thông tin, trong đó có nhiều thông tin ta vẫn hay quan niệm là “đặc quyền” của con người, ví dụ như đánh giá về nhân cách của người khác. Ngày nay, thuật toán xử lý dữ liệu lớn đã cho phép xây dựng mô hình phân tích chỉ với 10 “like” của một người trên Facebook đã có thể đưa ra kết luận về nhân cách, đặc điểm của người ấy còn chính xác hơn là kết luận màđồng nghiệp của họ đưa ra. Với 70 “like”: hiểu tốt hơn cả bạn tình; còn với 300 “like”, trí thông minh nhân tạo hiểu người ấy còn hơn chính bản thân họ nữa!!!
Vậy thì, đừng tranh với máy tính những việc mà ta chả bao giờ giỏi hơn máy tính cả.Đừng tìm cách nhồi nhét kiến thức vào đầu người học, mà cần khơi mở hành trình khai sáng của mỗi người, một hành trình bất tận hình thành nhận thức về thế giới chung quanh. Trong thế giới của chúng ta hôm nay, con người phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn bao giờ hết. Nhận thức được mối quan hệ tương thuộc này, người ta sẽ không xử sự theo lối chỉ biết giành giật phần hơn cho mình mà bất chấp hậu quả xảy ra cho người khác hay cho cộng đồng, vì hiểu rõ cái hậu quả ấy, sớm hay muộn gì cũng sẽ tới lúc chính mình cũng phải gánh chịu.
Nhận thức là những thông tin, kiến thức đa ngành, đa chiều đã được tổng hợp, phân tích và xử lý qua lăng kính của mỗi người, và là một quá trình không ngừng diễn tiến qua thời gian. Nhận thức sẽ dẫn dắt cho hành động.Nhận thức được những giới hạn của con người và của lịch sử, người ta sẽ có cái nhìn khoan dung hơn với những khác biệt. Bao nhiêu cuộc chiến tranh đẫm máu đã xảy ra chỉ vì bảo vệ màu da, sắc tộc, hay một quan điểm trên lập trường chỉ có mình là đúng, khác với mình là sai, là xấu, là ác, là cần phải bị tiêu diệt?
Nhận thức quan trọng là thế, nhưng nhà trường của chúng ta hôm nay hầu như chỉ dạy kiến thức, chứ rất ít chuẩn bị cho người học công cụ để rèn giũa tư duy nhằm xây dựng một nhận thức sáng suốt, vững chắc, có căn cứ.Làm sao có nhận thức cá nhân, nếu người học phải nhồi nhét đủ thứ kiến thức chỉ nhằm mục tiêu thi cử và bằng cấp?nếu không có khoảng không gian nào cho người học lên tiếng và chất vấn những gì đã có và đang có? nếu mục tiêu của giáo dục là tạo ra những người giỏi về chuyên môn và kỹ thuật nhưng không quan tâm tới các vấn đề xã hội?
Giá trị, và thái độ sống, chứ không phải kỹ năng
Nói vậy không phải là phủ nhận tầm quan trọng của kỹ năng. Nhưng nếu quan sát xã hội, đặc biệt là xã hội hiện đại, ta dễ thấy một điều: thành công hay thất bại của người đời phần lớn phụ thuộc vào thái độ sống chứ không phải kỹ năng hay tài năng.Mà thái độ sống thì liên quan tới những giá trị nền tảng của con người.
Thái độ sống trước hết là cách chúng ta nhận thức và xử sự với chính mình. Người biết giữ gìn phẩm giá của chính mình thì sẽ luôn làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ với sự thôi thúc từ bên trong, mà không cần phải có ai quản thúc.Người biếttôn trọng phẩm giá của mình thì cũng sẽ tôn trọng phẩm giá của người khác.Trong thái độ với chính mình còn cóvấn đề xử sự trước thành công hay thất bạicủa mình và của người khác.Một thiếu sót quan trọng của giáo dục là không chuẩn bị cho người học thái độ cần thiết khi đương đầu với thất bại, là điều mà ai cũng sẽ trải qua trong đời, và có thể khiến người này gục ngã, người khác vươn lên, tùy theo cách chúng ta học được gì từ đó.
Thái độ sống còn là cách chúng ta nhận thức và xử sự đối với cuộc sống.Một người chỉ nhìn thấy khía cạnh đen tối của vấn đề, chỉ nhìn thấy chỗ xấu và khiếm khuyết của người khác, chỉ phàn nàn, thở than về những gì không như ý và lấy việc lăng nhục người khác làm vui hầu như không bao giờ có thể thành công. Vì họ khó lòng xây dựng được thiện cảm, lòng tin, và quan hệ hợp tác với người khác.
Một nền tảng giá trị tinh thần tích cực và thái độ sống tích cực là cái gốc của kỹ năng.Để có thể truyền thông hay giao tiếp hiệu quả, chúng ta cần học cách lắng nghe và tôn trọng đối tác. Mà thái độ lắng nghe và tôn trọng ấy là kết quả tự nhiên của những giá trị nhân văn tích lũy qua thời gian và trở thành bản chất thứ hai của mỗi người.Không có những giá trị ấy thì lắng nghe và tôn trọng sẽ thành giả tạo, mà cái gì giả tạo thì sớm muộn gì cũng sẽ bị phát hiện.
Thái độ sống tích cực, tư duy tích cực sẽ tạo ra hành động tích cực, giá trị tích cực. Đó là những thứ quyết định thành công hay thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh của đời người, nhưng những thứ đó chúng ta lại đang được thụ đắc chủ yếu qua tự học hay qua ảnh hưởng của gia đình, thay vì là một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục chính quy. Giáo dục chính quy đang còn mải bận tâm với kiến thức, thi cử và “thành tích”, đã tiêu tốn nguồn lực và nỗ lực của nhà trường vào những thứ có rất ít ý nghĩa đối với người học và đối với xã hội tương lai.Đó là một sự lãng phí rất lớn.
Nhà trường với những hướng đi mới
Trong bối cảnh ấy, nhà trường cần phải linh hoạt hơn để đáp ứng tốt hơn. Xu hướng chung của các nước là giảm nhẹ những quy định về quá trình, nhà nước hầu như chỉ còn nắm vai trò điều phối nguồn lực và bảo vệ các chuẩn mực học thuật tối thiểu.
Trường phổ thông sẽ cần nhấn mạnh hơn việc giúp người học hình thành những giá trị nền tảng, thái độ sống, và kỹ năng sinh tồn trong kỷ nguyên 4.0.Trường ĐH sẽ cần vượt qua những cách tiếp cận truyền thống, vượt lên chính mình, và gắn bó chặt chẽ hơn với giới doanh nghiệp cũng như với nhu cầu phát triển của xã hội.Thay vì chỉ tập trung tạo ra kiến thức mớivà tạo ra con người chuyên gia, ngày nay các trường ĐH cần chú trọng cả việc đưa kiến thức vào cuộc sống và hướng tới đào tạo con người khởi nghiệp – không chỉ là những người khai sinh ra một doanh nghiệp mới, mà còn là mở ra những mô hình kinh doanh mới, tạo ra những giải pháp mới, sản phẩm mới, nhu cầu mới của xã hội; những người nhìn thấy cơ hội và chủ động nắm bắt nó, có can đảm biến nó thành hiện thực mà không ngại rủi ro, sẵn sàng đứng dậy khi thất bại và biết học hỏi từ những thất bại đó. Những phẩm chất như thế trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, nhưng lại là những thứ nhà trường hiện tại đã không chuẩn bị cho người học./.
Phạm Thị Ly
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”