GIÁ TRỊ CỦA NGƯỜI VÔ THẦN

330 lượt xem 2 Tháng Tám, 2018

Chúng ta không bao giờ hoàn toàn trung tín trong đức tin, và tốt hơn, nên mở lòng lắng nghe người khác suy nghĩ và nói về chúng ta, hơn là bịt tai lại. Chối bỏ sẽ chẳng giúp được gì.

Trong công trình nghiên cứu về vô thần của mình, Michael Buckley cho rằng chủ nghĩa vô thần luôn là một vật ký sinh sống nhờ các tín ngưỡng xấu.  Nó sống nhờ tín ngưỡng xấu, chọn lấy và phê phán tín ngưỡng xấu.

Nếu đúng như vậy, thì xét cho cùng, người vô thần đã làm một việc rất tốt cho chúng ta. Họ phê phán tôn giáo xấu, cho chúng ta thấy những điểm mù, những lý luận, những mâu thuẫn, những tiêu chuẩn nước đôi, sự đạo đức giả, thái độ sống luân lý có chọn lọc, chiều hướng mưu cầu quyền lực, những nỗi sợ không lành mạnh, và sự kiêu căng được che đậy của mình. Chủ nghĩa vô thần cho chúng ta thấy cái xà trong mắt mình.

Trong những lúc trung thực nhất, chúng ta thừa nhận chủ nghĩa vô thần là một thách thức cần thiết. Tất nhiên về mặt lý thuyết, chúng ta phải tự nhận thức và tự phê phán đủ để thấy tất cả mọi chuyện cần cho mình, hoặc nếu không thì phải chú tâm đủ vào các ngôn sứ trong đạo mình để nhận ra những khiếm khuyết của mình. Nhưng hiếm khi như vậy, và kết quả là, luôn có những tín ngưỡng xấu và điều này luôn luôn tạo ra sự phủ nhận đối với cả tôn giáo lẫn chủ nghĩa vô thần.

Và chúng ta thấy điều này xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau. Về mặt triết học, tất nhiên, các trình bày mạnh mẽ nhất về vấn đề này là của hai triết gia vô thần nổi tiếng nhất thế kỷ XIX, Ludwig Feuerbach và Fredrick Nietzsche. Những phê phán thực sự của họ về tôn giáo và về chúng ta, những người giữ đạo, có nói đến lập luận cho rằng niềm tin vào Thiên Chúa là thứ “thuốc phiện của quần chúng” và việc đặt trọng tâm vào đời sau đã góp phần làm cho con người bị nô dịch ở đời này, nhưng đó không phải ý chính của họ. Đúng hơn, họ phê phán sâu sắc về các hành động tôn giáo của chúng ta, cụ thể, là việc chúng ta dùng ý niệm Thiên Chúa và tôn giáo để lý luận cho những ham muốn của mình. Với Feuerbach và Nietzsche, Thiên Chúa không làm ra chúng ta theo và giống hình ảnh Ngài, nhưng đúng hơn, chúng ta đã làm Thiên Chúa theo và giống hình ảnh của mình. Với họ, Thiên Chúa là một phóng chiếu từ tâm trí và chúng ta luôn luôn dùng hình tượng phóng chiếu đó để phán định về đạo đức và làm trụ đỡ cho sự thiếu chính chắn, cho ý muốn, cho nỗi sợ và cho những lý luận của chính mình. Với tư cách cá nhân cũng như giáo hội, đơn giản chúng ta dùng ý niệm về Thiên Chúa để làm bất cứ những gì mình muốn, rồi gọi đó là ý Chúa. Rốt cùng, chúng ta không vâng phục bất kỳ uy quyền hay ý muốn nào ngoại trừ uy quyền và ý của riêng mình, có điều loại tôn giáo này lại làm điều này như thử chúng ta làm.

Trong đời sống bình thường của giáo hội, môi trường có ít người đọc Feuerbach và Nietzsche, nhưng chúng ta vẫn có điểm chung với loại phê phán này, dù theo một cách khác, chúng ta cũng chỉ mặt tín ngưỡng xấu. Về mặt văn hóa, chúng ta có những người như Christopher Hitchens và Richard Dawkins, những người giữ cho ngọn dao vô thần được sắc bén và thực tế. Có một sự thật, dù đau lòng, đó là tôn giáo xấu bị những người thân thuộc của chúng ta và ngay cả con cái chúng ta đem ra phê phán. Thời gian gần đây, nhiều phê phán tập trung vào những khủng hoảng xâm phạm tình dục trong giáo hội, nhưng, xuyên suốt nền văn hóa, tôn giáo và các giáo hội của chúng ta đã bị chỉ trích vì các mâu thuẫn, các tăm tối, và lối sống đạo đức có chọn lựa của chúng ta.

Nhiều lời phê phán trong số này gây tổn thương và có vẻ bất công, nhưng rốt cùng, hầu hết đều đúng. Hơn nữa, những nỗ lực bào chữa, biện minh thường chỉ là những lý luận xa vời và không nhìn nhận thiếu sót của mình,  như thế những lời chỉ trích chẳng có giá trị cải thiện nào với chúng ta cả. Tính thủ thế không giúp được gì.

Câu trả lời với chủ nghĩa vô thần và với những phê phán về sai lỗi trong tôn giáo của chúng ta phải bắt đầu từ việc nhận thức nơi nào những điểm này của họ là đúng đắn, dù các lời phê phán đó có vẻ bất công thiên vị và duy lý. Chẳng hạn, một sự bất công của truyền thông không tạo ra bất cứ tội nào hay thiếu sót nào của chúng ta, chính chúng ta mới là người tạo ra.

Câu trả lời cho chủ nghĩa vô thần và các phê phán về đức tin và tôn giáo của chúng ta cần phải được xử lý theo ba bước: Thứ nhất, biết ơn thách thức này. Chúng ta không bao giờ hoàn toàn trung tín trong đức tin, và tốt hơn, nên mở lòng lắng nghe người khác suy nghĩ và nói về chúng ta, hơn là bịt tai lại. Chối bỏ sẽ chẳng giúp được gì. Thứ hai, phải nhận thức, với tinh thần không thủ thế, xem điều gì là đúng và chống lại cám dỗ biện minh cho mình bằng những cách chẳng làm được gì hơn là tạo ra thêm kiểu tín ngưỡng cho người ta phê phán hơn nữa. Khi quá thủ thế trước những lời phê phán, chúng ta chỉ đẩy bản thân và giáo hội của mình vào vô minh, và tệ nhất là, có thể đẩy cả Thiên Chúa vào vô minh.

Cuối cùng, và quan trọng nhất, không bao giờ câu trả lời thật cho tôn giáo xấu là chủ nghĩa thế tục hay chủ nghĩa vô thần, nhưng chính là một tôn giáo tốt hơn! Chúng ta cần kiên vững hơn, cả trong lương tâm tự vấn và cả trong việc sống đạo.

Một tôn giáo tốt hơn là gì? Làm sao chúng ta nhận ra được một tôn giáo tốt hơn? Chúng ta nhận ra chân đạo cũng giống như khi chúng ta nhận ra chân thiện mỹ. Chúng là những điều hiển nhiên, rõ ràng. Nét đẹp và sự tốt lành cần được đón nhận hơn là nhận thức. Chẳng cần ai nói cho chúng ta biết đẹp là thế nào. Nét đẹp cuối cùng cũng được nhận ra. Nó tự tỏ ra. Chân đạo cũng như vậy.

Ngược lại cũng đúng. Tôn giáo xấu cũng tự lộ ra và rốt cùng, lòng chân thật không có chỗ cho tôn giáo xấu.

Chủ nghĩa vô thần là một vật ký sinh sống nhờ tôn giáo xấu. Vậy nên, ngày nay, khi chủ nghĩa vô thần đang công kích vô cùng ác hiểm, có lẽ chúng ta cần xem kỹ thực tế này, nó đang phản ánh gì bên trong tôn giáo.  

Ronald Rolheiser,            

J.B. Thái Hòa dịch