I. LỜI CHÚA: Is 61, 1-2a.10-11 ; Tx 5, 16-24; Ga 1, 6-8.19-28
6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. 7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. 8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
19 Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai? “20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.”21 Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không? ” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? ” Ông đáp: “Không.”22 Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? “23 Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu.25 Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ? “26 Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM
Chắc chắn, một trong những điều làm cho chúng ta chú ý nhiều nhất trong Thánh Lễ hôm nay, Chúa Nhật III mùa vọng, chính là màu hồng. Bởi vì trong năm Phụng Vụ, màu hồng chỉ được sử dụng hai lần, không kể Thánh Lễ Hôn Phối (Chúa Nhật III Mùa Vọng và Chúa Nhật IV Mùa Chay).
Luật Phụng Vụ không buộc dùng màu hồng trong hai Thánh Lễ này, nhưng vì chỉ có hai lần một năm, nên chúng ta không thể bỏ qua ! Vậy đâu là ý nghĩa của màu hồng trong Phụng Vụ Thánh Lễ hôm nay ?
1. Màu hồng diễn tả niềm vui Chúa đã đến
Màu hồng mà Giáo Hội cho phép chúng ta dùng trong Thánh Lễ hôm nay có một lí do rất thuyết phục, đó là để diễn tả niềm vui mà Chúa muốn gieo vào lòng chúng ta, nơi nhóm, gia đình và xứ đạo của chúng ta, qua Lời của Ngài :
- Thật vậy, trong bài đọc một, ngôn sứ Isaia loan báo niềm vui của Đấng Cứu Thế sẽ đến : « Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ ĐỨC CHÚA, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang! » (Is 61, 10) Trong những lời này, có hình ảnh cô dâu-chú rể, là hình ảnh tiêu biểu nhất của tình yêu, niềm vui và sự sống ; và màu hồng là biểu tượng của những điều này.
- Câu đáp ca là lời nguyện của Đức Maria : « Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi ».
- Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca : « Thưa anh em, anh em hãy vui mừng luôn mãi ! »
- Và trong bài Tin Mừng : tuy thánh sử Gioan không nói ra, chúng ta có thể cảm được niềm vui của ông Gioan Tẩy Giả, khi ông nói về mình một cách thẳng thắn, công khai và xác tín ; và niềm vui khi ông nói về Đấng sẽ đến sau ông một cách khiêm tốn và chắc chắn với lòng kính mến.
Chính vì thế, Phụng vụ của Giáo Hội gọi Chúa Nhật III Mùa Vọng là « Chúa Nhật Gaudete », tiếng Latinh có nghĩa là « Anh chị em hãy vui lên ! ». Màu hồng của chúng ta hôm nay diễn tả chính xác niềm vui này. Và để diễn tả niềm vui Chúa ban cho chúng ta, cho dù màu hồng chỉ thích hợp với phụ nữ thôi, nhưng linh mục chủ tế cứ phải « hi sinh » mang vào người, áo lễ màu hồng !
Lí do của niềm vui, chính là vì Đức Kitô đã đến. Điều mà ngôn sứ Isaia và thánh Gioan loan báo đã xảy ra rồi và xảy ra cho chúng ta hôm nay (x. Is 61, 10-11 ; Ga 1, 26-27), vì thế chúng ta được mời gọi vui lên. Mùa Vọng là thời gian của mong chờ : mong chờ trong canh thức (CN I), mong chờ trong hoán cải (CN II), nhưng cũng mong chờ trong niềm vui (CN III), vì Chúa đã đến rồi, vì Chúa vẫn đến mỗi ngày, và sẽ lại đến một cách dứt khoát để đáp lại khao khát trời mới đất mới của chúng ta, đáp lại ước ao sự sống và tình yêu viên mãn của chúng ta.
Biến cố Đức Kitô đã đến mà chúng ta sắp kỉ niệm, phải là niềm vui của chúng ta, không chỉ vào dịp Lễ Giáng Sinh, nhưng là niềm vui mỗi ngày. Bởi lẽ, nếu Ngài chưa đến, chúng ta sẽ không có Giáo Hội, không có Thánh Lễ hằng ngày, không có ơn gọi Ki-tô hữu, không có ơn gọi dâng hiến, không được sống bên nhau vì lòng Mến Đức Kitô, không có Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, không được là chị em, là anh em, là anh chị em của nhau vì có cùng một Cha một Thầy, không biết Thiên Chúa yêu chúng ta như thế nào, không biết ý nghĩa của cuộc đời, của đau khổ, của bệnh tật, của tuổi già, của cái chết, không biết đường đi, không có niềm hi vọng… Chính vì thế mà, trong bài đọc hai, trích thư thứ nhất gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phaolô mời gọi chúng ta :
Thưa anh em, anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. (1Tx 5, 16-18)
2. Mầu hồng diễn tả niềm vui Chúa sẽ lại đến
Màu hồng của Thánh Lễ hôm nay còn diễn tả niềm vui Chúa sẽ lại đến. Khi chúng ta mong chờ ai đó, và người ta chắc chắc sẽ đến, chúng ta sẽ mong chờ trong háo hức và trong niềm vui ; và niềm vui này rất lạ, như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm.
Và Đức Kitô mà chúng ta trông chờ, chắc chắc sẽ đến, như chính Ngài đã nói cho chúng ta rằng, dù trời đất qua đi, Lời của Người sẽ không qua đi ; Chúa chắc chắc sẽ lại đến, như mùa hè chắc chắc sẽ đến khi cây vả đâm chồi, hay khi cây phượng nở hoa ; Chúa chắc chắc sẽ trở lại, như Người Chủ đi xa trở về.
Và bởi vì, Ngài là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta, Ngài là Đấng mà chúng ta bỏ hết tất cả, bỏ cả cuộc đời rất quí giá để đi theo Người trong đời sống hôn nhân hay trong đời sống dâng hiến, chúng ta được mời gọi mong chờ Ngài trong niềm vui. Và chắc chắn Đức Kitô sẽ đến để làm cho niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn.
Mầu hồng diễn tả cuộc gặp gỡ của chúng ta với Đức Kitô trong tương lai, và cả cuộc gặp gỡ giữa chúng ta trong tương lai nữa. Vì thế, có thể nói tương lai của chúng ta có màu hồng !
3. Màu hồng diễn tả TÌNH YÊU
Ngoài ra, màu hồng của Thánh Lễ hôm nay còn diễn tả cho chúng ta “Tình Yêu”. Điều này quá hiển nhiên, vì ai trong chúng ta cũng biết rằng, màu hồng là màu của tình yêu.
Mầu hồng diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta một cách nhưng không trong Đức Kitô (x. Rm 8, 35-39); màu hồng diễn tả tình yêu của chúng ta dành cho Đức Kitô; và màu hồng diễn tả tình yêu chúng ta dành cho nhau. Tại sao lại là tình yêu, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1Ga 4, 8). Và như thế, màu hồng còn diễn tả chính Thiên Chúa.
* * *
Và sau cùng, màu hồng trong thực tế, còn dính dáng đến hoa hồng, dù hoa hồng có những màu khác nhau. Thực vậy, nguồn gốc của màu hồng mà Giáo Hội cho chúng ta dùng trong Thánh Lễ Chúa Nhật III Mùa Vọng, đó là vì ngày này trong Truyền Thống, Đức Thánh Cha chúc lành cho những bó hoa hồng trước khi gởi đi tặng các bậc vị vọng và vua chúa để mừng lễ Giáng Sinh.
Mà hoa hồng thì luôn có gai, vì thế hoa hồng cũng được coi là biểu tượng của tình yêu, vì yêu là đau khổ: thánh Gioan tẩy giả đã chịu đau khổ và đau khổ đến hi sinh mạng sống khi yêu mến và loan báo Đức Kitô (bài Tin Mừng hôm qua); chúng ta cũng vậy, vì yêu mến Đức Kitô, chúng ta cũng chịu đau khổ:
- đau khổ vì phải đảm nhận thử thách của thân phận và của số phận con người;
- đau khổ vì những lựa chọn không theo những ngẫu tượng, hay những giá trị chóng qua, nhưng theo Đức Ki-tô và Tin Mừng của Người mỗi ngày và suốt đời;
- đau khổ vì sống bản chất “con chiên”, nghĩa là hiền lành của chúng ta, trong mọi hoàn cảnh.
- đau khổ vì chúng ta được mời gọi mang vác đau khổ của nhau, như chính Đức Ki-tô đã mang lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền của mỗi người chúng ta.
- và chúng ta cũng đau khổ, vì cố gắng vượt qua những khó khăn, trở ngại, giới hạn, yếu đuối để yêu mến nhau.
* * *
Chúng ta không tìm kiếm đau khổ, và càng không tự làm mình đau khổ và làm cho nhau đau khổ. Nhưng chúng ta được mời gọi đón nhận với lòng tín thác, yêu mến và hi vọng, bởi vì đau khổ thuộc về cách sống căn tính của chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa, là con Thiên Chúa, là hiền lành và là sự thiện.
“Yêu là đau khổ”; và không thể nào khác được, vì chính Thiên Chúa cũng đau khổ nơi Đức Kitô chịu đóng đinh, vì yêu chúng ta. Vì thế, chúng ta được mời gọi “MẾN THÁNH GIÁ”, vì đau khổ thuộc về Đấng chúng ta yêu mến, là cách Ngài yêu mến chúng ta đến cùng, là đường đi của Đấng chúng ta yêu mến, là con đường của hạt lúa mì, là con đường của tấm bánh, là con đường Vượt Qua, là con đường yêu mến, và là mầu nhiệm mang lại niềm vui và sự sống viên mãn.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”