Trong sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 52, cử hành ngày 1-1-2019, ĐTC nói đến những đóng góp quan trọng của các nhà chính trị cho hòa bình, nhưng ngài cũng đề cao tầm quan trọng của mỗi người trong việc xây dựng và sống hòa bình ngày qua ngày.
Nghĩa vụ các nhà chính trị
Ngày Hòa Bình thế giới 2019 có chủ đề là: ”Chính trị tốt phục vụ hòa bình”. Trong Sứ điệp, ĐTC cổ võ các nhà chính trị đặt công ích lên trên hết, coi quyền bính là một sự phục vụ, và trong chiều hướng này, đức bác ái là điều phải linh hoạt mọi hoạt động chính trị:
”Hoạt động của con người trên trái đất, khi được đức bác ái soi sáng và nâng đỡ, thì nó góp phần vào việc kiến tạo xã hội phổ quát của Thiên Chúa mà lịch sử nhân loại đang hướng tới” (4). Đó là một chương trình trong đó tất cả các chính trị gia có thể theo đuổi, bất luận họ thuộc văn hóa hoặc tôn giáo nào, khi họ cùng nhau mong ước hoạt động cho thiện ích của gia đình nhân loại, thực thi những đức tính nhân bản làm nền tảng cho một nền chính trị tốt: công bằng, ngay chính, tôn trọng nhau, thành thực, lương thiện và trung tín.” (đoạn 3)
Cảnh giác trước các ”tật xấu” trong chính trị
ĐTC cũng kêu gọi các nhà chính trị xa lánh và bài trừ các ”tật xấu làm suy yếu lý tưởng của một nên dân chủ chân chính, chính là điều ô nhục cho đời sống công cộng và làm cho hòa bình xã hội bị lâm nguy: đó là nạn tham nhũng – dưới nhiều hình thức chiếm đoạt trái phép của công hoặc lạm dụng con người -, phủ nhận luật pháp, không tôn trọng các qui luật cộng đồng, làm giàu bất hợp pháp, biện minh quyền bính bằng võ lực hoặc viện cớ một cách độc đoán ”vì lý do quốc gia”, xu hướng bám víu ở lại mãi trong quyền bính, ghét người nước ngoài và kỳ thị chủng tộc, từ khước không chăm sóc Trái Đất, khai thác vô hạn những tài nguyên thiên nhiên để tìm lợi lộc nhất thời, coi rẻ những người bị buộc lòng phải lưu vong.” (đoạn 4)
Dấn thân của mọi tín hữu
ĐTC không quên kêu gọi tất cả mọi tín hữu và những người thiện chí dấn thân hằng ngày xây dựng và sống hòa bình trong môi trường của mình. Ngài viết:
”Hòa bình là kết quả của một dự phóng chính trị to lớn dựa trên trách nhiệm hỗ tương và sự lệ thuộc nhau của con người. Nhưng hòa bình cũng là một thách đố đòi phải được đón nhận ngày qua ngày. Hòa bình là một sự hoán cải tâm hồn, và thật dễ nhìn nhận ba chiều kích không thể tách rời nhau của thứ hòa bình nội tâm và cộng đoàn ấy:
– hòa bình với chính mình, từ khước thái độ khăng khăng nhất mực, giận dữ và thiếu kiên nhẫn, và như thánh Phanxicô đệ Salê đã khuyên nhủ, hãy thực thi ”một chút” dịu dàng đối với bản thân”, để cống hiến ”một chút” dịu dàng đối với người khác;
– hòa bình với tha nhân; thân nhân, bạn hữu, người ngoại quốc, người nghèo, người đau khổ..; dám gặp gỡ và lắng nghe sứ điệp họ mang trong mình;
– hòa bình với thiên nhiên, tái khám phá sự cao cả của hồng ân Thiên Chúa và phần trách nhiệm của mỗi người chúng ta, trong tư cách là người dân của thế giới, công dân và là tác nhân xây dựng tương lai. (Rei 31-12-2018)
Trần Đức Anh OP
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ