Trong bài giảng Thánh lễ tại Nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha đã suy ngẫm về cái chết. Ngài nói về cái chết như khoảnh khắc chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và vì thế, chúng ta phải chuẩn bị chính mình. Đức Thánh Cha cũng mời gọi: trong sự mỏng dòn yếu đuối của phận người, chúng ta cầu nguyện cho nhau để đáp lại tiếng gọi ấy với lòng tin tưởng và hy vọng.
Trong tuần cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội mời gọi chúng ta suy ngẫm về ngày sau hết, ngày sau hết của cả thế giới, và của mỗi người chúng ta. Trong đoạn Tin mừng hôm nay (Lc 21, 29-33), Thánh Luca đã lặp lại những lời của Chúa Giêsu: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi”
Con người mỏng dòn và yếu đuối
“Mọi thứ sẽ kết thúc” nhưng “Người vẫn còn mãi”. Lấy cảm hứng từ điều đó, ĐTC mời gọi mọi người suy ngẫm về thời khắc sau cùng – cái chết. Không ai trong chúng ta biết chính xác khi nào điều ấy xảy ra. Ngược lại, chúng ta thường có khuynh hướng gạt bỏ suy nghĩ ấy và tin rằng mình vĩnh cửu, nhưng thực tế không phải thế.
Tất cả chúng ta đều có thứ yếu đuối và dễ tổn thương này. Hôm qua, tôi đã suy nghĩ về điều này với một bài báo được đăng trên tạp chí La Civiltà Cattolica[1] nói về sự yếu đuối và dễ tổn thương là điều tất cả chúng ta cùng san sẻ với nhau: chúng ta bình đẳng trong tính mỏng dòn và dễ bị tổn thương. Tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương và đến một lúc nào đó sự tổn thương này dẫn đến cái chết. Vì thế, chúng ta đi gặp bác sĩ để xem sự thương tổn về thể chất của mình ra sao, hoặc đi tìm các nhà tâm lý để tìm cách chữa lành những thương tổn tâm lý của mình.
Hy vọng vào Thiên Chúa
Do đó, việc dễ bị tổn thương gắn kết chúng ta với nhau và không có thứ ảo tưởng nào che lấp được. Ở đất nước tôi, người ta có phong tục trả tiền trước cho đám tang với ảo tưởng rằng sẽ tiết kiệm tiền cho gia đình. Khi việc gian lận của một số công ty tang lễ đã bị đưa ra ánh sáng, tập tục ấy cũng không còn nữa. Nhiều lần, những ảo tưởng lừa dối chúng ta, như ý nghĩ về sự vĩnh cửu chẳng hạn. Cái chết là điều chắc chắn, cái chết là điều được viết trong Kinh Thánh, trong Tin Mừng, nhưng Chúa Ki-tô luôn nói về nó như là “cuộc gặp gỡ với Người” với những lời đầy “hy vọng”.
Thiên Chúa nói với chúng ra rằng: hãy chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ấy, cái chết là một cuộc gặp gỡ: Người sẽ đến thăm chúng ta, chính Người nắm tay và đưa chúng ta đi cùng Người. Tôi không muốn bài giảng này giống như một thông báo tang lễ đâu! Nhưng điều căn bản ở đây là Tin Mừng, là sự sống, là điều mà chúng ta đã nói với nhau: tất cả chúng ta đều mỏng dòn và yếu đuối, và tất cả chúng ta đều có một cánh cửa mà Thiên Chúa sẽ gõ cánh cửa ấy vào một ngày nào đó.
Hãy cầu nguyện để chuẩn bị thật tốt cho ngày Chúa trở lại
Vì thế, cần chuẩn bị thật tốt cho thời điểm tiếng chuông reo lên, thời điểm Chúa đến gõ cửa nhà chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để luôn sẵn sàng, để với lòng tin tưởng, chúng ta mở cửa cho Chúa đến.
Trong tất cả những điều chúng ta đã thu lượm được, đã tiết kiệm được, kể cả những điều tốt hợp với pháp luật, chúng ta sẽ không mang đi được gì cả… Nhưng chúng ta sẽ chỉ mang theo vòng tay của Đức Chúa. Hãy nghĩ về cái chết của chính mình: tôi sẽ chết ư, khi nào? Trong lịch không xác định rõ ngày nào nhưng Thiên Chúa biết ngày ấy. Chúng ta hãy xin Chúa, cho chúng ta biết chuẩn bị con tim của mình để được chết lành, trong bình an và hy vọng. Đây chính là lời phải luôn đồng hành trong đời sống chúng ta, hy vọng sống với Chúa ở đây, và sống với Người nơi cuộc sống bên kia. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho nhau với cùng một ơn ấy.
Trần Đỉnh, SJ
(VaticanNews 29.11.2019)
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”