Huấn giáo của ĐTC Gioan Phaolô II ngày 17 và 24 tháng 9 năm 1997
Công đồng Vaticanô II gọi Đức Maria là “phần tử ưu việt, điển hình, mẫu gương” của Hội thánh, nhưng không minh thị gọi Người là “Mẹ của Hội thánh”. Tuy vậy bản văn công đồng cũng nói rằng Hội thánh bày tỏ lòng yêu mến Đức Maria như bà mẹ rất đáng mến. Tuy chỉ mới xuất hiện gần đây, nhưng tước hiệu “Mẹ của Hội thánh” có nền tảng trong Thánh kinh ( đoạn 3) và các giáo phụ ( đoạn 4), khi Đức Maria được gọi là mẹ của các tín hữu, mẹ của những kẻ được cứu rỗi, mẹ của những kẻ được tái sinh.
1.- Công đồng Vaticanô II, sau khi đã tuyên dương Đức Maria là “phần tử ưu việt”, “điển hình” và “mẫu gương” của Hội thánh, đã khẳng định như sau: “Hội thánh Công giáo, được Chúa Thánh Thần dìu dắt, với tâm tình hiếu thảo tôn kính Người như là người mẹ rất đáng mến yêu”[1] (HT 53).
Nói cho đúng, bản văn Công đồng đã không minh nhiên gán cho Đức Trinh nữ Maria tước hiệu “Mẹ của Hội thánh”[2], nhưng đã phát biểu nội dung đó một cách rõ ràng, khi lấy lại tuyên ngôn của Đức Bênêđitô XIV cách đó hai thế kỷ về trước, vào năm 1748 (Bullarium Romanum, ser.2, t.2, n. 61, p. 428).
Trong văn kiện đó, vị tiền nhiệm của tôi, khi mô tả những tâm tình hiếu thảo của Hội thánh nhìn nhận nơi Đức Maria là người mẹ rất đáng mến yêu, đã gián tiếp tuyên dương Người là Mẹ của Hội thánh.
2.- Việc sử dụng danh hiệu này thực ra hơi họa hiếm trong quá khứ, nhưng gần đây đã trở thành phổ thông trong Huấn quyền của Hội thánh và trong lòng đạo đức của Dân Chúa. Các tín hữu đã kêu cầu Đức Maria dưới các tước hiệu là: “Đức Mẹ Chúa Trời”, “Mẹ của các tín hữu” hay là”Mẹ của chúng con”, để nêu bật mối tương quan bản thân Mẹ với từng con cái.
Dần dần, nhờ sự chú ý đến mầu nhiệm Hội thánh và đến những mối tương quan của Đức Maria với Hội thánh, người ta bắt đầu kêu cầu cách thường xuyên Đức Trinh nữ Maria như là “Mẹ của Hội thánh”.
Trước Công đồng Vaticanô II, thành ngữ này đã được xuất hiện trong Huấn quyền của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, khi quả quyết rằng Đức Maria “thật đích đáng làm mẹ của Hội thánh” (Acta Leonis XIII, 15, 302). Kế đó danh xưng này được nhiều lần sử dụng trong các giáo huấn của Đức Gioan XXIII và Phaolô VI.
3.- Tuy được áp dụng cho Đức Maria khá muộn, nhưng tước hiệu “Mẹ của Hội thánh” diễn tả mối liên hệ mẹ con của Đức Trinh nữ đối với Hội thánh, đã được một vài bản văn Tân ước nhắc tới.
Ngay từ lúc Truyền tin, Đức Maria đã được yêu cầu hãy dâng sự thỏa thuận cho việc thực hiện Vương quyền của Đấng Mêsia, một Vương quyền sẽ được hoàn tất với sự hình thành của Hội thánh.
Tại Cana khi yêu cầu Đức Giêsu thi hành quyền của Đấng Mêsia, Mẹ Maria đã cống hiến cơ bản cho việc đâm rễ đức tin trong cộng đoàn các môn đệ tiên khởi, và cộng tác vào việc thiết lập Nước Chúa, một Nước đã “mang mầm mống” và “ khởi đầu” trong Hội thánh (xc. HT 5).
Trên núi Calvariô, khi kết hiệp với hy lễ của Con mình, Đức Maria đã mang lại sự đóng góp của người mẹ vào công trình Cứu chuôc, dưới hình thức của một cuộc sinh hạ đau đớn, sự sinh đẻnhân loại mới.
Khi hướng tới Đức Maria với những lời: “Hỡi người Nữ, đây là con của bà”, Chúa Cứu chuộc đã tuyên dương Đức Maria không những là Mẹ của tông đồ Gioan mà còn là Mẹ của tất cả các môn đệ. Chính thánh sử đã khẳng định rằng Đức Giêsu đã phải chết để “quy tụ tất cả con của Chúa đang tản mác” (Ga 11, 52), như thế ông ta đã ám chỉ rằng sự khai sinh của Hội thánh là hoa trái của hy lễ Cứu chuộc, mà Đức Maria đã được kết nạp như là người mẹ.
Thánh sử Luca đã nói tới sự hiện diện của Thân mẫu Chúa Giêsu ở giữa lòng cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem” (Cv 1, 14). Như vậy ông ta đã nhấn mạnh tới vai trò của Đức Trinh nữ Maria nhưlà bà mẹ đối với Hội thánh mới khai sinh, tương tự như vai trò của Người vào lúc Chúa Cứu thếgiáng sinh. Chiều kích làm mẹ trở thành một yếu tố căn bản của mối liên lạc giữa Đức Maria đối với dân tộc mới của những người được cứu chuộc.
4.- Theo gót Thánh kinh, các giáo phụ đã nhìn nhận chức làm mẹ của Đức Maria đối với công trình của Đức Kitô, và do đó đối với Hội thánh, tuy dù không phải với những từ ngữ chính xác.
Theo Thánh Irênêô, Đức Maria “trở thành nguyên nhân cứu rỗi cho nhân loại” (Adversus Haereses3,22,4) và cung lòng thanh sạch của Đức Trinh nữ đã “tái sinh loài người cho Thiên Chúa” (Adv. Haer. 4,33,11). Thánh Ambrôsiô cũng vọng lên tư tưởng đó khi khẳng định rằng: “Một Trinh nữ đã sinh ra ơn cứu rỗi cho nhân loại, một Trinh nữ đã ban sự sống cho hết mọi loài” (Ep. 66,33), và nhiều giáo phụ khác đã gọi Đức Maria là “Mẹ của ơn cứu rỗi” (Severiano Gabala, Oratio 6 de mundi creatione, 10; Fausto Riez, Max. Bibl. Patrum VI, 620-621) .
Vào thời Trung cổ, thánh Anselmô đã khẩn cầu Đức Maria với những lời như sau: “Người là mẹcủa sự công chính và của những người được công chính hóa, mẹ của sự hòa giải và của những người được hòa giải, mẹ của ơn cứu rỗi và của những người được ơn cứu rỗi” (Oratio 52,8), trong khi đó nhiều tác giả khác đã gán cho Đức Maria tước hiệu là “Mẹ của ơn thánh” và “Mẹ của sựsống”.
5.- Vì thế, tước hiệu “Mẹ của Hội thánh” phản ánh niềm thâm tín sâu xa của các Kitô hữu, nhìn thấy nơi Đức Maria không những là bà mẹ của bản thân Đức Kitô mà còn là mẹ của tín hữu nữa. Đấng đã được nhìn nhận như là mẹ của ơn cứu rỗi, của sự sống và của ơn thánh, mẹ của những người được cứu rỗi và những người được sống, quả là đúng lý để được tuyên dương là Mẹ của Hội thánh.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ước ao cho công đồng Vaticanô II tuyên bố Đức Maria là “Mẹ của Hội thánh, nghĩa là của toàn thể Dân Chúa, của các tín hữu cũng như của các mục tử”. Chính Người đã tuyên bố như vậy trong diễn văn bế mạc khóa họp thứ ba của Công đồng (ngày 21.11.1964), và đồng thời yêu cầu rằng “từ nay trở đi, ước chi toàn thể Dân Kitô giáo sẽ cung kính và khẩn cầu Đức Trinh nữ với tước hiệu êm đẹp đó”.
Như vậy, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi đã phát biểu minh thị đạo lý đã được chứa đựng trong chương thứ VIII của Hiến chế tín lý về Hội thánh, và mong mỏi rằng tước hiệu Đức Maria, Mẹ của Hội thánh, càng ngày càng chiếm một địa vị quan trọng hơn trong phụng vụ và lòng đạo đức của Dân Kitô giáo.
————————————————————-
BÀI 64
ĐỨC MARIA, MẸ CỦA CHÚNG TA TRONG HỆ ÂN SỦNG
Từ Thập giá, Chúa Giêsu đã đặt Đức Maria làm mẹ của hết mọi người. Đức Maria thi hành chức làm mẹ không phải chỉ bằng việc nêu gương sáng (“mẫu gương”) nhưng còn qua việc chuyển cầu cho chúng ta được lãnh ơn Chúa. Đó cũng là ý nghĩa của các tước hiệu mà các Kitô hữu gán cho Mẹ: Trạng sư, Bảo trợ, Phù hộ, Trung gian.
1.- Đức Maria là mẹ của nhân loại trong hệ ân sủng. Công đồng Vaticanô II đã nêu bật vai trò này của Đức Maria khi móc nối với sự hợp tác của Người vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô.
“Do sự xếp đặt của Chúa Quan phòng, trên trần gian này, Đức Maria đã trở nên Mẹ cao trọng của Chúa Cứu chuộc, cộng sự viên quảng đại một cách đặc biệt và là nữ tỳ khiêm hạ của Chúa” (HT 61).
Qua những lời khẳng định đó, Hiến chế tín lý về Hội thánh muốn nêu bật sự kiện là Đức Trinh nữMaria đã được kết nạp chặt chẽ vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô, trở nên một người cộng sự viên “quảng đại” và “cách đặc biệt” của Chúa Cứu thế.
Qua những cử chỉ của mọi người mẹ, từ những cử chỉđơn sơ cho đến những cử chỉ quan trọng, Đức Maria đã tự tình hợp tác với công trình cứu chuộc nhân loại, hòa nhịp sâu xa và bền chặt với Con mình.
2.- Công đồng cũng nêu bật rằng sự hợp tác của Đức Maria đã được thôi thúc bởi những nhân đức Phúc âm: vâng lời, tin, cậy và mến, và được thực hiện dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần. Ngoài ra, Công đồng cũng nhắc lại rằng chính từ sự kết hiệp ấy mà Đức Maria đã nhận được chức làm mẹ tinh thần của hết mọi người. Được liên kết với Đức Kitô trong công trình cứu chuộc, bao hàm việc tái sinh nhân loại về đường thiêng liêng, Người đã trở thành mẹ của những người được tái sinh vào đời sống mới.
Khi khẳng định rằng Đức Maria là “mẹ của chúng ta trong hệ ân sủng”, Công đồng đã nêu bật rằng tình mẹ thiêng liêng của Người không chỉ giới hạn vào các môn đệ, theo như lối giải thích chật hẹp câu nói của Chúa Giêsu trên núi Calvariô: “Hỡi người Nữ, đây là con của bà” (Ga 19, 26). Thực vậy, qua những lời đó, Đức Giêsu trên thập giá đã thiết lập một mối tương quan thân mật giữa Đức Maria và người môn đê yêu dấu, hình ảnh tiên trưng mang tầm kích phổ quát; Chúa có ý muốn cống hiến bà mẹ của mình làm mẹ cho hết mọi người.
Mặt khác, hiệu quả phổ quát của hy lễ cứu chuộc và sự hợp tác có ý thức của Đức Maria vào hy lễcứu chuộc của Đức Kitô, không thể nào đặt một giới hạn cho tình hiền mẫu của Người được.
Sứ vụ làm mẹ hết mọi người của Đức Maria được thực thi trong khung cảnh của mối tương quan đặc biệt của Người đối với Hội thánh. Với lòng ân cần đối với mỗi Kitô hữu, thậm chí đối với mỗi thụ tạo, Đức Maria hướng dẫn đức tin của Hội thánh tới chỗ càng ngày càng đón nhận Lời của Chúa sâu xa hơn, qua việc nâng đỡ đức trông cậy, thôi thúc đức bác ái và sự thông hiệp huynh đệcũng như thúc đẩy nhiệt tình họat động tông đồ.
3.- Trong cuộc đời dương thế, Đức Maria đã thực hiện chức làm mẹ tinh thần với Hội thánh trong một thời gian ngắn ngủi. Tuy nhiên chức phận này vẫn giữ giá trị sau khi Người về trời, và sẽ còn kéo dài trải qua dòng thời gian cho đến tận thế.
Công đồng đã quả quyết minh thị như sau: “Đức Maria thực hiện chức vụ làm mẹ trong hệ ân sủng từ lúc Người đã tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền tin và duy trì không chút do dự dưới chân Thập giá, sẽ còn kéo dài cho tới khi tất cả mọi người được tuyển chọn sẽ được cứu rỗi” (HT 62).
Khi được vào Nước vĩnh cửu của Chúa Cha, gần gũi hơn với Chúa Con và do đó gần gũi hơn với tất cả mọi người chúng ta, Đức Maria có thể thực hiện hữu hiệu hơn trong Chúa Thánh Thần vai trò chuyển cầu từ mẫu mà Chúa Quan phòng đã ủy thác.
4.- Bên cạnh Đức Kitô và hiệp thông với Đức Kitô, Đấng “có thể cứu thoát tất cả những ai nhờNgười tới cùng Thiên Chúa, xét rằng Người luôn sống động để chuyển cầu cho họ” (Dt 7, 25), Chúa Cha trên trời đã muốn đặt Đức Maria: bên cạnh lời chuyển cầu tư tế của Chúa Cứu thế, Chúa Cha đã muốn kết hiệp lời chuyển cầu từ mẫu của Trinh nữ Maria. Đây là một chức phận mà Người thi hành nhằm sinh lợi cho những kẻ đang gặp nguy khốn và đang cần những ơn ích đời này, và nhất là ơn cứu rỗi đời đời: “Trong tình thương mẹ hiền, Người chăm lo tới những em của Con mình còn đang lữ hành trên dương thế, và đang gặp bao nhiêu đau khổ thử thách cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời. Vì thế Đức Trinh nữ đã được kêu cầu trong Hội thánh qua các tước hiệu là Trạng sư, Bảo trợ, Phù hộ và Trung gian”[3] (HT 62).
Những danh xưng này, phát xuất từ niềm tin của các Kitô hữu, giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn bản chất của sự can thiệp của Đức Mẹ Chúa Trời vào cuộc sống của Hội thánh và của từng tín hữu.
5.- Danh hiệu “Trạng sư” bắt nguồn từ thánh Irênêô. Khi bàn tới sự bất tuân của bà Evà và sự tuân phục của Đức Maria, ông nói rằng vào lúc Truyền tin: “Đức Trinh nữ Maria trở nên trạng sư của bà Evà” (Adv. Haer. 5,19,1) Thực vậy, do tiếng “xin vâng”, Đức Maria đã bào chữa và cứu thoát bà tổ khỏi những hậu quả của sự bất tuân, trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho bà cũng như cho toàn thể nhân loại.
Đức Maria thực thi vai trò “trạng sư” bằng cách hợp tác với Chúa Thánh Linh cũng như với Đấng mà trên Thập giá đã bào chữa cho những kẻ bách hại mình (x. Lc 23, 34), và Đấng mà thánh Gioan đã gọi là “trạng sư của chúng ta trước Chúa Cha”(1 Ga 2, 1). Như một bà mẹ, Đức Maria bênh vực con cái của mình và che chở họ khỏi những thiệt hại do tội lỗi gây ra.
Các Kitô hữu kêu cầu Đức Maria như là “Bảo trợ”, bởi vì họ nhận biết rằng tình yêu hiền mẫu của Người thấy những sự cần thiết của con cái, và sẵn sàng mau mắn can thiệp để giúp đỡ họ, nhất là khi liên quan tới phần rỗi đời đời của họ.
Niềm xác tín rằng Đức Maria gần gũi những kẻ đau khổ và gặp phải cơn gian nan nguy hiểm đã gợi cho các tín hữu kêu cầu Đức Maria như là “Đấng phù hộ”. Niềm xác tín này đã được phát biểu qua một kinh nguyện cổ điển với những lời sau đây: “Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, Ngài xiết bao thánh thiện, này chúng con chạy đến tìm nương ẩn nơi Ngài. Lúc sa vòng gian khổ, khi gặp cảnh phong trần, lời con cái nài van, xin mẹ đừng chê bỏ, nhưng xin hằng giải thoát khỏi ngàn nỗi hiểm nguy, ôi vinh diệu ai bì, Trinh nữ đầy ơn phước!” (Giờ Kinh Phụng vụ)
Với tư cách là “Trung gian”, Đức Maria trình bày cho Đức Kitô những ước muốn và những lời khẩn nguyện của chúng ta, và chuyển lại cho chúng ta những ơn huệ của Chúa; Người luôn luôn chuyển cầu giúp đỡ chúng ta[4].
Nguồn: catechesis.net
[1] “Catholica Ecclesia, a Spiritu Sancto edocta, filialis pietatis affectu tamquam matrem amantissimam prosequitur”
[2] Nên lưu ý sự khác biệt giữa “Mẹ của Hội thánh” và “Mẹ Hội thánh”. “Mẹ Hội thánh” ám chỉ chức vụ làm mẹ của Hội thánh (xem bài 59): Hội thánh là mẹ của các tín hữu vì đã sinh sản họ nhờ Lời Chúa, các bí tích và tình thương. Còn Đức Maria là “Mẹ của Hội thánh”, mẹ của các tín hữu và của các mục tử.
[3] “Propterea B. Virgo in Ecclesia, titulis Advocatae, Auxiliatricis, Adiutricis, Mediatricis invocatur”.
[4] Chủ đề “trung gian” sẽ được khai triển trong bài tới.
Tin cùng chuyên mục:
Biết ơn trường đời
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết