Đức Giê-su phải chỗi dậy từ cõi chết

468 lượt xem 24 Tháng Tư, 2019

“Đức Giê-su phải chỗi dậy từ cõi chết”

Ga 20,1-9 ; Cv 10,34a.37-43 ; Cl 3,1-4

“Bà liền chạy về… Cả hai người cùng chạy…” đi.

Tin mừng của Tân Ước vẫn sống trong tình trạng rốt ráo như thế đấy. “bà Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi” ; “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10,4) … Bài Tin Mừng hôm nay cả ba người đều chạy, người chạy trước người chạy sau. Chính cõi lòng mang mỏi tha thiết khát khao thì không thể đủng đỉnh lừng khừng được…

Chúng tôi hôm nay, Chúa vẫn cho chúng tôi những điểm hẹn nhưng bởi lòng còn nặng trĩu chuyện thế gian làm cho những bước chân ra như chậm chạp lỉnh kỉnh cho đến khi cảm nhận được “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Đúng là chỉ có Chúa lôi kéo, Chúa hấp dẫn bằng chính tấm lòng yêu thương của Chúa làm cho chúng tôi mau mắn nhẹ nhàng thanh thoát và sống tỉnh thức.

“Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ”

Cuộc sống lệ thuộc vào nhiều thứ ở trần gian, bị bao người chung quanh níu kéo, những lễ hội vui chơi khoái chí trói buộc… làm cho chúng tôi nhiều lần mất Chúa, tâm hồn và cuộc sống của chúng tôi trở nên ngôi mộ trống… lạnh lùng xa vắng.

Cuộc sống hằng ngày nếu tâm trí lòng dạ chúng tôi không nhớ đến Chúa được một lần, không kết hợp mật thiết thân tình với Chúa mà chỉ toàn là những mưu mô tính toán, ham hố lợi lộc giàu sang, tức bực giận hờn thù ghét ai oán… thì đúng là “Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế” (Mt 23,27).

Ngược lại, chúng tôi mau mắn lên đường tới điểm hẹn, sống gắn bó với Chúa mọi nơi mọi lúc như cành nho gắn liên vào thân nho và rồi thể hiện ra cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương thì lòng dạ tâm trí chúng tôi không còn là nấm mộ hoang vắng lạnh lùng buốt giá nữa nhưng đã trở nên đền thờ có Chúa ngự trị. Niềm vui hạnh phúc lấp đầy cõi lòng rồi thì không còn cảnh vun vét cào bới co quắp vào cho mình nữa. Lúc đó thành con người tự do bay lên… bay lên…

“Ông đã thấy và đã tin”

Ngôi mộ trống không phải là một bằng chứng về sự sống lại của Đức Giêsu, một sự kiện làm nền tảng cho lòng tin vào mầu nhiệm đó, vì ngôi mộ trống có thể có một ý nghĩa khác (ngôi mộ trống có thể là hiệu quả việc lấy trộm xác : Ga 20,2.13.15 ; Mt 27,64 ; 28,11-15), mặc dầu lấy trộm xác mà vẫn để y nguyên đồ liệm là chuyện rất khó hiểu ! Ngôi mộ trống và đồ liệm chỉ là những dấu hiệu.

Vậy ông Gioan, ông thấy gì ? Ông tin gì ? Có phải là ông thấy các băng vải và khăn che đầu được sắp xếp gọn gàng như người mới ngủ dậy sắp xếp lại giường chiếu chăn mùng mền gối gọn gàng đàng hoàng ?

Bà Maria Mácđala mới sáng sớm bà đã chạy ra trước mộ và thấy tảng đá đã bị đem đi khỏi mộ tức thì bà chạy thật nhanh về la toáng lên cho hai ông Simon Phêrô và người môn đệ được Đức Giêsu thương mến. Bà đã không được chứng kiến cảnh trong mộ. Ngược lại ông Phêrô và ông Gioan nhìn thấy những dấu chỉ… “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải chỗi dậy từ cõi chết”. “Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ” (Tv 16,10) ; (Hs 6,2) tiên báo mầu nhiệm “Đức Giê-su phải chỗi dậy từ cõi chết” này (Ga 20,9). Nhưng bây giờ qua các dấu chỉ thì ông đã hiểu Kinh Thánh và đã tin.

Ngoài ý trên ra thì còn ý này nữa để nói lên lòng tôn trọng kính nể người Anh Trưởng, người đứng đầu anh em là ông Simon Phêrô. Ông Gioan đứng ngoài không vào ngay để ông anh vào trước, ông anh chứng kiến trước, ông anh tin trước rồi ông Gioan vào sau, chứng kiến sau, khi thấy ông anh Simon Phêrô tin mặc dù ông Gioan có thể đã đã thấy đã hiểu và đã tin trước nhưng vẫn kính nể chờ xem nét mặt tỏ bày của ông Phêrô (lễ phép quá không ?)

“theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải chỗi dậy từ cõi chết”.

– Ngày hôm nay chúng tôi thấy chưa ? Tại sao chưa thấy ? Kinh Thánh, Lời Chúa đọc và nghe từ bé thơ đến giờ già rồi mà sao không thấy ? Người gặp gỡ là người đã “thấy” vì có “thấy” mới gặp, chẳng lẽ lại gặp không khí ! Người ta vẫn nói là tin điều không thấy để thấy điều mình tin “Phúc thay những người không thấy mà tin !” (Ga 20,29)

“Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,20) ngày hôm nay chúng tôi không thấy Chúa như các ông thấy nhưng chúng tôi hạnh phúc hơn các ông vì chúng tôi tin. Đa số những người tin thì ai cũng khẳng định vì tin nên đã “thấy” Chúa. (thấy bằng cảm nhận đấy !).

– Ngày hôm nay chúng tôi tin chưa ? Tại sao chưa tin ? Người tin rồi là người sống gắn bó với Chúa hằng ngày. Trong cái tương quan thân tình đậm đà thắm thiết thì chuyện gì ở bên trong lẫn bên ngoài đều có liên quan đến nhau.

“Đức Giê-su phải chỗi dậy từ cõi chết”. Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết để cho con người gặp gỡ chứ còn chỗi dậy để làm gì ?

Gặp gỡ Đức Kitô. Thành thật mà nói, Giáo hội không có những kế hoạch mục vụ tiền chế cho bạn trẻ. Mặt khác, các kế hoạch này chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Mục tiêu của tất cả các hoạt động của Giáo hội là đưa Đức Kitô đến với con người (trong đó có các bạn trẻ), và giúp cho họ gặp gỡ Người, cảm nhận tình yêu của Người, và đáp lại tình yêu ấy bằng cách tham gia vào sứ vụ cứu độ của Người  (CV 150-158; 250). Điều này muốn nói rằng mục vụ giới trẻ cần mang tính “thần khí” nhiều hơn là tính “kỹ thuật”. Mục vụ giới trẻ nhằm giúp các bạn trẻ khám phá ơn gọi mà Chúa dành cho họ trên đời (CV 254). Đây là nhận xét thứ 3 của cha Giuse Phan tấn Thành khi tóm tắt về Tông huấn hậu thượng hội đồng Christus vivit viết tắt là CV.

ÔTC