Đời sống cộng đoàn dòng tu trong thời đại hôm nay

1088 lượt xem 1 Tháng Tám, 2023

  Đời sống cộng đoàn dòng tu trong thời đại hôm nay

DẪN NHẬP

Sự sống từ loài hoa đua nở khoe tươi, việc dàn binh chăm chỉ tha mồi của đoàn kiến, đến sự trao đổi, giao tiếp giữa con người với nhau, thảy đều diễn tả một mối tương quan mật thiết làm nên cuộc sống trần thế này. Đối với đời dâng hiến cũng vậy, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II quả quyết “Sự sống còn của Giáo Hội phụ thuộc vào ơn gọi linh mục và tu sĩ”,  một bậc sống được coi là “quả tim” của Giáo hội, trong đó hồn của người tông đồ gắn liền với Chúa Giêsu, trong tương quan hiệp hành với mọi người, đặc biệt với anh chị em trong cộng đoàn đồng thời trở thành dấu chỉ khả tín cho Nước Trời mai sau.

Thế nhưng, nhân loại đã bước vào thế kỉ XXI, một thế kỷ được mệnh danh là thời đại của toàn cầu hóa và “nền văn minh trí tuệ”[1] đã để lại những dấu ấn độc nhất vô nhị trên thế giới. Con người tỏ ra rất nhạy bén trong các lĩnh vực mới mẻ như khoa học, chế tạo robot, điện thoại di động.. và cũng rất nhạy cảm với cái mới và tiếp thu nhanh kỹ thuật tân tiến, đam mê sáng tạo và mau thay đổi… Từ đó, một lối sống thực dụng, cá nhân bất cần, tất cả đã vô tình len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống dâng hiến. Chính vì vậy, đời sống dâng hiến dù muốn dù không, ít nhiều xã hội đang chi phối nếp nghĩ, nếp sống và hành động các tu sĩ. Tệ hơn, nó làm biến dạng đời tu khiến đời tu mất đi tính khả tín đối với con người thời đại hôm nay và nhất là đời sống cộng đoàn dâng hiến không còn là niềm vui dâng trào đối với những người trẻ của những ngày đầu của đời dấn thân. Trong vòng xoáy thời đại, khi hội nhập vào xã hội, tiếp cận với cuộc sống, người tu sĩ ngày nay phải chiến đấu cam go để vừa phải hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại nhưng lại không đánh mất căn tính thực thụ của đời dâng hiến.

Đứng trước sự cấp bách ấy, sắc lệnh Perfectae Caritatis (Canh tân thích nghi) với mục tiêu: Thúc đẩy sự canh tân tinh thần của tất cả các tu sĩ đồng thời thích nghi đời tu vào bối cảnh hiện tại. Từ đó, Thánh Công Đồng mời gọi tu sĩ “thấm nhuần tình yêu của Thiên Chúa nhờ Chúa Thánh Thần tràn đầy trong mọi tâm hồn (x. Rm 5,5) đồng thời đón nhận cộng đoàn giống như một gia đình thực sự đoàn tụ nhân danh Chúa, được hưởng sự hiện diện của Ngài (x. Mt 18,20).”[2] Đặc biệt, Giáo hội qua văn kiện đời sống huynh đệ trong cộng đoàn đã khẳng định “cộng đoàn tu trì không đơn thuần là một tập hợp các Ki-tô hữu  để tìm kiếm sự hoàn thiện cá nhân.  Sâu xa hơn nhiều, đó là sự thông phần và là chứng tá đặc biệt của Giáo Hội mầu nhiệm, bởi vì nó là biểu hiện sống động  và là sự hoàn thành ưu việt  của “sự hiệp thông” đặc biệt,  koinonia, của Ba Ngôi cao cả ; Chúa Cha muốn những người nam và người  nữ được dự phần vào sự  sống thông hiệp đó, trong Chúa Con và  Chúa Thánh Thần.”[3]

Vì thế, “đời sống cộng đoàn ngoài việc được nuôi dưỡng bằng giáo lý Phúc Âm, Phụng Vụ Thánh và nhất là Bí Tích Thánh Thể phải được duy trì trong lời cầu nguyện, trong sự hiệp thông cùng một tinh thần (x. Cv 2,42), theo gương Giáo Hội sơ khai, trong đó các tín hữu chỉ có một tấm lòng, một tâm hồn (x. Cv 4,32). Là chi thể Chúa Kitô, các tu sĩ hãy mang lấy gánh nặng của nhau (x. Gal 6,2), và trọng kính lẫn nhau trong tinh thần giao hảo huynh đệ (x. Rm 12,10).”[4] Từ đó, người tu sĩ cần phải trở về với điểm xuất phát là Chúa Kitô, trở nên khuôn mẫu cụ thể của cộng đoàn, có khả năng sống tương quan huynh đệ, nhờ biết nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và chia sẻ các ân huệ mà mỗi người đã lãnh nhận. Đồng thời, trở nên con người của sự hiệp thông trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi qua sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng đổ tràn xuống các tâm hồn niềm say mê cho hết mọi người được nên hiệp nhất (x Ga 17,21).

Trong chiều hướng suy tư trên, người viết xin được trình bày đề tài “Đời sống cộng đoàn dòng tu trong xã hội hôm nay” với ước mong cho anh chị em đang hiệp hành cùng nhau trên con đường Giêsu, hiểu và thấm nhuần tinh thần đời sống cộng đoàn tu trì luôn mãi là nơi người tu sĩ sống trọn vẹn lý tưởng bước theo Chúa Kitô, là chỗ người tu sĩ sống và làm triển nở nhân vị trong tương quan với tha nhân và Thiên Chúa. Một cách nào đó, người viết ý thức hơn trong việc xây dựng bầu khí cộng đoàn trong tình yêu và bình an, để rồi từ sự quan trọng ví tựa nước trong một bể cá đối với cá thế nào, thì bầu khí cộng đoàn cũng quan trọng trong việc nhào nặn và hình thành một đời dâng hiến tốt lành trong Thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.

I. CỘI NGUỒN CỦA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN DÒNG TU

  1. Chúa Ba Ngôi, nguồn cội của đời sống cộng đoàn dòng tu

Đời sống Thánh hiến ghi đậm dấu ấn của Chúa Ba Ngôi. “Chúa Cha, Đấng Tạo thành và ban phát mọi ơn lành, Đấng lôi kéo mọi thụ tao về với mình bằng một sứ mệnh đặc biệt (Ga 6,44). Người tu là người được kêu gọi đáp trả và bị câu thúc bởi sự lôi kéo ấy.”[5] “Chúa Con, đường dẫn đến Chúa Cha (Ga 1,6), mời gọi tất cả những ai mà Chúa Cha giao phó cho Ngài (Ga 17,9) tiếp bước theo Ngài, bằng cách từ bỏ mọi sự (Mt 19,27) để sống thân mật với Ngài, ngõ hầu họ trở nên con Thiên Chúa trong người Con duy nhất”.[6] “Chúa Thánh Thần, tình yêu hằng hữu của Chúa Cha, nguyên lý tác sinh và là mối hợp nhất với Chúa Giêsu Kitô cũng là Đấng khơi dậy niềm khát vọng đáp trả trọn vẹn mời gọi của Cha và làm cho việc theo Chúa Kitô nên viên thành. Chính Chúa Thánh Thần, thay vì đem những kẻ được Chúa Cha mời gọi ra khỏi dòng đời, lại để họ phục vụ các anh em theo những phương thức riêng theo từng bậc sống, đồng thời thúc dục họ hoàn thành nhiều sứ mệnh đặc biệt, phù hợp với nhu cầu của Giáo hội và của trần thế.”[7]

Công đồng chung Vatican II, trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội, đã nhìn đời tu như cách thế nối dài tình thương của Thiên Chúa đến cho mọi người, mọi dân tộc: “Mỗi tu sĩ được gọi để tuyên khấn hãy chuyên tâm sống bền đỗ trong ơn kêu gọi và hãy mãi mãi tiến bộ để làm cho sự thánh thiện của Giáo Hội thêm phong phú và sự vinh hiển của Ba Ngôi Thiên Chúa nên duy nhất, trong và nhờ Chúa Kitô, Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và nguyên ủy mọi sự thánh thiện.”[8] Như vậy, đời Thánh hiến có nguồn gốc trong chính Ba Ngôi và Ba Ngôi Thiên Chúa cũng là động lực thúc đẩy người tu tiến bước. Ngài vừa là cùng đích của đời hiến dâng, vừa là nền tảng và là chất kết dính người tu sĩ với sứ mạng mà họ đã lãnh nhận. Cũng thế, con đường nên thành của các tín hữu, đặc biệt con đường nên thành của những ai sống đời tận hiến cũng đậm tính chất Ba Ngôi. Qua việc khấn giữ các lời khuyên của Phúc âm, đời Thánh hiến được nối kết với Chúa Kitô trong Giáo Hội và được in dấu bới Chúa Thánh Thần –“bảo chứng cơ nghiệp” (Ep 1,4), thì đồng thời họ thực sự trở nên Con Thiên Chúa (1Ga 3,1). Thành ra, đời Thánh hiến trở nên một dấu chỉ có thể cảm nhận được mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã để lại trong lịch sử, hầu cho mọi người có thể nhận biết sứ vụ và nỗi vọng nhỡ về diễm lệ của Thiên Chúa”[9]. Đời Thánh hiến cũng là “theo Chúa Kitô” để đến với Cha, để được Cha “sinh lại” trong Người Con Cha hằng quý mến. Vì thế, đời Thánh hiến vừa quy Kitô vừa hướng về Ba Ngôi. Chúa Cha yêu Chúa Con làm phát sinh Chúa Thánh Thần, đồng thời Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch, nhưng cũng là mẫu mực của các cộng đoàn tu trì, mẫu gương tình huynh đệ của sự gắn bó trong lòng mến.

  1. Đời sống cộng đoàn dòng tu dưới cái nhìn của Tin Mừng

Theo tiến trình lịch sử Giáo hội, cộng đoàn tu trì xuất hiện vào thời sau này trong Hội Thánh, chính vì vậy, Tin Mừng không minh nhiên nói tới một cộng đoàn tu trì. Tuy nhiên ngay lúc sinh thời Chúa Giêsu đã đặt nền tảng và công bố lề luật của cộng đoàn mới. Ngài đã kêu gọi đến với Ngài những ai Ngài muốn, để giữ họ lại bên Người (Mc 3,13-15): “Ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa họ”. Như vậy, Ngài đã tạo lập nên cộng đoàn mới, cộng đoàn sẽ quy tụ theo dòng thời gian hết những ai”sẵn sàng thi hành ý muốn của Thiên Chúa” (Mc 3,32-35”. Đó là cộng đoàn được kí kết trong máu Chúa Kitô (Dt 12,18-19), trong đó, Đức Kitô là đầu, là Trưởng tử của một đoàn em đông đảo (Rm 8,29) và có “Thần Khí Thánh của Người dẫn đưa”(Ga 14,26). Hơn nữa, đó là một cộng đoàn thực thi điều răn mới của Chúa, bằng cách yêu thương nhau như Chúa đã yêu thường(x.Ga 13,34), phục vụ một cách vô vị lợi không tính toán hơn thiệt, sẵn sàng tiếp đón người khác, không xét đoán họ (x Mt 7, 1-2), có khả năng tha thứ không chỉ bảy lần, nhưng là “bảy mươi lần bảy”, nghĩa là tha thứ luôn mãi. (Mt18,22). Sau 40 ngày Chúa Giêsu về trời, trong ngày lễ Ngũ tuần một cộng đoàn huynh đệ đã được hình thành quanh các tông đồ và Mẹ Maria. Nhờ tình yêu của Chúa Thánh Thần đổ chan hòa vào lòng mỗi người (Cv 4,32) chuyên cần lắng nghe giáo huấn của các tông đồ, cầu nguyện chung, tham dự bữa ăn huynh đệ, chia sẻ của cải vật chất và thiêng liêng (Cv 2,42-47). Bên cạnh đó, họ được mời gọi cùng nhau vun đắp và chung xây cộng đoàn thành một cộng đoàn “huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,10); “đồng  tâm nhất trí với nhau” (Rm 15,7); “an ủi” và “chịu đựng” “lẫn nhau”.(Ep 4,2); “thương xót và biết tha thứ cho mọi người”(Ep 4,32).

Như vậy, Tin mừng không rõ ràng đề cập đến cộng đoàn tu trì, nhưng Tin Mừng hàm chứa trong đó những chỉ dẫn làm nền tảng cho việc hình thành các cộng đoàn dòng tu. Đó là một cộng đoàn lấy Đức Kitô làm trung tâm điểm, hoa quả của lòng xót thương của Thiên Chúa. Đó cũng là một cộng đoàn đã nhận “được Thánh Thần làm bảo chứng” (Ga 16,7) và được sai đi giữa lòng đời, để nên men, nên muối ướp mặn cho đời (Mt 28,19-20).  Các tác giả Tân Ước cũng cho thấy rằng cộng đoàn tín hữu không bao giờ hoàn hảo ngay dưới đất này, bởi vẫn còn đó “thứ cỏ lùng trong đám lúa tốt (Mt 13,26), kẻ phá rối muốn làm xáo trộn Tin mừng của Đức Giêsu (Gl 1,7). Chính vì thế, cộng đoàn dưới đất này “vẫn là cộng đoàn được xây dựng trên sự yếu đuối của con người, vẫn mãi là cộng đoàn đang hành hương về thiên quốc, đang mỗi ngày cố gắng cởi bỏ con người cũ, con người xác thịt để thực thi tình huynh đệ chân thành. Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng, tất cả những yếu đuối ấy không làm mất đi tính cách thánh thiêng của mỗi cộng đoàn tu trì, trong đó “Đức Kitô là đầu và mỗi người là một bộ phận của thân thể” (1Cr 12,27)

  1. Đời sống cộng đoàn dòng tu dưới cái nhìn của Giáo Hội

Một trong những yếu tố cốt yếu của đời tu là tình hiệp thông huynh đệ trong cộng đoàn. Các văn kiện hậu Công Đồng nhấn mạnh về chiều kích cộng đoàn này, vào thời đại mà trong thế giới người ta tha thiết mong muốn tình liên đới. “Giữa lòng cộng đoàn Giáo Hội và giữa lòng thế giới, các tu sĩ là những chuyên viên về hiệp thông, được mời gọi trở thành những chứng nhân và những tác nhân cho kế hoạch hiệp thông, được xem như đỉnh cao của lịch sử loài người dựa theo kế hoạch của Thiên Chúa.[10]. “Chính Đức Kitô đã kết hợp họ lại với nhau khi kêu gọi họ vào cùng một sự thánh hiến. Các cách thức của đời sống của họ phải được xác định rõ ràng ngõ hầu tất cả nhận được sự trợ giúp hỗ tương trong việc thực hiện các mục tiêu của Dòng và ơn gọi riêng của mỗi người. Sự hiệp thông huynh đệ này, được xây nền và bén rễ sâu trong đức ái, là dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa Kitô, và mẫu gương cho sự hòa giải đại đồng.”[11] Văn kiện đời sống huynh đệ cộng đoàn của các Hội dòng sống đời sống Thánh Hiến và các tu đoàn Tông đồ, nhìn cộng đoàn là hoa trái của tình yêu của Đức Kitô. Chính Đức Kitô đã quy tụ những người “đã được sinh ra không do ý muốn của xác thịt”, không bởi sự hấp dẫn cá nhân, cũng không bởi động lực con người, thành một. Vì thế, cộng đoàn tu trì là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, được Chúa kêu gọi và triệu tập. Cộng đoàn ấy không đơn thuần là một tập hợp các Kitô hữu để tìm kiếm sự hoàn thiện cá nhưng, nhưng là thông phần và là chứng tá đặc biệt của Giáo Hội, là biểu hiện sống động và là sự hoàn thành ưu việt của sự hiệp thông Ba Ngôi. Cộng đoàn ấy còn là một cơ thể sống động của tình hiệp thông huynh đệ, nơi mọi người trở nên anh chị em với nhau.[12]

Thánh Công đồng cũng đặc biệt nhấn mạnh “Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế, từ nền tảng ban đầu khi Thiên Chúa chọn dân Israel làm dân riêng, đã thiết lập giao ước, dạy bảo họ dần dần bằng cách bày tỏ chính mình và ý định của mình qua lịch sử, đồng thời thánh hóa họ để dành riêng cho mình.[13] Các Giám mục tại Thượng hội đồng Giám mục thế giới 1994, khi bàn về đời sống cộng đoàn, đã đưa ra những yếu tố nền tảng: “Cộng đoàn phải là nơi cho mỗi người kinh nghiệm được Thiên Chúa tới mức chín muồi để chia sẻ lại cho người khác; là nơi cho tình yêu giữa mọi người đối với nhau được sinh hoa kết trái; là nơi thực hành tình yêu; là nơi tự do và liên đới luôn đi đôi với nhau; là nơi để làm chứng, loạn báo, phục vụ, xả thân cho người khác bằng cách làm tông đồ trong thinh lặng, cầu nguyện, sám hối. Nói theo ngôn ngữ xưa truyền thống cộng đoàn là “trường dạy phụng sự Thiên Chúa” và là “trường tập sống đức ái.”[14]

 II. NHỮNG YẾU TỐ NỀN TẢNG TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN DÒNG TU

  1. Điểm quy chiếu của đời sống cộng đoàn dòng tu

a. Đời sống cầu nguyện

Đời sống cộng đoàn không chỉ là sống chung nhưng còn là một cuộc gặp gỡ để chia sẻ, để yêu thương và được yêu thương. Thiên Chúa không thể yêu thương con người nếu Ngài không tạo dựng con người có một xác thể hữu hình. Chính trong xác thể này, Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài cho con người. Vì thế, con người được mời gọi gặp gỡ và trao ban. Yếu tố nền tảng của gặp gỡ và trao ban không gì khác hơn là cộng đoàn cùng nhau chia sẻ trong cầu nguyện. Trong cầu nguyện, tạ hiện diện trọn vẹn con người. Qua sự hiện diện, ta khám phá ra chính mình, đồng thời cũng  khám phá ra chị em mình là ai, từ đó ta đi vào một cuộc gặp gỡ thâm sâu của tình huynh đệ, mà cuộc gặp gỡ thâm sâu chỉ có được khi ta đi vào đời sống cầu nguyện, nhờ cầu nguyện mà Đức Kitô hiện diện và cư ngụ giữa cộng đoàn như lời Thánh Phaolô Tông đồ nói: “Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng cho Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.”(x. Cl 3:1-24) Thực vậy, nhờ cầu nguyện mà chúng ta gặp gỡ nhau, hiểu và cảm thông cho nhau một cách sâu sắc và trọn vẹn. “Việc cầu nguyện chung, vốn luôn được xem là nền tảng của tất cả đời sống cộng đoàn, bắt đầu từ việc chiêm niệm mầu nhiệm vĩ đại và siêu phàm của Thiên Chúa, từ việc thán phục sự hiện diện của Người, đang diễn ra trong những giây phút ý nghĩa nhất của đời sống các gia đình dòng tu cũng như trong những thực tại khiêm tốn và thường nhật của các cộng đoàn tu trì chúng ta.”[15]

b. Tương quan huynh đệ

“Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, và  như vậy là chu toàn luật Đức  Kitô” (Gl 6,21). Trong toàn bộ sức sống  của đời sống cộng đoàn, Đức  Kitô, trong mầu nhiệm Vượt Qua của  Người, trở thành mẫu mực để xây dựng sự hiệp nhất.  Quả thực, Người là nguồn mạch, là mẫu mực và thước đo của  giới luật yêu thương: chúng ta phải  thương yêu nhau như chính Người đã yêu thương chúng ta. Và Người  đã yêu chúng ta đến độ hiến mình cho chúng ta. Đời sống chúng  ta là sự chia sẻ đức ái của  Chúa Kitô, tình yêu của người  đối với Chúa Cha và với anh em,  chị em của Người, một tình yêu quên mình.”[16] Anh em hãy “có cùng một cảm nghĩ, cùng  một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.Hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người  khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích riêng cho mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.” (x. Pl 2,2-5). Những quan hệ hỗ tương của anh em phải đặt nền tảng trên sự thật này là anh em đã được hiệp nhất với Đức Kitô đồng thời phải luôn luôn nhớ rằng sự thành toàn người tu sĩ nam hay nữ đạt được đều qua cộng đoàn của mình. “Ai thử cố sống một cuộc đời tự lập, tách biệt khỏi cộng đoàn, chắc chắn không gặp được con đường an toàn dẫn tới sự trọn lành của bậc mình”[17]. Từ đó, cho thấy rằng mối tương quan huynh đệ giữa các tu sĩ là môt trong những yếu tố nền tảng xây dựng nên đời sống cộng đoàn.

c. Sống ba lời khuyên Phúc Âm

Lời tuyên khấn của các tu sĩ diễn tả hồng ân dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa và cho Giáo Hội – tuy nhiên đó là hồng ân được sống trong cộng đoàn của một gia đình tu trì. Người tu sĩ không chỉ “được  kêu gọi” đến một ơn gọi riêng cá nhân. Ơn gọi của họ cũng là “cùng được kêu gọi”, họ được kêu gọi với những người khác, với những người mà họ chia sẻ đời sống hằng ngày. Vâng phục có nghĩa là “xin vâng” đối  với kế hoạch của Thiên Chúa, nhờ  đó Người đã ký thác công  việc đặc biệt cho một nhóm người.  Lời thưa ”xin vâng” ấy gắn liền với  sứ vụ, nhưng cũng gắn liền với  cộng đoàn, một cộng đoàn phải  thực hiện việc phục vụ ở đây,  lúc này và với nhau. Lời thưa  “xin vâng” cũng đòi hỏi một cái  nhìn đức tin sáng suốt đối với  các bề trên, những người “thực  thi nhiệm vụ lãnh đạo và phục vụ”  và là những người phải  nhận ra sự hài hoà giữa công  tác tông đồ và sứ vụ. Chính  trong việc họ hiệp thông với nhau mà ý muốn của Thiên Chúa – ý muốn duy nhất có thể cứu chúng ta – được  hoàn tất. Khó nghèo, sự chia sẻ của cải,  kể cả những của cải thiêng liêng,  ngay từ đầu đã là nền tảng  cho sự hiệp thông huynh đệ. Sự  khó nghèo của cá nhân các phần  tử, gắn liền với một lối sống  giản dị và khắc khổ, không những  giải thoát người tu sĩ khỏi những  bận tâm liên hệ đến quyền sở  hữu riêng tư, mà còn làm phong phú  cộng đoàn, giúp cộng đoàn phục  vụ Thiên Chúa và người nghèo  cách hữu hiệu hơn.

Trong chiều kích cộng đoàn, khiết tịnh được thánh hiến bao gồm cả sự trong sạch tâm hồn, trái tim  và thân thể, biểu lộ sự tự  do lớn lao để yêu mến Thiên Chúa  và yêu mến tất cả những gì thuộc  về Người, bằng một tình yêu không  chia sẻ, và như vậy, có thể dốc  toàn lực để yêu mến và phục  vụ tha nhân, làm cho tình yêu của Đức  Ki-tô hiện diện. Không ích kỷ cũng  không độc quyền, không chiếm hữu  cũng không nô lệ đam mê, nhưng phổ  quát và vô vị lợi, tự do và  giải thoát – điều cần thiết cho sứ  vụ – tình yêu này được vun trồng  và lớn lên qua đời sống huynh  đệ. Như thế, những ai sống đời  độc thân thánh hiến ”nhắc mọi người  nhớ sự kết hiệp lạ lùng mà Thiên Chúa đã thực hiện, và  sẽ tỏ lộ đầy đủ ở đời sau, và trong sự kết hiệp ấy, Hội Thánh nhận Đức Kitô là Đấng  Lang Quân độc nhất của mình”.[18]

Các lời khấn nói lên những chiều kích cá nhân và xã hội của đời sống. Trong đời tu, các lời khấn không chỉ nói đến sự biến đổi của đời sống cá nhân để gặp gỡ với Thiên Chúa, chúng còn là tiêu chuẩn kết ước với các tu sĩ khác thuộc Hội dòng và với Giáo hội. Vì chiều kích thể chế này và vì khế ước, việc dấn thân qua lời tuyên khấn đòi phải có tính thật sự và loại trừ lối sống hai mặt, ít ra là trong ý thức. Không sống theo lời đã tuyên khấn, đó là lừa dối trong khế ước trong giao ước, đó là phá vỡ lòng tin tưởng, điều làm cho đời sống chung không thể thực hiện được. Khi ấy, một trong các mắt xích để xây dựng tình huynh đệ và chính mình, qua lời cam kết, bị vỡ ra. Rõ ràng đó là phá vỡ niềm tin, do vậy là một hành vi trầm trọng và ý thức.

  1. Những đặc tính của cộng đoàn dòng tu

a. Cộng đoàn là sự hiệp thông và là chứng tá đặc biệt của Giáo Hội

Một câu hỏi đặt rằng: Phải chăng cộng đoàn Kitô giáo là một tập đoàn theo nghĩa đoàn lũ, người này bên cạnh người kia, là một ê kíp của một nhóm người tham gia vào những sinh hoạt chung, hay cộng đoàn Kitô giáo là một tổ chức tối tân khoa học giúp mọi người phát triển tối đa khả năng của mình, nhờ biết hỗ trợ nhau.  Cũng vậy, cộng đoàn tu trì không đơn thuần là một tập hợp các Kitô hữu để tìm kiếm sự hoàn thiện cá nhân. Sâu xa hơn đó là sự thông phần và là chúng ta đặc biệt của Giáo Hội, bởi vì nó là biểu hiện sống động và là sự hoàn thành ưu việt “sự hiệp thông đặc biệt của Ba Ngôi cao cả, trong đó, Chúa Cha muốn những người nam và người nữ được dự phần trong Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[19] Thành ra, có thể nói rằng, cộng đoàn tu trì tự nó đã là tiếng vọng đáp lại tiếng kêu cứu của những đang đau khổ, là lời loan giảng, phục vụ và là chứng tá ngôn sứ cho Đức Kitô. Nói cách khác, cộng đoàn có là do và cho sứ vụ. Nhưng, sứ vụ này lại chỉ có được nhờ sự hiệp thông, bởi “hiệp thông phát sinh hiệp thông, hiệp thông phát sinh sứ vụ” [20]. Vì thế, thiếu sự hiệp thông, cộng đoàn sẽ không còn là một cộng đoàn tu đúng nghĩa.

b. Cộng đoàn là nhịp cầu trao đổi và đối thoại, làm triển nở nhân vị

Như thế, bản chất của cộng đoàn chính là sự hiệp thông với Chúa Kitô là trung tâm của cộng đoàn trong cung lòng Mẹ Giáo hội, hình mẫu của cộng đoàn tu trì để từ đó các thành viên trong cộng đoàn tiến đến hiệp thông với nhau trong đức tin và đức mến. Chính sự hiệp thông này giúp con người triển nở và phát triển về mọi mặt đặc biệt là nhân vị. Theo E.Mounier, một nhân vị luôn chịu sự chi phối bởi ba chiều kích: ơn gọi, nhập thể và hiệp thông. Luther Kinh thì lại nhìn cuộc sống con người dưới ba chiều kích. Theo ông, một con người đúng nghĩa là người hoàn thành ba chiều kích đó nơi đời mình. Chiều dài của cuộc đời là thời gian sống nơi dương gian, từ khi chào đời cho tới khi giã từ cuộc đời. Chiều rộng của cuộc đời là cuộc sống của cá nhân đó với tha nhân và chiều cao của cuộc đời là đời sống của người đó với những giá trị tinh thần, mà cụ thể theo Luther King đó là đời sống của người đó với Thiên Chúa. Như vậy, một cộng đoàn đích thực là cộng đoàn làm cho cả ba chiều kích đó nơi các tu sĩ phát triển một cách hài hòa và đầy đủ. Nói cách khác, ở giữa cộng đoàn, mỗi các cá nhân được hoàn thành và được cứu thoát nhờ người khác. Trong Thiên Chúa, mỗi cá nhân được thành tựu và nhân vị của mình được phát triển. Mỗi cá nhân phải là mình hơn bao giờ hết.

c. Cộng đoàn là phương thuốc hàn gắn yêu thương – lan tỏa niềm vui

Cũng vậy, cộng đoàn tu phải là nơi mọi nhân vị cảm nhận được sự hữu hiệu của phương thuốc hàn gắn yêu thương, lan tỏa niềm vui. Đời tu đi theo Chúa thì cũng cần một tấm lòng của Chúa, tấm lòng sẵn sàng tha thứ cho những ai làm khổ mình. Trên thập giá, Đức Giêsu đã thể hiện sự tha thứ nay. “Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”(x Lc 23,34) Cũng thế, khi Phêrô hỏi Chúa phải tha thứ mấy lần, thì Chúa đã bảo Phêrô phải tha thứ luôn mãi:”Thầy không bảo anh phải tha bảy lần, nhưng là tha bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18,22)

“Đời sống cộng đoàn là một cuộc đời chia sẻ trong tình yêu.”[21] Nhưng tình yêu nào? Sẽ chẳng có cộng đoàn lý tưởng, nếu chỉ bắt nguồn từ con người. Cái gì đan kết đời cộng đoàn thánh hiến? Lý tưởng chung một nhịp cầu chăng? Chưa là điểm then chốt! Tình huynh đệ chăng? vẫn chưa là tất cả! Đã đành đời sống cộng đoàn đòi phải có tình liên đới huynh đệ như một thứ tất yếu, nhưng chúng ta cũng không thể quên rằng: cộng đoàn còn là một thực tại siêu nhiên, là dấu chỉ cho Nước Trời mai sau. Tình yêu của Đức Kitô có thể gói trọn trong câu: “Ngài đã yêu họ đến cùng” (Ga 13,1). Thật vậy Đức Kitô từ trời đến với con người không phải để dò xét, kết tội, loại trừ con người, nhưng Ngài thực hiện một nghĩa cử yêu thương, trở thành Người Bạn có thể chia sẻ những vui buồn của cuộc sống với con người. Ngài trở thành người đồng hành tới cùng, liên đới trọn vẹn, cống hiến tất cả, ngay chính mạng sống mình.

Đối với Thiên Chúa là Tình Yêu thì điều tốt đẹp nhất chỉ có thể là tình yêu mà thôi, và Ngài mời gọi con người chia sẻ cũng một tình yêu ấy cho nhau. Tình yêu này làm cho tôi có khả năng bớt nghĩ đến mình và nghĩ đến người khác nhiều hơn. Chính tình yêu này làm cho tôi có khả năng quý mến và quan tâm tới mọi thành viên mà không dừng lại nơi riêng ai, chính tình yêu này giải thoát lòng tôi khỏi những đố kỵ, nóng nảy, giận hờn, khó chịu, và chính tình yêu này hỗ trợ tôi có năng lực để phục vụ và thương mến cả những người có vẻ khó thương, khó hòa hợp. Cách thức yêu thương của Chúa Kitô làm tăng phẩm giá của người sống trong yêu thương và giúp con người biết trân trọng nhau, đồng thời giúp con người an vui trước thực trạng của mình và vững vàng trên bước đường “Hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”. Nói cách khác, tình yêu của Chúa có sức chữa lành. Khi nào tôi chìm sâu trong tình Chúa thì tâm hồn tôi được chữa lành và tôi có khả năng sống tình người với tha nhân. Hay nói theo thánh Phaolô, tình yêu Chúa trong mỗi người phải là “một tình yêu kiên nhẫn, nhân hậu, không ham hố, không khoe khoang, không tự mãn, không cọc cằn và không tìm kiếm tư lợi. Tình yêu này không dễ dàng tức giận và không ghi giữ điều lầm lạc. Tình yêu này vui với điều chân thật. Tinh yêu này luôn luôn bảo trợ, tín thác, hy vọng và kiên nhẫn. Tình yêu này không bao giờ thất bại” (x Cr 13, 3-6).

d. Cộng đoàn là nền tảng vững chắc cho sứ vụ tông đồ

Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ vụ của Ngài bằng cách quy tụ xung quanh Ngài các Tông đồ, các người nữ đạo đức. Ngài nói với họ: “Hãy bỏ tất cả mà theo tôi”. Họ đã đến với Ngài. Ngài yêu họ, chọn họ, mời họ trở nên bạn hữu của Ngài. Sau khi Ngài về trời, Ngài sai họ đi loan báo Tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành người bệnh tật. Như vậy, cộng đoàn là cho sứ vụ và vì sứ vụ. Sứ vụ này cộng đoàn lãnh nhận từ Chúa Kitô. Vì thế, cộng đoàn cũng phải là nơi làm cho sứ vụ triển nở, là chỗ cho người tu thực thi sứ mạng của mình. Cũng vậy, “Lối sống cộng đoàn phải tương hợp với hình thức tông đồ mà các phần tử đảm nhận, cũng như với nền văn hóa xã hội trong đó người tu sĩ lãnh trách nhiệm. Số lượng các phần tử trong một cộng đoàn, nơi ở, các nhu cầu riêng, mức sống, tất cả có thể tùy thuộc hình thức tông đồ của cộng đoàn”[22] Trong thực tế, người tu cần cộng đoàn làm hành trang nguồn trợ lực và nâng đỡ trong cuộc sống cũng như trong các công việc tông đồ. Người tu sẽ không thể an tâm rao giảng nếu cộng đoàn tu nơi họ đang sống không thực sự là nơi “Thiên Chúa đang ngỏ lời” với mọi người. Người tu sẽ mất đi niềm hứng khởi tông đồ nếu như cộng đoàn không phải là chỗ người tu có thể gửi tấm thân mình. Nói cách khác, người tu mang cộng đoàn bên mình trong các hoạt động Tông đồ. Vì thế, cộng đoàn phải là chính lời rao giảng của mỗi cá nhân tu sĩ.

III.       THÁCH ĐỐ VÀ THỰC TRẠNG CỘNG ĐOÀN DÒNG TU HÔM NAY

  1. Cộng đoàn dòng tu với những thách đố của ngày hôm nay

a. Ảnh hưởng của xã hội toàn cầu hóa

Đời sống thánh hiến được định nghĩa như một cuộc nhập thế giữa lòng đời. Họ tuy không thuộc trần thế nhưng sống trong trần thế và chịu ảnh hưởng của trần thế. Trần thế ở đây là cộng đồng nhân loại, là tất cả những gì đang diễn ra trên thế giới hôm nay, một thế giới mà trong đó, đang xảy ra một sự thay đổi đến chóng mặt. Những thay đổi ấy đã và đang không ngừng tác động một cách tích cực cũng như tiêu cực vào đời sống thánh hiến. Sự bùng nổ thông tin từ những năm 1960 của thế kỷ trước cũng đã tạo nên một tác động đáng kể, đôi khi bi thảm, đến bầu khí sa mạc cần có của cuộc sống tu trì. Nó tác động khuấy động bầu khí tĩnh lặng trong các cộng đoàn, tác động đến nhận thức về trách nhiệm và phong cách sống các tu sĩ. Với hiện tượng toàn cầu hóa, trái đất ngày nay trở nên như nhỏ hẹp lại. Tư tưởng muốn đến một nơi khác, một đất nước khác để khám phá sự mới lạ không còn là việc ảo tưởng, xa xôi. Ngày nay người ta trao đổi dễ dàng từ nơi này đến nơi khác nhờ những phương tiện di chuyển hiện đại, nhờ kỹ thuật tân tiến của ngành viễn thông. Phải chăng đó là một nguyên do khiến tương quan giữa cá nhân trong cộng đoàn nhạt nhẽo, hay nói đúng hơn là “xa lạ”. Khi các tu sĩ dễ chia sẻ, nói chuyện với người ở xa qua các phương tiện, còn với thành viên trong cộng đoàn xem ra hờ hững thì phải chăng sự ảo tưởng về các mối tương quan trên mạng đã phần nào làm lu mờ mối tương quan cộng đoàn.

b. Sự bùng nổ của chủ nghĩa cá nhân

Bên cạnh đó, sự ồn ào náo động của cuộc sống và khuynh hướng thực dụng, cá nhân chủ nghĩa làm người tu sĩ vô tình quên mất mọi sự đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Hơn nữa, chính thực tại đời sống cộng đoàn, người tu sĩ hay nói đến việc đáp ứng nhu cầu thời đại, từ đó một vài cá nhân cố gắng làm sao đạt được một số kiến thức cùng với trình độ chuyên môn, thế là an tâm say sưa với công việc, bằng lòng với những gì mình đã thu tích được và cho đó là thành tích do mình chứ không do Thiên Chúa. Khởi phát từ những đòi hỏi tự do cá nhân và nhân quyền là cốt lõi của cao trào dân chủ hóa trong xã hội.

Trong một thời đại mà sự tự do cá nhân, sự thỏa mãn con người, sự phát triển tiềm năng con người căng thẳng ngay bên trong những cộng đoàn tu trì thì việc lạc bước khỏi những kỷ luật bên ngoài, sự thiếu trật tự, coi thường quyền bính, xa rời khỏi sự khiêm nhường truyền thống, tất cả đôi khi được nhìn như một sự lạc xa khỏi trung tâm của đời sống Kitô giáo, là Thập giá Đức Kitô. Chủ nghĩa cá nhân đã làm rạn nứt sự tự do, bình đẳng, tình huynh đệ. Chủ nghĩa cá nhân triệt để là một thứ vi rút cực kì khó tận diệt, vì nó rất khôn khéo. Chủ nghĩa cá nhân biến cộng đoàn thành hiệp hội những người độc thân, một thứ khách sạn giúp cho đời sống vật chất dễ dàng, điều này là một cám dỗ thường xuyên và là một thực tại xâm nhập dần dần, và chúng ta dường như không ý thức về sự phát triển của nó. Như thế, “những nhân tố này đã thử thách ác liệt khả năng “chống lại sự dữ” của các cộng đoàn tu trì, nhưng phải chăng cũng phát sinh những phong cách sống mới nơi đời sống cá nhân và cộng đoàn, phong cách đó là một chứng tá Tin mừng rõ rệt cho thế giới chúng ta ?”[23]

c. Sự đa dạng văn hóa, sứ vụ

Cùng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã nâng mức sống nhân loại ngày một cao hơn về nhiều phương diện dẫn đến nếp sống đô thị hóa và hiện đại hóa.  Chính vì thế, thời đại hôm nay mở ra cho cộng đoàn dòng tu có đủ những cơ hội, tiện nghi để thăng tiến và có được nếp sống văn minh hạnh phúc, tuy nhiên nó cũng luôn mở ra những thách đố rằng: phải có năng lực để thích nghi và có ý chí sáng suốt mạnh mẽ để biết lựa chọn cho cuộc đời mình một ý nghĩa sống vươn tới chân, thiện, mỹ đúng với căn tính đời tu. Điển hình sự gia tăng, phong phú của sứ vụ, những đòi hỏi giúp đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết hơn (như người nghèo, người nghiện ngập, người tị nạn và bệnh nhân…) đã khơi dậy trong đời tu sự đáp trả và hiến thân một cách đáng khâm phục và đáng ca tụng. Tuy nhiên, điều này hiển nhiên đưa đến sự cần thiết phải thay đổi một số hình thức truyền thống của cộng đoàn tu trì, mà một số người cho là không thích hợp để đối phó với hoàn cảnh mới.[24] Bên cạnh đó, sự đa dạng về văn hóa, phong cách sống của mỗi người cũng trở nên một trong những trở ngại cho đời sống cộng đoàn.

Từ những thách đố trong bao nhiêu thách đố người viết nêu trên, chúng ta cũng nhìn nhận những thực trạng với những hệ lụy kèm theo trong đời sống cộng đoàn.

  1. Thực trạng trong đời sống cộng đoàn dòng tu

a.  Mập mờ trong chọn lựa căn bản đời tu

Não trạng thời hậu hiện đại là hiện tượng toàn cầu hóa gây ảnh hưởng trước hết đến thế hệ trẻ trong cộng đoàn. Những thế hệ này nhạy bén hơn với thực tại xung quanh, dễ dàng đón nhận sự thay đổi đầy đa dạng, phong phú nhưng thực sự phức tạp, từ đó, họ cũng dễ bị tổn thương hơn. Não trạng này nuôi dưỡng những tình cảm thiếu chắc chắn, thiếu an toàn và thiếu ổn định, và từ đó nảy sinh khuynh hướng tự yêu mình chỉ biết tìm kiếm khoái lạc trong hiện tại mà không có một trách nhiệm nào đối với hoặc không có một hy vọng nào vào tương lai cả. Sự phức tạp của thế giới và não trạng của thời hậu hiện đại đã sản sinh ra, nhất là nơi những thế hệ trẻ, một loại nhân cách phức tạp hơn nhưng lại kém rõ ràng hơn. Nhân cách này có thể hiện trong những thái độ khoan dung hơn với sự đa dạng và tập trung hơn vào tính chủ quan, nhưng lại không tha thiết gì đến việc chấp nhận những cam kết lâu dài và rõ ràng trong cuộc sống. Mọi sự đều trở nên tương đối với những tình cảm chủ quan, sự cam kết nhất thời. Chính vì thế, khiến người tu sĩ trẻ khi bước vào đời sống cộng đoàn dễ bỏ cuộc khi gặp những thử thách, chông gai, đánh mất sự kiên định khi chọn lựa nếp sống tu trì. Từ đó, có thể một cuộc sống đời dâng hiến ko an nhiên tự tại, kéo lê cuộc đời làm ảnh hưởng đến bầu khí thánh thiêng của cộng đoàn.

b. Đánh mất cảm thức giá trị đời tu

Thực trạng người tu sĩ mập mờ trong chọn lựa, phải chăng cũng song song với việc họ  đang đánh mất đi cội nguồn “Thiên Chúa là Đấng độc nhất có sự trường sinh bất tử” (Tm 6,16). Thật đáng buồn, nếu thành công qua những việc bề ngoài nhưng lại mất đi chiều sâu nội tâm, đánh mất cái cốt lõi làm nên bản chất của đời sống Thánh hiến là cầu nguyện và khổ chế. Lời cảnh báo của thánh Phaolô ngày xưa đối với giáo dân Rôma không thừa đối với tu sĩ hôm nay: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, thì tôi lại cứ làm” (Rm7,19. Và luôn nhớ rằng: chúng ta có được gì là do ơn nhưng không của Thiên Chúa tặng ban (1Cr 15,10). Chúa Giêsu cũng đã nhắc nhở chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, rồi mọi sự khác Người sẽ ban cho” (Mt 6,33- 34). Hình ảnh cộng đoàn của Hội Thánh từ thuở ban đầu ở Giêrusalem thật đẹp “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý” (Cv 4,32). Hay “ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 132). Đây vẫn là hình ảnh lý tưởng mà đời tu ở mọi thời đại được mời gọi đạt cho bằng được dù nếp sống ấy vẫn đang ở phía trước.”Sự hiệp nhất trong đa dạng “ cũng phải là lý tưởng mà người tu sĩ nỗ lực xây dựng đời sống cộng đoàn của mình. Chấp nhận sự khác biệt của nhau với cái hay cái dở, cái tốt cái xấu tất cả đều làm nên đời sống chung. Vì thế không có chuyện loại trừ khi “không hợp ý nhau”. Thực tế, đời sống chung cho thấy trong đó gồm những thành viên khó chấp nhận, không hiểu nhau, khó thông cảm với nhau, luôn sợ người khác hiểu lầm, vì người ta không thấy được cái riêng trong cái chung, không thấy được tính đa dạng trong sự hiệp nhất.

Lẽ sống của cộng đoàn là tìm kiếm Thiên Chúa, nên dù cộng đoàn có hiệp nhất, hài hòa đến đâu, nếu không đi tìm Thiên Chúa, thì cộng đoàn cũng không được coi là cộng đoàn tu sĩ. Cách suy nghĩ và lối sống của các tu sĩ làm việc trong môi trường bị tục hóa, đặc biệt khi tác vụ được hiểu đơn thuần là một nghề, một công tác hơn là đang thi hành sứ vụ truyền bá Phúc âm, đôi khi đã làm lu mờ thực tại Thánh hiến và chiều kích siêu nhiên của đời tu, đến nỗi đời sống huynh đệ cộng đoàn đối với một số người đã trở thành chướng ngại vật cho hoạt động, hoặc chỉ là một công cụ có tính cách chức năng.

c. Sự cuốn hút của dòng chảy sứ vụ

Ngày nay, người tu sĩ được mời gọi sống hội nhập để làm chứng cho niềm tin và những giá trị cao quý của Kitô giáo. Họ được kêu gọi từ bỏ những giá trị vật chất, là những gì đáng được hưởng, để dấn thân cho một lý tưởng cao đẹp hơn. Nói thế không có nghĩa là phủ nhận những giá trị vật chất đem lại cho đời tu. Thật thế, có rất nhiều phương tiện hữu ích trong xã hội hôm nay đang phục vụ cho sứ mạng của người tu sĩ. Vấn đề đặt ra là, người tu sĩ hội nhập với xã hội hay là bị hòa tan trong xã hội – một xã hội hưởng thụ và tục hóa?

Trong thực tế, không ít người sống đời tu nhưng đã bị cuốn hút vào vòng xoay của lối sống thực dụng. Không ít người chọn đời tu để mong thoát ra khỏi những khó khăn về đời sống vật chất. Mối tương quan này giữa cộng đoàn và sứ vụ có thể gặp những mối nguy hiểm. J Puoi đã diễn tả điều này theo ý nghĩa là trong cuộc đời chúng ta học cách sống trong tư cách cá nhân và trong cộng đoàn. Thực trạng xảy đến do những hoàn cảnh thời gian hoặc không gian, “người tu sĩ bị cám dỗ là lướt qua hoặc chỉ lưu ý đến một trong hai khía cạnh và bỏ mặc khía cạnh kia. Một số muốn làm việc quá mức để khỏi phải dấn thân đúng nghĩa vào đời sống chung, số khác viện cớ kỳ vọng những sự việc từ đời sống cộng đoàn, vì họ không thỏa mãn với tác vụ của mình. Đời sống và công việc cần phải hỗ trợ một hiệp nhất liên tục nơi một con người. Con người đó được kêu gọi để trở nên thành viên cộng đoàn vì một sứ vụ.”[25]

Cuộc sống tu trì phải đạt đến sự trưởng thành về nhân bản và tâm linh một cách tiệm tiến. Khi đã lớn lên trong tình yêu thì cũng lớn lên trong nhân bản và tâm linh, được giải thoát từ bên trong và cảm nghiệm được hồng ân cứu độ. Sẽ có một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản, an vui và tin tưởng hơn. Tuy nhiên, thực tế cho rằng, khi tu sĩ rời môi trường huấn luyện không những ít trưởng thành về nhân bản, mà đôi khi còn tụt hậu về nhân cách, so sánh với những người cùng lứa tuổi và trình độ ở ngoài. “Cách suy nghĩ và lối sống của các tu sĩ làm việc trong môi trường bị tục hóa, đặc biệt khi tác vụ được hiểu đơn thuần là một nghề, một công tác hơn là đang thi hành sứ vụ truyền bá phúc âm, đôi khi đã làm lu mờ thực tại Thánh hiến và chiều kích siêu nhiên của đời tu, đến nỗi đời sống huynh đệ cộng đoàn đối với một số người trở thành chướng ngại vật cho hoạt động, hoặc chỉ là một công cụ có tính cách chức năng.”[26] Đôi khi khát vọng chân thành muốn phục vụ Hội Thánh và gắn bó với các công việc của Hội Dòng, cộng thêm với những nhu cầu cấp bách của giáo hội địa phương có thể làm cho các tu sĩ đảm nhận quá nhiều công việc, do đó họ chỉ dành một ít thời gian cho đời sống chung.”[27]

VI. PHƯƠNG HƯỚNG XÂY ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN DÒNG TU TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY

  1. Xây dựng cộng đoàn trong việc canh tân, trở về nguồn trong Đức Kitô

Làm sao chúng ta có thể hòa giải cá nhân với cộng đoàn? Làm cách nào chúng ta có thể biến đổi cá nhân thành những ngôi vị, đến độ trong cùng một kế hoạch không cần phải hy sinh những ngôi vị hoặc cộng đoàn? Làm cách nào chúng ta nắm chắc được rằng linh đạo ngôi vị thực sự, và có tính cộng đoàn trong chiều kích? “Chạy trốn khỏi cộng đoàn để đi tìm việc nên thánh riêng tư là con đường là một con đường đầy nguy hiểm.”[28]

Đứng trước những thách đố này, đời tu Kitô giáo giữa cá nhân và cộng đoàn “phải sáng suốt xuất phát lại từ Đức Kitô, bằng cách chiêm ngưỡng khuôn mặt Người.” Nói cách khác, để cho nhân loại thấy được lời chứng của cộng đoàn, mỗi tu sĩ và cả cộng đoàn phải mật thiết gắn bó với Đức Kitô, trung tâm của cộng đoàn, bởi vì, “chính Ngài đã hiện diện giữa cộng đoàn những kẻ suốt bao thế kỉ, tụ họp nhân danh người. Người dạy dỗ họ về chính mình và về Thánh Linh.  Ngài hướng họ về Chúa Cha, hướng dẫn họ trên các nẻo đường trần thế để gặp gỡ các anh chị em mình. Người biến ho thành khí cụ tình yêu và xây dựng Nước Trời trong sự hiệp thông với Người khác, biến họ thành lời loan báo chỗ đứng ưu việt của ân sủng. Không có Đức Kitô, họ không thể làm được gì. (x Ga 15,5), trong Người là Đấng ban sức mạnh, họ làm được mọi sự (x Pl 4,13). Xuất phát lại từ Đức Kitô có nghĩa là trở về với Ngài, mang cùng một tâm tình, một lối sống như Ngài. Đó là một cuộc sống bị Ngài chiếm hữu, được bàn tay Ngài đụng đến, được lời Ngài nhắn nhủ và được ân sủng Ngài nâng đỡ.”[29]

Cũng vậy, giữa bối cảnh xã hội đang có nhiều thay đổi như vậy, cộng đoàn tu trì phải trở về với đặc sủng nguyên khởi với trực giác của Đấng Sáng Lập, phải thực hiện tiến trình hối cải liên tục, trong nếp sống cộng đoàn cũng như trong công việc tông đồ, để trở nên mọi sự cho mọi người. Cuộc hội nhập trở lại này luôn cần thiết, bởi nó giúp cho cộng đoàn, dù trong hoàn cảnh nào, vẫn không đánh mất căn tính nền tảng của mình, vẫn giữ được cái diệu cảm ban đầu từ đó Dòng khai sinh.”[30]

Trong thế giới ngày nay, những dấu vết của Thiên Chúa dường như bị xóa nhòa, nên người ta cảm thấy nhu cầu khẩn trương của một chứng tá ngôn sứ thật mãnh liệt từ phía những người thánh hiến. Tiên vàn chúng tá đó công bố vị thế tối thượng của Thiên Chúa và của những điều thiện hảo sắp tới, biểu lộ qua việc bước theo Đức Kitô và trở nên giống Chúa Kitô trinh khiết, khó nghèo và vâng phục, hoàn toàn tận hiến cho vinh quang Chúa Cha và yêu thương anh chị em mình. Chính đời sống cộng đoàn là một lời chứng sống động trong một xã hội khao khát sâu xa tình huynh đệ không biên giới.”[31]

  1. Làm triển nở nét đẹp đời sống cộng đoàn qua việc thi hành sứ vụ

Bên cạnh đó, cộng đoàn tu cần một cuộc canh tân và thích nghi với môi trường văn hóa sứ vụ nơi mình đang sinh sống. Trong thực tế, những năm gần đây, các Hội Dòng sống đời Thánh hiến đã cố gắng hội nhập và hiện diện một cách mới mẻ vào các môi trường văn hóa sứ vụ. Họ trở về nguồn để tìm ra một hướng đi thích hợp với xã hội, nhưng lại không đánh mất căn tính và đặc sủng vốn có của dòng trong sứ mạng.Chính vì thế, khích lệ và làm triển nở nét đẹp đời sống cộng đoàn giúp các cộng đoàn tu trì can đảm, năng động, cởi mở, nhưng đồng thời cũng cẩn trọng hơn giữa một đất nước đang đổi thay và trong một thời đại mà chất xám và năng động tính được đề cao, dĩ nhiên để có thể góp phần phục vụ đất nước, phục vụ Giáo hội và rao truyền Tin Mừng, người tu sĩ cũng cần được đào tạo tương xứng.”[32]

Bất cứ cộng đoàn Kitô hữu nào cũng phải hướng ngoại về phía sứ vụ. Một cộng đoàn tu sĩ nào cũng vậy, phải nhìn ra ngoài. Việc quay ra ngoài, liên quan đến sứ vụ như vậy có một giá trị liệu pháp rất lớn. Nó giải phóng cộng đoàn khỏi những căng thẳng và những áp lực tâm lý vẫn thường xảy ra do việc khép kín. Mặt khác, việc sống sứ vụ sẽ làm sinh động nhiều khía cạnh khác trong cộng đoàn như cầu nguyện, suy tư, đào tạo, sống chung. Có một mối tương quan biện chứng giữa cộng đoàn và sứ vụ. Sống sứ vụ cũng có nghĩa là sống cộng đoàn và ngược lại, sống cộng đoàn cũng là sống sứ vụ.

  1. Thúc đẩy tình huynh đệ cộng đoàn, hiệp thông qua việc đối thoại, chia sẻ

          Theo các văn kiện của Huấn quyền, những người sống đời Thánh hiến phải thật sự là những chuyên viên về tinh thần hiệp thông và phải thực hành linh đạo này. Ý nghĩa của việc hiệp thông trong Giáo hội, được trình bày như sau: “Cảm thức về việc hiệp thông trong Giáo Hội, khi trở thành  linh đạo hiệp thông, cổ võ một lối suy nghĩ, nói năng và hành động giúp cho Giáo Hội tiến về chiều sâu và chiều rộng. Quả thật, đời sống hiệp thông “trở thành một dấu chỉ cho thế giới và một sức mạnh thu hút người ta tin vào Đức Kitô.. Như thế, sự hiệp thông đưa tới sứ vụ, và biến thành sứ mạng, hoặc đúng hơn sự hiệp thông sinh ra sự hiệp thông và chủ yếu của nó là hiệp thông sứ vụ.”[33]

Hơn nữa, sự hiệp thông qua việc đối thoại là chìa khóa đầy uy lực để trở thành anh chị em của nhau, và cũng có thể trở thành bạn hữu, vượt qua những lối đánh giá khác nhau về muôn vàn vấn đề trong đời sống thường ngày. Khi dành vị trí cho đối thoại, đời tu trở thành nẻo đường của tình bạn, mạnh mẽ hơn chính lời nói, cho chúng ta biết về Thiên Chúa mà chúng ta ca tụng. Đối thoại cởi mở và chia sẻ cầu nguyện là chìa khóa quan trọng để vượt qua xung đột để tiến đến một đời sống hiệp hành. Từ chính kinh nghiệm bản thân tại cộng đoàn Oblate, tác giả Desmond O’Donnell đã viết: “Những thành viên của cộng đoàn Kitô hữu quan tâm đến nhau, chia sẻ với nhau và chịu đựng lẫn nhau, phục tùng và phục vụ Nước Trời trong chính họ và trong thế giới.”[34] Cũng xuất phát từ kinh nghiệm sống cộng đoàn, ông Jean Vanier, người sáng lập cộng đoàn Arche – một cộng đoàn đã có mặt trên 103 quốc gia, đã khẳng định: “Cộng đoàn không đơn thuần là một nhóm người cùng chung sống và yêu thương nhau, nhưng còn là dòng chảy của sự sống: một trái tim, một tâm hồn, một tinh thần. Cộng đoàn gồm những con người yêu thương nhau tha thiết và cùng nhau hướng tới một niềm hy vọng. Chính điều này mang đến một bầu khí đặc biệt của niềm vui và của sự đón nhận, là những yếu tố làm nên căn tính của một cộng đoàn đích thực. […]. Bầu khí của niềm vui này có được tự do để trở thành chính mình trong một ý nghĩa sâu xa nhất. Chúng ta khám phá ra rằng mình được yêu mến vì chính chúng ta là như thế, chứ không phải do chúng ta khôn ngoan và khéo léo.”[35] Chúng ta được dựng nên để nói với nhau, và để trợ giúp nhau đi sâu vào con người của mình, xuyên qua những quan điểm khác nhau và qua thái độ sẵn sàng của chúng ta với Thiên Chúa và với Lời của Người. Tiến trình thành công của các tu sĩ hệ tại ở việc thoát khỏi sợ hãi, nhờ lời được thông chuyển dễ dàng hay qua đó tương giao được nhanh chóng nối lại nhờ sự tha thứ. Các bữa ăn, các giờ giải trí, những lúc cùng nhau suy tư, các buổi hội họp cộng đoàn là những thời điểm trong đó chúng ta cùng nhau xây dựng lẫn nhau cách tự do qua việc thông chuyển lời..

Viễn tượng về những cộng đoàn lý tưởng luôn vẫy gọi và đồng thời thách thức mỗi chúng ta. Thật thế, để lớn lên và trưởng thành trong chính cộng đoàn tu trì và đồng thời góp phần xây dựng những cộng đoàn lý tưởng, người tu sĩ phải làm chứng về các giá trị của tình huynh đệ và sức biến đổi của Tin Mừng dẫn tới sự đối thoại, chia sẻ với tinh thần hiệp thông trong đời sống cộng đoàn.

V. KẾT LUẬN

Trong Tông huấn hãy vui mừng và hân hoan Đức giáo Hoàng Phanxicô mời gọi: “Một cộng đoàn biết yêu mến những chi tiết nhỏ của tình yêu, nơi đó mọi người biết chăm sóc lẫn nhau, tạo ra một môi trường cởi mở và có sức loan báo Tin Mừng, đó là nơi mà Chúa Phục sinh hiện diện, thánh hóa nó theo kế hoạch của Chúa Cha.”[36] Đó cũng trở thành lời mời gọi cũng như thức tỉnh nơi những tu sĩ, nơi những cộng đoàn thánh hiến và cả nơi chính bản thân tôi. Là những người ra đi để sống và làm cho nhiều người tin nhận vào sự hiện diện của Chúa, tôi và các anh chị em cùng nhau xây dựng chính mình, phát triển cộng đoàn, Giáo hội và xã hội trong tình yêu thương, hiệp nhất. Đồng thời ý thức tất cả những ai bước vào đời tu đều được mời gọi trở thành người đi đầu trong việc tìm kiếm Chúa, mọi sự tìm kiếm luôn làm dao động lòng người và được bày tỏ hết sức rõ ràng bằng nhiều hình thức tu đức và đời sống tâm linh.

Tuy nhiên thực tế cuộc sống chúng ta luôn có những thách đố và khủng hoảng. Hành trình làm con Chúa cũng tồn tại nhiều nghi ngờ và e ngại. Dấn thân theo Đức Kitô, để trở thành người môn đệ đích thực của Người trong đời sống cộng đoàn cũng thật chông gai và nhiều cam go. Chúng ta luôn mong tìm được một hướng đi nào đó thích hợp, bớt được những khó khăn thì mãn nguyện và hạnh phúc. Thế nhưng, điều này còn nhiều bước cản, vì con người thì giới hạn mà khát vọng lại vô cùng. Vì thế, người tu sĩ ngày nay cần phải đọc ra được ý Chúa muốn nói với mình điều gì qua những biến cố, những sự kiện của bản thân, của những người xung quanh, cũng như những sự kiện xã hội. Nếu con người không thể sống thiếu cơm bánh, thì có thể nói tu sĩ  cũng không thể sống thiếu Lời Chúa: “ Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Nhờ Lời Chúa, người tu sĩ sẽ biết được sự yếu đuối của bản thân, để biết cậy dựa, tin tưởng vào một mình Chúa mà thôi ngõ hầu đáp lại sự trông chờ của Mẹ Giáo Hội nơi chứng tá của các cộng đoàn tràn ngập “niềm hoan lạc và Thánh Thần.”[37]

La Nobita

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

Sách tham khảo

  1. Công đồng Vatican II, Bản dịch ủy ban giáo lý Đức Tin trực thuộc HĐGM Việt Nam, Nxb Tôn giáo, 2019
  2. Sách Kinh Thánh, ấn bản 2011, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2015
  3. Bộ Giáo luật, Nxb Tôn giáo Hà Nội, 2006
  4. Lm Gioan Nguyễn Nam Phong, dcct, Đời Thánh Hiến, một đời tri ân, NXB Tôn giáo, 2007.
  5. Lm Giuse Đỗ Văn Thụy, Tân phúc Hóa Đời Sống Cộng Đoàn, NXB Tôn giáo, 2014.
  6. Felissimo Diez Martinez, OP. Refounding Religious Life, Lm Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP chuyển ngữ, “Đời tu gạn đục khơi trong”, NXB Tôn giáo, 201
  7. Dr. George Kaitholil, SSP, Communion in Community: A Renewal Programme for Religious. Mumbai: St Pauls 2007. Lm G. Nguyễn Văn Chữ, OP chuyển ngữ, “Hiệp thông trong cộng đoàn”, NXB Phương Đông, 2015.
  8.  Lm Jean Claude Lavigne. O.P, Để họ được sống dồi dào. Gò Vấp, Tp. HCM, 2015.
  9. Gm. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chia sẻ: giới trẻ thách đố của thời đại, Nội san thần học – Mục vụ – Tu đức Tháng 6 năm 2005, số 46
  10.   ĐGM Bùi Tuần, “Đôi chút về xót thương và khiêm nhường, ” trong báo Công giáo và dân tộc, số 2232 (21/11/2019, 12-13
  11. Đức giáo hoàng Phanxicô,  Tông huấn “Hãy vui mừng và hân hoan” ngày 19.3.2018
  1. Desmond O’Donnell, Cộng đoàn dưới ánh sáng Lời Chúa, Simon chuyển ngữ, (2000), tr. 27-28.
  2. Jean Vanier, Thăng tiến cộng đoàn (Sydney: St. Paul Publications, 1979), Nhóm Đa Minh Rosa Lima chuyển ngữ, tr. 96

[1] Gm. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chia sẻ: giới trẻ thách đố của thời đại, Nội san thần học – Mục vụ – Tu đức Tháng 6 năm 2005, số 46

[2] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, (28/10/1965), số 15.

[3] Huấn Thị Đời Sống Huynh Đệ, http://www.mtghunghoa.org/ Cập nhật lúc 22:01 21/06/2018

[4] Ibid, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, (28/10/1965), số 15.

[5] Gioan Phaolô II, Tông huấn đời Thánh Hiến, số 17

[6] Ibid, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, (28/10/1965,  số 18

[7] Ibid, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, (28/10/1965), số 19

[8] CĐ Vaticano II, Hiến chế Tín Lý về Giáo hội, (21/11/ 1964)  số 47

[9] Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn đời sống Thánh hiến, số 20

[10]  Ibid., Sắc lệnh Perfectae Caritatis, (28/10/1965) số 24.

[11]  Ibid., Sắc lệnh Perfectae caritatis, (28/10/1965) số 15.

[12] Lm Gioan Nguyễn Nam Phong,dcct, Đời thánh hiến một đời tri ân, Nxb tôn giáo, năm 2012, tr 176

[13] Công đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (hiến chế tín lý về Giáo hội),  (21/11/ 1964) , số 9

[14] Thượng hội đồng Giám Mục thế giới 1994, Đời tận hiến và sức mạnh đời tận hiến trong Hội Thánh và trên thế giới, bản dịch 56-58

[15] Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, số 12

[16] Id, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, (28/10/1965) số 21

[17] Ibid, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, (28/10/1965) Sô 25

[18] Đời sống huynh đệ, số 44

[19] Thánh Bộ Tu Sĩ, Đời sống huynh đệ trong Cộng đoàn, bản dịch Việt ngữ, tr 6

[20] Lm Gioan Nguyễn Nam Phong,dcct, Đời thánh hiến một đời tri ân, Nxb Tôn giáo, năm 2012, tr 176

[21]Tông Huấn Ðời Sống Thánh Hiến Vita Consecrata, số 42

[22] Bộ giáo sĩ, Văn kiện Những Yếu tố cốt yếu của đời tu, bản dịch tr 405

[23] Thánh Bộ các Hội dòng sống đời thánh hiến, Đời sống Huynh Đệ Cộng đoàn, tr 9-10

[24] Lm Giuse Đỗ Văn Thụy, Tân phúc Hóa Đời Sống Cộng Đoàn, NXB Tôn giáo, 2014, tr 208

[25] J.Pujo.. Communism. Aspectos pédagogiques, en AA.vv. Diccionario teológico de la vida consagrada, 1 TVR,1992,302

[26] Lm Giuse Đỗ Văn Thụy, Tân phúc Hóa Đời Sống Cộng Đoàn, NXB Tôn giáo, 2014, tr 208

[27] Idid, Tân phúc Hóa Đời Sống Cộng Đoàn, NXB Tôn giáo, 2014, tr 208

[28] St Thomas, Summa Theologica, 188, ad5

[29] Huấn thị xuất phát lại từ Đức Kitô, số 21

[30] Lm Gioan Nguyễn Nam Phong,dcct, Đời thánh hiến một đời tri ân, Nxb tôn giáo, năm 2012, tr 191

[31] GH Gioan Phaolô II, Tông huấn đời sống Thánh Hiến, số 35

[32] Gm Nguyễn Thái Hợp, Op. Để họ lớn lên, Đức tin và văn hóa, năm 2007, tr 201

[33] Tông huấn đời sống Thánh hiến, số 46

[34] Desmond O’Donnell, Cộng đoàn dưới ánh sáng Lời Chúa, Simon chuyển ngữ, (2000), tr. 27-28.

[35] Jean Vanier, Thăng tiến cộng đoàn (Sydney: St. Paul Publications, 1979), Nhóm Đa Minh Rosa Lima chuyển ngữ, tr. 96.

[36] Đức giáo hoàng Phanxicô,  Tông huấn “Hãy vui mừng và hân hoan” ngày 19.3.2018

[37] Tông huấn đời sống Thánh hiến, số 45