Đôi dòng cảm nghĩ về những công việc trong nhóm “bảo vệ sự sống”

432 lượt xem 18 Tháng 5, 2018

    ĐÔI DÒNG CẢM NGHĨ VỀ CÔNG VIỆC NHỮNG TRONG NHÓM “BẢO VỆ SỰ SỐNG “

       Tham gia vào nhóm bảo vệ sự sống đến nay đã được 9 tháng, hàng tuần vào mỗi Chúa Nhật, con thường sắp xếp thời gian để cùng với các em trong nhóm Bảo Vệ Sự Sống đi đến các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn Thành phố Vinh như bệnh viện Nhi, R7, phòng khám An Bình, Ngọc Linh, Thái An…  để thu gom các thai nhi đã bị người ta phá bỏ, đưa về trung tâm bảo vệ sự sống để chôn cất.

Thời gian 9 tháng chưa phải là dài để con có thể nói rằng mình đã có nhiều kinh nghiệm trong công việc bảo Vệ Sự Sống, nhưng cũng đủ để con ngẫm nghĩ về những gì mình đã, đang trải qua. Hơn 300 thai nhi con đã đem về trong tổng số 4550 thai nhi bị phá trong 1 năm chỉ tính trên địa bàn Vinh (2017 ) và chỉ nơi những bệnh viện chúng con có thể tới, chưa kể những nơi chúng con không được tiếp cận. Nhiều khi chỉ trong 1 ngày, có khi là 1 buổi sáng, chúng con lấy được 30-40 em bị phá bỏ, trong đó có rất nhiều em đã 7-9 tháng tuổi. Lần giở những bao nilông đen đã đông cứng từ bao giờ  ở bệnh viện Nhi; chứng kiến những bé trai, bé gái đầy đủ hình hài và đã có thể sống nếu được sinh ra hay có những em quá lớn không lấy ra được thì đã bị cắt thành từng mảnh…con thật sự không khỏi rùng mình và khiếp sợ.

Thú thật đã có lúc con muốn bỏ cuộc, không muốn tham gia vào nhóm bởi vì mang danh là thành viên bảo vệ sự sống, chúng con chẳng cứu được ai mà chỉ làm công việc của người thu gom và an táng các em. Thêm vào đó, con số các thai nhi bị giết hại ngày càng nhiều. Đã hơn 1 lần con tự hỏi lòng mình, liệu tôi có đang gián tiếp tiếp tay cho tội ác này hay không? Có khi nào vì vô tình việc làm của chúng con làm cho những người muốn phá thai cứ an tâm phá vì đã có người thu gom các bào thai và có chỗ chôn cất đàng hoàng rồi chăng? Thương các em với kiếp người mỏng dòn, yếu đuối, thấp cổ bé miệng không có tiếng nói trong xã hội, bị dập vùi, loại bỏ, muốn lên tiếng, muốn cầu cứu người có tiếng nói cứu lấy các em nhưng lại không biết phải kêu đến ai vì xung quanh lúc ấy, những con người xem ra là có đủ tư cách, có bổn phận trách nhiệm cưu mang các em thì chính họ lại là kẻ trực tiếp hay gián tiếp phá bỏ các em.

Đứng trước những nhẫn tâm của con người, sao con thấy mình bất lực quá; tay gói các em vào túi xách mà nước mắt cứ chảy không sao cầm nổi dù đã cố kìm nén. Mắt hướng về trời mong nghe được tiếng nói, sự giúp đỡ từ Cha trên trời nhưng dường như Ngài vẫn im lặng. Con tự hỏi lạy Chúa con phải làm gì để giúp các em đây? Con cần Ngài giúp,  vì tự sức con, con không làm được gì cho các em cả.    

     Sốt ruột vì số thai nhi bị giết ngày càng nhiều, dù biết mình không có tài ăn nói, và lời nói của con không có sức thuyết phục nhưng không hiểu vì sao con luôn cảm thấy như mình bị thôi thúc mãnh liệt muốn đi tư vấn cho các thai phụ. Dù khả năng không có, nhưng với lòng nhiệt thành và niềm tin tưởng rằng Chúa có thể dùng con như dụng cụ nhỏ bé thấp hèn để làm công việc của Chúa và nhớ lại phép lạ cả thể Chúa đã làm cho các môn đệ, khi các ông vâng lời Thầy thả lưới, con đã mạnh dạn đăng ký đi tư vấn cho họ. Qua những chia sẻ kinh nghiệm của các anh chị đi trước cũng như từ chính trải nghiệm thực tế của con về công việc này mới biết tư vấn cho các thai phụ không dễ dàng chút nào.

Việc tiếp cận được với những người có ý định phá thai đã là cả một vấn đề chứ đừng nói gì đến việc gặp gỡ để tư vấn cho họ. Những người đi phá thai được cả một mạng lưới xã hội, từ người chạy xe ôm, những người bảo vệ, đến các y tá, bác sĩ và chính quyền liên kết với nhau săn đón, chào mời, lôi kéo, “bảo vệ”. Những thành phần này coi những người đi phá thai như những con mồi, như mối lợi làm giàu cho túi tiền của họ nên khi lợi ích của họ bị đụng chạm, họ sẽ làm đủ cách để ngăn chặn. Người đi tư vấn nếu chẳng may bị bắt gặp sẽ được mời vào phòng “uống trà”, bị chụp hình và dán lên khắp các bảng thông tin của bệnh viện để nếu nhân viên bắt gặp, họ sẽ lập tức đuổi những người ra khỏi khuôn viên bệnh viện ngay. Nếu là sinh viên, họ dọa sẽ tước thẻ sinh viên.

Vấn đề càng bi đát hơn nữa là chính thai phụ cũng cương quyết muốn dứt bỏ giọt máu của mình: “ Có ai muốn bỏ con mình đâu nhưng vì hoàn cảnh, bọn chị bị lỡ kế hoạch, đã có hai đứa rồi thêm nữa sợ sẽ không nuôi nổi…bọn chị là công nhân viên chức nhà nước có đứa thứ ba bọn chị sẽ bị phạt..”; “Em mới là sinh viên năm nhất, em không thể giữ lại, em phải giữ cho danh dự của gia đình, không thể làng xóm biết được, bố mẹ em mà biết sẽ đuổi em đi”; “…một khi đã đến đây, chị không cần phải khuyên em đâu…chị có ở trong hoàn cảnh của em đâu mà chị hiểu…chị hãy tránh xa em ra…”

Chao ôi, nghe thật chua chát và đau xót, dù chẳng nhớ hết được  những điều mình đã nói với họ nhưng con cũng nhớ lại được đôi điều  con đã nói ra lúc ấy: Có thể đúng như chị nói, em đâu có ở trong hoàn cảnh của chị nên em chẳng thể hiểu hết được những đau khổ, tủi nhục mà chị đang phải chịu” nhưng “ có điều em biết rất rõ, nếu như ngày xưa vì hoàn cảnh, vì lỡ kế hoạch… bố mẹ chị cũng làm điều tương tự như những gì hôm nay chị đang muốn đối xử với con của chị, chị sẽ nghĩ sao? Em có biết phá thai không chỉ có ảnh hưởng sức khỏe của em sau này, quan trọng hơn, em nói rằng em còn phải tiếp tục đi học, liệu em có học nổi không khi mà ngày nào nỗi ám ảnh giết con mình luôn ở trong tâm trí?”

Có lúc nhìn thấy cả người bố, người mẹ, người yêu dắt nhau đến để phá bỏ con mình, con đã cố gắng dùng hết sự hiểu biết, những lời nhẹ nhàng, lời cam kết nhóm bảo vệ sự sống sẽ tạo mọi điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để họ yên tâm mà sinh con, nếu không muốn nuôi nhóm sẽ có trách nhiệm để chăm sóc em bé nhưng những người cha mẹ vô lương tâm đó đã cương quyết bước vào phòng phá thai, thậm chí họ còn quát to, làm nhục những người muốn giúp đỡ họ.

Chỉ trong một buổi sáng, với tư cách là người đi tư vấn, con phải đứng nhìn hơn 13 người phụ nữ cứ lần lượt thay nhau đi vào phòng, nơi đang có con dao, cây kéo và những “đao phủ lành nghề” sẵn sàng hành nghề. Chỉ trong một buổi sáng thứ Bảy ấy, chân con như muốn khuỵu xuống, miệng như muốn hét vào mặt những kẻ giết người ấy hãy dừng tay lại, nhưng sao miệng cứ đơ ra, chân cứ chôn chặt tại chỗ. Chưa kịp định hình mình phải làm gì tiếp theo thì lại nghe tiếng bác sĩ oang oang: “ Vào nhanh lên em, loáng cái là xong,một viên thuốc là nó ra ngay, không ra ta dùng kéo cắt lôi ra. Có thuốc giảm đau rồi, không đau đâu nên không phải lo lắng sợ hãi gì cả.. người kế tiếp…”. Nghe cứ như câu chuyện trong lò mổ hay chuyện giả tưởng nhưng đó lại là sự thật. Một bầu khí im lặng lạnh lùng, sặc mùi chết chóc, chỉ còn nghe tiếng lách cách của dao kéo, tiếng xào xạc của bao ni-lông đựng những sinh linh vừa mới bị cắt bỏ, còn tiếng kêu của những người bị hại là ai thì không ai rõ, vì chưa kịp nhìn thấy hình hài của các em thì đã phải nhận lấy thân thể các em không còn nguyên vẹn nữa.

    Một mình con cứ đứng chết trân ở đó chứng kiến những cái chết oan nghiệt,  thấy chị y tá kia bê cái khay đựng thi thể các em đã bị cắt vụn nhưng cũng đủ để con nhận ra những ngón tay, ngón chân còn nguyên vẹn tiến thẳng vào nhà vệ sinh, như một sự thúc đẩy, con lặng lẽ đi theo xem chị ta sẽ làm gì các em. Từ trong nhà vệ sinh vọng ra tiếng xối nước bồn cầu, rồi chị y tá đó bước ra với cái khay rửa vội còn sót lại đôi giọt máu. Thu hết sự can đảm, con chạy vào nhà vệ sinh, chẳng còn thấy gì, chỉ còn vết loang máu dính trên thành bồn cầu. Tâm trạng của con lúc ấy thật hỗn độn, chỉ mong những gì mình vừa chứng kiến không phải là sự thật.

Nhóm bảo vệ sự sống có làm hợp đồng rõ ràng là nhận tất cả thi thể các em dù chỉ mới 1 tuần tuổi. Vì thế chẳng có lý do gì để người ta phải tàn nhẫn như vậy. Một loạt câu hỏi cứ xoay vần trong đầu mà chẳng biết hỏi ai. Tại sao người ta lại làm như vậy. Phải chăng họ đang muốn che giấu sự thật là họ đã giết quá nhiều thai nhi vô tội nên muốn dùng cách này để phi tang? Lạy Chúa, đó là một mạng người mà sao họ đành nhẫn tâm làm vậy ư? Bất lực trước sự yếu hèn của mình con chỉ biết khóc, muốn nói ra rất nhiều nhưng lại chẳng biết phải dùng lời nào để diễn tả, chỉ biết lặng lẽ khóc thương cho những thai nhi vô tội bị giết cách dã man như vậy. Trong con dường như đang nổi lên trận cuồng phong của phẫn nộ. Con muốn chạy vào giật cái kéo từ tay bác sĩ, lôi người phụ nữ đang nằm trên giường ra khỏi phòng sát nhân đó nhưng chân con cứ cứng đơ ra. Con tự hỏi lòng mình: “ Tôi đang sợ gì vậy? Sợ nữ bác sĩ đó sẽ làm ầm lên, kêu người đến bắt, sợ ông bảo vệ đang đứng dưới sân sẽ lên lôi mình ra rêu rao trước công chúng, sợ cuộc sống của mình sẽ bị đảo lộn, gặp nguy hiểm, sợ nhóm bảo vệ sự sống rồi đây sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tư vấn cho những lần sau cũng như việc đi lấy các thai nhi hay vì một nỗi sợ nào đó đang ẩn sâu trong con mà con chưa dám nhìn thẳng để nhận diện ra nó.

       Chưa biết mình phải làm gì tiếp theo thì con nghe tiếng rên đau khe khẽ phát ra từ phòng của những người vừa phá thai xong đang nằm nghỉ ở phòng đối diện với phòng phá thai. Ngó vào con nhận ra những người hồi nãy mình đã van xin họ đừng giết con mình, như một sự tức giận bị dồn nén từ lâu, con cố gắng dữ bình tĩnh để vào cho họ một bài học nhưng chưa kịp mở miệng, có một chị nắm tay con khóc và  nói rằng: “ Chị hối hận quá”. Có người bố kia hỏi  “Các chị sẽ chôn con tôi ở đâu”? Cả một khối tức giận bị dồn nén chưa có chỗ trút, con muốn gào lên: “Hồi nãy van xin anh chị thì anh chị một mực muốn phá bỏ con mình, giờ lại nói chị hối hận, chị hối hận ư, quá muộn rồi, còn anh nữa, anh không đủ tư cách để hỏi tôi nơi an nghỉ của đứa con mà anh chị đang tâm vứt bỏ vì sợ rằng nếu nó sống sẽ ảnh hưởng đến tiền đồ của anh chị…biết thế sao còn cứ làm, nam nhi đại trưởng phu dám làm dám chịu chứ, làm ra được mà lại không dám lãnh trách nhiệm thì không xứng đáng làm người. Các người không tin là con mình sau khi chết sẽ về với các người sao? Các ngươi phải trả giá cho sự nhẫn tâm của các ngươi…”

Nhưng thật đáng tiếc những thứ ngôn ngữ ấy chỉ mới là những suy nghĩ của con trong lúc tức giận mà chưa một  lần dám thốt ra dù rất muốn nói  nhưng sao miệng con không thể thốt lên. Vì xét cho cùng con và họ cũng chỉ là kiếp người yếu đuối, mỏng dòn rất dễ phạm sai lầm, rất có thể hôm nay họ sai nhưng ngày mai có thể là người bạn thân hay chính người thân ruột thịt trong họ hàng, gia đình của mình và rất có thể chính con cũng phạm một sai lầm mang trọng tội giống họ thì sao, lúc đó chắc chắn con cũng không muốn mình bị đối xử cay nghiệt như thế. Hơn nữa nhìn sự đau đớn về thể xác của họ phải mất nhiều thời gian mới lành hẳn. Và  quan trọng hơn nữa, bản án lương tâm sẽ giống như một bản án chung thân sẽ theo họ đến hết cuộc đời đã là một hình phạt quá nặng cho họ rồi. Vì thế, con muốn giữ lại cho họ một chút danh dự còn lại để họ có thể ngẩng cao đầu mà sống tiếp, nên con đã không thốt lên những lời làm tổn thương họ nữa.

Cảm nhận được lòng thương xót mà Chúa đã dành cho con, con đã cho họ số điện thoại, nơi chôn cất các em với hy vọng họ sẽ tìm về thắp hương cho con mình và sẽ có một sự hòa giải thật sự giữa con họ với họ để lương tâm họ thanh thản hơn. Con hy vọng rằng, biết đâu qua đó mà danh Chúa Giê-su được họ biết đến, Vương Quốc của Chúa Cha sẽ được hiển trị và ơn cứu độ sẽ đến với họ. Con cũng mơ ước sau này Hiệp Hội sẽ có các soeur có kinh nghiệm cùng đồng hành với các bạn sinh viên hay cùng cộng tác với các Dòng trên địa bàn thành phố  trong việc đi tư vấn, con tin trình trạng phá thai sẽ giảm đi nhiều. Và dù không phải là thành viên chính thức của nhóm bảo vệ sự sống, con cũng tha thiết xin các chị em hãy cưu mang các em thai nhi vô tội trong lời cầu nguyện cũng như sự hy sinh hàng ngày của mình.

Ngôn ngữ bằng lời không thể nào diễn đạt được hết nỗi lòng của con, vì vậy con xin gởi đến mọi người một đoạn video mà con cùng với các em dã thu thập được từ những lần đi lấy thai nhi để phần nào đó mọi người hiểu hơn vì sao con lại thao thức nhiều với công việc  Bảo vệ sự sống này và xin cùng chung tay với chúng con để làm sao chúng ta tìm ra được giải pháp bảo vệ và đòi quyền được sống cho các em.

 Thùy Dung