Trong bài giảng tại buổi hát kinh chiều trọng thể lúc 6 giờ chiều ngày 01/10, lễ kính thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các tín hữu tận dụng mọi khả năng Chúa ban, như những nén bạc để truyền giáo, trước tiên bằng cuộc sống, để nhiều người được biết Tin Mừng cứu độ của Chúa.
Hưởng ứng lời mời gọi của Vị chủ chăn Giáo Hội, ngày 05/10/2019, một số chị em của lớp Tiền Tập Viện thuộc Hiệp hội Đa Minh Tin Mừng đã lên đường đến với Giáo họ độc lập Con Cuông do cha Phao lô Phạm Trọng Phương coi sóc. Nơi đây được xem là một điểm nóng trong chương trình truyền giáo của Giáo phận Vinh, đặc biệt là sau những mâu thuẫn giữa chính quyền và giáo dân xảy ra vào tháng 7 năm 2012 khiến hơn 60 người bị thương.
Sau gần 3 giờ đồng hồ di chuyển, chị em chúng tôi đã có mặt tại trung tâm mục vụ của Giáo họ. Đến với mảnh đất này, điều đầu tiên mà chúng tôi dễ nhận thấy đó là sự nghèo nàn, đói khổ. Đói khổ không chỉ về vật chất, tinh thần nhưng hơn hết đó là sự đói khổ về đức tin. Đức tin ở đây dường như không có khi hầu hết đại đa số dân cư là người dân tộc thiểu số, chỉ có lưa thưa một vài gia đình người Kinh theo đạo. Khi đã ổn định mọi thứ, chị em được thầy giúp xứ Phê rô Dương Xuân Hồng dẫn vào thăm bản Thìn, nơi có một số gia đình người Thái sinh sống. Mặc dù chỉ đem theo chút quà nhỏ nhưng như lời mời gọi của Đức Thánh Cha “hãy tận dụng mọi khả năng Chúa ban để truyền giáo”, chị em đã cố gắng sử dụng tất cả những gì mình có, đặc biệt là những kinh nghiệm trong chuyến hành trình trải nghiệm với anh chị em người H’Mông tại vùng đất Tây Bắc để có thể giao tiếp với họ. Và như một thành quả đầu tiên khi đến với bản Thìn, chúng tôi đã có những cuộc gặp gỡ, trao đổi thân mật, nói chuyện vui vẻ với người dân bản. Điều này mang đến cho chúng tôi cảm tưởng đó như là dấu chỉ cho sự hiệp thông, gắn kết trong một gia đình Giáo Hội sẽ được triển nở từ đây và đến mãi sau này.
Chiều về, chị em có cơ hội được cha phụ trách chia sẻ những câu chuyện truyền giáo và kinh nghiệm mục vụ nơi đây. Cha nói: Đối tượng truyền giáo ở vùng đất này mang một tính chất đặc biệt. Những người dân ở đây như những con chiên lạc mà chúng ta đang tìm cách để đưa về. Họ ngày xưa cũng theo đạo nhưng vì thời thế, xã hội thay đổi mà không còn giữ được đức tin. Nhất là sau vụ ẩu đả cách đây 7 năm càng khiến cho họ có cái nhìn không tốt với đạo Công giáo và coi người Công giáo như kẻ thù. Do đó, để có thể tân Phúc Âm hóa người dân nơi đây, đòi hỏi cha cũng như các cộng sự viên phải luôn vui vẻ, năng động, sáng tạo, ôn hòa, không phân biệt lương giáo, sang hèn hay sắc tộc. Trên tất cả phải biết dùng tình thương để cảm hóa họ. Với tinh thần Tin Mừng như thế, từ khi cha đến đây đã có 7 giáo điểm được hình thành trải dài trên diện tích trên 200 cây số và tương lai sẽ còn được mở rộng thêm sang các vùng khác. Cha còn chia sẻ rằng: Cha sẵn sàng đánh đổi mọi thứ cả về vật chất lẫn tinh thần, thậm chí cả con người miễn sao cho công cuộc truyền giáo ở nơi đây thu được kết quả.
Tuy nhiên, để có thể mang lại kết quả tốt thì chúng ta không được bỏ quên một điều, đó là đời sống cầu nguyện. Bởi khi đến với Chúa, chúng ta mới có thêm nhựa sống, thêm lửa để truyền giáo, thêm năng lượng và thêm chất liệu để phục vụ. Đến đây, cha kể cho chúng tôi một vài biến cố như là phép lạ cụ thể Chúa làm. Cha kể rằng: “Nhiều hôm ngủ dậy thấy tiền ở dưới gối, không chỉ một hay hai triệu mà là cả mấy chục, thậm chí cả trăm triệu”. Nghe thế chị em chúng tôi há hốc mồm như không tin vào mắt mình, có người còn bán tin bán nghi nhưng sau khi được cha khẳng định chắc chắn là sự thật thì cả đoàn mới dám tin nhận. Tuy nhiên, mọi chuyện vỡ lẽ ra sau đó khi cha giải thích đó là do có người chuyển vào tài khoản để giúp cha qua điện thoại, mà điện thoại của cha lại ở dưới gối nên ngủ dậy thấy tiền ở dưới gối là vì thế. Vậy là cả đoàn được một trận cười khoái chí. Cha bảo nhiều khi phải vui vẻ, hài hước như thế mới truyền giáo được. Và còn rất rất nhiều câu chuyện truyền giáo khác nữa mà chúng tôi được nghe càng làm cho lửa khát khao truyền giáo nơi chị em chúng tôi được thôi thúc.
Cuộc đàm đạo giữa chúng tôi với cha Phaolô kéo dài hơn một giờ đồng hồ thì kết thúc khi cha có nhã ý muốn đưa chúng tôi đến thăm di tích Đức Mẹ Con Cuông (tượng Đức Mẹ bị đập vỡ trong vụ ẩu đả 7 năm về trước hiện đang được trưng bày tại nhà nguyện cộng đoàn Mến Thánh Giá sở tại) và vùng đất mà cha mới khai phá. Vùng đất này cách trung tâm mục vụ giáo họ khoảng 40 cây số về phía Tây. Đây cũng là một địa điểm trọng yếu trong kế hoạch truyền giáo của cha Phaolô vào tương lai gần. Đường lên vùng đất mới không chỉ xa mà còn ngoằn nghèo với nhiều khúc cua nguy hiểm. Xa là thế, nguy hiểm là thế nhưng với ước muốn có thể đem Tin Mừng của Chúa đến cho nhiều người mà cha Phaolô đã vượt hàng trăm cây số mỗi ngày để thực hiện được công tác truyền giáo của mình. Nhờ vậy mà chị em chúng tôi cảm nghiệm được những khó khăn của việc truyền giáo là như thế nào cũng như những lo âu trăn trở ra sao của người mục tử tận tâm và nhiệt thành cho sứ vụ Loan Báo Tin Mừng như cha Phao lô.
Chuyến viếng thăm vùng đất mới kết thúc cũng là lúc chị em chúng tôi nói lời từ giã với Con Cuông để quay trở về với mẹ Hiệp hội. Ước mong sao tất cả những gì mà cha Phao lô, quý cha tiền nhiệm, quý thầy, quý soeur Mến Thánh Giá đã cố gắng gầy dựng bấy lâu nay sẽ mang lại cho Giáo Hội một mùa gặt bội thu. Nguyện xin Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Đức Mẹ Con Cuông, ban nhiều ơn lành hồn xác trên cha và tiếp tục gìn giữ, đồng hành với cha trên chặng đường truyền giáo phía trước. Và ước mong cho Giáo Hội có thêm được nhiều vị mục tử nhiệt tâm cho việc truyền giáo như cha Phao lô để nhờ đó sẽ có thêm nhiều người nhận biết được Tin Mừng cứu độ của Chúa.
Thiên Hồng
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ