DÂN THIÊN CHÚA TIẾN BƯỚC TRONG HI VỌNG (Phần cuối)

291 lượt xem 25 Tháng Tám, 2023

DÂN THIÊN CHÚA TIẾN BƯỚC TRONG HI VỌNG
(Phần cuối)

Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn

Dân Thiên Chúa tiến bước trong Hi vọng – Phần 1

Dân Thiên Chúa tiến bước trong Hi vọng – Phần 2

  1. Suy tư đại kết và xã hội.

– Đức Giáo hoàng cũng mời gọi ta hãy biết học hỏi những gì chúng ta cần từ “các anh em Kitô hữu khác”. Chẳng hạn, học với anh chị em Chính thống giáo về «ý nghĩa của tính giám mục đoàn và kinh nghiệm của họ về tính công nghị»[1]. Chúng ta học được từ kinh nghiệm Anh giáo về tính công nghị diễn tả qua tuyên ngôn chung gần đây (ARCIC III).[2] Phía Công giáo trong Ủy ban khẳng định Giáo hội Công giáo học rất nhiều từ thực hành của Anh giáo về cơ cấu giáo tỉnh đa dạng (148) và ý nghĩa tầm vóc của các giáo tỉnh (120), văn hóa tranh luận cởi mở và thẳng thắn có ở mọi cấp của Cộng đồng Anh giáo (157) và cho giáo dân và giáo sĩ một vai trò tham vấn có tính biểu quyết (deliberative) trong các tổ chức công nghị (122). Phía Anh giáo xác nhận học được từ Công giáo Rôma sự phát triển cơ cấu Giáo hội tản quyền và thái độ cởi mở sẵn sàng đón nhận ý kiến và yêu cầu của giới giáo dân. Nhưng kinh nghiệm để lại từ “di sản nghị viện” ở một số giáo tỉnh trong Giáo hội Anh giáo, các công nghị tỉnh của họ dễ đi đến tranh cãi gay gắt khi ý kiến không được nhận phân định bởi huấn quyền, nhất là khi liên quan đến vấn đề đạo đức (100). Nếu như bên Công giáo ý nghĩa của sự hiệp nhất có thể khiến bãi bỏ những gì khác biệt, cản trở một cuộc đối thoại thẳng thắng và đi đến chỗ tránh né bàn luận những đề tài gây tranh cãi trong đại hội công khai (96), thì bên Giáo hội Anh giáo lại cho tản quyền quá mức khiến xảy ra nguy hiểm của một thứ “chủ nghĩa địa phương trị” (parochialism), một điều mà chính anh em Anh giáo không chấp nhận sự độc lập quá đáng về pháp lí của các Giáo hội địa phương và giáo tỉnh, đó là một mối đe dọa cho sự thống nhất giáo lí và ơn gọi hiệp thông, trong sự phụ thuộc lẫn nhau (137).

Ở Ái Nhĩ Lan (Ireland) giáo phận Limerick đã thực hiện công nghị giáo phận năm 2016, được chuẩn bị từ hai năm trước và hướng dẫn rằng trong «một kinh nghiệm hiệp hành thì tiến trình quan trọng hơn chương trình, đường đi quan trọng hơn điểm đến, điều hành quan trọng hơn sự kiện»[3]. Kết quả là một kế hoạch hiệp hành 10 năm cho giáo phận (2016-2026) được đề ra nhằm phát huy hiệu quả biến đổi suốt một thời kì dài vẫn còn thương thảo và đều đặn có những báo cáo tổng kết về tiến bộ công việc đã làm. Trước hoàn cảnh ngày nay thiếu linh mục, giáo phận đang khảo sát các mô hình mới để làm sao điều hành cộng đoàn. Công nghị Limerick quả thực là một tiếng gọi kêu gọi một Hội thánh truyền giáo và làm sao khám phá lại «ơn gọi và trách nhiệm của mọi tín hữu đã được rửa tội». Điều đó có nghĩa là không giới hạn Hội thánh vào «một giáo xứ chỉ gồm một số những người giáo dân dấn thân trong các vai trò, thuộc phận vụ giáo hội»[4], mà mở rộng tầm nhìn ra Giáo hội như «một cộng đoàn của các cộng đoàn» gồm cả trường học, bệnh viện, dưỡng đường, nhà tù, và cả các hội đoàn, phong trào, tổ chức tôn giáo. Có xác tín căn bản là Hội thánh chỉ là mình nếu và chỉ nếu mình phục vụ cho người khác và có khả năng ra khỏi biên giới của mình tạo nên điều mà đức Thánh Cha Phanxicô gọi là «một văn hóa gặp gỡ». Sứ mạng của Hội thánh nói tóm lại không chỉ lo cho nội bộ nhưng hướng tới làm biến đổi xã hội.[5] Hội thánh hiệp hành, vì thế, không chỉ là sự cải tổ đời sống trong Hội thánh (ad intra), nhưng là một sức lực của đà tiến ra ngoài (ad extra).

– Ngoài ra, Hội thánh hiệp hành phải chiếu sáng chứng từ của mình trong bối cảnh xã hội toàn cầu hóa ngày nay. Những thách đố gây cấn nhất mà gia đình nhân loại phải đối diện đòi hỏi chúng ta phải xây dựn một nền văn hóa gặp gỡ và vun trồng thái độ đối thoại, phục vụ và hợp tác. Trước sự vô tâm và vô tín thể hiện nơi những giải pháp đầu tư cho công ích quốc gia và quốc tế, Hội thánh cần phải mở rộng không gian và những tiến hành để xây dựng lại tinh thần tham gia có trách nhiệm và liên đới. Hội thánh bước đi trên con đường cải tổ theo hướng loan báo Tin mừng có thể đóng góp bằng sự «phục vụ xã hội» của tính hiệp hành, giúp vun trồng công lí, bình an và chăm sóc ngôi nhà chung trái đất.

– Đức Giáo hoàng Phanxicô không tin giải đáp cho các vấn đề của Giáo hội chỉ nằm ở những cải tổ hành chánh quản trị cơ cấu. Ngược lại, ngài thấy đôi khi những giải đáp như thế lại là một sự nhượng bộ theo tinh thần thế gục ngày nay (Zeitgeist) – một não trạng thống trị của kĩ thuật, một hình thái hiện đại của chủ nghĩa Pêlagiô. Trái lại, ngài nói Giáo hội cần phải dịch chuyển đến một sự canh tân thiêng liêng và hướng tới sứ mạng Loan báo Tin mừng. Nếu một đàng đức Giáo hoàng xem thấy đáng khuyến khích cơ cấu Giáo hội “li tâm”, dựa trên việc tạo thêm sức mạnh quyền quản trị và giáo huấn cho các Hội đồng Giám mục trong vùng, thì đàng khác, ngài cũng nhắc nhở các Hội thánh địa phương là thành phần của một thân thể lớn hơn, Hội thánh hoàn vũ. Việc cải tổ Giáo hội không thực hiện được ngày một ngày hai, nhưng cần thời gian để được chín muồi dần. Đó phải là kết quả của một tiến trình hướng tới cân bằng những căng thẳng để tạo nên một Hội thánh một lòng một ý.[6] Có ý kiến của một nhà thần học nêu lên rằng lộ trình chủ đạo của tiến trình hiệp hành của Hội thánh ngày càng phải mở rộng và đi sâu hơn vào mô hình hiệp hành tham gia biểu quyết (deliberative) chứ không chỉ thỉnh vấn (consultative).[7] Viễn tượng này còn xa xôi, nhưng cái nhìn của đức Giao hoàng Phanxicô quả là một «cuộc cách mạng yên tĩnh» ngài cho sensus fidelium một sức nặng đúng đắn, và ngài xác tín «Hội thánh hiệp hành phải là Hội thánh của tương lai».[8]

THƯ MỤC

  1. Ủy ban Thần học Quốc tế (UBTHQT),Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Hội thánh, 02.3.2018.
  2. Paolo VI, motu proprio Apostolica sollicitudo. Thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, ngày 15.9.1965
  3. Phanxicô,Evangelii gaudium, 24.11.2013
  4. D. Marmion,Una Chiesa che ascolta, in A. Melloni (a cura di), Sinodalità, EDB, Bologna 2021
  5. A. Spadaro – C.M. Galli,La sinodalità nella vita e nella missione della Chiesa,in A. Melloni (a cura di), Sinodalità, EDB, Bologna 2021

[1] ĐGH Phanxicô, Evangelii gaudium, s. 246.

[2] ARCIC III, «Cùng bước trên đường. Học làm Giáo hội – địa phương, vùng miền, hoàn vũ», 02.7.2018, trong Regno-documenti 64(2019)1, 16-64. Văn kiện phát hành năm 2017 bởi Ủy ban Quốc tế Anh giáo – Công giáo Rôma.

[3] E. Fitzgibbon, «Together on the Way – Pope Francis and Synodality», in The Furrow 68(2017)9, 537.

[4] B. Leahy (Giám mục Limerick), «Moving Forward Together in Hope». Limerick Diocesan Pastoral Plan 2016-2026, 5. Cf. https://bit.ly/3u0ZtQu (19.5.2021).

[5] Cf. ĐGH Phanxicô, Evangelii gaudium, 102.

[6] ĐGH Phanxicô, Thư gửi dân Chúa đang lữ hành tại Đức quốc, ss. 5-9.

[7] G. O’Hanlon, The Quiet Revolution of Pope Francis. A Synodal Catholic Church in Ireland?, Messenger Publications, Dublin 2018, 122.123.

[8] Ivi, 159.