CN XXIV TN năm A: Tha thứ vô điều kiện
‘Đấu tranh’ là ‘tránh đâu’.
Xã hội con người hôm nay thường đề cao tinh thần tranh đấu để sinh tồn. Người Việt nam có câu ‘Giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh’. Học thuyết này do triết gia Darwin khởi xướng với châm ngôn ‘Struggle for life’ (đấu tranh để sinh tồn). Xét về mặt xã hội, điều này rất hợp lý, nhất là trong việc bảo vệ quê hương, hay bảo vệ những quyền lợi riêng tư cách chính đáng. Tuy nhiên trong trật tự nước trời, sự hợp lý này bị đảo lộn hoàn toàn. Nếu không cắm sâu vào mầu nhiệm Thập giá, chúng ta sẽ không thể nào chấp nhận giáo huấn rất nghịch thường mà Chúa Giêsu đã vạch dẫn : “Ai tát con má bên này, hãy chìa má bên kia ‘kính mời’ đối phương tát tiếp. Ai lột con chiếc áo ngoài, hãy ‘kính biếu’ nó luôn cả chiếc áo bên trong”. Theo suy nghĩ thông thường, đây là một giáo huấn rất nghịch thường và khó có thể chấp nhận.
Giáo huấn ấy tiếp tục được Chúa Giêsu nhắc đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngài dạy các học trò phải sẵn lòng tha thứ một cách tuyệt đối và vô điều kiện. Con số 70 lần 7 là một hình ảnh biểu trưng nói về sự tuyệt đối này. Theo văn hóa Semit, số 7 là con số biểu thị sự toàn hảo. Ngày xưa Môise đã viết lề luật cho phép báo thù trong giới hạn ‘mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân’ (Đnl 19,21). Điều đó phù hợp với não trạng văn hóa thời ấy. Nhưng khi Đức Giêsu đến trần gian, Ngài mặc cho lề luật cũ một chiều kích mới để giúp chúng ta đi sâu vào cốt lõi của lề luật, đó là việc thực hành đức ái cách tuyệt đối. Thánh Phaolô cũng xác định rằng : “Yêu mến là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
Xuôi theo dòng lịch sử, chúng ta thấy biết bao cuộc chiến khốc liệt đã từng xảy ra trên khắp thế giới. Bài học nhãn tiền mà mọi người đều có thể nghiệm ra, đó là trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, chẳng bao giờ có kẻ chiến thắng hay kẻ chiến bại, nhưng chỉ có những cảnh chém giết và sát hại nhau một cách kinh hoàng. Quân đội Phát xít Đức với giấc mộng bá chủ thế giới đã tiêu diệt hàng triệu người Do Thái, cuối cùng cũng phải nếm trải cay đắng khiến Hit-le phải tự vẫn trong nhục nhã. Phát xít Nhật cũng điên cuồng như vậy, và người dân Nhật đã phải hứng chịu thảm họa ghê sợ khi bị hai trái bom nguyên tử trút xuống trên thành phố Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945. Đất nước Việt nam đã trải qua nội chiến suốt 20 năm và hậu quả của chiến tranh là đất nước rơi vào vực thẳm của sự nghèo đói và lạc hậu. Chẳng có cuộc chiến nào có chính nghĩa để biện minh cho việc chém giết. Nếu không biết tha thứ và xây dựng hòa bình, chúng ta sẽ bị vùi chôn trong sự thù hận, và câu nói của dân gian quả rất đúng : ‘Đấu tranh là tránh đâu’.
Bài học tha thứ nơi Thập giá
Ngay từ bài giảng đầu tiên, Chúa Giêsu đã mời gọi dân chúng ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng. Đó là Tin mừng về lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa. Trong suốt 3 năm rao giảng, Chúa Giêsu không bao giờ kết án những tội nhân. Ngài luôn gần gũi và đồng bàn ngay cả với bọn đĩ điếm và phường thu thuế. Ngài còn nói với nhóm biệt phái : “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau yếu mới cần’. Ngài nhẹ nhàng ngỏ lời bên tai thiếu phụ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình : ‘Tôi không kết án chị đâu, chị hãy về và đừng phạm tội nữa’. Thánh Luca còn thuật lại 3 dụ ngôn trong chương 15 để quảng diễn lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa, đó là dụ ngôn người đàn bà thắp đèn tìm đồng bạc bị đánh rơi; dụ ngôn người chăn chiên đi lùng sục kiếm tìm con chiên lạc và nhất là dụ ngôn về người cha nhận hậu luôn dang rộng vòng tay, ngong ngóng đợi chờ đứa con đi hoang trở về. Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy trên lý thuyết, nhưng chính Ngài chọn cái chết kinh hoàng trên Thập giá để hiển thị cách cụ thể và tròn đầy nhất lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa đối với con người chúng ta. Điều đó chứng tỏ rằng, tội của chúng ta cho dầu nhiều đến mấy, cho dầu nặng đến đâu cũng thua xa lòng thương xót của Thiên Chúa, nếu chúng ta biết trải lòng mình ra để đón nhận sự tha thứ từ nơi Ngài. Mỗi khi dâng Thánh lễ, Giáo hội cũng mời gọi chúng ta lập lại lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ năm xưa : “Xin Cha tha cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ mắc nợ chúng con”. Vì vậy, bài học Chúa nói hôm nay là bài học chúng ta phải đem ra thực hành hầu có thể hưởng nhận tình yêu tha thứ từ nơi Ngài.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 mời gọi chúng ta ngày hôm nay phải sống với một nền văn minh mới, đó là ‘Nền văn minh của tình thương’. Giáo hội luôn chủ trương đối thoại chứ không bao giờ đối đầu. Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn thường xin mọi người cầu nguyện cho hòa bình thế giới, đặc biệt Ngài bày tỏ sự quan ngại trước cuộc khủng hoảng về nguyên tử trên bán đảo Triều Tiên. Nếu không có đối thoại, con người sẽ không thể kiến tạo hòa bình. Nếu không có hòa bình thật sự, con người sẽ tìm cách giết nhau và chúng ta sẽ tự đi đến hủy diệt.
Kết luận
‘Nếu không có sự bao dung và tha thứ, con người sẽ sống với nhau như hổ sói và lang thú’. Đây là nhận định của một triết gia vô thần. Cho dầu ông ta không tin vào Thiên Chúa, nhưng vẫn tin vào sức mạnh của tình yêu và sự khoan dung. Là những Kitô hữu, chúng ta đã quá quen thuộc với giáo huấn mà Chúa Giêsu nói đến hôm nay, nhưng trong thực tế, chúng ta đã hành xử như thế nào nơi mỗi gia đình, nơi mỗi cộng đoàn cũng như trong sự tương quan với những cận nhân sống chung quanh ?
GB Văn Hào SDB
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ