CHUYỆN TỪ NGƯỜI CHẾT
“Tôi đi thắp nén nhang những ngày đầu năm
Nơi đây là nghĩa trang bao nhiêu người nằm
Nơi ai mỏi bước chân tìm về nương náu
Nhẹ gối đầu, ngừng nỗi đau.
Tôi đi qua tấm bia không in hình dung
Trước mắt những cái tên xa xôi lạnh lùng
Sinh ra hay chết đi giờ như dĩ vãng
Người ghé ngang, rồi biến tan.”
……………….
Những ca từ trong bài hát “Hồi Ức” của tác giả Phan Mạnh Quỳnh bất giác làm tôi nhớ lại những khoảnh khắc ghé thăm “đất thánh” của quê hương cứ mỗi độ Tết về. Cũng như tác giả bài hát, mỗi lần đặt chân đến vùng đất ấy, tôi đều ghé ngang qua các phần mộ, lặng thầm đọc những thông tin được viết trên đó và ngắm nhìn dung mạo của người đã khuất. Tuy có nhiều cái tên và khuôn mặt gợi lên sự thân quen, gần gũi nhưng cũng có không ít những bia mộ sao đưa đến cho tôi cảm giác thật xa xôi, lạ lẫm. Người từng nổi danh vang bóng một thời; kẻ chỉ là tên nát rượu vứt mình bên xó chợ mỗi sáng; kẻ khác nữa lại như một cơn gió đến rồi đi, âm thầm sống một cuộc đời lặng lẽ mà không ai biết tới; người có nhà cao cửa rộng; kẻ thì chỉ một túp lều nhỏ vừa đủ chỗ chui ra, chui vào…Vậy mà giờ đây, tất cả cùng chung một mẫu số “ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp”. Bỗng tôi chợt hỏi, thế thì nhiều tiền để làm gì, quyền lực để cần chi khi cuối cùng vẫn trở về tay trắng?
Nhìn họ tôi lại nghĩ đến mình. Bởi thực sự cái họ đã là thì tôi đang là và cái họ đang là thì tôi sẽ là. Vậy, điều gì sẽ đi theo tôi sau khi ngày đời của tôi đã mãn? Tôi còn lại gì sau khi phút chấm tận của đời tôi được viết lên? Đến đây, tôi lại nhớ tới một câu chuyện rất thâm thúy trong Phật Pháp.
Một người đàn ông nọ chết rồi, mới ý thức được rằng cuộc đời mình thật ngắn ngủi. Lúc đó, anh ta nhìn thấy Phật tổ tay xách một cái hòm, tiến lại phía mình. Phật tổ nói: “Con trai, chúng ta đi thôi.”
Người đàn ông đáp: “Sao nhanh quá vậy, con còn rất nhiều việc vẫn chưa hoàn thành.”
Phật tổ nói: “Ta rất xin lỗi, nhưng thời gian của con hết mất rồi!”
Người đàn ông lại hỏi: “Vậy thưa Phật tổ, trong chiếc hòm của ngài có chứa thứ gì vậy?”
“Đó là di vật của con”, Phật tổ trả lời.
Người đàn ông tỏ ra nghi ngờ, hỏi tiếp: “Là di vật của con sao? Ý của người rằng đó là thứ thuộc về con, có phải là quần áo và tiền không ạ?”
Phật tổ đáp: “Những thứ đó trước giờ chưa bao giờ thuộc về con, chúng thuộc về địa cầu.”
“Vậy có phải trong đó là ký ức của con không?” – người đàn ông ngẫm nghĩ một lát rồi phỏng đoán.
“Không phải, ký ức thuộc về thời gian.”
Người đàn ông lại đoán: “Có phải là tài năng thiên phú của con?”
“Không, chúng thuộc về cảnh ngộ.”
Người đàn ông băn khoăn: “Lẽ nào trong đó là bạn bè và người nhà con?”
“Con trai ạ, không phải vậy đâu. Họ thuộc về hành trình mà con đã đi qua”.
“Vậy có phải là vợ và các con của con trong đó không thưa Phật tổ?” – người đàn ông hỏi tiếp.
“Không, họ thuộc về trái tim con.”
Người đàn ông lại phỏng đoán: “Vậy nhất định đó là thân xác của con rồi.”
“Không, thân xác của con thuộc về cát bụi.”
Cuối cùng, người đàn ông khẳng định chắc chắn: “Vậy đó nhất định là linh hồn của con!”
Lúc này, Phật tổ mỉm cười, đáp: “Con trai, con hoàn toàn sai. Linh hồn của con thuộc về ta.”
Mắt ngấn nước, người đàn ông nhận chiếc hòm từ tay Phật tổ – bên trong chiếc hòm trống rỗng.
Nước mắt chảy dài trên má, trái tim vỡ vụn, người đàn ông hỏi Phật tổ: “Lẽ nào từ trước tới nay con chẳng sở hữu bất cứ thứ gì sao?”
Phật tổ đáp: “Đúng thế con ạ. Trên thế giới này bây giờ chẳng có bất cứ thứ gì thực sự thuộc về con.”
“Vậy thì cái gì mới là của con?”
“Mỗi tích tắc khi con đang còn sống, chúng thuộc về con, còn bây giờ, con chẳng còn gì cả.”
Đến lúc này, người đàn ông mới như được thông suốt. Thì ra, sinh mệnh, đời người chỉ là những cái tích tắc ngắn ngủi và điều chúng ta nên làm nhất, là tận dụng nó sao cho thật hiệu quả, thật tốt, yêu quý nó, hưởng thụ nó.
Thật vậy, khi “đồng hồ đã điểm” cũng là lúc tôi bỏ lại tất cả. Thứ mà tôi có thể mang sang thế giới bên kia là kết quả của những gì mà tôi đã sống trên trần thế này.
Đối với đức tin Kitô giáo, cái chết như một định mệnh chung cho tất cả mọi người, chết không phải là hết nhưng là cửa ngõ dẫn bước vào đời sống vĩnh cửu trong Đức Kitô. Tuy nhiên, chỉ những ai chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa, và những ai đã được thanh luyện trọn vẹn thì mới được sống muôn đời với Đức Kitô, được đối diện với Thiên Chúa mặt giáp mặt (x. GLHTCG – số 1023). Chắc hẳn rằng, tất cả những người đang nằm đó, nhiều người đã được phúc diện kiến Tôn Nhan và phần đa đang tạm trú nơi chốn luyện hình, số còn lại thì có lẽ chỉ Thẩm Phán Tối Cao mới đủ lòng thương xót để có thể thấu hiểu. Và chính tôi cũng đang trên hành trình trong hy vọng sẽ tiến về được “nơi cực thánh” ấy.
Một chút khoảng lặng trong tháng 11 này, xin được viết đôi dòng tâm tình về những tiền nhân đang trong chốn luyện hình. Nơi ấy, có lẽ rằng họ đang nuối tiếc, hối hận về những lầm lỗi yếu đuối của một thuở thời sinh. Và chắc hẳn nếu thời gian có quay trở lại thì sẽ không một giây phút nào trong cuộc đời của họ trở nên lãng phí và vô nghĩa. Bởi chính lúc này, họ đã cảm nhận được ý nghĩa câu nói của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê hơn bất cứ lúc nào hết: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3, 7 – 9). Quả vậy, giờ đây, với họ, không có gì là quan trọng và giá trị cho bằng việc được ở với Thiên Chúa và chiêm ngưỡng Nhan Thánh Người.
Thế nhưng, với những người mặc dù đã được chết trong ân nghĩa Chúa nhưng chưa được “tinh sạch” hoàn toàn nên còn bị thanh luyện trong luyện ngục thì không thể cầu nguyện và làm phúc cho chính họ mà phải hoàn toàn nhờ vào lòng thương xót và lời cầu nguyện, việc lành của những người còn đang sống. Vì lẽ đó, quên lãng những người đã chết thì như bắt họ phải chết thêm một lần nữa. Như vậy mới thấy rằng, lời cầu nguyện và những việc lành phúc đức của những người còn sống thật quý giá cho những linh hồn nơi luyện ngục biết bao.
“Mỗi thánh nhân đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai”. Đó có thể là một quá khứ hùng tráng với những chiến công hiển hách, cũng có thể là một quá khứ u buồn với nhiều vấp phạm và những tham sân si của phận người. Bởi thế, xin hãy bỏ qua những gì là quá khứ của người đã khuất để tưởng nhớ và để thêm lời cầu nguyện cho họ với hy vọng ngày sau họ cũng sẽ chuyển cầu cho ta trên Nước Trời.
Nay họ, mai ta. Rồi đây, tôi và chúng ta cũng sẽ dừng lại hành trình nơi trần thế tạm bợ này mà bước vào sự sống muôn kiếp. Do đó, ước mong sao mỗi ngày còn hơi thở là một ngày ta sống cho thật ý nghĩa, để mai sau ta không nuối tiếc cho những gì đã qua.
Thiên Hồng
Tin cùng chuyên mục:
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024