Chuyến trở về – Truyện ngắn

161 lượt xem 28 Tháng Hai, 2021

CHUYẾN TRỞ VỀ

(Truyện ngắn )

  • Đó là tất cả những gì thầy muốn chia sẻ với các em qua bài Tin Mừng của thánh Luca, – Cường nhắn nhủ các học sinh của mình. – Hy vọng các em sẽ áp dụng bài học Tin Mừng vào trong cuộc sống của mình. Bây giờ còn ít thời gian nữa mới hết giờ, các em có thắc mắc gì hay muốn thảo luận với nhau thì tùy, đây sẽ là thời gian tự do của các em.

Cả lớp bắt đầu rầm rộ xôn xao, cười cười nói nói với nhau, thảo luận thắc mắc thì ít mà chuyện trò hàn huyên thì nhiều.  Tuổi học trò mà, mấy ai để ý đến bài học đâu. Cường để ý và chờ đợi những câu hỏi của học sinh, 1 phút, 2 phút, không thấy ai hỏi han gì hết, chỉ thấy ríu rít như chim ri mà thôi…Và cặp mắt, đôi tai Cường bị dừng lại ở góc cuối của lớp, cả hai em không thắc mắc gì với thầy giáo, nhưng có vẻ như đang thảo luận gì đó về bài Tin Mừng.

  • Ê, Hằng! Tin Mừng hôm nay không có cái kết cụ thể rõ ràng nhỉ? – Thúy quay sang Hằng nói với vẻ mặt đầy sự khó hiểu.
  • Kết đó rồi chứ kết thế nào nữa. Mày không thấy người cha tha thứ cho người con hoang đàng sau khi anh ta trở về xin lỗi à? Và gia đình họ đoàn tụ đó còn gì?
  • Đoàn ở đâu mà tao chả thấy. Tao cũng biết là người cha tha thứ cho anh con trai thứ đó, nhưng thấy cuộc nói chuyện giữa người con cả và người cha đang diễn ra thì kết thúc Tin Mừng, liệu rồi người anh đó có tha thứ cho người em không?…  Không biết Chúa Giêsu nhà ta khi đó bận việc gì nên không kể hết dụ ngôn, hay tại thánh Gioan quên phần kết ta? Hì hì.

Hằng nhăn cái trán bóng loáng của mình lại nói lại với Thúy.

  • Mày được cái hay tưởng tượng lắm Thúy à. Họ kết thế thì để vậy, con trở về cha tha thứ, thế là đẹp còn gì. Bày đặt tìm tòi.
  • Ừ. Tao cũng hay tò mò thật… Nhưng mà này, tao hỏi mày thiệt nhá, nếu mày trong trường hợp của người anh đó, thì mày có vui vẻ chấp nhận và tha thứ cho em mày không?
  • À… ừm… khó trả lời quá. Thì có thể tha thứ, nhưng vui vẻ thì cũng không biết nữa, mà mày hỏi chuyện ở đâu không à, thực tế một chút đi Hằng.
  • Thì… tại tao thấy cũng có gì đó làm tao cứ để ý đến ông anh cả này ấy mày ạ, có khi nào tại ông này ghen tuông, có thành kiến với người em nên mới giận dữ như vậy. Hay trong lòng ông anh này cũng vô tâm, hờ hững với cha mình, chỉ là muốn của cải của người cha mà thôi nhưng lại không đủ can đảm để xin như người em, nên khi thấy em về, anh ta sợ mất tiếp, có khi nào…
  • Bụp…bụp…bụp. ..

Cái đập bàn của thầy Cường làm Hằng giật thót tim. Nhìn xuống đồng hồ, đã hết giờ đâu mà thầy lại… Đang lẩm bẩm thì giọng thầy Cường cắt ngang.

  • Thôi, trật tự, các em không có thảo luận gì nữa, hết giờ rồi, mình sẽ kết thúc ở đây.
  • Ủa, thầy ơi! Đã nghe tiếng trống chung của trường đâu thầy? Với lại cũng đang còn thời gian mà – Thúy lên tiếng hỏi.
  • Chưa có, nhưng thầy cho các em nghỉ trước. Thôi, đứng dậy đọc kinh cám ơn rồi ra về.

Chuỗi kinh và lời nguyện kết thúc, tất cả các học sinh ra về với nét mặt vui tươi hồn nhiên, cùng với những câu chuyện hàn huyên còn đang dang dở của tuổi học trò. Hằng cũng xúm xít chạy đến đi cùng với Thúy, dường như câu chuyện vẫn chưa làm Hằng thỏa mãn. Sự hồn nhiên, vô tư nhưng cũng quá thẳng thắn, thật thà đã đánh một cú mạnh vào trong tâm hồn Cường, câu chuyện nghe qua thì đơn giản nhưng sao khiến tâm hồn Cường đau đớn, nó đâp mạnh hơn, như thể muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Cường muốn chạy lại nơi học trò của mình để giải thích, để bênh vực cho người anh cả trong Tin Mừng, nhưng con tim Cường ngăn cản, nó yêu cầu Cường phải dừng lại, suy nghĩ lại chính mình, để rồi có một câu trả lời thỏa đáng cho học trò của mình. “Vô tâm, hờ hững, ghen tuông”, từng câu từng chữ như muối xát vào tim Cường vậy.

Cường ngồi phịch xuống ghế, úp mặt xuống bàn, và những dòng chảy trước đây nó đang hiện về xâm chiếm tâm hồn Cường.

                                                            ***

  • Không biết dịch Corona bây giờ thế nào rồi mày nhỉ? – Nâng ly cà phê trên tay, Cường hỏi.
  • Theo cập nhật số liệu thì hôm nay (28/02/2021) nghe đâu đã tới 254 quốc gia bị nhiễm rồi. – Quang cầm máy điện thoại lên dò và trả lời: – Cầu nguyện cho nhiều vào, chứ tình hình này thì nhân loại sẽ bị diệt vong mất mày ạ.
  • Chà, cái bọn tàu khựa nó ác thật đấy. Đến mức này rồi mà vẫn không biết quay đầu. Cho tới lúc nào mới hết dịch đây? Tao lo quá.
  • Quang nói với giọng nghiêm nghị: Qua chuyện này, Chúa cũng muốn thức tỉnh người dân Trung Hoa biết biết nhìn lại những việc họ đã làm mà quay trở về, nhất là ông Tập Cận Bình. Mà không chỉ Tập Cận Bình hay đất nước Trung Hoa mà thôi đâu, Chúa cũng muốn tao, mày, và cả nhân loại này nữa đấy. Một mũi tên trúng hai đích, Chúa sử dụng đòn đánh lợi hại thật. Mày nhỉ?
  • Lại dở giọng đạo đức của ông thầy tu ra rồi đấy. Thôi, uống đi, ăn cơm măng rừng bàn chuyện quốc gia đại sự.
  • Tao nói thật chứ đạo đức gì. Mà cũng nhân tiện đây, tao hỏi mày chuyện về gia đình mày chút nha Cường? – Quang nhíu mày hỏi Cường với sự nghiêm túc: – Mày định cứ giận ông Định và thằng Nam mãi như vậy sao hả?
  • Thế mày nghĩ tao nên làm gì với họ bây giờ?
  • Thôi! Dù sao ông ấy cũng là cha mày, vả lại thằng Nam cũng là em của mày, nhiều lúc bỏ qua cho nhau một chút cho dễ sống mày à, sống mà cứ chấp vặt mấy chuyện nhỏ nhặt đó, mệt lắm.
  • Mày nói dễ ợt như húp cháo ấy, mày đặt vào trường hợp của tao rồi xem. Cái chuyện động trời thế mà mày bảo chuyện nhỏ hả? Cái gì mà chấp vặt chứ? Mày có phải bạn tao không vậy Quang? – Cường cao giọng.
  • Thì là bạn nên tao mới nói với mày như vậy. – Quang từ tốn nhẹ nhàng trả lời: – Biết em mày nó làm hơi quá, nhưng mày thử xét lại vấn đề cốt lõi nó nằm ở đâu. “Song hổ phân tranh, nhứt hổ tử vong” đấy mày ạ.
  • Lõi với dây cái gì. Mày thì biết cái quái gì mà dạy đời tao vậy?
  • Phải, tao chả biết cái quái gì. Vậy mày nghĩ mày biết hết, mày vô tội và đáng thương trong chuyện này sao? Chính tao đã sắp xếp cho mày đến đây, và xin cho mày cái chức vụ là giáo lí viên ở giáo xứ xa lạ này, để một phần mày có thể bớt giận, một phần để mày nhìn lại chính mình. Nhưng rồi thì sao, mày vẫn vậy, bao nhiêu lâu rồi mà mày vẫn nuôi cơn giận ấy? Mày trên môi lúc nào cũng chửi cái bọn tàu khựa không biết quay đầu. Còn mày? chỉ cái chuyện cỏn con thế mà mày còn thù ghét, còn giận hờn thì mày đừng có trách ông Tập Cận Bình chơi ác với thế giới.

Nói thẳng thừng, nói toạc móng heo ra thì mày cũng chỉ muốn lấy lòng ông Định, để có cơ hội nắm giữ những gì của ông mà thôi. Ích kỉ, ghen tuông, tham lam và vô cảm như mày, mày nghĩ mày sống tốt lắm hả? Xin lỗi, mày và thằng Nam, đứa nào cũng như nhau – Dường như Quang không thể từ tốn thêm được nữa.

..Bốp, bốp… Quang bị một cái giáng bạt tai đau đến điếng người của Cường. Cường chẳng bao giờ nghĩ Quang – một người bạn thân, lại có thể nói với mình những lời đó. Hắn cũng chỉ đứng về phe của Ông Định và thằng Nam mất dạy đó mà thôi.

Quang giận bỏ đi, mặc kệ, Cường chẳng thèm quan tâm. Nó là ai mà dám dạy đời mình chứ, à không, nó không chỉ to tiếng mà đúng ra thì là đang chửi mình đó. Ích kỉ, ghen tuông, tham lam và nhẫn tâm ư? Cường đã làm gì để phải nhận những từ ngữ ấy gán vào cho mình. Sống một đời vì gia đình, vì cha mẹ, vì em, vậy mà lại bị gán những mác ấy, còn thằng Nam, nó làm những chuyện động trời mà sao không bị như thế chứ, ngược lại ai cũng đứng về bên nó…

Bao nhiêu suy nghĩ trong đầu của Cường cứ hiện lên, Cường nhớ cái ngày mà thằng Nam hỗn láo với cha và mình.

  • Cha! – Nam từ trong nhà tiến lại chỗ cha và anh để đàm phán: – Con giờ cũng lớn rồi, con thấy mình đủ trưởng thành để đi ra ngoài làm việc, nuôi sống bản thân, kết giao bạn bè ngoài xã hội và sống với những tự do của con.
  • Ý con là muốn cha không quản thúc con nữa đó hả? Tự do là tốt, nhưng cái gì nó cũng phải ở trong khuôn khổ Nam à. Ngoài đó nhiều cạm bẫy lắm. Con lớn nhưng con nghĩ mình đã trưởng thành sao? – Ông Định ngạc nhiên, liền đứng phắt dậy.
  • Tự do là tự do chứ khuôn khổ gì nữa chứ, con muốn được làm điều mình thích, con phải có quyền tự do của con – của một người công dân chứ. Hy vọng cha sẽ lo cho con với tư cách là một người cha.
  • Mày nghĩ mày là ai mà dám nói những lời với cha như vậy hả? đồ thằng con mất nết – Cường không chịu được nữa liền chen vào.
  • Tôi chỉ xin những điều theo đúng lẽ thì tôi phải được thôi.
  • Sống với mày, tao thừa biết tính của mày rồi. Làm ăn lập nghiệp cái quái gì ở nơi mày chứ, mày cũng chỉ mót hết xương cốt của cha và tao rồi đi nuôi gái gú, ăn chơi cho thỏa cái tính hào hoa của mày thôi. Tự do ư? Cái tự do chết tiệt của mày chỉ làm khổ cha và tao thôi.
  • Tôi đả động gì đến anh đâu mà làm khổ anh. Sống đến bây giờ, chưa bao giờ tôi ngửa tay ra xin anh một điều gì, dù chỉ là một giọt nước.
  • Trời! cha coi cái thằng này nó đang nói cái gì kia. Mày… Cường không kiềm hế mình được, liền xông vào Nam đánh tới tấp.
  • Anh nghĩ anh sống tốt lắm sao, – dường như bao nhiêu sự dồn nén, giờ đây Nam xả ra hết với Cường: – Xin lỗi, sống trong nhà này, anh chả có gì để tôi tôn trọng cả, một chút cũng không. Hẹp hòi, ích kỉ.
  • Mày…
  • Thôi! Cả hai đứa im lặng hết đi. Trời đất, nuôi con đến độ tuổi này rồi, dạy biết bao nhiêu lẽ, vậy mà chẳng đứa nào sống cho có hồn một chút cả. Lại còn đòi quyền tự do nữa, bộ cha mẹ áp bức bóc lột nó lắm hay sao? Được rồi, muốn sao thì cứ làm, cha không cản chúng mày nữa. Cường! chìa khóa đây, vào mở tủ của cha, lấy cái hộp màu đen ra đây.

Cường dù đang bực nhưng vâng lời cha cầm lấy chìa khóa đi vào, chả biết cha đựng cái gì trong đó nữa.

  • Nam! Cha không muốn con ra ngoài lập nghiệp khi tuổi đời còn non dại như thế này, nhưng cha chưa bao giờ áp đặt con, chưa bao giờ cha quản thúc con đến mức mất tự do như con nghĩ. Cha chỉ sợ con chưa đủ trưởng thành khi va chạm với môi trường bên ngoài, nhưng phận làm cha, khi đã không khuyên can được nữa thì cha sẽ để con tự do với ý muốn ấy. Đây là những gì cha và mẹ, khi mẹ đang còn sống đã dành dụm cho 2 đứa để khi trưởng thành, có chút gì đó lập nghiệp, xây dựng tương lai cho gia đình. Nhưng giờ con khăng khăng muốn vậy, thì đây, hãy đi mà thực hiện cái tự do của con.
  • Cha! Cha định đưa cho nó thật sao, vả lại cha trao cho nó hết từng này sao? Cha tin vào thằng Nam hả? Cường liền cản Ông Định.
  • Trời không nghe đất thì đất phải nghe trời thôi con. Cứ để nó đi rồi nó sẽ sáng mắt ra.

Nói thế rồi Ông Định đưa số tiền lớn ấy cho Nam. Nam có vẻ như vừa chiến thắng trong một cuộc chơi, cậu ta đắc chí chạy vào phòng thật nhanh vào phòng, xếp áo đồ để ra đi “lập nghiệp”, để “tạo dựng tương lai mới” cho mình.

  • Cường! thằng Nam em con nó đã đi rồi. Con hỏi cha tin nó ư? Con nghĩ sao về điều đó? Với cha, cha làm sao tin được, bởi em con đang còn quá non dại, rồi nó sẽ quay trở về với gia đình mà thôi, bởi sự “niên ấu vô tri” của nó. Giờ còn mỗi một mình con đang sống với cha, vậy hãy để cha đặt niềm tin ở con được chứ?

Chẳng trả lời cha một câu, Cường lẳng lặng đi vào phòng với vẻ mặt thất vọng về ông Định và tức giận vì thằng Nam, Cường bước đi trong sự giận dữ, để lại Ông Định phía sau với nỗi đau bị bỏ rơi. Cay cú quá, chua xót quá…

                                                          ***

Càng nghĩ, Cường càng không kìm nén nổi cái cục tức trong lòng của mình, vừa giận cha, vừa tức đứa em khốn nạn, giờ lại thêm một thằng Quang dở hơi và đáng ghét nữa. Chẳng ai chịu hiểu mình, chẳng ai thương đến mình. Đến đó chưa hết, mọi thứ đang trở lại cuộc sống bình thường thì điều đáng ghét hơn nữa nó xảy đến.

Nhớ lại cái ngày thằng Nam trở về với một khuôn mặt hốc hác, xanh xao, Cường như chẳng nhận ra em của mình nữa. Nghe bảo nó đi lập nghiệp cơ mà, sao giờ trở về với thân tàn ma dại này….

  • Nam! Cuối cùng con cũng trở về. Sự nghiệp con đâu? Tương lai con đâu? Sao con lại ra nông nỗi này vậy hả? – Ông Định chạy lại thật nhanh và cầm lấy tay Nam.
  • Cha ơi!…… con………

Không cần Nam nói gì nữa hết, Ông Định ôm lấy Nam, chỉ cần nhìn thấy Nam trở về thế là đủ rồi, một trái tim yêu thương thì không cần biết lí do… Thấy cha mình đang ôm thằng Nam, Cường vùng vằng đi ra giật lấy tay cha ra và mỉa mai Nam.

  • Cái gì đây? Ô trời! thằng con “có hiếu” đi bao năm trời để lập nghiệp, kết giao tình bằng hữu với bạn bè, giờ trở về khoe thành tích sao? Đâu, sự nghiệp của mày đâu? Tương lai rạng rỡ của mày đâu, mang ra cho tao xem. Sao lại về với bộ dạng “bảnh bao” thế này chứ? Cha! Giờ cha trố mắt ra rồi chứ?
  • Cường à, – ông Định quay sang nói với tâm tình của người cha: – Cha biết và hiểu những cảm xúc của con bây giờ. Nhưng Nam là em của con, với tuổi đời của nó còn đang bồng bột, suy nghĩ chưa chín chắn, giờ em con cần tình thương của….
  • Cha làm ơn dừng ngay kiểu thương hại đó đi. Bồng bột ư? Nó ranh ma thì đúng hơn, sau khi cướp đi những gì của nhà này để ăn chơi thỏa đáng hết rồi, bây giờ nó lại về đây để phá hoại luôn cả cái nhà này sao? Cha luôn luôn bênh vực cho nó, còn con, cha có bao giờ hiểu nỗi nhục của con không? – Cường không thể chịu hơn được nữa: – Mày cút ra khỏi đây đi, đừng lởn vởn trước mặt tao.
  • Cường! con không được nói em con như thế, dù sao Nam cũng là em trai con đó.
  • Em ư? Con chưa bao giờ coi nó là em cả. Mày cút ra khỏi nhà tao. – Cường giận dữ đẩy Nam đi ra khỏi cổng.
  • Nhà này là của chung, không phải của riêng ai hết àm tao với mày, – Ông Định thét lớn tiếng trong sự buồn bực. – Cường! con luôn dạy em phải sống hiếu thảo với cha, con luôn trách thằng Nam vô tâm vô tình, vậy chẳng lẽ giờ đây, khi em con sau những tháng ngày lầm lỗi, em con đã biết quay đầu trở về xin lỗi cha, xin lỗi anh mà anh lại cư xử với em như vậy sao? “Nhân sinh vô thập toàn” con à.

Cường không thể ngờ cha lại nói những lời đó với mình, liền đáp lại:

  • Nó đã hỗn láo với cha, đã phủ hết tình nghĩa với cha khi cầm trên tay số tiền khi đó, chính nó đã cắt đứt tình phụ tử, tình huynh đệ khi nó tuyên bố thẳng thừng, trắng trợn như vậy ngay chính trong gia đình này, thì giờ đây, khi không còn gì nữa, nó trở về với điệu bộ đáng thương, cha lại tỏ ra lòng thương xót, và tiếp đón nó như một vị khách VIP. Còn con, sống với cha, chăm sóc cho cái gia đình này từng li từng tí, giờ mới chỉ đụng chạm đến sợi lông chân của nó thôi thì cha đã “thượng cảng chân, hạ cẳng tay” với con. Cha xem con là gì của cha? Không bằng thằng con mất nết này sao? Hay đúng hơn, cũng chỉ bằng một thằng ôsin quèn?

“Bốp”. Ông Định giáng trên Cường một cái bạt tai, bàn tay ông run run, cặp mắt long lanh. Lần đầu tiên trong cuộc đời, ông Định làm cái điều này với con cái của mình, miệng ông cũng lắp bắp:

  • Cha chưa bao giờ khinh thường, trách mắng con nặng nề quá đáng. Trong cha chưa khi nào có khái niệm về người ôsin với con, cha luôn thương con và dành tất cả những gì cho con, cha luôn đặt niềm tin tưởng, kỳ vọng vào con – một người con, người anh trưởng thành. Cha không nghĩ rằng con sẽ “thi ân bất cần báo”, nhưng mà….Còn Nam, cha không chỉ đón tiếp nó như một khách VIP, mà nó còn được đón tiếp hơn thế nữa, “Hổ độc bất cật tử”, huống hồ gì đây lại là con của cha, là em của con đó Cường à. Cha không muốn con…..

Cường không cần biết cha đang nói gì, không thể chịu đựng thêm hơn nữa, nỗi bực tức khi chạm trán với thằng em chưa hết, giờ dường như mọi thứ lại đổ lỗi cho mình. Oan ức, giận dỗi… Cường muốn rời khỏi căn nhà này, rời khỏi những người vô tâm vô tình với mình sau những gì mình đã vất vả. Ra đi để chứng minh rằng cha đã sai, và cũng như thể thay cho lời tuyên bố: Tôi và thằng Nam, không bao giờ đội trời chung….

                                                       ****

Lần đầu tiên, Cường cảm nhận được vị chát của giọt nước mắt. Chẳng lẽ những gì họ “tố cáo” Cường là thật. Cha, Hoàng và cả học trò của mình nữa. Đã mấy năm trời rời xa gia đình, quê hương, Cường bỏ đi là vì điều gì? Ngẫm xét lại, thấy những lời “tố cáo” ấy sao mà thẳng thừng quá, cay cú quá, nhưng cũng đúng sự với Cường quá.

Phải. Với em, Cường ích kỉ, hẹp hỏi, chi li. Với cha, Cường vô tâm quá đáng, sống bên cha, ở bên cha mà không hiểu được nỗi niềm, nỗi ưu tư của cha. Cũng đúng thôi, gọi là ở bên cha nhưng có bao giờ Cường chạy lại hỏi han, tâm sự với cha đâu mà biết, tháng ngày chỉ lo những thứ bên ngoài cho căn nhà mà Cường nghĩ là của mình mà thôi, để rồi giờ đây, khi nhìn lại, thấy tất cả thật trống rỗng. Liệu giờ cha và Nam đang làm gì? Họ có nhớ đến Cường không? Cha có chờ đợi Cường như đã từng chờ đợi Nam không? Liệu Cường trở về có thẹn với cha, có nhục với Nam chăng?… Bao nhiêu câu hỏi đang xâm chiếm Cường. Dường như cuộc chiến nội tâm đang rất dữ dội. Cái tôi nó không cho phép Cường suy nghĩ về sự trở về gia đình, bởi nó hèn quá, nó hạ thấp Cường quá. Nhưng trái tim Cường vẫn còn một khoảng lớn dành cho cha, cho em, cho quê hương. Nó thôi thúc Cường.

  • Không được, mạnh mẽ lên, phải trở về với gia đình, thà hổ thẹn với cha, với em, với họ hàng, còn hơn hổ thẹn khi không thể có câu trả lời thỏa đáng cho học sinh của mình.

Cường bước ra cánh cửa phòng học, Cường cảm thấy sao hôm nay bầu trời có gì đó khác thường, một bầu trời trong veo và xanh thẳm, bao la. Những dải mây mỏng như những chiếc khăn voan vắt ngang bầu trời. Gió se lạnh, mang theo mùi hương của các cây hoa cỏ ven đường, như thể đón chào Cường, và mang đến một tia sáng hy vọng cho ngày mới. Và trong lòng Cường, thoảng nghe đâu đó lời cầu nguyện của Linh Mục Thái Nguyên trong cuốn “Lời nguyện từ trái tim” rằng: “Lạy chúa! Con không thể là mình, với cái nhìn hẹp hòi, với tư tưởng đóng kín, với tâm hồn đóng chặt… Xin cho con một tấm lòng bao dung, biết cảm thông và nhân hậu với mọi người…”.

                                                                                  Thiên Nhân,op – ĐMTM 28/2/2021