CHUYỆN LINH MỤC CHUYỂN XỨ
7 giờ tối, tôi bộ hành trên con đường làng quanh co, uốn lượn để gợi nhớ lại chút kỉ niệm tuổi thơ, rồi thảnh thơi hít thở chút khí trời lồng lộng trong làn gió mùa thu man mát.
Bỗng đàng sau có tiếng ai í ới.
– chị….chị biết chuyện chi chưa?
Tôi vội vàng quay lại…thì ra bà hiền mẫu đang đi tới với một thần thái khác lạ.
-cha xứ… cha xứ chuẩn bị chuyển….thông tin rõ “mồn một” từ đứa con gái của tui, nó thấy trên trang facebook giáo phận. Chị biết không, nó khóc thút thít từ nãy giờ chưa ngưng nghỉ vì thương Cha quá.
Im lặng trong giây lát …bà mặc kệ cơn gió mùa thu cứ thênh thang xúm xuýt trên những ngọn tóc khẽ đưa qua đưa lại trên sống mũi, giọng điệu bà cứ mỗi lúc một the thé.…….. bà lại tiếp.
– Cha về mới được mấy năm, bộ mặt giáo xứ cứ vậy mà đổi mới…. phải nói đến là ngôi trường giáo lý được xây dựng sạch đẹp, tiếp đến là con đường dẫn ra nghĩa trang được trùng tu, lát bê tông, rộng rãi, dễ đi. Còn cả khu nghĩa trang được lắp đèn điện, đêm về trông như một thành phố nhỏ, hơn nữa lễ đài khang trang được bao bọc chung quanh các phần mộ, mỗi tuần Cha đến dâng Thánh Lễ tại đó. Nói đến mà biết ơn Cha biết ngần mô!
-Chị biết không! Có Cha về mà đời sống đạo mỗi ngày một đi lên, Cha thánh thiện làm giáo dân thêm đạo đức. Dân dân hồ hởi đi tham dự Thánh Lễ, các giờ chầu Thánh Thể mỗi ngày một đông hơn, nhờ rứa mà các tệ nạn bài bạc, rượu chè trong xứ cứ thế mỗi lúc một giảm hẳn…. Cha đi thì tiếc lắm! nhưng biết làm sao được chị! Hy vọng Cha mới về cũng tràn trề nhựa mới cho giáo xứ.
Câu chuyện đơn sơ hòa lẫn với giọt nước mắt chảy dài trên gò má bà hiền mẫu, tôi không khỏi ngạc nhiên, một chút thẫn thờ tự hỏi: “tràn trề nhựa mới” là thế nào?
Quả vậy, nếu ông Gioan Tẩy giả năm xưa đã hô “tiếng hô vang lừng trong hoang địa” (Mt 3:3), đã hoàn thành trách nhiệm của một vị tiền hô sửa đường cho Đấng Cứu Thế ngự đến thì phải chăng nơi các linh mục ngày nay cũng đã trở thành những “thợ lành nghề” rải nhựa sống dẫn lối mọi người đến với Thiên Chúa qua “Chúa Giêsu là con đường từ Thiên Chúa đến con người và từ con người đến Thiên Chúa”[1]. Có thể nói, con đường các linh mục đang tiến bước ngoài nhựa sống vững chắc, ven con đường ấy cũng nở đầy hoa thơm của những nỗ lực không mệt mỏi trong ơn Thánh để chu toàn sứ mạng của một mục tử coi sóc đàn chiên Chúa giao phó.
Nói đến thánh chức Linh mục “thật là một vinh dự cao cả và trách nhiệm lớn lao khi mỗi linh mục được thụ phong được hành động nhân danh Chúa Kitô bằng cách trao Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của chính Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể cho chính mình và đoàn chiên của mình. Thật là một vinh dự cao cả và trách nhiệm lớn lao để ngày qua ngày phản ánh tình yêu và sự khiêm nhường của Đức Kitô trong những tương tác trần thế với tha nhân. Theo cái nhìn của giáo dân, các linh mục đáng được tôn kính và tôn trọng, được quý mến khi sử dụng danh hiệu như “Cha” và “Đức giám mục”, người chăm sóc và bảo vệ đoàn dân Chúa.”[2] Chính vì thế, sẽ không có mục tử nếu không có đàn chiên. Không có chiên thì cũng chẳng cần có sự hiện hữu của mục tử. Mục tử chỉ là mình trong tương quan với chiên.”[3]
Cuộc sống có vui, đương nhiên có buồn, có hạnh phúc dĩ nhiên có khổ đau, có thành công hiển nhiên có thất bại. Chính vì thế, nếu chúng ta luôn nghĩ đến Thánh Chức cao cả hòa quyện niềm vui của đời sống linh mục thì những khó khăn các linh mục đang gánh chịu trong những hoàn cảnh của cuộc sống hiện nay cũng là minh chứng cho những giới hạn của một con người, để không ai phớt lờ nhưng biết đón nhận trong sự cảm thông, yêu mến, cầu nguyện và cộng tác với các ngài trên nẻo đường hy sinh, phục vụ Giáo hội. Nhìn vào “tình trạng kinh tế, xã hội và ngay cả phong cách sống của con người đang thay đổi rất nhiều, và bậc thang giá trị cũng đang bị đảo lộn không ít trong nhận thức của nhân loại; do đó các thừa tác viên của Giáo hội, và đôi khi ngay cả Kitô hữu, cảm thấy mình như trở thành xa lạ giữa thế giới và trăn trở tìm kiếm không biết phải dùng phương thức hay lời nói nào thích hợp để có thể giao tiếp với đời. Thật vậy, những chướng ngại mới đang ngăn cản niềm tin, những việc làm bề ngoài xem ra vô ích, cũng như nỗi cô đơn cay đắng đã từng trải nghiệm, có thể dẫn đến nguy cơ làm cho các Linh mục suy sụp tinh thần.[4] Trong bối cảnh này, thật trân quý khi nhớ lại lời Đức Phanxicô căn dặn trong buổi khai mạc hội nghị chuyên đề về chức Linh mục “Sự thân mật với Chúa sinh ra từ lời cầu nguyện, đời sống thiêng liêng, sự gần gũi cụ thể với Thiên Chúa qua việc lắng nghe lời Người, cử hành thánh lễ, thinh lặng tôn thờ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh thể, phó thác cho Mẹ Maria, sự đồng hành dưới sự dẫn dắt khôn ngoan của một cha linh hướng và việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải… Nếu không có những điều này ‘các hình thức gần gũi’, một linh mục chỉ là một kẻ làm thuê mệt mỏi không được lợi ích gì với tư cách là người bạn thân thiết của Chúa.”[5]
Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. (x. Lc 3, 4 ; Is 40, 1-5). Gioan Tiền hô đã mời gọi con người sửa đường cho Ðức Kitô. Ông biết rõ mình là người đến trước nhưng vị đến sau lại có trước ông và trổi vượt hơn ông ngàn trùng ( x.Ga 1,30). “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (x. Lc 3, 16b). “Làm đầy tớ cho Ðức Kitô, ông nhận mình không xứng. Gioan tự xóa mình trước Ðức Kitô. Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao người ngưỡng mộ.[6]
Sứ mạng trên vai các linh mục là tiếng loa mời gọi con người thời đại can đảm bước lên con đường Tình Yêu nơi Thiên Chúa ngự trị. Ngoài sự kiên định, khôn ngoan khi thi hành bổn phận, các ngài vẫn luôn cần đến một chỗ cậy dựa vững chắc là sức mạnh của Thiên Chúa toàn năng; “với niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đã mời gọi các linh mục thông phần vào chức tư tế của Người, các ngài hãy luôn tín thác tận hiến vì tác vụ, bởi biết rằng Thiên Chúa toàn năng sẽ làm cho tình yêu nơi các ngài được luôn tăng triển” [7]
Ngày hôm qua đã là lịch sử, ngày mai vẫn còn là bí ẩn, ngày hôm nay là món quà của Thượng Đế, đó là lý do tại sao chúng ta gọi nó là hiện tại.”( Bil Keane). Chính cái hiện tại đang vẽ nên một ước mong thánh thiêng, một hy vọng ngập tràn trên tâm hồn ai đó đang nghĩ về “con đường” tràn trề nhựa mới.
Có phải cơn gió mùa thu giấu trong câu thành ngữ “Đi dân nhớ, ở dân thương” nay lại nhẹ nhàng vấn vương nơi hình ảnh các mục tử của Chúa “đi đoàn chiên nhớ, ở đoàn chiên thương”? Có phải cơn gió mùa thu rì rào với cả xóm đạo, xôn xao về chuyện cha xứ chuyển đi, mặc cho ánh trăng rằm vằng vặc “đi qua ngõ như người dưng qua đường.”[8]?
La Nobita
…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chung-toi-cung-di-voi-anh-tim-hieu-khai-quat-ve-y-nghia-hiep-hanh-synodality–42793
[2] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-khiem-nhuong-trong-doi-song-linh-muc-51014
[3] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/chan-dung-linh-muc-52452
[4] CĐ Vatican II, sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục, ngày 7/12/1965, số 22
[5] Đức Phanxicô, Bài Phát biểu khai mạc hội nghị chuyên đề về chức Linh mục tại Vatican ngày 17/02/2022
[6] https://vntaiwan.catholic.org.tw/manna2/bmanna12.htm
[7] x. Pontificale romanum, Lễ phong chức linh mục
[8] Bài thơ “ánh trăng”, Nguyễn Duy
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ