Chuyến đi cuối cùng
Tờ mờ sáng, mắt nhắm mắt mở khi hay tin không vui “Đức Tổng về nhà Cha rồi”. Đọc xong dòng tin nhắn, không tin vào mắt mình nữa và dường như tỉnh hẳn với tin sốc ấy.
Không chỉ bản thân bỉ nhân và nhiều và nhiều người đều bàng hoàng và không muốn nhận hay nghe tin buồn ấy. Thế nhưng rồi, Chúa đã đặt để và Chúa đã định như thế thì chúng ta phải vâng theo thôi.
Mọi người, ai cũng quá biết đang trên hành trình thăm viếng mộ hai Thánh và diện kiến Đức Thánh Cha. Đang trong tiến trình rất tốt đẹp thì …
Bàng hoàng, chua xót, thương yêu … biết bao nhiêu cảm xúc dâng tràn khi hay tin người Cha chung kính yêu của giáo phận ra đi. Có lẽ, tất cả các cảm xúc bình thường của con người về sự ra đi đó phải nhường bước cho hai chữ “bất ngờ”.
Đời con người là vậy và như Chúa nói : “Anh em hãy tỉnh thức vì anh em không biết ngày nào giờ nào …”.
Đúng như vậy, sinh thì mỗi người đã có ngày nhưng tử thì không ai biết. Tử thì chỉ một mình Thiên Chúa mới biết mà thôi. Và, cuộc đời của Đức Tổng Phaolô đã đi theo “tiến trình” đó.
Chẳng ai ngờ và ngay cả Đức Tổng cũng không thể nào nghĩ ra và nghĩ rằng chuyến đi về Roma trần gian này lại là chuyến đi về Roma Thiên Quốc.
Biết bao nhiêu dự định vẫn còn đó, nhưng rồi :
Lạy Chúa, con như người thợ dệt
đang mải dệt đời mình,
bỗng nhiên bị tay Chúa
cắt đứt ngay hàng chỉ. (Is 38, 12)
Thánh Vịnh 90, ta lại thấy thấp thoáng phận của con người:
“Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!” (c. 4)
“Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” (c. 9-10).
Chuyến đi cuối cùng của Đức Tổng nhắc nhớ phận người của mỗi người chúng ta. Không ai có thể ngờ rằng chuyến đi này là chuyến đi cuối cùng của cuộc đời Đức Tổng trên hành trình làm người và trong cuộc sống dương gian.
Lần gặp gần nhất với Đức Tổng trong tâm tư hết sức thân mật là sáng ngày mùng 4 Tết. Rất gần gũi và thân thương, Đức Tổng cảm kích, khích lệ, quý mến công việc mà anh em đang làm …
Trước khi rời xa, Đức Tổng còn ngoái theo : “Nhớ lo cho bà nghèo nhé !”.
Vâng ! Lời người ra đi vẫn còn đó để tâm thức luôn nghĩ và hướng đến người nghèo.
Và giờ này, có lẽ Đức Tổng là người thanh thản nhất vì đã để lại những bụi trần đã bao năm bám theo cuộc đời. Ở cương vị trên cao đó chắc có lẽ cũng không tránh khỏi những lời ra tiếng vào thế nhưng rồi Chúa vẫn ban ơn để Đức Tổng vượt qua những gánh nặng trần gian.
Được cái ơn vô tư vui vẻ nên rồi bất cứ ai gặp Đức Tổng cũng thấy Ngài cười. Có lẽ niềm vui của đời phục vụ và nụ cười đã làm vơi đi gánh nặng đời mục tử của Đức Tổng.
Từ nhỏ đến lớn và cả đến lúc già, Đức Tổng chỉ biết tận hiến đời mình cho Chúa và đã tận hiến đến giây phút cuối cùng bên bàn thờ Thập Giá. Đây có lẽ cùng là hồng ân mà Thiên Chúa trao ban cho một con người mà cả đời dâng hiến cho Chúa và đỉnh cao của đời dâng hiến của Đức Tổng đó là hy tế trên Bàn Thờ.
Vậy là từ nay không còn gặp Đức Tổng trên phương diện thể lý con người nữa, nhưng trong niềm tin và tâm thức, ta thật gần và rất gần với Đức Tổng. Đơn giản bởi lẽ khi gần Nhan Thánh Chúa, Đức Tổng sẽ không quên con cái của Người khi Người còn sống.
Hình ảnh của một chuyên gia “thần học Ba Ngôi”, hình ảnh của một Đức Tổng vẫn còn mãi trong khóe mắt mỗi người chúng ta. Và, hết sức đặc biệt là khuôn mặt tươi cười vui vẻ trong mọi hoàn cảnh của Đức Tổng vẫn còn in đậm trong tâm trí chúng ta.
Đức Tổng ra đi bình an và thanh thản nhé !
Và rồi, chuyến đi của Đức Tổng nhắc mỗi người chúng ta : Kẻ đi người ở lại nhưng rồi cũng phải “nay anh – mai tôi”.
Thật thế, trong cái thân phận làm người không ai có thể tránh khỏi ngày ra đi này. Chỉ có điều chẳng ai có thể biết được đời mình kết thúc ở chuyến đi nào mà thôi.
Chính vì lẽ đó, ngày mỗi ngày ta cũng phải sửa soạn và chuẩn bị tinh thần bởi lẽ không biết chuyến đi nào là chuyến đi cuối cùng của đời ta như Đức Tổng. Có như vậy, tâm hồn ta luôn luôn tỉnh thức để đón chàng rể đến đón chúng ta và cho chúng ta hưởng tiệc vui muôn đời với Chàng Rể Giêsu.
Người Giồng Trôm
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ