CHƯƠNG TRÌNH SAMARITANÔ
“Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37)
Ở Việt Nam ngày xưa, những mái tranh êm đềm giữa cánh đồng bao la, trong những thôn xóm cô quạnh hay soi mình bên những con mương hoặc dòng sông nho nhỏ, xinh xinh… đã trở thành biểu tượng truyền thống của nông thôn. Không biết từ lúc nào hình ảnh những mái tranh giản dị nhưng thân thương ấy đã gắn liền với hình ảnh quê hương? Thi sĩ Trần Đăng Khoa đã nêu một câu hỏi rất tinh tế về sự nối kết ân tình này:
Mái tranh ơi hỡi mái tranh
Trải bao mưa nắng mà thành quê hương?
Chúng tôi có nhiều cơ hội dọc ngang khắp mọi miền đất nước. Có những lần cảm thấy ngây ngất trước bức tranh quê bình dị, êm đềm với vẻ đẹp hút hồn, nhưng không hiểu sao lại man mác buồn, khi nhìn khói lam chiều nhè nhẹ bay trên những mái tranh nghèo!
Từ khi tham gia cứu trợ các nạn nhân lũ lụt tại Nghệ-Tĩnh-Bình, vào cuối năm 2010, cảnh tượng đổ nát, hoang tàn, đau thương… do lũ lụt cứ ám ảnh chúng tôi. Đứng trước thực tế bi thảm này, những nét đẹp nên thơ ngày nào đâu còn duy trì trọn vẹn ý nghĩa! Nhìn những mái tranh đã bị nước cuốn đi, những căn nhà thô sơ, xiêu vẹo… trở thành đống đổ nát, ai đó đã nhại lại bài thơ trên để tiếp tục băn khoăn, thao thức:
Mái tranh ơi hỡi mái tranh
Trải qua cơn bão tan tành thê lương!
Phải làm gì? Phải chăng, trong mức độ có thể, cần cấp tốc di dời dân cư ở vùng trũng lên những nơi cao hơn? Trường hợp phải sống chung với lũ, cần xây dựng chòi vượt lũ, nhà vượt lũ hay trung tâm vượt lũ đa năng?
Như một cố gắng để trả lời cụ thể cho những câu hỏi ở trên, suốt những năm vừa qua, chúng tôi đã cố gắng xây dựng dần dần những chòi,(1) những ngôi nhà vượt lũ,(2) hoặc giúp di dời người dân ra khỏi vùng lũ.(3) (Xem thêm hình ảnh)
Một trong những kết quả của tiến trình phát triển đất nước mấy thập niên vừa qua là xóa bỏ dần dần những mái tranh nghèo ở nông thôn, nhưng vẫn còn rất nhiều căn nhà mục nát và những túp lều xiêu vẹo. Vì vậy, ưu tiên của chúng tôi là dồn năng lực để giúp các hộ nghèo đó có chút hy vọng “an cư lạc nghiệp”.
Những căn nhà thuộc Chương trình Samaritanô đã và đang mọc lên (4) (Xem thêm hình ảnh). Các căn nhà này có diện tích và giá tiền khác nhau tùy theo số nhân khẩu của mỗi gia đình, cũng như sự hỗ trợ thêm của bà con láng giềng. Tuy nhiên, mỗi căn hộ đều hội đủ điều kiện tối thiểu: phòng ngủ, phòng tiếp khách, nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng tắm.
Tại miền quê hẻo lánh và những khu xóm nghèo, chúng tôi đã gặp các gia đình nghèo khổ cần chút vốn nhỏ để chăn nuôi hay buôn bán lẻ. Rất nhiều lần vì cần vốn, họ phải vay lãi nóng với tiền lời “cắt cổ”. Quỹ Tín dụng cho người nghèo được thành lập để hỗ trợ những người nghèo trong trường hợp cụ thể này.
Những căn bệnh quái ác, tật nguyền bẩm sinh, tai nạn, hoạn nan, khổ đau… đang đẩy nhiều gia đình và nhiều người vào hoàn cảnh thương tâm, hầu như không còn lối thoát! Chương trình Samaritanô đang ưu tiên hỗ trợ và đồng hành với các anh chị em đó, không phân biệt tôn giáo và sắc tộc.(5) (Xem thêm hình ảnh)
Để chương trình này có khả năng đáp ứng nhiều hơn nhu cầu rất đa dạng của các anh chị em nghèo khổ, bệnh tật, hoạn nạn, rất mong nhận được sự hỗ trợ tích cực của quý vị ân nhân và những người quảng đại mở rộng tấm lòng.
Xin chân thành cảm ơn.
Mọi ủng hộ và đóng góp, xin gửi về Chương trình Samaritanô qua Lm. Bênađô Trần Xuân Thùy, Tòa Giám mục Giáo phận Vinh, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An, Việt Nam.
Hoặc có thể gửi qua Ngân hàng Techcombank chi nhánh Tp. Vinh,
20 Quang Trung, Thành phố Vinh, Nghệ An, Việt Nam
Tên tài khoản: Nguyễn Thái Hợp
Số tài khoản: 14023533661011 (VNĐ) | 19123533661020 (USD)
——————————————–
(1) Chòi vượt lũ: Đã làm tại các giáo xứ Vĩnh Hội, Thọ Vực…
(2) Nhà vượt lũ cộng đồng: Đã xây dựng tại các giáo xứ Tri Bản, Thọ Vực, Thịnh Lạc, Hiếu Nghĩa, Minh Tú…
(3) Di dời: Đã hỗ trợ giúp di dời trọn vẹn giáo xứ Vạn Căn và một số gia đình thuộc xứ Kẻ Vang.
(4) Chương trình đã hỗ trợ xây nhà cho người nghèo ở các giáo xứ: Hậu Thành, Đạo Đồng, Bùi Ngọa, Trang Nứa, Quy Hậu, Làng Anh, Thanh Sơn, Yên Thịnh, Mỹ Yên, Thượng Lộc, Khe Ngang…
(5) Chương trình đã giúp người nghèo và bệnh nhân nghèo ở các giáo xứ: Thanh Sơn, Trung Hậu, Trung Hòa…
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ