Chúa Thánh Thần
Tại sao gọi Người là “Đấng bị lãng quên” ?
Làm ơn để CHÚA NGÔI BA làm công việc của Người!
Là những người tin vào Thiên Chúa, chúng ta Tin – Cậy – Mến. Đấng hằng yêu thương chúng ta từ thuở đời đời. Và chúng ta cũng dễ dàng nhận ra rằng Ngôi Thứ Ba hay bị chúng ta “dễ quên”. Lớn lên trong cái nôi kinh nguyện bình dân, chúng ta thường cầu xin ơn Chúa Thánh Thần khi bắt đầu làm việc gì đó hoặc bắt đầu giờ phụng vụ. Thật vậy, chúng ta nhắc đến Chúa Thánh Thần vào đầu giờ là để xin ơn, đôi khi chỉ làm theo thói quen, thế rồi trong cả quá trình ta “để Người một bên”. Thánh Thần làm việc trong chúng ta, nhưng cảm thức của ta hầu như chỉ nghĩ đến Chúa Cha, Chúa Giêsu và các Thánh. Thời đại của chúng ta là thời đại của Thiên Chúa Ngôi Ba. Chúa Giêsu về trời sau khi người Phục Sinh từ cõi chết, và Chúa Thánh Thần tiếp nhận “công việc” của mình giữa chúng ta. Vậy, chúng ta cùng nhau nghiệm lại vị trí của Người, không phải là để công bằng giữa Ba Ngôi, nhưng là để cảm tạ ân huệ Thiên Chúa và ý thức mình đang sống dưới sự đồng hành của Ngôi Ba.
Bao công trình lớn nhỏ, biết bao kỳ quan vĩ đại – tất cả muốn nên hoàn hảo thì không thể thiếu Chúa Thánh Thần, nói một cách quả quyết hơn thì phải có Người. Về phía chúng ta, vì là thụ tạo “đặc biệt” hơn, chúng ta được ân ban là những cộng tác viên của Người. Thật vậy, chúng ta phải nhìn nhận lại “Đấng bị lãng quên” ấy. Ngài đã và luôn sống trong chương trình của Ba Ngôi và trên mọi loài thọ tạo, cách riêng trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người. Từ thuở đời đời Người là tình yêu giữa Thiên Chúa Ngôi Cha và Ngôi con. “Một Chúa – Ba Ngôi” là mầu nhiệm quá cao vời với mỗi chúng ta, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, Ba Ngôi luôn hoạt động trong nhau, luôn hiệp nhất, không thể thiếu Ngôi nào và không rời nhau. Bao điều kỳ diệu về Chúa Thánh Thần, với lý trí một thụ tạo, chúng ta không biết lấy gì để diễn tả hết được, đo lường được. Hạn chế nơi cái hữu hạn của kiếp người, ta chỉ có thể nhận biết Người nơi vẻ đẹp hùng vĩ của vũ trụ, song Người còn là nét đơn sơ thơ mộng nơi hoa cỏ đồng nội. Có thể nói rằng Người là “dung môi” tuyệt diệu bao trùm trái đất để nó có sự sống, nhưng cũng là sức sống hoàn mĩ của một vi sinh vật li ti. Người là Thần khí của Thiên Chúa đầy uy quyền nhưng cũng là tiếng nói dịu dàng ẩn trong nét đẹp của bao trái tim người mẹ. Người không nói gì hết, bởi là “Khí” nhưng tiếng vang của Người dội khắp thinh không, và Người cũng là chút ánh sáng khao khát trở về trong tâm hồn của một hối nhân…
Khi “Tạo Dựng” hình bóng Ngôi Ba xuất hiện chỉ như những “Làn Khí Diệu Kỳ”, hay hơi thở của Thiên Chúa. Khối óc tự nhiên mơ hồ chúng ta không thể nào hiểu biết về Người cho đến khi Ngôi Lời là mặc khải trọn vẹn của Chúa Cha dạy chúng ta. Hôm nay, nhờ ánh sáng của chính Ngôi Ba, khi ngẫm lại câu chuyện cựu ước ta nhận thấy Chúa Thánh Thần, Người luôn song hành cùng với chương trình sáng tạo, chương trình cứu độ và luôn có mặt trong mọi biến cố xảy ra trên dòng thời gian của mọi thụ tạo. Nếu như từ cạnh sườn bị đâm thâu, Đức Kitô sinh ra “Hội Thánh” thì Chúa Thánh Thần mở tung “cánh cửa” dẫn Hội Thánh đi trên con đường mới đến vùng trời của vương quốc mới. Hội Thánh kín múc ân sủng từ Chúa Thánh Thần để trở nên muối men giữa lòng thế giới. Vâng, “Thánh Thần” hằng làm việc trong Giáo hội. Người giống như “linh hồn” giữ cho thân mình Chúa Kitô luôn sống động. Là “nước”, khiến cho hạt giống của Lời nẩy nụ, đơm hoa; là “gió”, Người thổi tràn sinh khí vào những lực Tông đồ; là “lửa”, Người tinh luyện những gì bất toàn, dẫn đường và soi lối. Về bản tính, Người vô hình, vô lượng, vô thường…; Người phá bỏ những chia cắt và xóa nhòa ranh giới của thể chế. Các phong trào canh tân, hay cải cách, chính là những “xúc tác tố” mà Thánh Thần gieo vào lòng Giáo hội” [1]
Tất cả những gì Thiên Chúa làm, vào thời khắc “then chốt”, chúng ta thấy rõ “khuôn mặt” nhân vật làm cho mọi việc nên hoàn thiện:
- Khi sáng tạo con người là một thụ tạo rất đặc biệt.“Hơi thở ”làm con người đứng dậy từ bùn đất và thành nhân vật mang hình ảnh Thiên Chúa (x.St 2). “Hơi thở” ấy là Thần Khí Chúa Thánh Thần.
- Thiên Chúa Ngôi Hai có thể “nhập thế” là khi Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria ( x.Lc 1,35).
- Bắt đầu cuộc đời công khai, Chúa Ngôi Ba đưa Ngôi Hai vào sa mạc chay tịnh và cầu nguyện ( x. Lc 41, 2).
- Chúa Giêsu hoàn tất những đau khổ trên Thập giá với những nhục nhã, cuối cùng Người đã trút “ Hơi Thở” tái sinh nhân loại trong ân sủng. “Hơi Thở” dồn dập ấy là Thần Khí Thánh Thần.
- “Hội Thánh mới” những ngày đầu run rẫy và sợ hãi, nên ẩn “trong phòng kín” đợi cho tới khi Chúa Thánh Thần ngự xuống như những hình lưới lửa.( x.Cv 2,1-4).
Các Tông đồ và Hội thánh sơ khai trong những ngày đầu, sau khi Chúa Thánh Thần “mở cửa” đã “sống” với Người rất thân tình như hình với bóng. Điều này diễn tả qua mối liên hệ khăng khít ở mọi hoạt động:
- Chúa Thánh Thần sai Philiphe đến với viên chức Ethiopio (x.Cv 8, 26).
- Chúa Thánh Thần hướng dẫn Phêrô tới gặp người đại diện đến từ nhà viên đại đội trưởng Corneliô (x. Cv 10,9; 11,12).
- Thánh Thần tách riêng Phaolô và Barnaba để đi loan báo Tin Mừng cho dân ngoại (x. Cv 13,2).
- Thánh Thần thay đổi nhân loại vũ trụ trở thành triều đại cuối cùng của Thiên Chúa (x. Cv28,31)
- Thánh Thần làm cho lòng đời, lòng người trở nên “Bác ái, hoan lạc, bình an, kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, khiết tịnh” (x. Gl 5, 22- 23) …
Trong Thánh Thần, Hội Thánh là thực tại thiêng liêng với tràn đầy giá trị đến từ trên cao, chứ không đơn thuần là một tổ chức con người tồn tại trên thế gian. Hội Thánh kẻ “ăn mày chân lý chứ không phải là chủ nhân chân lý[2]” Thật vậy, Chúa Thánh Thần là điểm hẹn nơi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Rất tiếc con người chúng ta nhỏ bé nhưng quá đỗi ồn ào, đến nỗi không nhận ra Chúa Thánh Thần đang cố hết sức để thánh hóa thời đại này. Chúng ta như những con rối khuấy động bầu trời đen mịt bởi bê tha tội lỗi. Bụi trần thế gian thỏa mãn con mắt, nó che khuất sự hiện diện của chân lý trong tâm hồn chúng ta. Khoa học thì hô hào những chiến công vĩ đại, trong khi vẫn có những người vô gia cư chết đói. Cha Timothy Radc Liffe,OP trong bài giảng thứ hai, suy niệm để tĩnh tâm cho Thượng Hội Đồng Giám Mục – Bộ phận nòng cốt nơi thân thể Chúa Kitô rằng: “Thế giới đang trải qua cơn khủng hoảng về tình trạng không nhà cửa, chúng ta đang ngốn ngấu hành tinh nhỏ bé của mình. Hiện nay có hơn 350 triệu người đang tìm cách di cư, chạy trốn chiến tranh và bạo lực. Hàng ngàn người đã chết khi vượt biên chỉ mong tìm được một mái nhà để cư ngụ… Ngay tại các nước đang phát triển vẫn có hàng triệu người đang ngủ ngoài đường….Ở khắp mọi nơi, vẫn có thứ vô gia cư về tinh thần thật đáng sợ” [3] Chúng ta nhìn thẳng vào những nhức nhối của ngôi nhà chúng thế giới không phải là để bi quan hay lên án nhưng là “bóc cho đến tận gốc rễ” để thấy và điều chỉnh sao cho từng người, ở vị thế của riêng, có thể sống đẹp hơn, giá trị hơn, “biết mình” hơn. “Chừng nào vẫn còn một đứa trẻ bất hạnh trên trái đất thì chẳng có khám phá hay tiến bộ nào đáng gọi là lớn lao” [4] Thật lạ, thời đại chúng ta rất khoa học, văn minh, mà sao vẫn còn có thể xảy ra chiến tranh, vẫn còn cầm súng đàn áp nhau được. Thế giới sao vẫn còn những nơi phủ đầy khói bụi của bom đạn và lửa. Văn minh là vậy sao, không lịch sự mà đối thoại được, sao không dùng được ngôn ngữ chung của sự “văn minh” để giải quyết mọi vấn đề và bất đồng. Khoa học và sự khám phá rất tiến bộ có thể tìm ra được một hành tinh khác, như hành tinh Kepler 22B gần với sự sống, nơi đó có nước, cách trái đất chúng ta 620 năm ánh sáng [5] . Vậy sao còn dành nhau từng miếng đất, sao không dùng cái tài của mình mà thỏa thuận và cho người dân được an cư trên mảnh đất quê hương của họ. Sao chúng ta không hiểu bạo lực chỉ mang lại đau đớn và sự chết. Trò đấu đá hay đánh nhau nằm ở tuổi trẻ con, còn người chín chắn rồi ai lại xử thế như vậy. Xã hội đến thời chúng ta mà chưa “chịu lớn” thì đến bao giờ mới điềm tĩnh để cùng nhau sống chung. Chúng ta có thể mày mò đầu tư để tạo ra những nhân viên Rô bốt không hồn nhưng tại sao không cùng nhau bảo vệ sự sống, sao còn tước mất sự sống của một bào thai yếu đuối không có thể tự bảo vệ bản thân… Những vấn nạn đó do đâu mà có? Tất cả có lẽ vì chúng ta chỉ chăm chăm nhìn những giá trị thấp hèn và tương đối nơi vật chất trần tục. “Nếu chúng ta để Thánh thần chân lý hướng dẫn, chắc chắn chúng ta sẽ cùng tranh luận. Đôi khi nó sẽ rất đau đớn. Sẽ có những sự thật chúng ta không muốn đối mặt. Nhưng chúng ta sẽ được dẫn sâu hơn chút vào trong mầu nhiệm tình yêu thiêng liêng”. [6] Những giá trị mang lại sự an vui đích thực buộc chúng ta thôi cựa quậy, tập thinh lặng mà nghe tiếng nói của Thánh Thần trong tâm hồn, nơi mọi thụ tạo, nhất là người anh em khổ đau. Làm ơn để Thánh Thần Thiên Chúa có cơ hội hoàn tất nhiệm vụ của Ngài nơi vũ trụ. Xin để Người hoạt động trong hoàn cảnh của ta, đừng “lờ” Người đi. Khi có Người, tâm hồn mỗi chúng ta trở nên “giàu có”. Chúng ta sẽ sống một nền văn minh thực sự, nơi đó phẩm giá của mỗi người được tôn trọng và bảo vệ.
Lạy Chúa Thánh Thần xin tha thứ cho những dại khờ nơi chúng con. Amen.
Catarina Hoàng Nga, OP
[1] Thần học tín lý 5, Chúa Thánh Thần, Tr. 9
[2] Timothy Radcliffe, Op. Suy niệm tĩnh tâm Thượng Hội Đồng Giám mục
[3] Timothy Radcliffe, Op. Suy niệm tĩnh tâm Thượng Hội Đồng Giám mục, bài 2 “Nhà ở trong Thiên Chúa”
[4] Albert Einstein (1879- 1955). Người đạt giải Nobel vật lý.
[5] Kepler 22B, được NaSa công bố ngày 5 tháng 12 năm 2011
[6] Timothy Racđ Liffe, op, suy niệm tĩnh tâm thượng hội đồng Giám Mục
Tin cùng chuyên mục:
Hãy về nhà
Ừ! Mạ biết rồi
“QUẾ PHONG – ÁNH SÁNG ĐỨC TIN GIỮA ĐẠI NGÀN GIAN KHÓ”
Linh Đạo Dòng Đa Minh