CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN, NĂM B
Các bài suy niệm & chú giải Lời Chúa
Lời Chúa: Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37
1. Phục vụ
Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay đưa ra một sự trớ trêu và sự trớ trêu này lại do chính các môn đệ, là những người thân yêu của Chúa gây nên.
Thực vậy, một lần nữa Chúa Giêsu dạy riêng các môn đệ về con đường thực hiện sứ mạng của Ngài: Con Người sẽ bị giết chết nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Và lần này cũng như lần trước, các môn đệ đã tỏ ra không hiểu, thế nhưng rút kinh nghiệm lần trước, không một ai đã lên tiếng góp ý. Điều trớ trêu và mỉa mai ở đây đó là chính lúc Chúa Giêsu muốn cho các ông hiểu về con đường đau khổ và thập giá mà Ngài phải trải qua để tiến đến vinh quang phục sinh, thì các ông lại nghĩ đến địa vị, đến chỗ đứng. Các ông tranh luận với nhau xem ai lớn hơn ai.
Như những người Do Thái khác, các ông vẫn quan niệm về một vị cứu tinh trong phạm vi chính trị, sẽ lật đổ ách nô lệ của đế quốc Lamã, giải phóng dân tộc, đem lại tự do và sự phồn thịnh cho đất nước. Và nếu vị cứu tinh nhân dân đang mong đợi dó chính là Chúa Giêsu, bậc thầy của các ông, thì quả thật, các ông là những người may mắn, vì sẽ được ban cho những chỗ đứng, những địa vị cao trọng trong vương quốc của Ngài. Tin Mừng cho thấy là những cuộc tranh luận này, hay những vụ tranh giành ngôi thứ vẫn thường xảy ra giữa các môn đệ, cho tới ngày Chúa bị nộp và bị giết.
Trong bài học Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, Ngài đã muốn đảo lộn cái nhìn và cách đánh giá của các ông. Trong cái nhìn và cách đánh giá của Chúa Giêsu, thì người lớn nhất lại không phải là người ngồi vào chỗ cao nhất, trên tất cả mọi người, nhưng là người rốt hết, là kẻ tôi đòi của mọi người. Như thế, con người được đánh giá không phải ở địa vị, ở quyền cao chức trọng mà là ở khả năng phục vụ. Và con đường dẫn tới vinh quang chính là con đường phục vụ mọi người.
Bài học đó, Chúa Giêsu đã thực hiện nơi chính bản thân của Ngài. Là Con Thiên Chúa, Ngài đã không dành chỗ nhất trong xã hội, nhưng Ngài đã chọn con đường yêu thương phục vụ, trở thành hữu ích đối với kẻ nghèo khổ, đói khát, bệnh tật và bị áp bức. Ngài trở nên hữu ích bằng cách chỉ cho họ tình thương của Chúa. Cứu chữa họ, giải phóng họ, trả lại cho họ quyền lợi và chỗ đứng trong xã hội và tôn giáo. Ngài đã đi cho đến cùng con đường yêu thương phục vụ của Ngài như lời Ngài đã phán. Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Cái chết và đau khổ chính là cái giá Ngài phải trả cho sự chọn lựa này.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có biết chấp nhận đau khổ và thập giá, nhất là chúng ta có hết can đảm bước vào con đường dấn thân và phục vụ anh em như Chúa Giêsu ngày xưa hay không? [Mục Lục]
2. Chọn lựa để phục vụ
Nơi nào có phục vụ, có chăm sóc, có chia sẻ không tính toán và cầu cạnh giữa con người với nhau, thì nơi đó người ta sẽ thấy được sự chân thực của tình yêu. Trái lại, khi con người cố gắng tìm kiếm những thành công thế tục, muốn có chức có danh, muốn mình phải được hơn kẻ khác, thì con người bắt đầu xa dần với ý định của Thiên Chúa.
Chả thế mà khi Chúa Giêsu bảo các môn đệ: Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài nhưng ba ngày sau Ngài sẽ sống lại… thì các ông hiểu và không muốn hiểu. Các ông nghe mà chẳng muốn nghe, nhưng các ông cũng chẳng muốn hỏi Ngài xem lời đó có ý nghĩa gì. Các ông sợ và không muốn nghe những điều xui xẻo, cũng giống như bao nhiêu người khác đã không muốn nghe những sự chẳng lành xảy đến cho mình.
Thế nhưng, đó lại là chính sự mạc khải của tình yêu mà Thiên Chúa muốn tỏ bày cho con người, trước tiên là với các môn đệ, Chúa Giêsu không muốn điều xui xẻo xảy đến, Ngài không đi tìm cái khổ, cái mất; nhưng trong sự loan báo này có hàm chứa đựng một nội dung sâu xa của tình yêu. Thương là phải chịu vất vả, chịu thiệt thòi, dù là thiệt thòi ngay cả mạng đến sống mình, như dấu chỉ của một tình yêu tuyệt hảo nhất: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.
Nếu dọc đường các môn đệ đã tranh luận và cãi vã với nhau về chuyện ai sẽ là người làm lớn hơn cả, thì khi hiểu cái giá phải trả nơi tình yêu thương của Thầy, các ông sẽ thấy những toan tính của mình quá mong manh. Khi đi theo thầy, các ông đã thầm mong được vinh hoa phú quý. Thầm mong này sẽ chẳng bao giờ ăn khớp được với ý định của Thầy.
Chính vì thế, Chúa Giêsu đã nói với các ông: Ai muốn làm đầu thì phải là kẻ rốt hết và trở nên tôi tớ cho mọi người. Ai tiếp đón một trẻ nhỏ là tiếp đón Thầy. Từ đây, các ông thấy được việc đi theo Đức Kitô là sắm lấy cho mình một vị trí trong Nước Trời bằng tinh thần của một đời sống xả thân, khiêm tốn, vô vị lợi.
Khi ai đó xem vinh hoa trần tục như những giá trị để trau chuốt phải đạt tới bằng bất cứ giá nào, là người ấy đã xa lìa tinh thần của Chúa. Người của Tin Mừng phải là tôi tớ cho mọi người, phải biết phục vụ để mưu cầu lợi ích cho người khác, mà không được đặt mình trong một vai vế, trong một chức vụ, trong một địa vị nào cả. Chúa Giêsu đã lấy một em nhỏ làm khuôn mẫu cho Nước Trời. Có nghĩa là chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ, đồng thời phải quan tâm giúp đỡ những người rất tầm thường, bé nhỏ, không có gì trả lại hay đền ơn được cho chúng ta.
Đối chiếu lời Chúa dạy hôm nay với cuộc sống thực tế của bản thân, chúng ta cảm nhận được những gì? Sự dấn thân và phục vụ của chúng ta đã ở vào chừng mực nào và mục đích của nó là gì, giúp đỡ người khác hay mưu cầu danh lợi cho riêng bản thân mình. [Mục Lục]
3. Đầy tớ của mọi người
Bác sĩ Mayo là người đã xây dựng một bệnh viện nổi tiếng trên thế giới tại bang Minnesota. Ngày kia có một đoàn chuyên viên từ Âu châu đến thăm. Và theo tập tục ở đó, thì ban tối, trước khi đi ngủ, khách sẽ để giày của mình ở ngoài cửa phòng và sẽ có người đến lấy để đánh bóng. Bác sĩ Mayo là người về sau cùng khi đêm đã khuya. Ông thấy các đôi giày để ở ngoài của phòng, nhưng ngần ngại không muốn đánh thức các người giúp việc. Ông thở dài rồi đem các đôi giày xuống bếp và tự tay ông, thức đến quá nửa đêm để đánh bóng những đôi giày của khách.
Câu chuyện trên làm cho chúng ta nhớ tới lời Chúa qua đoạn Tin Mừng sáng nay: Nếu ai muốn làm lớn, thì phải trở nên kẻ rốt hết. Cũng như các tông đồ, chúng ta thường hay tranh luận xem ai trong chúng ta là người lớn nhất. Và Chúa Giêsu đã trả lời: Người lớn nhất phải làm đầy tớ cho mọi người. Chính Chúa Giêsu đã làm gương trước cho chúng ta. Ngài phán: Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Và rồi trong bữa Tiệc ly, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngài phán: Các con gọi Ta là Chúa và là Thầy thì phải lắm. Nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.
Vậy chúng ta phải làm gì để noi theo mẫu gương của Ngài về vấn đề phục vụ? Chúng ta đã giúp đỡ những người anh em như thế nào? Chúng ta đối xử với những người đã làm ơn cho chúng ta ra làm sao? Và thế nào là một người đầy tớ? Tôi xin thưa đó là một người được mướn để làm việc, đặc biệt là những việc trong nhà. Và theo một ý nghĩa rộng rãi hơn, thì người đầy tớ là một người hăng hái nhiệt tình với người khác bằng một mục đích, một niềm tin. Và phục vụ có nghĩa là làm một việc để giúp đỡ hay đem lại lợi ích cho người khác.
Trong chiều hướng đó thì tất cả chúng ta đều được mời gọi để trở nên những tôi tớ. Chẳng hạn: người mẹ trong gia đình thực sự là đầy tớ cho cả nhà, bởi vì mỗi chức vụ đều có những cơ may để phục vụ. Điều quan trọng là chúng ta đã thực hiện được tinh thần tôi tớ ấy hay chưa.
Đức Giáo Hoàng người đứng đầu Giáo Hội công giáo, nắm giữ một địa vị quan trọng nhất trên thế giới, thế mà ngài vẫn tự nhận cho mình là “servus servorum”, tôi tớ của các tôi tớ.
Để kết luận, chúng ta hãy đánh giá cao việc phục vụ của những người chung quanh chúng ta, chẳng hạn như người bán hàng, người hốt rác, người giảng dạy. Đồng thời trong giây phút này, chúng ta hãy phục vụ Thiên Chúa bằng việc dâng thánh lễ, như một đỉnh cao của tinh thần phục vụ. Rồi khi trở về với cuộc sống, chúng ta hãy biến cuộc sống trở thành một thánh lễ nối dài bằng chính tinh thần phục vụ của mình. Mỗi người chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem: Trong hoàn cảnh của tôi, tôi phải làm những gì để phục vụ và giúp đỡ những người anh em của tôi. [Mục Lục]
4. Phục vụ
Ai muốn làm lớn, hãy trở nên như tôi tớ cho mọi người. Như chúng ta đã biết, thánh Phanxicô Salêsiô là một giám mục nổi tiếng. Ngài có một người giúp việc, và người giúp việc này lại mắc phải cái tật nghiện rượu. Buổi tối khi công việc đã xong, anh thường hay xuống phố cùng với mấy người bạn nhậu lai rai nơi quán cóc.
Lần kia, anh ta nhậu ngoắc cần câu luôn, về tới nhà thì trời đã khuya. Vì xỉn, anh ta không biết lối vào nhà, thế là anh ta liền nằm trước cửa tòa giám mục mà ngủ. Lúc bấy giờ thánh Phanxicô Salêsiô vẫn còn thức, nghe tiếng động, ngài liền ra mở cửa và khi nhận ra anh giúp việc, ngài bèn bồng anh ta, đặt vào giường của mình để anh được nằm ngủ.
Buổi sáng thức dậy, anh giúp việc thấy mình nằm trong phòng của Đức giám mục, bèn nhớ tới bữa nhậu tối hôm trước và thế là anh vội quì xuống xin Đức giám mục tha thứ. Và cũng kể từ đó anh chừa bỏ được cái tật xuống phố nhậu lai rai với bè bạn nơi quán cóc.
Qua câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy thái độ cư xử của thánh Phanxicô Salêsiô thật là đẹp đẽ. Là một vị giám mục nổi tiếng, thế mà ngài không ngần ngại cúi xuống, bồng ẵm người đầy tớ đang xỉn rượu, lại còn đem về phòng, đặt trên giường của mình cho người đầy tớ ấy được yên giấc. Còn mình thì phải đi tìm chỗ khác.
Thái độ ân cần ấy gợi lại cho chúng ta hình ảnh một người Samaria nhân từ trong Phúc âm, đồng thời cũng nhắc nhở cho chúng ta nhớ tới lời Chúa truyền dạy: Ai muốn làm lớn, hãy trở nên như tôi tớ cho mọi người.
Chính Chúa Giêsu cũng đã làm gương trước cho các môn đệ cũng như cho mỗi người chúng ta bắt chước, khi quì xuống rửa chân cho các ông trong buổi tối ngày Thứ năm Tuần thánh. Rồi Ngài cũng đã tâm sự với các ông: Nếu Ta là Chúa và là Thày mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.
Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy người ta nhắc tới khẩu hiệu sau đây: Mình vì mọi người. Thế nhưng, rất ít người đã thực hiện được khẩu hiệu ấy. Đáng lẽ ra mình phải vì mọi người, thì họ lại muốn mọi người phải vì mình, có nghĩa là họ muốn mọi người phải để ý đến họ, mọi người phải ca tụng họ, mọi người phải nâng đỡ họ, mọi người phải phục vụ họ, mọi người phải đem lại lợi ích cho họ.
Cách sống trên hoàn toàn trái ngược với mẫu gương của Chúa: Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực hiện điều Chúa truyền dạy đó là dấn thân để phục vụ và giúp đỡ người khác hay chưa? [Mục Lục]
5. Theo Chúa phải khiêm nhường phục vụ
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Sau khi thăm dò ý kiến dân chúng về chính con người của mình, Chúa Giêsu quay sang hỏi các môn đệ, và nhận được phản hồi từ Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8, 29). Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải cho các ông biết Người là “Người Tôi Tớ đau khổ” được Isaia loan báo cũng Đavít đã nói trong Thánh Vịnh 22 (21). Người Tôi Tớ ấy: “Sẽ phải chịu đau khổ nhiều…bị giết đi” (Mc 8, 31).
Các môn đệ kia không biết các ông có hiểu hay có ý kiến gì không, vì không thấy ai nói gì? Còn Phêrô, vì không chấp nhận mạc khải ấy nên đã bị khiển trách nặng nề: “Satan, hãy lui đi” (Mc 8, 33). Nhưng với tình thầy trò, Chúa Giêsu tiếp tục dạy dỗ các ông nhiều điều, dẫn các ông lên một ngọn núi cao và biến hình trước mặt các ông, để củng cố niềm tin của các ông trước cuộc Khổ Nạn sắp tới.
Bài học về sự phục vụ
Sau khi biến hình, thầy trò xuống núi, trở lại với các môn đệ kia, Chúa Giêsu lại tiếp dục dạy dỗ các ông lần thứ hai: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Marcô ghi rõ: “Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người” (Mc 9, 10), nghĩa là có Phêrô, Giacôbê và Gioan vừa chứng kiến cảnh Thầy biến hình, vậy mà các ông vẫn không hiểu, vì không hiểu nên các ông mới hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?” (Mc 9,10) Và cũng từ sự không hiểu biết này dẫn đến cuộc cãi vã dọc đường (x. Mc 9, 34), tệ hơn nữa Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho được một ngồi bên tả, một ngồi bên hữu Thầy (x. Mc 10, 35). Câu trả lời của Chúa Giêsu thật mạnh mẽ: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9, 35); Và Người nói tiếp: “Cũng vậy, Con Người đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống cho nhiều người” (Mc 10, 45).
Bài học về sự khiêm nhường
Khiêm nhường đón tiếp cả trẻ nhỏ và trở nên người rốt hết phục vụ mọi người, là điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình phải noi theo. Kiêu ngạo sẽ biến người ta trở thành kẻ tự phụ, đề cao mình không đúng mức, hoặc khinh dể kẻ khác, tìm cách hạ người khác xuống để mình được tôn lên. Người kiêu ngạo hay khoe khoang và có thái độ tự đắc, rất ham thích địa vị và tiếng khen, muốn được phục vụ và không phục thiện. Ai không đồng ý kiến, hay nói lời khinh chê, thì họ tỏ thái độ buồn giận bực tức và tìm cách trả thù. Hậu quả là kẻ kiêu ngạo bị Thiên Chúa đối địch và người đời ghen ghét.
Kinh Thánh dạy rằng: “Thiên Chúa chống đối kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho người khiêm tốn” (x. Gc 4,6). Kẻ kiêu ngạo không những bị Thiên Chúa đối địch mà còn bị người đời ghét bỏ và xa tránh. Bị người đời chống lại đã nguy hiểm, phương chi bị Thiên Chúa đối địch thì khủng khiếp biết bao, khốn nạn biết chừng nào. Có lời Chúa phán “Kẻ nào tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và kẻ nào tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên” (Mt 23,12)… Nếu như bạn có điều gì tốt, hãy nhận về bạn, nhưng đừng quên lỗi lầm của bạn; đừng thổi phồng những gì hôm nay bạn đã làm tốt, đừng loại sự xấu gần đây và trong quá khứ; nếu điều hiện tại mang lại cho bạn hư vinh, hãy nhớ quá khứ; đây là cách bạn nhận ra sự kém cỏi của mình!
Và nếu bạn thấy lỗi lầm của tha nhân, hãy thận trọng coi như lỗi này ở trong anh em, nhưng cũng phải suy nghĩ về những gì tốt anh em đang làm hoặc đã làm ; nếu bạn duyệt toàn bộ cuộc sống của bạn và không tính toán chi li, thì theo lẽ thường, bạn sẽ khám phá ra điều tốt nơi mình. Thiên Chúa không để ý đến từng li từng tí của con người… chúng ta phải luôn nhắc nhủ nhau rằng, đừng có kiêu ngạo, hãy ăn ở khiêm hường và hạ mình xuống để được nhấc lên.
Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã từ trời hạ mình xuống… Nhưng sau khi tự hạ, Người đã được tôn vinh, những người bị ngược đãi như các môn đệ đầu tiên, hay những người nghèo khổ, đói rách, trần truồng, đi khắp thế gian, không lời khôn ngoan, không đánh trống phô trương, nhưng nhiệt thành làm việc, lang thang trên đất và trên biển, bị đánh đập, bị ném đá, bị trục xuất và cuối cùng bị giết cũng được tôn vinh với Người.
Chúng ta cũng vậy, hãy bắt chước họ và bước theo để được vào nơi đầy ánh sáng và vinh quang đời đời, đây là món quà tốt hảo và chân thật Thiên Chúa dành cho những ai đi theo đường lối Người.
Lạy Chúa Giêsu khiêm nhường và hiền lành, xin giúp chúng con dẹp tính khoe khoang, cậy mình và năng nhớ lời Chúa dạy: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9, 35). Amen. [Mục Lục]
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ