Chúa Nhật XV Thường niên

196 lượt xem 14 Tháng Bảy, 2018

SỨ MẠNG TÔNG ĐỒ VÀ NGÔN SỨ

“Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một” (Mc 6, 7a)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

Câu chuyện về sứ mạng của Amos cho thấy nét đặc biệt của ơn gọi ngôn sứ, ơn gọi mãnh liệt phát xuất từ Thiên Chúa đến nỗi người được gọi không thể thoái thác hay chối từ.

Từ vùng đất Giuđa, vương quốc miền Nam, Amos được Chúa kêu gọi làm ngôn sứ tại Bêthel, nơi có đền thờ của vương quốc miền Bắc là Israel (x. 7, 13). Dù Amos chỉ là một người chăn đàn vật (x. 1, 1) và chăm sóc cây sung (x. 7, 14) nhưng khi được gọi làm ngôn sứ, ông không sao cưỡng lại (x. 3, 8). Chính Thiên Chúa đã “bắt lấy” ông khi ông đang đi theo sau đoàn vật và truyền cho ông hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ngài (x. 7, 15).

Trong hoàn cảnh vương quốc Israel ở miền Bắc đang trong cảnh hòa bình, thịnh vượng, đời sống kinh tế đang phát triển; người ta xây biệt thự (x. 3,15), ăn uống tiệc tùng (x. 6, 4-6), buôn bán, thì Amos lại tố cáo những bất công trong xã hội (x. 6, 12), sự ngược đãi người nghèo (x. 4, 1), tình trạng gian dối, bóc lột (x. 8, 5). Trước những bất công và khốn cùng của người nghèo, Amos cho thấy sự thịnh vượng chỉ là cảnh an toàn giả tạo và tuyên sấm về cảnh mất nước nhà tan sắp xảy đến (x. 6, 14; 7, 17). Amasia, vị tư tế tại đền thờ Bêthel, lo ngại vì Amos dám tuyên sấm chống lại nhà vua ngay trong đền thờ nên khuyên ông trở về Giuđa, nhưng Amos vẫn một mực trung thành với sứ mạng ngôn sứ mà Thiên Chúa đã trao phó cho ông.

2. Bài đọc 2:

Qua bài thánh ca quen thuộc mà Hội Thánh đọc hằng tuần, thánh Phaolô dâng lời chúc tụng Thiên Chúa, vì trong và nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa đã thực hiện công trình cứu độ và ban cho muôn vàn ơn phúc cho con người.

Trước hết là ơn được tuyển chọn (Ep 1, 4). Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã yêu thương, tuyển chọn chúng ta trước khi tạo thành vũ trụ và đặt chúng ta vào trong chương trình cứu độ. Như vậy, sự tuyển chọn và cứu độ cho con người được đặt lên hàng đầu trong toàn bộ công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Mục đích của sự tuyển chọn là để con người được trở nên tinh tuyền, thánh thiện trước nhan Thiên Chúa.

Sau nữa là ơn làm nghĩa tử của Thiên Chúa (Ep 1, 5-6). Theo ý muốn và lòng nhân ái của Thiên Chúa, Ngài đã tiền định cho chúng ta được làm nghĩa tử, làm anh em của Đức Giêsu, Đấng là Trưởng Tử, là nguồn mạch và gương mẫu cho ơn làm nghĩa tử (x. Rm 8,29). Đồng thời, ơn làm nghĩa tử là để chúng ta hằng ngợi khen ân sủng mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu là Con yêu dấu của Ngài.

Thêm vào đó là ơn được cứu chuộc (Ep 1, 7-8). Trong Đức Kitô và nhờ máu Người đổ ra, Thiên Chúa, do lượng ân sủng phong phú của Ngài, đã thực hiện trong lịch sử ý định Ngài đã có từ muôn đời, là cho Đức Kitô chết trên thánh giá, đổ máu ra mà ban ơn tha thứ cho loài người, chuộc lại con người đã bị làm nô lệ tội lỗi.

Sau cùng là ơn được biết mầu nhiệm của Thiên Chúa (Ep 1, 9-10a). Chương trình cứu độ của Thiên Chúa được giữ kín từ muôn thuở, nhưng nay Ngài ban cho con người sự khôn ngoan thông hiểu để được biết: đó là kế hoạch yêu thương thực hiện trong Đức Kitô, là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền thủ lãnh duy nhất là Đức Kitô. Ơn cứu độ trong Đức Kitô qui tụ muôn loài thành một thể thống nhất dưới quyền Đức Kitô; qui tụ muôn người vào trong một Hội Thánh duy nhất do Đức Kitô thiết lập.

3. Bài Tin Mừng

Chúa Giêsu sai nhóm Mười Hai ra đi loan báo Tin Mừng, và đòi hỏi các ông phải khước từ những gì không cần thiết để chỉ tập trung chu toàn sứ mạng được giao phó.

Trước hết, Chúa Giêsu sai từng hai môn đệ để các ông tương trợ lẫn nhau và để lời chứng của các ông có giá trị. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng ban cho các ông quyền trừ quỷ, nghĩa là cho các ông chia sẻ phần nào quyền năng của Thiên Chúa trên ma quỷ và sự dữ. Khi các môn đệ biết cộng tác và hỗ trợ lẫn nhau, cũng như khi các ông biết cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa, thì sứ mạng của các ông mới đem lại kết quả.

Hơn nữa, Chúa Giêsu chỉ thị cho các ông khi đi đường không được mang những gì không thật sự cần thiết cho sứ mạng loan báo Tin Mừng như lương thực, bao bị, tiền bạc vì “làm thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10, 10; x. Lc 10, 7). So với các tác giả Nhất Lãm khác, chỉ riêng Marcô nói đến việc được mang cây gậy và đôi dép khi đi đường (x. Mt 10, 1-15; Lc 9, 1-6). Trong Cựu Ước, cây gậy là dấu chỉ quyền năng Thiên Chúa trao cho Môsê, Aaron (x. Xh 4, 2; 14, 16; 17, 5), nên việc các môn đệ cầm cây gậy có thể ngầm ý rằng các ông chỉ có thể cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa mà thôi. Ngoài ra, việc Mátthêu và Luca cấm các môn đệ đi giày có lẽ muốn nói rằng cấm mang theo một đôi giày dư ra, vì đi chân đất trên các nẻo đường đầy sỏi đá xứ Palestine rất khó khăn. Hơn nữa, có thể vào thời Marcô, tình thế khá nguy hiểm cho người môn đệ truyền giáo, nên Marcô chấp nhận giảm nhẹ để người môn đệ có phương tiện tự bảo vệ là cây gậy và đôi dép.

Sau cùng, nhiệm vụ chính yếu của các môn đệ là đến ở với người ta, rao giảng kêu gọi họ ăn năn sám hối, trừ quỷ và xức dầu để chữa những người đau ốm. Khi xức dầu để chữa lành bệnh nhân về thể lý cũng như kêu gọi người ta sám hối và trừ quỷ để chữa lành những bệnh tật trong tâm hồn, các môn đệ được chia sẻ sứ mạng chữa lành của Chúa Giêsu. Tất cả những ai đón nhận các môn đệ là sẵn sàng mở lòng để đón nhận ơn chữa lành từ Thiên Chúa; còn những ai chối từ các ông là chối từ ân sủng chữa lành của Thiên Chúa. Và việc giũ bụi chân là để cho họ thấy rằng việc chối từ ơn chữa lành của Thiên Chúa là một thiếu sót, một sai lầm nghiêm trọng.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Ơn ngôn sứ không phải là sự chọn lựa của Amos nhưng là lời mời gọi từ Thiên Chúa. Sứ mạng ngôn sứ đòi buộc Amos phải rời bỏ quê quán để đến một nơi mà ông không mong muốn, thôi thúc ông tuyên sấm những gì Thiên Chúa truyền, dù lời sấm có thể phải chống lại cả những người quyền thế. Dù bị ghen ghét, xua đuổi, Amos vẫn trung thành với sứ mạng được giao phó. Qua Bí tích Rửa tội, mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi làm ngôn sứ cho Chúa, nói những điều Chúa truyền, và không lùi bước trước những khó khăn. Dù gặp phải sự chối từ, hay thậm chí xua đuổi, loại trừ, vẫn một mực trung thành với sứ mạng Chúa trao.

2/ Thánh Phaolô chúc tụng Thiên Chúa vì đã mặc khải cho con người biết chương trình cứu độ của Ngài. Trong và nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa tuyển chọn con người, cho được làm nghĩa tử và ban ơn cứu độ là tha thứ muôn vàn tội lỗi nhờ máu Đức Kitô đổ ra trên thập giá. Mọi Kitô hữu đều được lãnh nhận những ơn phúc cao quý này, được thôi thúc sống tinh tuyền, thánh thiện và cùng với Đức Kitô mà ca tụng Thiên Chúa.

3/ Các Tông Đồ được Chúa Giêsu chia sẻ quyền năng và sứ mạng chữa lành về thể lý và tinh thần. Để có thể chu toàn sứ mạng này, các Tông Đồ phải sống tinh thần phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa và hoàn toàn thanh thoát đối với của cải. Sống thanh thoát để không cậy dựa hay lệ thuộc thái quá vào của cải vật chất hoặc bất cứ phương tiện nào khác ngoại trừ lòng tín thác hoàn toàn vào quyền năng của Thiên Chúa vẫn luôn là chìa khoá thành công của người tông đồ Chúa Kitô mọi nơi và mọi thời.

Suy niệm

Ðức Giêsu là người làm nên Nhóm Mười Hai.

Sau một thời gian ở với Ngài (Mc 3,14),

họ đã được Ngài sai đi rao giảng.

Người được sai đi

phải là người có đời sống gần gũi thiết thân với Chúa.

Ðức Giêsu sai họ lên đường.

Ngài trao cho các ông những quyền năng Ngài có:

quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ.

Ðó là hành trang lên đường của các ông.

Mọi hành trang khác chỉ là phụ thuộc:

một chiếc áo đang mặc,

một cây gậy và đôi dép khi đi đường.

Ðức Giêsu cấm các ông không được mang theo

lương thực, bao bị, tiền bạc…

Không lương thực đi đường nên có thể bị đói.

Không bao bị nên không thể để dành.

Không tiền bạc nên không thể mua sắm.

Ngài muốn các ông hoàn toàn nương tựa

vào lòng tốt của Thiên Chúa và của con người.

Ra đi mà không có một chút bảo đảm.

 

Các môn đệ đã đi từ nơi nọ đến nơi kia,

lê gót qua các làng mạc và thành phố.

Họ không đóng đô ở một nơi, dù gặp thành công,

vì họ nhớ lời của Thầy:

“Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh,

để Thầy còn rao giảng ở đó nữa” (Mc 1,38)

Tính cơ động là đặc tính thiết yếu của người tông đồ.

Sẵn sàng đến và cũng sẵn sàng đi.

 

Các môn đệ loan báo về Nước Thiên Chúa đang đến.

Ðó là một tin vui, nhưng đòi con người hoán cải.

Hoán cải là điều chẳng ai ưa.

Người tông đồ cần can đảm nói điều phải nói.

Không làm nhẹ đi những đòi buộc của Tin Mừng,

không bóp méo Tin Mừng để tìm thành công cá nhân,

cũng không mỵ dân để vuốt ve dư luận.

Người tông đồ phải chấp nhận được tiếp đón

một cách nồng hậu hay lạnh nhạt.

Họ chỉ là những người phục vụ cho Tin Mừng.

Chúng ta cần cảm nghiệm niềm vui của các môn đệ.

Những người đánh cá nay trở thành nhà rao giảng.

Những người ít học, bình dân, nay trừ quỷ và chữa bệnh.

Họ đem đến cho con người niềm vui,

sự giải phóng toàn vẹn cả hồn lẫn xác.

 

Hôm nay Ðức Giêsu vẫn sai ta đến trong thế giới.

Ði từng hai người hay từng nhóm để nâng đỡ nhau.

Chúng ta có thể mang theo nhiều đồ trang bị hơn xưa,

nhưng không vì thế mà bỏ rơi cậy dựa vào Chúa.

Thế giới hôm nay vẫn có nhiều bệnh tật:

bệnh tuyệt vọng chán chường, bệnh hoài nghi khép kín…

Ước gì chúng ta chữa lành những nỗi đau hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin sai chúng con lên đường

nhẹ nhàng và thanh thoát,

không chút cậy dựa vào khả năng bản thân

hay vào những phương tiện trần thế.

 Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:

rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,

chữa lành những người ốm đau.

 Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng

với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,

biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

 Xin ban cho chúng con khả năng

đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

 Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ

của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

 Lạy Chúa Giêsu,

thế giới thật bao la

mà vòng tay chúng con quá nhỏ.

Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau

mà tin tưởng lên đường,

nhẹ nhàng và thanh thoát.

 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

HÀNH TRANG CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ

Trong sinh hoạt của giáo phận hoặc các nhà dòng, cứ vào dịp hè, các cha các thầy, các sơ thường quan tâm đến việc bổ nhiệm, thuyên chuyển. Có những người từ thành thị về thôn quê, có người từ vùng sâu ra thành thị, có người mới chuyển được một hai năm nay lại tiếp tục lên đường. Ngược lại, có những người đã làm việc nhiều năm nhưng vẫn chưa được thuyên chuyển. Có những người lên đường trong vui vẻ vâng lời, nhưng cũng không ít người ra đi trong tiếc nuối ngại ngùng; Và, cũng có một vài trường hợp, tìm cách níu kéo, chần chừ, không muốn ra đi.
Thưa quý OBACE, căn cốt người môn đệ là người được tuyển chọn và sứ mạng của người môn đệ là làm theo lệnh sai đi. Vì nếu không làm theo lệnh sai đi, thì việc làm của người đó chỉ là việc làm mang tính cá nhân, thỏa mãn sở thích của mình, không còn phải là việc của Giáo Hội nữa. Vì được gọi và được sai đi, nên dù công việc của người môn đệ thành công hay thất bại đều là việc của Chúa và của Giáo Hội, “thành công không kiêu, thất bại không nản”.
Trong thực tế, người môn đệ khi được sai đến một môi trường mới, không phải lúc nào cũng thành công, trái lại có nhiều lúc thất bại ê chề, nhưng người đó vẫn bằng an vì biết mình đang làm việc của Chúa, làm theo ý Chúa. Cũng có thể trong mắt của người đời, người môn đệ dường như bị thất bại, nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài có thể biến sự thất bại của người này thành ích lợi cho người khác.
Lần đầu tiên khi thi hành sứ mệnh được trao, rao giảng, kêu gọi dân Israel sám hối, tiên tri Amos đã không thành công. Ông không chỉ bị từ chối, mà còn bị dân chúng xua đuổi, mỉa mai. Tiên tri Amos là người miền Nam xứ Giuđêa. Ông được Chúa gọi đi làm ngôn sứ, cảnh báo về lối sống sai lệch của người miền bắc là Israel. Vương quốc Israel lúc đó phát triển về xã hội, kinh tế, cuộc sống giàu có xa hoa. Cùng với sự phát triển kinh tế là sự suy thoái về đời sống đạo đức, sống gian dối, làm ăn bất công lươn lẹo, bỏ rơi người nghèo khổ. Người dân đã từ bỏ giới răn lề luật của Thiên Chúa và sống theo những thói tục dân ngoại. Tiên tri Amos được Chúa gọi và sai đến để cảnh tỉnh nhà vua, các tư tế và dân chúng về lối sống sa đọa đó. Dân Israel đã không nghe mà còn tìm cách trục xuất Amos. Họ nói với ông: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giuđa, quê ông mà kiếm ăn và giảng dạy ở đó. Đừng hòng mà hoạt động ở đất Bêthel này”. Tiên tri Amos đã trả lời: “Tôi không phải là nhà ngôn sứ, gia đình tôi cũng không thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn cừu và hái lá sung. Nhưng Chúa bắt lấy tôi và nói với tôi: ‘Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta’. Và tôi đã đi. Câu trả lời của Amos cho thấy ông được sai đi là để nói lời của Chúa và ý của Chúa cho dân. Vì thế, ông đi theo lệnh của Chúa và nói là nói những gì Chúa muốn. Chúa dùng ông như một dụng cụ của Chúa và ông chỉ như một đầy tớ hoàn toàn vâng phục ý Chúa. Đó chính là thái độ mà người ngôn sứ phải có, là sẵn sàng để cho Chúa sử dụng môi miệng, cả con người, sức lực và khả năng của mình theo ý Chúa.
Tin Mừng Marcô cho thấy, khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu còn đòi hỏi gắt gao hơn nữa. Chúa sai từng hai người một và dặn các ông: “Không mang gì, trừ cây gậy, không mang lương thực, bao bị, tiền bạc”.Sai từng hai người làm thành một nhóm để cho thấy lời các ông rao giảng là lời đáng tin và việc làm của các ông có người làm chứng là chân thật. Sai từng hai người đi, để cho thấy các ông không ra đi trong lẻ loi đơn độc, nhưng làm việc với những anh em cùng chung sứ mạng. Như thế, cho dù các ông thành công hay thất bại, các ông sẽ không nản lòng cũng không kiêu ngạo, không tìm kiếm thành công hay vinh dự cho cá nhân, mà là của tập thể. Các ông cũng không phải mang lương thực bao bị tiền bạc, không mang hai áo, vì các ông ra đi trong sự quan phòng phó thác cho Chúa. Các ông không phải bận tâm về nhu cầu cuộc sống cá nhân vì Chúa sẽ lo liệu cho các ông. Như thế, Chúa muốn những kẻ được sai đi phải dám sống trong sự tin tưởng phó thác hoàn toàn cho Chúa, không cậy dựa vào các thế lực hay tham lam vật chất, danh vọng trần gian và phải dám sống khó nghèo.
Chúa cũng dặn các ông: “Khi vào nhà nào, anh em hãy ở lại đó cho đến khi ra đi. Nơi nào người ta không đón tiếp anh em, thì hãy ra khỏi đó và giũ bụi chân trả lại cho họ”. Lời dặn này có nghĩa là người tông đồ được sai đến với những con người và với các hoàn cảnh sống của gia đình và xã hội. “Hãy ở lại đó cho đến khi ra đi”,là để có thể thực sự hiểu và chia sẻ với cuộc sống của các gia đình. “Ở lại nơi đó”, còn có nghĩa là vui lòng đón nhận các hoàn cảnh khác nhau của nơi mình được sai đến, không chọn lựa hay tìm kiếm sự thoải mái tiện nghi, không đứng núi này nhìn núi khác. Nơi nào người ta không đón tiếp thì hãy ra khỏi đó và giũ bụi chân trả lại. Như vậy, Chúa cũng muốn nói trước với các tông đồ, khi thi hành sứ mạng không phải lúc nào các ông cũng thành công hoặc được mọi người đón tiếp, trọng kính. Nhưng sẽ có khi các ông gặp thất bại, bị từ chối hoặc chống đối. Trong những trường hợp đó, các ông vẫn giữ được sự bình an và niềm vui trong tâm hồn vì mình đã làm việc của người được sai đi. Tin Mừng cũng cho thấy sự thành công bước đầu của các môn đệ: “Các ông đi rao giảng, kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Các ông trừ nhiều quỷ và xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh”. Câu kết luận này cho thấy, những người được Chúa sai đi đã làm những việc Chúa Giêsu đã làm và kêu gọi những điều Chúa Giêsu kêu gọi. Nói khác hơn, những người được sai đi đã trở thành hiện thân của Chúa Giêsu, là cánh tay nối dài và là trái tim mở rộng của Chúa.
Thưa quý OBACE, qua Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta được Chúa gọi và sai đi như các môn đệ ngày xưa. Chúa muốn chúng ta nhiệt tâm ra đi nói về Chúa cho anh em trong mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Chúa cũng muốn chúng ta dám sống tâm tình phó thác cho Chúa, miệt mài với sứ mạng, không tìm kiếm thành công, danh vọng địa vị hay vật chất theo kiểu của thế gian, nhưng mang trong mình niềm tự hào vì được cộng tác với Chúa và là cánh tay nối dài của Chúa. Chúng ta được mời dám sống trong sự tin tưởng vào Chúa dù lúc thuận lợi hoặc khi gặp khó khăn, lúc người ta nghe và đón tiếp hoặc khi bị từ chối, xua đuổi. Chúng ta cũng được mời gọi đón nhận mọi trở ngại với tâm hồn bình an và tin rằng Chúa luôn ở với ta và trợ giúp ta trong sứ mạng lớn lao này.
Chúa đang sai các bậc cha mẹ vào trong các gia đình để yêu thương, rao giảng, kêu gọi mọi thành viên sám hối. Chúa cũng trao cho cha mẹ trách nhiệm xua trừ ma quỷ và sự xấu trong gia đình, đồng thời chữa lành bệnh tật của gia đình và trong tâm hồn các thành viên. Vì thế, chúng ta đừng chỉ mải mê tìm kiếm vật chất cho gia đình, mà hãy chuyên tâm vào việc canh tân biến đổi các thành viên trong gia đình nên tốt hơn, sống đúng với Tin Mừng hơn, làm cho gia đình trở nên yêu thương ấm cúng hơn
Các anh em Tin Lành rất nhiệt thành trong việc giới thiệu về Chúa cho người khác. Họ nói về Chúa ở khắp nơi, khi đi đường, lúc trên xe, lúc ngồi quán, dù bị từ chối hay được đón nhận. Còn những người Công Giáo lại không mạnh dạn nói về Chúa như họ. Phải chăng chúng ta không biết về Chúa Kitô và Tin Mừng của Người hay chúng ta còn bận vướng nhiều thứ khiến không thể nói về Chúa cách xác tín được? Qua Bí Tích Rửa Tội, mỗi người được Chúa sai đi làm chứng nhân cho Chúa. Chúng ta phải loan báo Tin Mừng Tình Yêu, sự tha thứ và ơn giải thoát cho thế giới này. Cho dù được thế giới đón nhận hay từ chối, chúng ta vẫn phải không ngừng nói về Chúa và đem tình yêu thương, lòng bao dung tha thứ vào trong xã hội hôm nay.
Có một người thắp một ngọn đèn và từng bước lên một ngọn tháp cao. Càng lên cao gió càng mạnh, khiến cho ngọn đèn run rẩy. Ngọn đèn thưa với ông chủ: “Thưa ông, ông đem con đi đâu?” Ông chủ đáp: “Ta đem con lên ngọn tháp”. Ngọn đèn đáp: “Thưa ông con bé nhỏ làm sao có thể đương đầu được với gió bão”. Ông chủ đáp: “Việc đó để ta lo”. Ngọn đèn lại năn nỉ: “Mình con làm sao có thể làm gì được?” Ông chủ lại trả lời:“Việc đó để ta lo”. Một lần nữa ngọn đèn lại năn nỉ: “Thưa ông con không thể làm được việc đó”. Ông nói với ngọn đèn: “Chỉ cần ngươi cứ cháy sáng hết mình, còn việc khác để ta lo”. Lên đến đỉnh tháp, ông chủ đặt ngọn đèn vào giữa những tấm kiếng. Kỳ diệu thay, từ một ngọn đèn nhỏ khi được đặt vào giữa những tấm kiếng, nó trở thành một ngọn hải đăng chiếu ánh sáng để dẫn lối cho tàu bè đi lại.
Chúa cũng muốn chúng ta cứ cháy sáng hết mình. Còn các việc khác Chúa sẽ lo liệu. Amen.

Linh mục Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc

Nét Đẹp Thanh Thoát
Nét đẹp của một người không hệ tại ở chức vụ người đó, cũng không hệ tài ở tài sản của họ mà quan yếu là ở những gì họ cống hiến phục vụ cho đời. Càng cho đi thì giá trị họ càng cao. Càng sống thanh thoát khỏi những bon chen thì con người họ càng thanh cao. Càng sống phục vụ thì con người họ càng cần thiết cho gia đình và xã hội.
Người cao đẹp như thế cũng tựa như dòng nước. Nước nuôi dưỡng tất cả các sinh linh, tưới tắm cho vạn vật, nó không tranh đấu vì quyền lợi, và cũng không cần sự báo đáp. Mặc dầu nước rất cần cho con người. Thiếu nước con người sẽ chết. Thiếu nước vạn vật cũng không tồn tại. Nhưng nước vẫn thanh thoát tự tại, không màng đến được- mất, thắng- thua . . .
Thế nên, điều quan trọng trong cuộc sống là ta hãy tích đức. Tích đức bằng việc đến với tha nhân để thi ân, để phục vụ. Tích đức bằng việc cho đi mà không cần nhận lãnh. Sống thanh thoát khỏi những tham sân si để tâm hồn luôn cởi mở bình an. Khi con người gieo việc thiện sẽ nhận được những điều tốt lành, vì “gieo gì gặt ấy”. Càng sống quảng đại thì trời lại càng cho thêm như người xưa đã nói: “Xởi lởi Trời lại cho thêm”
Người ta kể rằng: có một người phụ nữ mù đi taxi tới một tòa nhà. Lúc đến nơi, đồng hồ hiển thị số tiền là 100 ngàn đồng. Tài xế taxi dẫn cô vào chỗ an toàn rồi nói: “Tôi không thu tiền của cô, bởi vì so với cô thì việc kiếm tiền của tôi chắc là dễ dàng hơn”.
Vừa đúng lúc này, từ trong khu cư xá, người đàn ông có dáng vẻ của một ông chủ đi ra. Ông cũng lên chiếc xe taxi đó rồi đi. Trên đường, hai người đàn ông vui vẻ chuyện trò cùng nhau. Khi xuống xe, đồng hồ hiển thị số tiền là 100 ngàn đồng nhưng người đàn ông lấy ra số tiền 200 ngàn và nói: “Tiền này bao gồm cả số tiền của người phụ nữ lúc nãy. Tôi cũng không phải vĩ đại gì, nhưng chắc là việc kiếm tiền cũng dễ dàng hơn cậu một chút, hy vọng cậu có thể tiếp tục làm việc tốt!”.
Cuộc sống giống như một chiếc gương phản chiếu, nó có thể ghi nhận rồi phản ánh hết thảy những chuyện tốt xấu của đời người. Vậy nên, sẽ có lúc chúng ta nhận ra, những việc mình đã làm cuối cùng đều sẽ quay trở lại. Gieo điều thiện sẽ gặt trong hân hoan.
Hôm nay Chúa bảo sứ giả Tin Mừng phải sống thanh thoát với tiền của vật chất. Họ vào đời không phải để bon chen kiếm tiền. Họ dấn thân không phải để xài tiền phung phí. Họ bước vào đời để làm chứng cho nhân thế một giá trị khác với vật chất tầm thường. Một giá trị vĩnh cửu mà không phải mua bằng tiền của vật chất. Họ đi vào cuộc đời để mời gọi con người tìm kiếm của ăn không hư nát là Nước Trời mai sau, chứ không phải là bon chen tìm kiếm những vinh hoa phú quý đời này.
Giáo hội luôn được người đời yêu mến vì thời nào cũng có những sứ giả tin mừng sống thanh thoát với đời để sẵn lòng phục vụ mọi người và mọi nơi. Giáo hội vẫn còn đó những con người miệt mài đi lên những miền sơn cước để truyền giáo cho anh em dân tộc vùng Tây Nguyên và vùng miền núi phía Bắc. Giáo hội vẫn còn đó những con người sống thanh thoát khỏi những tiện nghi vật chất để sống thanh bần như người nghèo, để phục vụ mà không mong đền đáp.
Đó là những chứng nhân cho Tin Mừng. Họ sống thanh thoát khỏi những tham lam bất chính như người đời vẫn làm. Họ hiểu rằng lòng tham thì vô đáy. Điều quan yếu làm nên hạnh phúc không phải là có nhiều tiền mà là biết vui với những gì mình có, biết hạnh phúc với những cái trong tầm tay. Đó là cách giúp cho con người tránh khỏi mọi tham lam bất chính.
Cuộc sống con người sẽ đẹp biết bao nếu biết sống thanh thoát với của cải, để không vì tham lam mà giết chết danh dự, nhân phẩm của mình. Cuộc sống sẽ đẹp biết bao nếu con người đến với nhau không vì tiền, không vì lợi nhuận. Nhưng để sống được điều đó con người cần có niềm tin vào Thiên Chúa. Vì tin mà họ phó thác mọi sự cho Thiên Chúa. Vì tin mà họ dấn thân cho tha nhân mà không mong đền đáp, chỉ mong cho danh Chúa cả sáng. Xin Chúa ban thêm đức tin để chúng ta có thể bước đi trong thánh ý Thiên Chúa. Amen
sưu tầm