Chúa nhật XII thường niên năm B – Sóng gió cuộc đời

387 lượt xem 23 Tháng Sáu, 2024
Chúa nhật XII Thường niên năm B - Sóng gió cuộc đời

Chúa nhật XII thường niên năm B

Sóng gió cuộc đời

Trong những năm gần đây, chúng ta được nghe rất nhiều tin làm chấn động cả thế giới: những cơn động đất, sóng thần, bão tố, liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới làm chết rất nhiều người, phá hủy bao công trình phúc lợi công cộng. Những trận cuồng phong bão táp chúng ta có thể thấy bằng con mắt giác quan, còn có những trận cuồng phong vô hình đã và đang từng ngày đổ ập vào người ta như trường hợp của ông Gióp người đầy tớ của Thiên Chúa, sóng gió hữu hình đến với các môn đệ Chúa Giê-su, và chắc chắn có sóng gió của đời ta.

Sóng gió đến với ông Gióp

Vì ghen ghét với người tín trung với Thiên Chúa, ma quỷ đã tìm mọi cách để đến gần Thiên Chúa và xin được thử thách ông. Chúa đã cho phép ma quỉ toàn quyền, trừ sức mạnh của thần chết. Thế là bằng mọi cách, ma quỉ đã làm gió làm bão lên đời ông Gióp, khiến ông bị vợ bỏ, con chết, súc vật bị phân tán và ngay cả bản thân ông cũng bị bệnh phong cùi lỡ loét, phải ngồi trên đống phân tro ngoài đồng, còn cái cảnh nào bi đát hơn, chán nản hơn, tuyệt vọng hơn. Ma quỷ đã tấn công ông từ tứ phía, lợi dụng cả bạn bè đến để khích bác, chê bai vì đã dại dột tin tưởng vào Thiên Chúa. Trong cơn thất vọng, ông cũng đã có lần buông lời than trách. Vì thế, Chúa đã hiện ra trong cơn gió lốc và cật vấn ông: “Khi biển cả vỡ bờ chảy xiết, ai đã dùng cánh cửa mà ngăn” và chỉ một lời Chúa truyền, sóng cồn đã theo đà đứng nguyên tại chỗ (G 38, 1.8 -11). Bằng lời lẽ phân minh, Chúa đã tỏ cho ông Gióp thấy Ngài là Ðấng thống trị địa cầu, phàm ai trông cậy tin tưởng vào Chúa sẽ được Ngài ấp ủ yêu thương.

Sóng cả ba đào tạt thuyền các môn đệ

Tin Mừng Thánh Máccô thuật lại, Chúa Giê-su truyền các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ” (Mc 4, 35 ) mà không nói lý do như trong Tin Mừng Mátthêu sang bờ bên kia vì “đám đông” (Mt 8, 18). Máccô còn ghi rõ: “Cũng có nhiều thuyền khác theo Người” (Mc 4, 36), nhưng không nói rõ liệu các thuyền kia có đi vào trung tâm của bão lớn hay không? Chỉ biết rằng “Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước” (Mc 4, 37). Các môn đệ quả thực sợ hãi, sợ chết, có khi sợ Thầy đang ở trong thuyền của họ cũng chết nữa! Cái chết thể xác không thể cưỡng lại nổi, nếu gió to sóng lớn đánh tan thuyền. Rồi các môn đệ than như một lời trách móc cay đắng “Mà Thầy không quan tâm đến sao?” (Mc 4, 38)

Chúng ta tự hỏi: Chúa Giêsu đã làm gì trong lúc con thuyền vượt biển? Thưa: Người tận dụng thời giờ để nghỉ ngơi và ngủ. Nhưng không phải là Người vắng mặt. Tư tưởng của Người vượt trên chúng ta qua sự nhập thể làm người.

Sau một ngày giảng dạy, khi chiều đến Chúa Giêsu muốn tránh ra xa đám đông. Mệt mỏi, Người nghỉ ngơi đôi chút. Người ngủ trên chiếc thuyền của các môn đệ, dựa gối vào đàng lái mà ngủ. Chìm vào giấc ngủ, bão tố cuồng phong không thể nào làm người tỉnh giấc. Khiến các môn đệ phải hét vào tai đánh thức Người. Chúng ta đọc được những lời thật lo âu của các môn đệ: “Thưa Thầy, chúng con chết mất” (Mc 4, 38).  Người chỗi dậy.

Chúa Giêsu đã thức dậy, can thiệp đúng lúc và truyền cho gió bão: “Hãy im đi, hãy lặng đi” ( Mc 4, 39 ). Tức thì, gió bão im lặng. Các môn đệ cảm thấy nhẹ nhõm vì không còn hoang mang, sợ hai và lo lắng nữa. Biển lặng tượng trưng cho lòng con người được an bình, được yên lặng. Sau đó, Người đã quở các môn đệ rằng: “Sao các con sợ hãi thế, các con không có đức tin ư?” (Mc 4, 40).

Chúng ta đặt mình vào trong tình huống này, cuồng phong nổi lên, sóng khiến nước ập vào thuyền, trong khi đó Chúa Giêsu vẫn ngủ. Một bên là gió rít sóng gào, bên kia là hơi thở nhẹ nhàng và đều đặn của Chúa Giêsu. Một bên là các môn đệ chạy lên chạy xuống kêu la hốt hoảng đến mất lòng tin. Bên kia là tư thế nghỉ ngơi bình an hoàn toàn thoải mái ngay ở đàng lái mạn thuyền của Chúa Giêsu. Như thế, ở giữa sức mạnh của phong ba bão táp, con thuyền được lèo lái, không phải bởi một sức mạnh lớn hơn, nhưng bằng một giấc ngủ ngon lành của Chúa Giêsu, vì Người là Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn là các môn đệ không được hoảng hốt, kêu la và đánh thức Thầy, với sự hiện diện của Thầy lẽ ra các ông phải yên tâm mới phải. Cứ để biển động, gió gào, sóng thét và nhất là cứ để Chúa Giêsu ngủ trong thuyền của các ông.

Con thuyền Giáo hội, thuyền của đời ta

Trong lịch sử, truyền thống Kitô giáo vẫn nhìn nhận con thuyền tròng trành vì bão tố, một hình ảnh của Giáo hội. Khi Mác-cô viết Tin Mừng, có lẽ Phêrô đã chịu tử đạo và giáo đoàn Rôma bị bách hại tàn bạo: “Chúng ta hãy sang bờ biên kia” (Mc 5, 35) có ý nghĩa. Mặc dù bão tố, Giáo hội phải sống và phát triển trong thế giới ngoại giáo này và không chỉ trong cộng đoàn Kitô giáo gốc Do thái mà thôi, nhưng còn từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, khắp muôn dân trở về với Giáo hội Chúa. Và sự im lặng của Thiên Chúa hiển nhiên có thể làm chúng ta quên đi tình yêu biểu lộ cho nhân loại nơi Đức Giêsu Con Thiên Chúa làm người.

Đời người ai mà chẳng có lúc sóng gió. Có lúc sóng gió tấn công vào chiếc thuyền nhỏ trong thân phận mỏng manh của đời ta. Ðau khổ bệnh tật, thất bại, cô đơn, nghèo đói, hiểu lầm, ghen ghét, tai nạn, rủi ro đó là những bão táp của đưa đẩy cuộc đời. Ðứng trước những cơn phong ba ấy, chúng ta thường hốt hoảng, lo sợ và thậm trí có khi mất niềm tin. Thế nhưng khi nghe Lời Chúa hôm nay, chúng ta thấy đó chính là sứ điệp đầy hy vọng mời gọi ta hãy tin tưởng vào Chúa vì Người là Đấng quyền năng. Không những Chúa có thể dẹp yên sóng gió của biển động, mà còn đem lại sự bình an cho tất cả những ai luôn biết tin tưởng và gắn bó với Chúa. Niềm tin ấy không làm cho đau khổ biến đi. Nhưng sẽ biến đau khổ thành sức mạnh, giúp ta vượt thắng tất cả những thử thách cam go, sóng to, gió cả của cuộc đời. Ðể cuối cùng đạt đến hạng phúc nguồn cứu độ nơi bến bờ quê hương vĩnh cửu. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Nguồn: Tổng giáo phận Hà Nội