Chúa Nhật III Phục sinh năm B

171 lượt xem 18 Tháng Tư, 2021

Chúa Nhật III Phục sinh năm B

Có một phụ nữ cõng đứa con trai 12 tháng tuổi vào rừng kiếm củi. Bà đặt đứa bé dưới một gốc cây và một mình tiến vào rừng sâu. Bỗng những tiếng hú kinh hoàng của một bầy chó sói vang lên. Người phụ nữ vội vàng trở ra để tìm đứa con nhưng đã quá muộn. Bầy chó sói đã mang đứa bé đi thật xa. Những ngày sau đó, người mẹ đau khổ đi tìm kiếm đứa con, nhưng bà hoàn toàn tuyệt vọng. Cuối cùng, người mẹ đó đã chết trong đau khổ tột cùng. Mười hai năm sau, đứa bé lớn lên giữa bầy chó sói, và nó sống giống hệt một con thú hoang. Thay cho ngôn ngữ loài người, thằng bé chỉ biết rống lên những tiếng hú ai oán làm xé lòng người. Một bữa kia, một nhóm thợ săn đã giăng bẫy và bắt được đứa bé. Một chị vú nuôi được cắt đặt để cho thằng bé ăn và dạy nó nói, nhưng nó chỉ liếm láp và vẫn cất lên những tiếng hú nghe rất não nuột. Một bữa nọ, thằng bé tìm cách chạy trốn để trở về với bầy sói, nhưng bầy sói đã đi thật xa. Vài ngày sau, vì quá đói đứa bé tìm đường trở về làng. Bà vú nuôi nhẹ nhàng đứng bên cạnh nó, vuốt ve nó cách trìu mến. Chú bé người sói đứng yên bất động. Nó khẽ cầm đôi bàn tay của người vú nuôi và đưa lên áp sát vào ngực. Những giọt nước mắt từ từ lăn dài trên cả hai khuôn mặt. Đó là cuộc hội ngộ và gặp gỡ giữa 2 trái tim của 2 con người, một phụ nữ và một đứa bé người sói. Sức mạnh của tình yêu đã tạo nên một luồng điện cao thế diễn bày sự đồng cảm. Tình yêu chính là tần số mạnh nhất để đem con người đến với nhau, cho dù con người đó đã một thời trở thành sói dữ.

Cũng vậy, cuộc hội ngộ của Chúa Giêsu và các môn đệ mà bài Tin mừng hôm nay thuật lại cũng chính là cuộc hội ngộ trong tình yêu. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Tình yêu đã thắng vượt sợ hãi. Trong tình yêu, các môn đệ đã nhận ra Đức Giêsu, Đấng Phục sinh đang ở bên cạnh và thoát vượt bóng tối u ám đang phủ ngập tâm hồn mình.

Tình yêu mạnh hơn sự chết

Đây là sự xác tín mà thánh Phaolô đã khẳng quyết trong thơ gửi giáo đoàn Rôma (Rm 8, 31-39). Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện cách tròn đầy qua cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu. Chính tình yêu đã thắng vượt cái chết và ánh sáng Phục sinh là dấu chỉ cuộc vinh thắng nơi tình yêu Thiên Chúa. Cái chết là một bóng tối khủng khiếp bao trùm lên phận người, khiến chúng ta luôn chìm nhập trong nỗi khiếp sợ. Con người chúng ta ai cũng run sợ khi đối diện trước cái chết. Cũng vậy, khi mang thân phận con người, Chúa Giêsu cũng đã rơi lệ cầu xin với Đấng có thể cứu mình khỏi chết (Dt 5,7). Khi đối diện trước cái chết của Đức Giêsu, các môn đệ cũng thất vọng và tinh thần suy sụp hoàn toàn. Sự sợ hãi dâng cao tột độ. Thánh Luca thuật lại rằng, các ông kinh hồn bạt vía vì tưởng thấy ma (Lc 24, 27). Bóng ma luôn ám ảnh và đeo bám nơi các học trò của Đức Giêsu. Tâm hồn của các ông trở nên bất an và hoang mang tột cùng. Vì thế, khi Đức Giêsu Phục sinh xuất hiện, động thái đầu tiên Chúa thực hiện là trao ban bình an cho các học trò yêu dấu. Ngài cất đi bóng ma dầy đặc đang phủ kín tâm hồn các ông. Sau đó, từ tâm trạng sợ hãi, các tông đồ đã trở nên can trường. Từ sự tuyệt vọng, tâm hồn các ông đã tràn ngập niềm vui và hy vọng (c. 41).

Cuộc hội ngộ giúp biến đổi

Trong Tin mừng Gioan, thánh ký đã liên kết các sự kiện thành một chuỗi mầu nhiệm duy nhất, gồm việc Sống lại, thổi hơi ban Thánh thần để khai sinh Giáo hội và Lên trời để đi vào trong vinh quang với Chúa Cha. Trong góc nhìn thần học ấy, chúng ta thấy được chiều kích linh thánh của mầu nhiệm Phục sinh nhằm khơi dậy niềm tin nơi các độc giả. Còn trong Tin mừng nhất lãm, nhất là trong trình thuật của thánh Luca mà bài Tin mừng hôm nay nói tới, thánh ký liên kết sự kiện Chúa Phục sinh với đời sống đức tin của Giáo hội sơ khai, mà chính Thánh Luca đã viết lại trong sách Tông đồ Công vụ. Trong bài đọc 1 hôm nay, thánh Luca, tác giả sách Công vụ Tông đồ, đã ghi lại bài giảng của thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng. Sau khi đã gặp gỡ Đấng Phục sinh, các tông đồ đã hăng hái lên đường đi đến mọi ngõ ngách, từ thành phố đến thôn quê, từ hội đường Do Thái giáo đến các quảng trường công cộng để làm chứng về Đấng mà họ đã mục kích khi Ngài chỗi dậy từ cõi chết. Thánh Phêrô nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Tình yêu ấy là động lực mời gọi chúng ta thực hành việc sám hối. Khi kết thúc bài giảng, thánh Phêrô đã nói : “ Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi của anh em” (Cv 3, 19). Khi bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai, Chúa Giêsu cũng công bố lời hiệu triệu : ‘Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng’. Tương tự như thế, sau khi đã hoàn tất cuộc hành trình vượt qua, Chúa Giêsu nhắc lại cho các môn đệ : “Có lời Kinh thánh chép rằng, Đấng Kitô phải chịu đau khổ rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24, 45). Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca nhắc lại giáo huấn trên của Đức Giêsu như một tiêu chí căn bản, giúp chúng ta diễn bày đức tin và tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa.

Sống ơn gọi tình yêu

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và các môn đệ là cuộc gặp gỡ trong tình yêu. Tình yêu là tâm điểm của mầu nhiệm Phục sinh mà thánh Phêrô đã lớn tiếng rao giảng ngoài công trường. Cũng trong triền tư tưởng đó, trong bài đọc 2 hôm nay, thánh Gioan tông đồ cũng khuyến mời chúng ta cách thức sống ơn gọi tình yêu. Ngài viết : “Những ai tuân giữ những lời dạy bảo của Đức Giêsu, nơi người ấy, tình yêu Thiên Chúa đã thực sự trở nên trọn hảo (1 Ga 2,5). Tình yêu là tên gọi và cũng là thuộc tính của Thiên Chúa, đồng thời tình yêu cũng là thẻ căn cước để chứng minh chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu.

Trong tình yêu, con người sẽ trở thành bất tử, bởi lẽ tình yêu mạnh hơn sự chết. Trong những tuần lễ sau Phục sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta đi sâu hơn vào quỹ đạo tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã chọn Chúa Nhật ngay sau lễ Phục sinh để tôn vinh Lòng Thương xót Chúa. Như Ngài đã từng cắt nghiã, lòng thương xót là tên gọi thứ hai của Thiên Chúa, và dưới một khiá cạnh nào đó, lòng thương xót cũng chính là cách thức bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa một cách tròn đầy.

Kết luận

Thánh Augustinô đã nói : “Bạn hãy yêu mến đi, rồi bạn muốn làm gì thì làm (Ama et fac quod vis). Trong tình yêu, chúng ta sẽ trở nên bất tử, bởi vì tình yêu mạnh hơn sự chết. Tình yêu sẽ giúp biến đổi con người chúng ta, cho dù chúng ta đầy tội lỗi hay vướng mắc nhiều yếu đuối. Bởi vì tình yêu Thiên Chúa có thể lấp che mọi hố sâu tội lỗi nơi tâm hồn con người. Tình yêu của Ngài như một luồng sáng, hắt dọi vào những bóng tối phủ kín cuộc sống nhân sinh, giúp chúng ta thắng vượt những sợ hãi và tuyệt vọng. Xin Chúa giúp chúng ta biết thể hiện niềm tin nơi tình yêu của Ngài.

Văn Hào, SDB