Đời sống càng khó khăn thì cuộc sống càng lo âu. Mọi lo âu đều nhằm vào việc giải toả những vướng mắc cho cuộc sống. Chúng ta lo lắng về sức khoẻ của mình, về cha mẹ, con cái, bạn bè, về công việc và về những thứ cần chi tiêu…Người chủ tiệc cưới Cana trong bài Phúc Âm hôm nay cũng có những nỗi lo lắng như thế. Ông ta lo lắng vì tiệc cưới mới tới ngày thứ ba mà rượu đã cạn, trong khi đó tiệc cưới tổ chức tới một tuần. Trong truyền thống của người Do thái ngày xưa, tiếp khách là nhiệm vụ thiêng liêng. Vì vậy, nếu thiếu thức ăn, nước uống trong một tiệc cưới là điều xấu hổ, nhục nhã cho gia đình chủ tiệc.
“Họ hết rượu rồi!” Đức Mẹ thấy trước nỗi khổ tâm của gia đình chủ tiệc. Một câu nói tế nhị, không đòi hỏi hay van xin gì mà chỉ trình bày cho Đức Giêsu nỗi băn khoăn của họ. Họ sắp xấu hổ mà báo tin cho khách mời dự tiệc là rượu đã cạn. Ai sẽ tiếp giúp họ? Ai có thể duy trì ngày vui nhất đời họ nếu không phải là Con Mẹ? Qua nỗi lo lắng của Mẹ. Đức Giêsu nhìn thấy dân Do thái đang khắc khoải mong chờ Đấng Cứu Thế giải phóng họ. Nhưng họ chỉ quan tâm đến vật chất, và những hình thức bề ngoài…ĐG đã cố gắng đưa những người tiếp xúc với Ngài đến một trật tự khác, nhưng thường thì không mấy ai hiểu Ngài? Tại sao? Vì Ngài là một con người siêu việt từ trời cao xuống hay là rượu niềm tin của họ đã cạn?
“Họ hết rượu rồi” Đây chính là nét đặc sắc của đức ái, vào bàn ăn, hãy nghĩ đến người bên cạnh hơn là chính mình; người nghèo lúc nào cũng có bên cạnh, xã hội nào cũng có người nghèo, không nghèo vật chất cũng nghèo tinh thần. Người nghèo hiện diện như một hồng ân của Thiên Chúa, người nghèo hiện diện như một lời mời gọi con người rời khỏi cái vỏ ích kỷ của mình mà trao ban chia sẻ, và người nghèo mời gọi chúng ta trao ban, vì có trao ban chúng ta mới cảm nhận được câu nói thật sâu sắc của Đức Mẹ: “Họ hết rượu rồi”. Đức Giêsu coi lời nói nầy như là tiếng thở than của người Mẹ nhân loại đang đau khổ vì những đứa con tội lỗi. Lời cầu nguyện của chúng ta có bao giờ hướng đến một nhân loại đang oằn oại khổ đau như Mẹ không? Bao kẻ bệnh tật, mồ côi, hoạn nạn, lỡ làng, bị thử thách… đang mong chờ lời cầu nguyện của chúng ta. Đức Giêsu đã chấp nhận lời đề nghị của Mẹ, mà nếu Đức Giêsu chấp nhận lời đề nghị của Mẹ thì tôi nghĩ Đức Giêsu trả lời một câu rất dễ thương “Xin Mẹ đừng lo, Mẹ không hiểu việc đang xảy ra đâu; hãy để đó cho Con, Con sẽ có cách thu xếp cho”. Quả thế sáu cái chum mà Đức Giêsu bảo gia nhân đổ đầy nước đã biến thành rượu. Đối với người Do thái, số bảy là con số tròn đầy. Vậy con số sáu là con số chưa đầy đủ, chưa trọn vẹn. Sáu cái chum nước tiêu biểu cho những cái bất toàn của tập quán và lối sống đạo dân Do thái. Đức Giêsu đã đến để kiện toàn những cái bất toàn của lề luật, thay vào đó bằng thứ rượu mới của ân sủng… Cụ thể chúng ta thấy mỗi cái chum có thể chứa 80-120 lít. Đức Giêsu đã khiến nước lã trong sáu cái chum biến thành rượu ngon, tất cả khoảng 500-700 lít rượu. Sự kiện này chúng ta cũng đừng hiểu theo nghĩa đen. Vấn đề là khi ân sủng của Chúa đã đến với mọi người thì ân sủng ấy có đủ để cung cấp cho tất cả.
“Đổ đầy tới miệng”. Trong đời sống, chúng ta cũng muốn đổ đầy những tiện nghi vật chất như: Một căn nhà sang trọng, một chiếc xe Nouvo, một chiếc di động Nokia đời mới… để sống hợp với nếp sống văn minh, để sống cho ra người có văn hoá, để sống xứng với phẩm giá con người. Điều đó xem ra không có gì ngược lại với Tin Mừng, xem ra cũng là một ước mơ chính đáng và bình thường. Tuy nhiên chúng ta cũng đừng quên ước mơ sắm cho mình một bình rượu (không phải là OX, Napoleon, Martin…) nhưng là rượu ân sủng, uống rượu nầy chúng ta sẽ được đức tin, sức mạnh và tình yêu trong Đức Giêsu.
Chi tiết: “Họ hết rượu rồi” so sánh với chi tiết: “đổ đầy tới miệng” cho thấy rằng; những gì chúng ta đã hết, đã cạn thì hãy để cho Chúa đổ đầy miễn là chúng ta có một tâm hồn đơn sơ trong sạch để mau mắn nhận lãnh ơn Ngài.
Chuyện kể rằng:
Có một bà lão đạo đức, nhưng nghèo đến nỗi không có đủ tiền mua gạo ăn. Hôm nọ, đói quá không làm gì nổi, bà chỉ còn cách quỳ gối giữa nhà, hết lòng tha thiết van nài cùng Chúa: “Lạy Chúa! Xin giúp con có gạo nấu cơm ăn chiều nay, nếu không, chắc con chết mất. Xin Chúa thương con ” Lúc đó, một người vô thần tình cờ đi ngang, anh ta giở một trò để tiêu khiển niềm tin của bà. Anh chạy lẹ ra tiệm tạp hoá gần đó, mua một ký gạo, rồi trở về ném túi gạo qua lỗ vách lá, rơi bịch trước mặt bà. Bà lão vô cùng mừng rỡ và hết sức ngỡ ngàng, đến nỗi quên cả đói khát vừa hô to: “Cám ơn Chúa, con cám ơn Chúa.”
Bà vừa chạy vừa khoe với lối xóm là Chúa đã nhận lời bà cầu xin. Thấy bà già đã trúng kế mình, anh chàng vô thần cười chế nhạo, và nói rõ là anh ta vừa ra tiệm tạp hoá mua túi gạo, rồi ném qua lỗ vách cho bà. Nhưng bà lão đáp:
” Có thể là anh mang gạo đến cho tôi nhưng tôi bảo đảm là lời tôi cầu nguyện đã được Chúa nhận lời. Tôi cầu xin chiều nay có gạo nấu cơm, và Chúa đã ban cho tôi y như lời tôi cầu. Tạ ơn Chúa, cám ơn anh. “
Bà lão đã hết gạo, bà đã xin gạo và được gạo, bà tạ ơn Chúa và nhận ra đó là ơn huệ Chúa ban, cho dù gạo đó đến từ một âm mưu đen tối. Nhưng ai âm mưu thế nào không cần biết, chỉ biết tạ ơn Chúa vì đó là ơn lành Chúa ban.
Còn chúng ta, nếu chúng ta chưa có gì trong đời sống cầu nguyện, thì hãy bắt đầu ngay hôm nay. Nếu lòng chúng ta chưa đầy trong đời sống bác ái, thì hãy bước đi đến với người nghèo khổ hoạn nạn, hãy chia sẽ những nụ cười, những cái bắt tay, những lời hỏi thăm… Nếu chúng ta đang lo lắng về những thứ cần chi tiêu trong cuộc sống, thì chỉ có một điều đáng lo là phần rỗi linh hồn. Hãy siêng năng tham dự thánh lễ, bàn tiệc Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa là lương thực không thể thiếu trong đời sống đức tin… bất cứ lúc nào, khi Chúa bước vào một đời sống, thì đời sống ấy nhận được một phẩm chất mới, giống như nước lã biến thành rượu ngon vậy. Những sầu muộn lắng lo sẽ được giải toả. Lúc đó chỉ còn lại một tâm tình duy nhất xứng hợp với người có lòng tin là tâm tình tạ ơn. Amen.
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ