Chăm sóc sức khỏe bậc cao niên theo tinh thần Kitô Giáo

199 lượt xem 27 Tháng Sáu, 2018

Để loại bỏ nền “văn minh sự chết,” “văn hóa vứt bỏ” đang lan rộng vào trong cuộc sống con người, nhất là trong một xã hội sung túc như hiện nay, Giáo Hội chúng ta theo gương Chúa Giêsu qua hình ảnh “người Samaritanô nhân hậu” (x. Lc 10,29-37), không ngừng cổ võ và sống tinh thần bác ái Kitô giáo, nhằm mang lại một nền “văn minh của tình yêu và sự sống”. Tinh thần ấy được thể hiện qua rất nhiều việc làm cụ thể, trong đó lưu ý cách đặc biệt đến việc chăm sóc sức khỏe cho bậc cao niên, không chỉ trong Giáo Hội mà cho toàn xã hội. Đó cũng chính là phần nội dung tôi sẽ trình bày qua các mục (I) Sức khỏe theo quan niệm của Kitô giáo, (II) Người cao niên trong Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội, (III) Sức khỏe cho người cao niên cần được chăm sóc.

I. Sức khỏe theo quan niệm của Kitô giáo

Theo tổ chức quốc tế và toàn cầu OMS: “Sức khỏe là một tình trạng đầy đủ và dễ chịu về mặt thể lý, tinh thần và xã hội.”1 Có thể nói: sức khỏe chính là thước đo nhân phẩm, chất lượng cuộc sống hay chính là sự sống của một con người. Là một tôn giáo tiên phong và mạnh mẽ trong vấn đề bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi của con người, Kitô giáo nói gì về sức khỏe?

1. Khái niệm về sức khỏe theo Kitô giáo

Theo Kitô giáo, tôn trọng sự sống con người, tức là tôn trọng con người đó trong sự toàn vẹn cả linh hồn và thân xác, vì đó là sự duy nhất của con người trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa (x. St 1,27). Vì Thiên Chúa là chủ của sự sống con người (x. St 2,7),nên: “Sự sống và sức khỏe thể lý là những ơn rất quý giá Thiên Chúa giao phó cho chúng ta.”3 Ngoài ra, sức khỏe còn là một giá trị, theo như mặc khải của sách Huấn Ca: “Nghèo mà cơ thể lành mạnh cường tráng, còn hơn giàu mà thân xác ốm o xo bại. Khoẻ mạnh và tráng kiện thì hơn mọi thứ bạc vàng, một thân hình vạm vỡ thì hơn cả gia tài vô tận. Không của cải nào bằng sức khoẻ của thân xác, chẳng vui sướng nào hơn niềm vui của con tim” (Hc 30,14-16).

Trong thời gian rao giảng, Đức Giêsu không chỉ giảng dạy mà còn làm nhiều phép lạ, chữa lành nhiều kẻ bệnh tật, ốm đau… và mang lại cho họ một sức khỏe tốt để tiếp tục sống an vui, những việc làm đó nằm trong sứ vụ của Đấng Mêsia (x. Mt 11,3-5). Vì sức khỏe con người vừa là hồng ân, vừa mang một giá trị và cũng được cứu độ, nên chúng ta cần phải khiêm nhường đón nhận và gìn giữ với lòng biết ơn sâu xa.4

Theo “Từ điển Luân lý Kitô giáo” của Jean-Louis Bruguès: “Sức khỏe gợi nhắc đến tính nguyên vẹn và sự sung mãn. Nó là sự thích đáng của con người với bản thể mình”.5 Vì liên quan đến bản thể mình, nên sức khỏe con người không dừng lại ở phương diện thể lý, mà đúng nghĩa theo cha Bernard Haring: “nó phải là một tình trạng hài hòa hoàn hảo nhất giữa các sức mạnh của con người, tạo nên một khả năng tốt nhất để con người thực hiện ơn gọi toàn diện và định mệnh vĩnh cửu của mình.”6

Qua đó, cho thấy sức khỏe liên quan đến con người toàn diện, nghĩa là nó phải bao gồm cả hai phương diện: thể lý và tinh thần (về tinh thần bao gồm cả tự nhiên lẫn siêu nhiên), tránh tình trạng: “Tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,38).

2. Các phương diện về sức khỏe

Phương diện thể lý

Sức khỏe thể lý là một yếu tố quan trọng trong sự hài hòa toàn diện của con người. Nó là một sự thiện, một giá trị đầu tiên và đích thực tự nó liên quan đến sự phát triển của con người. Ngoài ra đối với người Kitô hữu, sức khỏe là con đường bình thường của sự thánh thiện, để phục vụ và trao ban chính mình cho tha nhân tốt nhất.7

Sức khỏe thể lý con người là một món quà quý giá vì nó phục vụ cho tinh thần con người, nhưng không phải là tuyệt đối. Bởi vì, chúng ta có thể làm cho bệnh tật, đau yếu là những điều đi ngược lại với sức khỏe, mang một giá trị trong mầu nhiệm cứu độ và hạnh phúc vĩnh cửu khi chúng ta biết chấp nhận, biến nó thành tình yêu trao hiến và phục vụ tha nhân theo gương Đức Giêsu Kitô (x. 1 Pr 4,12-19). Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải giữ sự quân bình về chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe thể lý, để đảm bảo cả sự sống đời này lẫn đời sau (x. 1 Cr 6,13-20).8

Phương diện tinh thần (gồm cả tự nhiên lẫn siêu nhiên)

Trên bình diện tự nhiên, sức khỏe tinh thần gắn liền với con người trong việc sử dụng các tài năng như lý trí và ý chí cách có quân bình, có ý thức, tự chủ và trách nhiệm nơi các hành vi của mình. Ngoài ra, sức khỏe tinh thần còn liên quan đến những tài năng khác như trí tưởng tượng, cảm giác và những khả năng thuộc các vùng vô thức hay tiềm thức ẩn sâu bên trong con người. Vì thế: “Sức khỏe tinh thần là một giá trị còn quý báu hơn sức khỏe thể lý, và do đó những bệnh tâm thần còn trầm trọng và nguy hiểm hơn những bệnh về thể lý.”9

Trên bình diện siêu nhiên, tức là sức khỏe về phần hồn hay phần thiêng liêng, bởi con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa (x. St 1,27), nên được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, đó là sức khỏe phần hồn của loài người chúng ta. Vì thế, không thể gọi một người khỏe mạnh nếu người đó còn đang sống tình trạng lìa xa Thiên Chúa, tức là sống trong tình trạng tội lỗi. Vậy để con người có tình trạng sức khỏe siêu nhiên tốt, cần phải không ngừng thanh luyện bản thân, tập làm điều thiện, gớm ghét điều dữ, xa lánh dịp tội (x. Is 1,16-19) và đặc biệt là vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hầu đón nhận ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô (x. Mc 2,17).

Một con người được coi là khỏe mạnh thực sự khi có sự quân bình cả tinh thần lẫn thể xác như câu ngạn ngữ của Rôma: “tinh thần lành mạnh trong thân xác khỏe mạnh.”10 Việc bảo vệ sức khỏe cũng chính là bảo vệ không chỉ sự sống mà là chất lượng cuộc sống của một nhân vị. Vì thế, chúng ta cần phải biết trân quý và chăm sóc cách xứng hợp về sức khỏe nói chung và của bậc cao niên nói riêng. Với bậc cao niên, việc chăm sóc sức khỏe cho các ngài đó là bổn phận của mỗi chúng ta là những người được các ngài cưu mang, nuôi dưỡng, dạy dỗ và uốn nắn thành người. Chúng ta cùng tìm hiểu hình ảnh của các bậc cao niên theo mặc khải Thánh Kinh cũng như trong giáo huấn của Giáo Hội.

II. Người cao niên trong Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội

Trong giáo lý nhà Phật có câu: sinh, bệnh, lão, tử để diễn tả một hành trình sống của một đời người cách thông thường. Thực tế cho thấy giai đoạn cao niên, tuổi già sức yếu thì ít ai mong muốn đạt đến, vì đó là giai đoạn cuối của đời người ở tại thế. Người ta thường nói: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (Cuộc sống 70 tuổi đã là hiếm). Thế nhưng, trong hành trình đức tin, với mặc khải của Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội cho ta thấy được sự cao cả của bậc cao niên trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

1. Người cao niên trong Thánh Kinh

Theo mặc khải Thánh Kinh, bậc cao niên là một ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa ban cho người công chính: “Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển được tặng ban cho kẻ sống công chính” (Cn 16,31). Trong gia đình mà vắng sự hiện diện của bậc cao niên thì được xem như là sự nguyền rủa của Thiên Chúa: “Này sắp đến những ngày Ta sẽ chặt cánh tay ngươi và cánh tay của nhà cha ngươi, khiến cho không còn người già trong nhà của ngươi” (1 Sm 2,31).

Thánh Kinh cũng cho thấy bậc cao niên phản ảnh của sự khôn ngoan: “Người tóc bạc được trí khôn ngoan, bậc tuổi cao có tài thông hiểu” (G 12,12). Sự khôn ngoan ấy có được là do học hỏi tiền nhân và nhất là tích lũy kinh nghiệm sống của bản thân (x. Hc 8,9).

Người cao niên được Thiên Chúa chăm sóc cách đặc biệt như hình ảnh tiên tri Isaia nói về dân Chúa: “Cho đến khi các ngươi già nua tuổi tác, trước sau gì Ta vẫn là Ta; cho đến khi các ngươi da mồi tóc bạc, Ta vẫn còn gánh vác các ngươi. Như xưa nay Ta vẫn từng đối xử: Ta sẽ nâng niu, gánh vác các ngươi, và ban ơn cứu thoát” (Is 46,4).

Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta phải có thái độ với bậc cao niên: tôn trọng “Đừng khinh dể người đã cao niên, vì đến lượt chúng ta rồi cũng già hết cả” (Hc 8,6); chăm sóc: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi” (Hc 3,12) và vâng phục: “Hãy lắng nghe cha con, đấng sinh thành ra con, đừng khinh dể mẹ con khi người già yếu” (Cn 23,22); “Đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha” (1 Tm 5,1).

2. Người cao niên trong giáo huấn của Giáo Hội

Khi trình bày về bậc cao niên, theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì có hai thái độ của nền văn hóa đối với bậc cao niên: một nền văn hóa biểu lộ sự kính trọng thương yêu, và một nền văn hóa khác chủ trương loại trừ họ ra khỏi môi trường gia đình và cộng đoàn.11

Với thái độ trên đối với bậc cao niên, Giáo Hội đã đặt lại trách nhiệm và bổn phận từ môi trường gia đình của phận con cháu. Bởi: “Gia đình là một cộng đoàn sống và yêu thương,”12 nên Công Đồng Vaticanô II viết: “Thực vậy, con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, và sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh.”13

Tóm lại các giáo huấn của Giáo Hội tựu trung ở quan điểm như Đức Phanxicô nhận định: “Giáo Hội không thể và không muốn nhượng bộ một tâm thức bất nhẫn, chưa nói là dửng dưng hay khinh miệt đối với người già. Chúng ta phải đánh thức lại cái ý thức tập thể về lòng biết ơn, về sự trân trọng, lòng tử tế, làm cho người già cảm thấy mình là một thành viên sống động của cộng đồng.”14

Một sự quan tâm chăm sóc cần thiết, sẽ mang đến giá trị cuộc sống không chỉ với bậc cao niên mà là chính mỗi người chúng ta. Vì thế, chúng ta phải đề cao việc chăm sóc sức khỏe cho các bậc cao niên, để các đấng được an vui và hướng tới một đời sống mới.

III. Sức khỏe người cao niên cần được chăm sóc

Với lương tâm người Kitô hữu được giáo dục trưởng thành, thì phải biết tự xét đến bổn phận của mình đối với sức khỏe và sự sống bậc cao niên: “Chúng ta đối xử với người già cả thế nào? Chúng ta có săn sóc sự sống của những người già hay chúng ta chỉ nhắm tới việc kéo dài sự sống của họ thôi?”15 Do đó, việc chăm sóc sức khỏe về thể lý và tinh thần của bậc cao niên không chỉ là trách nhiệm và bổn phận, nhưng nằm trong căn tính của con người.

1. Chăm sóc sức khỏe về thể lý

Sức khỏe thể lý là một vốn liếng quan trọng mà Thiên Chúa giao phó cho con người gìn giữ và phát triển,16 cách đặc biệt nó phải được ưu tiên đối với những người cao niên vì lẽ thường: tuổi già thì sức yếu. Vì thế, chúng ta cần phải có những phương thế phù hợp và hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe bậc cao niên.

Bổn phận về dinh dưỡng

Bảo vệ sức khỏe thể lý trước hết liên quan đến việc đảm bảo về chất dinh dưỡng, đối với bậc cao niên thì việc: “Ăn ngon, ngủ sâu” rất quan trọng, vì ở giai đoạn này việc ăn uống hay bị thất thường, có thể do cơ thể hay tâm lý không còn được tốt như thời trẻ trung. Việc duy trì ăn uống điều độ và chất lượng sẽ giúp cho sức khỏe của bậc cao niên được cải thiện hơn.

Ăn mặc và cư trú

Việc thích nghi với môi trường sống của bậc cao niên sẽ giảm rất nhanh theo năm tháng, vì thế cần phải có sự đảm bảo về ăn mặc và cư trú để bậc cao niên tránh được những ảnh hưởng xấu từ môi trường bên ngoài như khí hậu, thời tiết, không khí…

Giải trí và thể thao

Việc nghỉ ngơi, giải trí và thể dục thể thao là một nhu cầu tự nhiên của con người, vì thế ở bậc cao niên cần được tạo một môi trường tốt nhất để các ngài có thể được nghỉ ngơi, giải trí… nhằm tránh một số bệnh do ít vận động, giảm những căng thẳng, tạo bầu không khí vui vẻ và có những giấc ngủ sâu.

Tránh những chất độc hại

Những chất độc hại ngày một gia tăng trong môi trường sống của con người qua bầu không khí bị ô nhiễm, qua thực phẩm bẩn, qua hàng hóa kém chất lượng và qua việc lạm dụng những thứ kích thích như bia rượu, thuốc lá… làm cho sức khỏe con người nói chung ngày càng bị đe dọa, tuổi thọ ngày một giảm. Do đó, các bậc cao niên cần phải được tránh xa với những thứ độc hại trên nhằm đảm bảo một sức khỏe tốt để gia tăng tuổi thọ.

Bổn phận điều trị bệnh tật

Sẽ trở nên một hình ảnh thiếu văn minh nếu xã hội và gia đình loại trừ những người bệnh tật, già lão, vì hành động như vậy là thiếu niềm tin vào Thiên Chúa.17 Vì thế, việc chăm sóc, khám định kỳ và điều trị bệnh tật cách thông thường cho bậc cao niên cần phải được tuân giữ theo luật luân lý, với trường hợp điều trị đặc biệt thì luật không buộc, nhưng tùy theo hoàn cảnh cụ thể.18

Trên đây là một số phương thế căn bản giúp chăm sóc sức khỏe thể lý cho bậc cao niên, với hy vọng mang lại cho các đấng ấy một sức khỏe tốt, nhưng chỉ dừng lại ở sức khỏe thể lý thôi thì chưa đủ, mà cần phải chăm sóc cả về sức khỏe tinh thần nữa mới tạo nên sức khỏe toàn diện.

2. Chăm sóc sức khỏe về tinh thần (gồm cả tự nhiên lẫn siêu nhiên)

Sức khỏe về thể lý và tinh thần thì ảnh hưởng lẫn nhau, vì con người là một thực thể duy nhất gồm cả hồn xác. Cho nên, đã chăm sóc sức khỏe thể lý thì càng cần thiết hơn việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các bậc cao niên vì: “Tâm hồn sướng vui thì con người giàu sức sống, niềm vui sẽ kéo dài tuổi thọ” (Hc 30,22).

Tạo tâm lý thoải mái

Sự lưu ý về tâm lý ở tuổi cao niên rất quan trọng, vì các đấng rất cần tình yêu thương và sự quan tâm của con cháu và người bên cạnh, đây là điểm cần lưu ý trong việc chăm sóc sức khoẻ cho bậc cao niên. Vì thế phải luôn vui vẻ, tạo cảm giác gần gũi, ân cần khi chăm sóc người cao tuổi như trò chuyện, nắm tay, ôm vai,… Kinh nghiệm cho thấy, những bậc cao niên có tinh thần thoải mái, luôn cười đùa vui vẻ nhất là được chơi đùa cùng con cháu sẽ làm giảm các căn bệnh như: mất trí, trầm cảm, rối loạn tâm thần,… và rất hiệu quả khi làm tăng sức khỏe và tuổi thọ.

“Giáo Hội xác tín rằng những gì là nhân bản thì không những được đón nhận và tôn trọng bởi đức tin, mà còn được thanh luyện, nâng cao và hướng đến sự hoàn thiện.”19 Vì thế việc chăm sóc sức khỏe về mặt thiêng liêng cho bậc cao niên là rất quan trọng trong hành trình đức tin.

Tạo điều kiện để bậc cao niên có một đời sống cầu nguyện tốt nhất

Sau những năm tháng cuộc đời, chắc hẳn khi đến giai đoạn cao niên, ai cũng muốn có được một khoảng thời gian và không gian thảnh thơi, không phải lo toan bận bịu với công việc, để chỉ vui vẻ bên con cháu và hưởng thành quả do sự hy sinh cố gắng của mình. Cách đặc biệt trong đời sống đức tin, sự cần thiết có được một đời sống cầu nguyện giúp các đấng thực sự có được sự nghỉ ngơi trong Chúa, được sống tâm tình chúc tụng, ngợi khen và tri ân vì những gì Chúa đã thương ban trong quá khứ và hiện tại. Đồng thời qua đời sống cầu nguyện, các đấng cũng sống tâm tình xin lỗi vì những việc làm vô tình hay hữu ý đã xúc phạm đến Chúa và tha nhân hay chưa chu toàn bổn phận của mình trong bậc sống. Nhờ đó, các đấng có được một đời sống kết hợp với Chúa cách sâu xa và tràn đầy bình an.

Lo cho các đấng được lãnh bí tích đầy đủ

Trách nhiệm và bổn phận của mọi thành viên trong gia đình, cộng đoàn giáo xứ, giáo phận và toàn thể Giáo Hội, là phải lo lắng cho các bậc cao niên được lãnh đầy đủ các bí tích, là “nguồn dinh dưỡng” thiêng liêng dồi dào nhất trong hành trình đức tin. Qua bí tích Hòa Giải giúp các đấng được thư thái và bình an, qua bí tích Thánh Thể giúp các đấng có được nguồn lương thực sung mãn, qua Lời Chúa giúp các đấng được gặp gỡ và kín múc tình yêu Chúa… Chúng ta cũng cần có những dịp tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành hôn, mừng thọ… để các bậc cao niên đón nhận, cảm nghiệm được ơn Chúa dồi dào hơn, cũng như thấy được sự đồng hành của Giáo Hội, cộng đoàn và gia đình, để không còn thấy cô đơn lạc lõng.

Với những gì đã trình bày ở trên, cho ta thấy được tầm quan trọng của sức khỏe trong việc bảo vệ chất lượng cuộc sống con người. “Một tinh thần thoải mái trong một sức khỏe tốt” là điều mà ai ai cũng ao ước, điều đó càng đặc biệt hơn với bậc cao niên vì “tuổi già sức yếu”. Không chỉ theo luật lương tâm, mà trong mặc khải Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội, luôn đề cao vai trò cũng như sự chăm sóc đối với người cao niên. Vì thế, bổn phận của chúng ta là phải quan tâm, yêu thương và chăm sóc tận tình về vấn đề sức khỏe cả về thể lý lẫn tinh thần cho bậc cao niên, để các đấng được sống an vui trong tuổi già.

 

John Phạm

Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/

GHI CHÚ
1 X. Bùi Đình Cao, Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt, (ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê, 2014), 184.
2 X. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số  số 2258 (11.10.1992) , bd. Hội đồng Giám mục Việt Nam – Ủy ban Giáo lý Đức tin (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2012), 637.
3 Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 2288.
4 X. Nguyễn Văn Khôi, Luân Lý Kitô Giáo Qua Mười Điều Răn – Quyển 2 (Hà Nội; Nxb. Tôn Giáo, 2013), 169.
5 X. Bùi Đình Cao, Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt, op. cit., 184.
6 Ibid.
7 X. Nguyễn Văn Khôi, Luân Lý Kitô Giáo Qua Mười Điều Răn – Quyển 2, op. cit., 170-171.
8 Ibid., 171-172.
9 Ibid., 174.
10 Ibid., 169.
11 X. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio, số 27 (22.11.1981), bd. Hội đồng Giám mục Việt Nam – Ủy ban Mục vụ Gia đình (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2011), 87-88.
12 Gioan Phaolô II, Thư Gửi Các Gia Đình, số 17 (02.02.1994), nd. Không rõ, http://www.songtinmungtinhyeu.org. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2016.
13 Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Gaudium Et Spes, số 48 (07.12.1965), bt. Phân khoa Thần học – Giáo hoàng Học viện thánh Piô X (Đà Lạt – Việt Nam, 1972), 799.
14 Phanxicô, Tông Huấn Amoris Laetitia, số 191 (19.3.2016), nd. Lm. Lê Công Đức (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2016), 187.
15 Bernard Haring, CSsR., Bình An Cho Các Con, nd. Không rõ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2012), 193.
16 X. Nguyễn Văn Khôi, Luân Lý Kitô Giáo Qua Mười Điều Răn – Quyển 2, op. cit., 176.
17 X. Gioan Phaolô II, Thư Gửi Các Gia Đình, số 15.
18 X. Bùi Đình Cao, Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt, op. cit., 196.
19 Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn Thị Dignitas Personae, số 7(08.9.2008), bd. Hội đồng Giám mục Việt Nam – Ủy ban Giáo lý Đức tin, http://hdgmvietnam.org. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2017.