Trong căn nhà gỗ hai gian, vẫn còn vương khói hương của người quá cố tuổi 20. Ngôi nhà nhỏ hoang sơ, thu mình ở trong một góc núi phía cuối xóm, vắng tiếng người, ánh điện và những đồ dùng cần thiết. Quanh chiếc bàn gỗ thô sơ, chúng tôi nghe em thổn thức không phải bằng lời mà thôi mà cả nỗi lòng hòa lẫn dòng nước mắt.
- “Tại sao cha và chị lại không sợ em? Ở đây, mọi người đều xa lánh và ai cũng sợ chúng em.”
Nói thật, trước khi đến với em, tôi cảm thấy rất sợ. Đi ngang qua nhà em thôi, tôi cũng thấy lạnh cả người. Nhưng cô em họ tôi lại có cái nhìn khác, em nói với tôi: “Chị ơi! Tội nghiệp anh ấy lắm, anh ấy bị nghiện nhưng hiền lắm. Nhà có3 người con thì cả 3 đều nghiện ma túy, anh thứ 2 mới mất vì bị sốc thuốc. Trước đây gia đình hạnh phúc, các anh em ngoan lắm nhưng khi bố anh ấy bỏ đi theo người khác, mẹ buồn phiền hay mắng mỏ và ít quan tâm chăm sóc các con, từ đó gia đình tan hoang. Hồi nhỏ, chúng em đi bắt cua, chăn trâu, cùng chơi, cùng học với nhau, nhưng bây giờ…thật tội chị ạ.”
Xa quê cha đất mẹ đã lâu, nhưng những bức tranh quê hương luôn sống trong lòng tôi, những ký ức ấy như điểm tựa cho cánh diều đời tôi vươn cao. Em cũng có tuổi thơ ấm áp và hồn nhiên như tôi. Nhớ lại ngày còn nhỏ, gia đình quây quần bên mâm cơm, được bố mẹ nhường những món ăn ngon nhất, những buổi chiều được bố cõng trên vai đi chơi cùng làng cuối xóm,được bố đẽo cho những con cùthật đẹp để đọcùng chúng bạn…Đến bây giờ tôi có bay cao bay xa, nhưng chuyến xe cuộc đời tôi luôn có bố là người dẫn lối chỉ đường, là động lực cho tôi vươn tới. Những kỷ niệm ấy nhớ lại, ôi thật hạnh phúc. Thấy mình được tròn đầy bao nhiêu,tôi thương em bấy nhiêu. Hình ảnh của em, và những lời kể về em hiện hoài trong tâm trí tôi. Tôi muốn bước nhanh đến bên em. Nhưng tôi lại e sợ.
Tôi bắt đầu đấu tranh với “cái tôi sợ hãi”. Mình đã từng rất háo hức với tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô “Tôi muốn thấy một Giáo hội bị bầm dập, tổn thương và dơ bẩn vì sống lê la trên các đường phố, chứ không phải là một Giáo hội “xanh xao vàng vọt” vì sống đóng khung và bám víu vào chu vi hàng rào an ninh của riêng nó”[1]. “Yêu là không còn sợ hãi, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi”. (x 1Ga 4, ) Gioan – Vị thánh tông đồ yêu đến không sợ hãi, can đảm đứng dưới chân Thập Giá trên đồi Canvê đã từng khẳng định trong Tin Mừng như vậy. Là một nữ tu, tôi không thể cứ ngồi ôm mãi cái hoài bão của Giáo hội, lệnh truyền của Đức Kitô“hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới”, “hãy bước đến những vùng ngoại biên xa xôi…nơi mà tình yêu vẫn chưa hiện diện” rồi cứ tưởng tượng như mình đang hoạt động tông đồ cách nhiệt thành lắm. Nếu như tôi cứ giữ mãi vị thế an toàn, tôi không bước “qua mình”, thì làm sao cùng ra khơi và cùng cập bến với con thuyền Giáo hội? Thực vậy, phải dám can đảm “ra chỗ nước sâu để đi câu” mới có những khám phá mới…
Em tâm sự:“Nhiều lúc con muốn được là một người bình thường, muốn quay đầu làm lại cuộc sống, nhưng tất cả chỉ là ước muốn xa vời vợi, con đã không làm được. Khi cơn nghiện lên, cơ thể con như có hàng trăm con sâu bọ nẹt châm vào, khiến cơ thể con ngứa, nhức, đau buốt đến tận xương tủy. Cơn nghiện chạy khắp cơ thể và nó khống chế con. Cha và chị có tin không, những lúc như vậy, để thỏa mãn được cơn nghiện con có thể cầm dao mà chém bất cứ thứ gì, ngay cả mẹ con và con cũng có thể rạch nát cơ thể mình. Con bị ám ảnh và rất sợ hãi những khi cơn nghiện đến. Đã nhiều lần con quyết tâm cai. Con nhờ mẹ cột mình vào cột nhà, nhốt trong phòng…,nhưng đúng là “ma” túy, nó theo con, hành hạ con và con đã không thắng nổi nó. Quanh con chỉ có mẹ, anh trai cả, và hồn anh trai thứ quằn quại trong cơn nghiện, hiện hoài ở tâm trí của con.Con thấy đời mình …”
Tôi không coi thường em. Tôi phục sức chịu đựng của em. Tôi biết Thần khí cầu nguyện trong em bằng những tiếng rên xiết khôn tả. Nhờ tiếng rên xiết ấy, em nhìn thấy “mình” và đang chiến đấu để dành lại “mình”. Em gặp được chân lý là nguyên nhân gây chia rẽ mà Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng “ Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ…(Lc 51- 53). Sự chia rẽ này diễn ra ngay trong tâm hồn em khiến em dằn vặt trong đau khổ, nên em chịu thanh luyện ngay ở đời này. Em không may sa vào “bệnh nghiện ma túy” và tôi cũng có những tật nguyền, những yếu đuối.
Một nhà thần học đã từng cảm nghiệm “tội lỗi là nhà tù mà trong đó tất cả chúng ta được sinh ra”. Vậy nên, tôi và em là những tội nhân cần đến Lòng Thương Xót Chúa và Chúa đã chết để chuộc chúng ta về từ vùng nhơ uế của lỗi lầm. Thánh Phao Lô đã cho chúng ta niềm xác tín vào Đấng Cứu Thế khi viết rằng: “ Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người” (Ep 4, 8).Có khác chăng làlỗi lầm của em không thể che dấu được, vì vậy em bị xã hội xa lánh và em tự thu mình. Mười bốntuổi em đã phải đi tìm cái hạnh phúc ảo, để quên đi cái cay đắng nghiệt ngã của hoàn cảnh. Em trả thù người cha đã bỏ mặc em bằng cách hành hạ bản thân… để rồi em mang lấy mác “thằng nghiện” và em sống ngoài lề xã hội. Một góc nhà là nơi thích hợp để em dày vò mình: em hận, em hối tiếc, em khao khát, em đấu tranh, em chích, em chịu thua chính mình. Tôi không biết làm thế nào để em hiểu những gì diễn ra trong tâm trí tôi giờ này. Tôi cũng không nói em phải cai nghiện, phải sống tốt hơn.Tôi chỉ nói “cho chịlà chị của em” rồi lặng thinh…
Ra về, trong đầu tôi các câu hỏi về em cứ xoắn lấy nhau, “giờ này tỉnh táo dễ thương như vậy nhưng khi hết thuốc, bị cơn nghiện hành hạ, em sẽ ra sao? Nghĩ đến hình ảnh em quằn quại tranh đấu với cơn nghiện, tim tôi thắt lại, xót xa…. Rồi hình ảnh người anh mới mất trong đau đớn nữa, có lẽ em sợ hãi lắm…
- Sao Souer không nói gì cả?
Tôi nghe Cha hỏi, cũng chỉ quay lại cười rồi cúi đầu đi tiếp. Em họ tôi lên tiếng:
- Thưa Cha! Liệu có cách nào giúp bạn ấy không ạ?
- Chúng ta đã làm phần việc của mình rồi.Hy vọng đến một lúc nào đó em có được kinh nghiệm của thánh Augustinô. Vị thánh đã từng nằm trong nấm mồ của sự lầm lạc, nhưng trái tim vẫn sống, vì thao thức, vì khao khát…Chính sự khôn ngoan của trái tim, sẽ hướng con người ta vượt qua, để tìm lại mình. Trường hợp của em,ta có quyền hy vọng nhiều lắm. Con có nhớ “tám mối phúc”Chúa Giêsu nói gì không?
- Dạ…
- Mối phúc thứ 4 Chúa nói: “Phúc cho ai khao khát sống cuộc đời công chính thì sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. Chỉ cần em ấy đừng buông xuôi, cứ khao khát và chiến đấu với hết sức mình thì đã có phúc lắm rồi. Cha đã gặp những trường hợp bị “mê mệt” hoàn toàn,để rồi đến khi họ chết mà thực ra họ chưa từng sống.
- Dạ, con thấy mình còn quá ít kinh nghiệm để chia sẻ. – Tôi thêm lời.
- Ừ, về lãnh vực này mình cần có chút kinh nghiệm, không phải cứ muốn giúp là giúp được “khôn ngoan như con rắn” là vậy đó.Ở trường đời, có những bài học tự phải đúc kết. Học mãi, học cho đến khi về già may ra mới được khôn.Vừa rồi khi nhìn ba chị em tâm sự. Tôi nhớ tới câu nói của Cha Thánh Đa Minh. “Nói với Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa”. Câu nói đó cũng là phương châm sống của soeur và các anh em Dòng“thuyết giáo”. Tôi không thấy souer nói gì, nhưng ngôn ngữ của sự hiện diện đã nói lên tất cả. Có những mảnh đời chỉ cần có người nghe câu chuyện của họ.
- Thưa cha…Chị ơi! còn bạn học em nữa, bạn ấy bị bệnh máu trắng, bạn ấy mới từ bệnh viện về. Cha và chị đến thăm bạn ấy giúp con với.
Vẫn là tiếng nói hồn nhiên và đầy quan tâm của em họ tôi. Em vừa tròn16 tuổi, khao khát được dâng mình cho Chúa. Em hăm hở dẫn đường cho chúng tôi đi vào vườn nho của Chúa. Nói như ngôn ngữ của cha Nguyễn Tầm Thường: “Con đường đó quả là sỏi đá”. Em nghĩ con đường đó sẽ trổ hoa khi có bóng dáng của người môn đệ Chúavà em hạnh phúc với niềm tin em sẽ đi con đường đó…Rồi ba cha con chúng tôi bước tiếp theo hướng em chỉ, vừa đi vừa trò chuyện.
Những làn gió nhẹ quyện làn hương của hoa đồng cỏ nội, những dải nắng vàng trải dài trên đường lẻn vào tâm hồn chúng tôi như muốn cùng song bước. Chút hương gió thôi cũng làm dịu đi sức nóng của ngày nắng oi ả. Tâm hồn tôi như trổi lên một tình yêu mãnh liệt đối với Giáo hội. Tôi nhận thấy, trong lòng Giáo hội, tiếng gọi tình yêu dâng hiến luôn vang vọng, tiếng gọi này tuy âm thầm nhưng cũng rất mãnh liệt, nó thôi thúc tâm hồn những người trẻ hăng hái dấn thân và say mê lên đường đến với những ai đang sầu khổ để thắp sáng niềm tin yêu và hy vọng cho trần gian.
Catarina Hoàng Nga.op
[1](Trích theo Trần Mạnh Trác: “Bản cương lĩnh của triều đại Giáo hoàng Phanxicô, nguyệt san “Công giáo và Dân tộc số 228, tháng 12/2013).
Tin cùng chuyên mục:
Mùng 2 Tết – Cầu Cho Tổ Tiên Và Ông Bà Cha Mẹ
Hãy về nhà
Ừ! Mạ biết rồi
“QUẾ PHONG – ÁNH SÁNG ĐỨC TIN GIỮA ĐẠI NGÀN GIAN KHÓ”