Cần bao lâu để bạn biết thương mẹ!
Chúng ta có thể dễ dàng nói với người khác rằng mình thương mẹ rất nhiều nhưng nếu diện đối diện với mẹ, liệu chúng ta có thực sự đủ tự tin?
Trong cuốn “Hãy chăm sóc mẹ” của tác giả Shin Kyung Sook có câu: “Mối quan hệ giữa mẹ và con gái thường ở hai dạng: hoặc là biết rất rõ về nhau hoặc là như hai người xa lạ”. Biết rất rõ nhờ thương nhau, xa lạ vì tình thương ấy chưa đủ lớn. Vốn dĩ chúng ta không dám diện đối diện nói lời yêu thương với mẹ vì tự bản thân chúng ta chưa thực sự thương.
Cần bao nhiêu thời gian để biết thương mẹ? Câu trả lời của mỗi người không giống nhau. Có người lấy chồng, sinh con, đối diện với bao khó khăn trong cuộc sống khi thấm thía rồi mới hiểu nỗi lòng của người mẹ, hiểu rồi mới thương, mới tìm cách bù đắp. Cũng có người khi sống ở Việt Nam đã chẳng thể chấp nhận nổi mẹ – một người mẹ quá nghiêm khắc. Thế rồi, sau rất nhiều năm tháng sống và làm việc trong môi trường kỷ luật ở nước ngoài, có thu nhập cao, cuộc sống được cải thiện mới cảm nhận được tình thương của mẹ, mới hiểu tại sao mẹ luôn đối xử như vậy với mình.
Đi nhiều, gặp gỡ nhiều thì bạn sẽ thấy nhiều. Có những đứa trẻ còn rất nhỏ đã biết yêu thương mẹ mình. Chúng chứng minh tình yêu ấy bằng hành động: ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và làm việc nhà, không ngại đối thoại với mẹ về bất cứ nhu cầu, mong ước của bản thân. Ngược lại, cũng không ít người cả đời chẳng nói được với mẹ một câu tử tế, luôn coi mẹ là gánh nặng, thậm chí lạnh lùng tuyên bố: “Bà chăm tôi được ngày nào mà kể công?” rồi doạ dẫm đuổi ra đường. Và rồi sau rất nhiều năm, vào thời khắc bị con cháu đối xử tệ bạc mới chợt nhận ra lỗi lầm của bản thân, thấy ân hận, muốn bù đắp công ơn và tình thương của mẹ nhưng tất cả chỉ là cát bụi. Rất nhiều người phụ nữ cần được yêu thương thật nhiều lại đang đối diện với những khổ đau. Với bổn phận làm con, đừng chỉ dừng lại ở lời nói, hãy bắt đầu bằng những hành động cụ thể.
Thông cảm với mẹ là thái độ trước tiên cần phải có. Bởi sau những phát triển của thời cuộc, mẹ như bị lùi lại phái sau, trở thành người quê mùa, cổ hủ… Đừng xấu hổ, cũng đừng trách mẹ! Bởi chính con người ấy đã cho bạn có được ngày hôm nay.
Ngạn ngữ Do Thái có câu rất hay: “Thượng Đế không có mặt ở khắp nơi, vì thế Người đã sinh ra các bà mẹ”. Mẹ là người thay Thượng Đế chăm sóc, dạy dỗ và nuôi nấng những đứa trẻ. Nếu như có thể chứng kiến những đêm mẹ chẳng thể chợp mắt vì bạn quấy khóc, những ngày mẹ chạy đôn chạy đáo vay mượn hàng xóm để có tiền cho bạn ăn học. Những lần quay mặt khỏi những bộ quần áo đẹp, những trang sức đắt tiền, những buổi tụ tập cùng mấy cô bạn cũ… chấp nhận hy sinh tất cả để dành những điều tốt đẹp nhất cho bạn. Bạn sẽ hiểu tình yêu mình dành cho mẹ bấy lâu chẳng thấm vào đâu.
Để thương một người chúng ta cần hiểu người ấy, để hiểu việc cần làm trước tiên là lắng nghe. Với mẹ cũng vậy, hãy kiên nhẫn đối thoại dịu dàng và lắng nghe mong ước của mẹ. Hãy chủ động hỏi mẹ về những gì mẹ đã trải qua. Hiểu được những khó khăn ấy bạn sẽ thôi đòi hỏi, thôi hờn dỗi.
Đặc biệt, nếu là một người trẻ Công giáo bạn đừng ngại trở về với những giáo huấn trong Thánh Kinh để thực thi lòng yêu mến với người mẹ, bởi “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu”. Sách Tôbia viết tiếp: “Phải chăm sóc tuổi già của cha mẹ: “Con ơi, hãy giúp đỡ cha con trong lúc già yếu, con chớ làm cực lòng Người” và “Con hãy kính trọng mẹ con, chớ có bỏ rơi Người một ngày nào trên đời” (Tobia 3,4). Sách Châm Ngôn cũng dạy chúng ta: “Hỡi con, lệnh Cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời Mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai. Những lời truyền dạy đó, con hãy khắc trong tim, con hãy đeo vào cổ, để ghi nhớ đêm ngày. Những lời đó sẽ hướng dẫn con lúc con tới lui, sẽ giữ gìn con khi con nằm xuống, sẽ cùng con chuyện trò khi con thức dậy” (Cn 6, 20-22). Những giáo huấn ấy sẽ là khí cụ giúp bạn trở nên dịu dàng hơn trong cuộc sống và trong cách bạn ứng xử với mẹ mình.
Và hơn hết, Kinh Thánh cho bạn mẫu gương của Đức Giê-su khi sống trong thân phận con người “Ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” nhờ việc “hằng vâng phục các ngài”. (Lc 2, 51-52). Dẫu là Con Thiên Chúa, Ngài đã khiêm nhường hạ mình vâng lời người mẹ trần gian với tất cả tình yêu.
Bạn biết đó, trong nhân gian này, chẳng có mấy người sống đến tuổi 100, cũng không ít người chẳng thể bước tới tuổi 70. Và biết đâu, trong số đó có mẹ bạn – người phụ nữ đang cần một tình yêu thực sự từ những người con của mình.
BTT ĐMTM
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ