Bức tâm thư của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp gửi Thánh Giuse

329 lượt xem 6 Tháng 4, 2020

Bố Giuse kính yêu!

Đã khá lâu rồi, con chưa có cơ hội đích thân đến thăm Bố. Cuối năm ngoái, con dự định 19/3 năm nay sẽ tranh thủ làm một chuyến đi thật xa về trên đó mừng Lễ với Bố. Rất tiếc bây giờ ước mơ và dự tính nói trên bỗng dưng trở thành bất khả thi, vì tất cả các chuyến bay không những liên lục địa, mà cả liên hành tinh đều đồng loạt bị hủy bỏ. Từ phương xa, con mạo muội mượn bút thay người, viết vội đôi dòng để chúc mừng Đại Lễ 19 tháng 3.   

Chắc chắn, ở trên đó Bố đã biết, nơi trần thế dân mạng đang kháo láo với nhau: Nhà cụ Giuse năm nay đông khách lắm và nhộn nhịp khác thường! Nườm nượp kẻ ra người vào, kẻ đến người đi, kẻ cười người khóc. Có nhiều Giám mục, Linh mục, nhất là nữ tu áo đen, nhưng đông nhất vẫn là những người đeo khẩu trang. Không biết họ ở đâu ra mà nhiều thế, đại đa số là người già, cứ nối đuôi nhau, hết đoàn nọ lại đến đoàn kia, thuộc nhiều màu da và chủng tộc! Thì ra, năm nay, Lễ của Bố được cử hành vào thời điểm các con gái MTG đang mừng 350 năm thành lập Hội Dòng đầu tiên tại Đông Nam Á. Hiện nay, Liên Hiệp Dòng MTG hiện diện khắp năm châu bốn bể, với số thành viên đông nhất hoàn cầu. Và rồi không hẹn mà hò! Biết nói sao bi chừ, do chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa hay bị sao quả tạ chiếu? Lễ của Bố năm nay đã rơi vào đúng giai đoạn cao điểm của trận dịch toàn cầu Covid-19! 

Ngay từ lúc sinh thời, sứ thần của Thiên Chúa đã ca ngợi Bố là Người Công Chính. Một con người đạo hạnh, luôn giữ trọn tình con thảo đối với Thiên Chúa Cha và biết duy trì mối tương quan tình nghĩa đối với anh chị em đồng loại, nhất là đối với người bạn đời của Bố, bất chấp mọi nghịch cảnh của cuộc đời dương thế. 

Con đang hình dung khuôn mặt đau khổ tuột cùng, nhưng vẫn rất điềm tĩnh của Bố, khi hay tin Mẹ đã mang thai trước khi bố mẹ về chung sống với nhau. Bố băn khoăn, khổ sở, dằn vặt không biết phải ăn nói và xử trí ra sao? Bố vẫn tin Mẹ là người đạo đức, đoan trang và trung tín. Nhưng làm sao phủ nhận thực tế phũ phàng, sờ sờ trước mắt, vì phận liễu bi chừ đã nảy nét ngang! Còn Mẹ, tại sao Mẹ chẳng nói gì, chẳng giải thích hay tâm sự gì với Bố? Biết hỏi ý kiến ai bi chừ? Nếu tố cáo Mẹ hay sơ ý để sự việc lộ ra bên ngoài, có thể sẽ dẫn đến tai họa thê thảm cho gia đình. Rất có thể Mẹ sẽ bị người ta ném đá!

Có lẽ sau nhiều đêm dài trằn trọc không sao nhắm mắt được, Bố đã định tâm bỏ mẹ cách kín đáo. Đây là một quyết định quảng đại, chọn phần thiệt cho bản thân và chấp nhận  bị miệng đời đàm tiếu hoặc lên án là thằng hèn, đểu cáng, sở khanh! Một đêm, sau những thao thức, khắc khoải, Bố vừa mới chợp mắt được một tí, thì sứ thần Chúa hiện đến báo tin:“Này ông Giuse, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”(Mt 1, 20-21).

Tỉnh giấc, Bố lập tức thi hành những gì sứ thần Chúa truyền và vội vã đón Mẹ về nhà. Kể từ đó, Bố quyết định cống hiến trọn cuộc đời dương thế, tận tâm tận lực, đổ mồ hôi sôi nước mắt, trọn vẹn hy sinh bản thân mình để nuôi sống và bảo vệ gia đình Nazareth. Ngàn đời cám ơn Bố đã quảng đại hy sinh cho gia đình Nazareth. Chính vì vậy, hôm nay Bố có một đoàn con đông đúc là tất cả chúng con.

Trở lại Bê Lem năm xưa. Có phải đó là nơi Bố phải cắn răng chịu đựng những khổ đau và nhục nhã nhất đời, khi bị người ta xua đuổi, hất hủi, xỉ nhục không cho thuê phòng trọ hay bất cứ một chỗ ở nào … giữa lúc Mẹ “đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa”(Lc 2,6).  Cuối cùng, Bố đành để nước mắt chảy vào trong, can đảm chấp nhận cho Con Thiên Chúa sinh ra nơi hang bò lừa! 

Tuy nhiên, trong đời Bố, chưa bao giờ vui mừng, hãnh diện và hạnh phúc như những ngày đó, khi chính mắt mình được chứng kiến cảnh Con Thiên Chúa Giáng trần. Bố còn nhớ chứ, khi Bố run run bồng ẵm hài nhi Giêsu vào lòng, thì trên không trung âm vang giọng ca thánh thót của các thiên thần: Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ bình an dưới thế cho loài người Chúa thương (Lc 2,14).

Những ngày giờ kế tiếp là những kỷ niệm tuyệt đẹp, mà Bố & Mẹ hằng ghi nhớ và vẫn suy đi nghĩ lại trong lòng. Đó là việc tiếp đón các người chăn chiên và nhất là được nghe những câu chuyện họ thuật lại chung quanh biến cố Giáng Sinh của Hài Nhi Giêsu (Lc 2, 1-20). Đặc biệt nhất là khi được tiếp đón phái đoàn các nhà chiêm tinh đến từ Phương Đông với những lễ vật độc nhất vô nhị, nhất là với những câu chuyện say mê chiêm ngắm tinh tú, nhờ đó họ khám phá ra vì sao của Đức Vua dân Do Thái mới chào đời.  

Sau một ngày bận rộn để tiếp và tiễn các nhà chiêm tinh, Bố đã mệt nhoài. Đêm đó, Bố muốn ngủ một giấc thật sâu và thật dài. Nào ngờ, vừa mới lim dim ngủ… thì bỗng đâu giọng của sứ thần Chúa lại đột ngột vang lên: “Ông Giuse, dậy mau, cấp tốc đưa Hài Nhi trốn sang Ai Cập, vì vua Hêrôđê đang truy nã Hài Nhi” (Mt 2,13). Hoảng hốt, giữa đêm khuya, mắt nhắm mắt mở, Bố đã cấp tốc dẫn hai Mẹ Con chạy trốn sang Ai Cập. 

Những ngày sống nơi đất khách quê thật cực nhọc và gian khổ phải không Bố. Tiền thì không có, vật giá lại đắt đỏ, mà việc làm lại khó kiếm! Vừa lạ nhà, vừa âu lo trăm bề, cho nên hầu như đêm nào Bố cũng phải dỗ mãi mới có thể nhắm mắt được một chút. Một đêm, vừa mới thiu thiu ngủ, tiếng sứ thần Chúa lại vang lên: “Này ông Giuse, dậy mau, đem Hài Nhi và Mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi” (Mt 2, 20). Mừng quá, mặc đêm còn khuya, Bố đã vội vàng thức dậy, vui vẻ đưa gia đình trở về quê hương (Mt 2, 21).

Con xin hỏi nhỏ: Dạo này Bố có còn bị sứ thần Chúa đánh thức giữa đêm khuya nữa không? Bố thật sự đã ngủ ngon giấc hay vẫn tiếp tục mất ngủ vì chúng con? Bố vẫn mơ nhiều giấc mơ đẹp như ngày xưa, hay cũng giống người hạ giới chúng con lúc nào cũng chỉ thấy toàn Covid-19? Con hy vọng sẽ có một ngày đẹp trời nào đó được trở về thăm Bố và sẽ kể cho Bố nghe về những chuyện phiếm dân mạng kháo láo với nhau chung quanh các giấc mơ kỳ diệu và linh thiêng của cụ Giuse.

À, Bố này, giữa tất cả thần thánh trên trời – dưới đất, Bố vẫn nổi tiếng là vị thánh hiền lành, nhân ái, khiêm hạ và “kiệm lời”. Tin Mừng nhắc đến tên Bố Giuse thân yêu của chúng con 12 lần, nhưng chẳng hề thấy ghi lại bất cứ câu nào hay lời nào của Bố. Rõ nhất là trong sự kiện gia đình Nazareth trẩy hội lên đền Giêrusalem và bị lạc mất cậu bé Giêsu. Sau ba ngày đau khổ và thất vọng, khi tìm thấy con trong đền thờ, Bố Mẹ đều sửng sốt. Mẹ Maria bức xúc lên tiếng: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực nhọc tìm con!” (Lc 2,48). Còn Bố, mặc dù là gia trưởng, Bố vẫn im lặng như tờ, chẳng nói gì! Bình luận về câu chuyện này, đám con trai thích châm chọc và thường hay nói leo đã so sánh: “Ôi thôi, chả bù cho đám con gái của Bố. Thật là con nhà tông mà chẳng giống lông, cũng chẳng hề giống cánh tí nào!”Con nghĩ Bố chẳng cần bận tâm đến loại bình luận và so sánh đó làm gì cho tổn thọ. 

Bố biết không, người Công giáo giáo phận Hà Tĩnh chúng con rất sùng kính Bố. Họ vẫn luôn tự hào về Bố là một vị Đại Thánh hay thương giúp người nghèo và dành ngày thứ tư mỗi tuần để kính nhớ Bố. Chắc Bố còn nhớ ca từ một bài hát quen thuộc về Bố: “Nguyện xin Thánh Cả Giuse quyền cao sang, rày đang no đầy ơn phúc trên Thiên đàng. Cứu giúp chúng con thế trần lầm than. Ngày đêm mong về nơi yên vui phúc nhàn”.

          Không nói thì Bố đã quá rõ quê hương thân yêu của chúng con còn đầy dẫy những bất công, tham nhũng, thối nát, những cảnh đời tan nát, những con người tàn phế, bất hạnh, đói khổ, bị bỏ rơi…Dám xin Bố hộ phù đoàn con cái khổ đau này nơi trần gian. Đặc biệt, xin Bố cho chúng con trở thành những bàn tay nối dài của Bố để xoa dịu những nỗi khổ đau của các anh chị em đồng loại.

        Trong thời gian gần đây con càng cảm thấy hoang mang, lo sợ và trằn trọc, khó ngủ hơn, vì dịch Covid-19 (Virus Corona Vũ Hán 2019 đó mà) ngày một lan rộng ra nhiều tỉnh nơi quê hương con, cũng như gần khắp nơi trên thế giới. Số người chết ngày một gia tăng, mà vẫn chữa tìm được vaccine điều trị. Nghe nói có những người đã chết trong cô đơn, sợ hãi. Thay vì được chôn cất tử tế, được người thân đưa tiễn đàng hoàng thì nay họ phải ra đi một mình. Tệ hơn nữa, có những người bị bọc trong túi nylon, chất cả đống lên xe để đưa vào lò thiêu tập thể. Người ra đi đã vậy, còn người ở lại thì sao? Xin Bố thương hộ phù chúng con.

        Nhưng Bố này, xét theo một phương diện khác, phải chăng trận đại dịch này đang giúp con người nhìn lại chính mình, nhìn lại lối sống tham lam và ích kỷ? Phải chăng có những người đã lạm dụng nhân phẩm nhân quyền, tự do dân chủ… để biện minh cho những lối sống vô kỷ luật, buông thả, phi nhân bản, phản đạo đức? Phải chăng một số người cao ngạo, vẫn vỗ ngực tự cho rằng họ có thể đội đá vá trời thế, thế mà đang hoảng loạn và run như cầy sấy trước con virus bé xíu? Kể cũng lạ, phải không Bố, một nhân loại giàu có, tiến bộ, phát triển…đang tìm đường bay vào vũ trụ mênh mông, mà lại hoảng hốt trước Corvid-19?

  Mặc dù còn nhiều điều muốn nói, nhưng thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý. Thôi, con xin phép dừng bút tại đây. Chúc Bố và gia đình ta trên đó những gì tốt đẹp nhất! 

Chúng con rất vui nếu nhận được hồi đáp của Bố!

GM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp