Bài Học Từ Bố – “Lối Vào Huyền Nhiệm”

303 lượt xem 6 Tháng Chín, 2024
Bài-học-từ-bố-Lối-vào-huyền-nhiệm

Bài Học Từ Bố – “Lối Vào Huyền Nhiệm”

 Ai đã sẵn sàng sát cánh bên bạn với mọi trải nghiệm hạnh phúc cùng đau thương trên dòng sông đời bạn, có phải chăng là cha, là mẹ, là những đấng sinh thành với hạnh phúc vỡ òa khi ta cất tiếng khóc chào đời, khi ta chập chững bước những bước đầu tiên; bước chân thể lý, bước chân “vào đời” và bước vào huyền nhiệm trong Thiên Chúa. Vâng! ‘Cha mẹ cho ta cội nguồn, cho ta đôi cánh’ và cũng là người chỉ hướng cho chúng ta bay vào vùng tự do đích thực.

Với tôi, những bài học đầu đời từ cha mẹ luôn nằm trong ký ức, trong tim tôi, không phải nằm yên đấy, mà nó giúp tôi khám phá. Có thể nói, đó là lối vào huyền nhiệm để tôi lớn lên cả về đời sống Đức Tin lẫn tình đồng loại. Đi càng xa, tôi càng cảm thấy mình quá nhỏ so với các huyền nhiệm trên cao, với cái vũ trụ bao la rộng lớn này, nên càng sải bước trên đường đời, tôi càng cảm thấy bất ngờ với cuộc sống, với cả chính trái tim mình. Chặng đường đã đi không quá dài nhưng cũng đủ để tôi nhận ra rằng, cuộc sống thật đẹp với những trải nghiệm; vui buồn, nụ cười và nước mắt xen lẫn trong những thăng trầm thất bại rồi thành công. Những bất ngờ trên đường đi tôi luyện tim tôi yêu chính mình, yêu tha nhân và yêu thật nhiều cuộc sống này.

Với tôi, bài học đầu tiên đó chính là: ‘Chân thật vữngtrong đời ta. Cha Timothy Radc Liffe – nguyên bề trên Tổng Quyền Dòng Đa Minh từng nói: “Cha mẹ là những thừa tác viên của niềm hy vọng”. Đúng thế, niềm hy vọng là sắc màu niềm vui trong khao khát của tâm hồn tôi.

Ngày tôi nhỏ, tôi là con thỏ con của bố mẹ, một con thỏ con có chút tự ti.

– Bố ơi, thỏ muốn là con trai, để sau thỏ sẽ làm cha xứ!

– Bố ơi, sao thỏ không đẹp, sao thỏ đen thùi lùi tắm mãi không trắng đươc…!

Bố tôi, không trả lời, chỉ thấy bố cười, đặt tôi ngồi ở hiên nhà; Thỏ con đợi bố ở đây, bố quay lại liền. Rồi bố tôi đi về phía chuồng gà. Nhà tôi nuôi nhiều gà, ngoài chuồng luôn có gà mái ấp, đang nở cũng có. Tôi nghe tiếng gà mái mẹ đang cố gắng giữ con. Quả thật, chỉ vài phút sau tôi thấy bố tôi quay lại, trên tay bố hai mang theo một quả trứng và một chú gà con lông hãy còn ướt. Bố đặt chú gà vào hai lòng bàn tay của tôi. Chú gà con bé xíu, mắt nó long lanh ngơ ngác nhìn quanh, ngạc nhiên khám phá ánh sáng cùng môi trường sống mới. Chú vừa vượt qua cái vòng tròn khép kín vững chắc, một lớp vỏ an toàn để nó trở thành chú gà con. Chưa đứng vững mà đôi chân đã lao đao muốn chạy, với cái mỏ chíp chíp hoài, chú gọi mẹ. Tôi chăm chú nhìn nó, nhìn quả trứng còn lại trên tay bố. Chiếc mỏ bé xíu ấy đang loáy ngoáy để tìm đường ra. Hai con gà đầy sức sống gây cho tôi bao tò mò. Tôi không hiểu, làm sao nó mổ được lớp vỏ cứng ấy để ra với thế giới bên ngoài… mãi nghĩ, mãi đặt ra những câu hỏi, tôi quên đi cái thắc mắc về bản thân.

-Thỏ con thấy nó xinh không?

– Dạ, nó tuyệt đẹp, nhưng sao không có con gà nào màu hồng à bố?

Thỏ ngoan, đây chỉ là chú gà, nhưng chú lớn lên bên trong lớp vỏ thế nào, bố không thể biết được. Bố cũng không thể bảo nó nở ra phải màu hồng, vì bố biết thỏ con của bố thích màu hồng. Thiên Chúa của thỏ con, Người tạo nên mọi mầm sống một cách rất kỳ diệu. Thiên Chúa cũng sẽ nuôi sống nó nhờ sự phong phú của trái đất. Thỏ con của bố cũng vậy, con hình thành thế nào trong bụng mẹ là do Thiên Chúa chăm con. Bố mẹ chỉ là người cộng tác với Chúa thôi. Thiên Chúa yêu con, Người chắc chắn sẽ chăm lo cho con. Sau này lớn lên con sẽ dần khám phá ra ngay từ đầu tất cả những gì con có; như đôi mắt to, làn da đen… sẽ là điều tuyệt vời nhất Chúa chuẩn bị cho con khám phá với những trải nghiệm. Còn đối với bố mẹ, không ai có thể thay thế được thỏ con, có đổi con lấy cả vũ trụ thì bố cũng không đổi. Bố mẹ yêu con vì con là thỏ con.  Khi đó tôi không quá quan tâm đến lời bố nói lắm bởi mải mê ngắm các chú gà, không ngờ rằng câu chuyện ấy đến nay như mới diễn ra với tôi. Tôi không quên được, bởi chặng đường nào tôi cũng thấy ngạc nhiên với bao điều huyền diệu trong Thiên Chúa. Hôm nay, khi nhớ lại câu chuyện dẫn tôi vào mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Trong trí tôi hiện lên những dụ ngôn Chúa Giê-su đã từng dạy các môn và dân chúng: Hạt giống sự sống trong lòng đất, men trong thúng bột, hạt cải bé tí nhưng chim có thể làm tổ trên cành…

Trong một lần, sau khi theo mẹ ra nhà thờ dọn dẹp. Tôi nhảy chân sáo ra về, một chiếc xa máy lao qua tôi, lần đó tôi suýt chết. Rất nhanh mẹ chạy đến, nhìn tôi và tạ ơn Chúa: “Ôi, tạ ơn Chúa, Thỏ của mẹ không sao, Chúa đỡ con”. Người tôi run, nhưng khi nghe mẹ nói vậy,  cũng nhìn về phía tháp chuông nơi có Thánh giá Chúa hàng ngày vẫn dõi theo từng người con trong xóm đạo nhỏ. Tôi hỏi mẹ:

– Mẹ ơi, từ trên cao kia, Chúa phóng gươm để cứu con ạ? – Mẹ xoa đầu tôi. Tôi hỏi tiếp:

– Mẹ ơi, Chúa giỏi vậy sao lại chết trên đó, sao Chúa không xuống.

– Chúa chết vì yêu con, vì muốn sau khi chết, tất cả mọi người được lên Thiên Đàng với Chúa.

– Cả bà Thị nữa à mẹ! (Bà Thị bị bệnh tâm thần, tội sợ vì bà ấy hay đuổi những đứa trẻ hay trêu chọc bà).

– Đúng rồi, cả bà nữa, vì bà cũng là con Thiên Chúa, mang hình ảnh Chúa. Mẹ và con cũng phải thương bà nữa.

– Dạ!

Vậy đấy, mầu nhiệm Cứu Chuộc, mầu nhiệm vương quốc vĩnh cửu, và khái niệm ‘hình ảnh của Chúa’ đi vào trong tâm trí tôi từ ngày đó.Tôi lớn lên với những mẩu chuyện thật nhỏ nhưng mở ra muôn vàn những ý niệm lớn lao. Và cuốn sách tôi đọc hàng ngày đó chính là cuộc sống của bố mẹ mình. Từng cử chỉ, từng lời nói của bố mẹ luôn khắc sâu trong tôi. Lời dạy với trọn tình yêu ấy thức tỉnh tôi, khi tôi mù mờ trong u mê, khi tôi đau vì những vấp ngã. Lớn lên, ngẫm lại tôi thấy thấm từng lời của Thánh Giáo hoàng Phaolô II dạy: “ Tình yêu thương của cha mẹ vừa là nguồn mạch, vừa là nguyên lý sống động truyền cảm hứng và cũng là chuẩn mục soi sáng và hướng dẫn tất cả các hoạt động cụ thể làm cho việc giáo huấn trở nên phong phú với những giá trị của lòng tốt,… Đây là hoa quả quý giá nhất của tình yêu”. (Giáo hoàng Phao lô II, (1920- 2005), Tông huấn Pamiliaris, Consorssortio 36)

Thậy vậy, “Xã hội kỹ thuật của chúng ta đã tạo ra vô số điều kiện để hưởng thụ, những lại rất khó tạo ra niềm vui”  ( Ibid. 8: AAS 67 (1975), 292). Vùng trời tự do mà cha mẹ chỉ hướng để lại cho ta niềm vui đích thực. Khoa học có thể giúp tôi bay từ Việt Nam đến Roma thăm thủ đô Mẹ Giáo Hội, nhưng đức tin tôi có thể vượt thời gian và cả không gian. Trong Đấng Tạo Hóa, chúng ta tận hưởng cả vũ trụ bao la với muôn ngàn tinh tú.

Thầm nghĩ, không có đức tin có lẽ tôi chết ngột vì sự nghèo nàn của kiếp người. 80 năm hay 100 năm đời này là quá ít với tôi. Cái tôi muốn là hàng ngàn năm nếu không nói là sự sống đời đời. Chân tôi dù chỉ đi được một vết trên quả đất, nhưng với tôi trái đất là quá nhỏ so với cái bao la của hoàn vũ. Tôi không bằng lòng với cái thực tế đau khổ, hạn hẹp của kiếp nhân gian. Cái tôi khao khát là một sự sống viên mãn với hạnh phúc tròn đầy cho tất cả mọi người nơi vương quốc vĩnh cữu. Chỉ nơi Thiên Chúa mới lấp đầy những mơ ước mà chân tôi của hiện tại không bao giờ bước tới. Vâng, Niềm tin cho tôi hy vọng, cho tôi an tâm rằng có ngày nào đó tất cả những ai có tâm hồn khao khát sự thiện sẽ được hưởng niềm vui Thiên Quốc, niềm vui ấy mãi mãi.

Cám ơn bố mẹ đã cùng với Thiên Chúa gieo trong tâm hồn con đức tin và niềm hy vọng. Cám ơn bố mẹ dạy con tình yêu Thiên Chúa cho con lý tưởng sống trọn vẹn hơn nơi trần gian, biết cách trao ban những giá trị từ Trời cao. Dù cho đối với huyền nhiệm về Thiên Chúa, tim con, trí con vẫn cứ ngạc nhiên, hồi hộp như ngày bố dạy con bài học đầu tiên. Bài học từ “ chú gà con”.

 

Catarina Hoàng Nga