Lúc 4h chiều thứ Năm 28 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tấn phong 14 vị tân Hồng Y. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
“Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các ông.”
(Mc 10:32)[1].
Câu đầu tiên của đoạn Tin mừng tiêu biểu trong Phúc Âm thánh Máccô luôn giúp chúng ta nhận ra cách thế Chúa chăm sóc cho dân Người với một phương pháp sư phạm riêng của Người. Trên hành trình tiến về Giêrusalem, Chúa Giêsu cẩn thận đi trước các môn đệ của mình.
Giêrusalem tượng trưng cho giờ khắc định đoạt trong cuộc đời Người. Tất cả chúng ta biết rằng trong những thời khắc quan trọng và quyết định của cuộc đời, con tim có thể lên tiếng tỏ bày những ý định và những căng thẳng trong nội tâm chúng ta. Những thời khắc bước ngoặt này của cuộc sống đặt ra trước chúng ta những thách đố; chúng đưa ra những câu hỏi và ao ước không phải lúc nào cũng tỏ tường với tâm hồn con người chúng ta. Đó là những điều được trình bày hết sức đơn sơ và trung thực trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Đứng trước lời tiên báo lần thứ ba gây hoang mang nhất về cuộc Thương khó, thánh sử Máccô không ngại tiết lộ những bí mật đang hiện diện trong con tim các môn đệ: đó là sự tìm kiếm hư danh, ghen tuông, ganh tị, mưu mô, dàn xếp và thỏa hiệp. Kiểu luận lý này không chỉ bào mòn và hủy hoại các mối quan hệ giữa họ với nhau, mà còn giam cầm họ trong các cuộc thảo luận vô dụng và vớ vẩn. Nhưng Chúa Giêsu không quan tâm đến điều này, nên Người đi trước họ và tiếp tục tiến bước. Rồi Người nói với họ một cách quyết liệt: “Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mc 10,43). Như thế, Chúa Giêsu cố gắng tái định hướng tầm nhìn và con tim các môn đệ Người, để chấm dứt các cuộc thảo luận vô bổ và tự quy chiếu về mình trong cộng đoàn. Có ích gì khi được cả thế giới trong khi nội tâm chúng ta băng hoại? Thu tóm cả thế gian thì được ích chi nếu chúng ta sống trong một bầu khí ngột ngạt của những mưu mô làm khô héo con tim và ngăn cản sứ vụ của chúng ta? Ở đây, như nhiều người đã thấy, chúng ta có thể nghĩ đến những âm mưu đang diễn ra ngay cả trong các cơ quan của Giáo Hội.
“Nhưng giữa anh em thì không được như vậy”: câu trả lời của Chúa Giêsu trên hết là một lời mời gọi và là một thách đố đối với các môn đệ để lấy lại phần tốt hơn cho họ, không để tâm hồn họ ra hư hỏng và bị giam cầm bởi các não trạng thế gian khiến họ mù lòa không còn nhận ra được điều gì mới thực sự là quan trọng. “Nhưng giữa anh em thì không được như vậy”. Tiếng nói của Chúa giải thoát cộng đoàn khỏi cái nhìn quá quy chiếu về chính mình, và hướng tầm nhìn, năng lực, khát vọng và tâm hồn của cộng đoàn đến điều đáng kể duy nhất là sứ vụ.
Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng sự hoán cải, thay đổi con tim và canh tân Giáo hội là và sẽ luôn luôn là mấu chốt truyền giáo, nó đòi một dấu chấm hết cho việc tìm kiếm và bảo vệ tư lợi của chúng ta, để có thể tìm kiếm và chăm lo cho những lợi ích của Chúa Cha. Sự hoán cải xa lánh tội lỗi và tính ích kỷ của chúng ta sẽ không bao giờ là một kết thúc nơi chính nó, nhưng luôn là một cách để tăng trưởng trong sự trung tín và sự sẵn sàng đón nhận sứ vụ. Vào thời khắc của sự thật, đặc biệt khi chúng ta thấy sự nản chí của anh chị em chúng ta, chúng ta sẽ được chuẩn bị hoàn toàn để đồng hành và chào đón họ, từng người và tất cả. Như thế, chúng ta tránh cho mình khỏi đâm ra thành những “chướng ngại vật” vì tầm nhìn thiển cận của mình [2], hay tệ hơn nữa, vì những tranh luận vô dụng giữa chúng ta xem ai mới là người quan trọng nhất. Khi chúng ta quên đi sứ vụ, khi chúng ta không còn nhìn thấy những gương mặt cụ thể của anh chị em mình nữa, thì cuộc sống của chúng ta bị đóng kín trong việc theo đuổi tư lợi và những an ninh của chính bản thân mình. Lòng oán giận bắt đầu nảy sinh, cùng với những buồn phiền và cảm thức ganh ghét. Dần dà, chúng ta không còn chỗ cho người khác, cho cộng đồng giáo hội, cho người nghèo, và cho việc lắng nghe tiếng Chúa. Niềm vui nhạt nhòa dần và con tim khô héo đi (x. Tông huấn Niềm vui Phúc âm, 2).
“Nhưng giữa anh em thì không được như vậy”. Chúa Giêsu dạy tiếp rằng “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người (Mc 10:43.44). Đó là mối Phúc và lời Magnificat mà chúng ta được mời gọi hát lên mỗi ngày. Đó là lời mời gọi của Chúa để chúng ta đừng quên rằng quyền bính trong Giáo hội phát triển qua khả năng bảo vệ phẩm giá của người khác, xức dầu cho họ, và chữa lành các vết thương cũng như những hy vọng thường tan vỡ của họ. Nó nhằm nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta hiện diện ở đây bởi vì chúng ta được mời gọi “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.. công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4:18-19).
Anh em Hồng Y và tân Hồng Y thân mến!
Trong hành trình tiến về Giêrusalem của chúng ta, Chúa đi trước chúng ta để nhắc nhở chúng ta rằng hình thức khả tín duy nhất của quyền bính xuất phát từ việc đặt mình ở dưới chân người khác để phục vụ Chúa Kitô. Đó là quyền bính đến từ việc không bao giờ quên rằng Chúa Giêsu, trước khi gục đầu trên Thánh giá, đã không ngần ngại cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Vinh dự cao nhất mà chúng ta nhận lãnh, sự thăng tiến lớn nhất mà chúng ta có thể được tưởng thưởng là phục vụ Chúa Kitô giữa dân trung tín của Thiên Chúa, nơi những ai đói khát, bị bỏ rơi, giam cầm, đau yếu, sầu khổ, nghiện ngập, bị gạt ra ngoài lề xã hội, nơi những con người cụ thể, mỗi người với chuyện đời và lịch sử của họ, với hy vọng và thất vọng của họ, với những nỗi đau và vết thương của họ. Chỉ như thế, quyền bính của người Mục tử mới có hương vị của Tin mừng và sẽ không giống như “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.” (1 Cor 13:1). Không ai trong chúng ta được phép cảm thấy mình cao trọng hơn người khác. Không ai trong chúng ta được phép nhìn từ trên nhìn xuống người khác. Thời khắc duy nhất chúng ta có thể nhìn một người kiểu đó là khi chúng ta giúp họ đứng lên.
Giờ đây, tôi muốn chia sẻ với anh em một phần trong chúc thư thiêng liêng của thánh Gioan XXIII. Trong hành trình đời mình, ngài đã có thể nói: “Tôi được sinh ra bởi những người nghèo khổ, nhưng khiêm nhường và đáng kính, nên tôi đặc biệt thấy vui khi được chết nghèo, sau khi đã phân phát hết những gì tôi có trong tay – chẳng đáng là bao, theo các nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống đơn sơ và thanh bần của tôi, trong sự phục vụ cho người nghèo và cho Hội Thánh, là người đã nuôi dưỡng tôi trong những năm linh mục và giám mục của tôi. Những dáng vẻ giàu có bên ngoài thường che đậy những chiếc gai nhọn của một lòng thanh bần miễn cưỡng, là điều ngăn cản tôi trao ban cách quảng đại cho người khác như tôi mong muốn. Tôi cám ơn Chúa về ơn thanh bần mà tôi đã khấn hứa trung thành trong tuổi trẻ của tôi; sự nghèo khó về tinh thần, như một linh mục của Thánh Tâm Chúa, và sự nghèo khó về vật chất, là điều đã củng cố quyết tâm của tôi, là không bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì dù là tiền bạc hay các chức tước cao sang cho bản thân tôi hoặc cho thân quyến và bạn bè của tôi.” (29 tháng Sáu, 1954)
[1] Chúa Giêsu sử dụng cùng một động từ, “proago”, khi Ngài nói với các môn đệ rằng Ngài sẽ “đi trước” họ vào Galilê (xem Mc 10:32).
[2] x. JORGE MARIO BERGOGLIO, Bài giảng linh thao cho các Giám Mục Tây Ban Nha, 2006.
Source: Libreria Editrice Vaticana – ORDINARY PUBLIC CONSISTORY FOR THE CREATION OF NEW CARDINALS PAPAL MASS HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS Vatican Basilica Thursday, 28 June 2018
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”