Anh em linh mục và cộng đoàn Dân Chúa thân mến,
Đây là lần đầu tiên, chúng ta hiện diện trong nhà thờ Chính tòa thân yêu này để kỷ niệm ngày Đức Kitô chia sẻ chức vụ tư tế cho tất cả các mục tử. Các linh mục sẽ lặp lại lời hứa khi chịu chức và cộng đoàn Dân Chúa được mời gọi cầu nguyện đặc biệt cho các mục tử của mình.
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật chuyến hồi hương quan trọng của Đức Giêsu. Thánh Luca cho biết sau khi đã giảng tại Capharnaum và nhiều nơi khác, Đức Giêsu trở lại làng quê Nazareth và long trọng công bố sứ vụ tương lai: “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha …”(Lc 6, 18 …).
Lễ Dầu hàng năm là cơ hội hồng phúc để các mục tử hoán cải, đổi mới cuộc đời và khởi đầu một giai đoạn mới dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Các linh mục được yêu cầu lặp lại lời hứa “xin vâng” ngày Thụ phong và can đảm nhìn lại chính mình: Biết bao nợ nần trả chưa xong? Nợ Chúa, nợ Giáo Hội, nợ anh chị em, nhất là những người nghèo và những người chưa biết Chúa? Không phải vô lý mà một linh mục thi sĩ đã tự vấn lương tâm qua vần thơ ngọt ngào: “Ôi linh mục!Một cuộc đời mắc nợ! /Đến bao giờ mới trả cho xong?”
Lễ Dầu năm nay, tôi muốn suy niệm đoạn Tin Mừng rất phong phú ở trên, cùng với lá thư của Đức Hồng y Filoni, Bộ Loan báo Tin Mừng, gửi cho tôi vào dịp thành lập Giáo phận Hà Tĩnh và một vài trích dẫn trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các Giám mục thuộc vùng Truyền giáo .
1)- Loan báo Tin Mừng: Sau lời chào thăm thân tình, Đức Hồng y yêu cầu Tân Giáo phận Hà Tĩnh phải hăng say dấn thân loan báo Tin Mừng. Đây là sứ vụ ưu tiên của Giáo phận, bởi vì, theo Công đồng Vatican II: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là người được sai đi, vì cội nguồn của Giáo hội gắn liền với việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha” (TG. 2).
Thánh Bộ biết rõ những khó khăn mà truyền thống văn hóa và cơ cấu xã hội- chính trị tại Việt Nam đang đặt ra cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, không chứng ngại nào có thể ngăn cản chúng ta loan báo Tin Mừng, nếu chúng ta thực sự quyết tâm.
Chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thường xuyên nhấn mạnh đến sứ vụ loan báo Tin Mừng này. Ngài yêu cầu chúng ta đón nhận lệnh truyền mà Chúa trao cho các Tông đồ “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), như là lệnh truyền cho chính chúng ta. Ngài đã viết một câu thật sâu sắc và hết sức ấn tượng: “Hãy đi: Người ta không ngồi để loan báo Tin Mừng, mà phải đi, phải ở tư thế lữ hành. Các mục tử không sống nơi bàn giấy, như một nhà quản trị xí nghiệp, nhưng sống giữa đại chúng, trên những con đường trần gian, như Đức Giêsu. Các mục tử mang Đức Giêsu đến nơi mà Ngài chưa được nhận biết, nơi Ngài bị làm biến dạng và bị bách hại. Mục tử không hài lòng sống trong tiện nghi, chẳng thích cuộc sống êm đềm và không ngại mất sức lực, không coi mình là ông hoàng, mà sẵn sàng dốc tận tâm tận lực cho tha nhân, triệt để phó thác cho Thiên Chúa. Nếu mục tử tìm chỗ dựa và những bảo đảm trần thế, ngài sẽ không phải là một tông đồ đích thực của Tin Mừng”.
2)- Công lý và hòa bình. Bất chấp Việt Nam đã ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và cũng đã ký vào nhiều Công ước quốc tế về Nhân quyền, nhưng tự do tôn giáo, quyền con người, tự do, dân chủ … vẫn là lãnh vực rất nhạy cảm ở đất nước chúng ta. Chính vì vậy, Đức Hồng y mời gọi chúng ta tiếp tục quan tâm đặc biệt đến phong trào công lý và hòa bình, một lãnh vực mà người Công giáo tại Hà Tĩnh rất mẫm cảm. Tuy nhiên, từ viễn quan Kitô giáo thì nền tảng căn bản của tất cả vẫn phải hướng về hy vọng cánh chung, nơi Vương quốc của Thiên Chúa. Do đó, cần phải hỗ trợ các linh mục, tu sĩ và giáo dân để luôn có ý thức rõ rệt về các giá trị tâm linh trong hành trình kiếm tìm công lý và hòa bình. Chắc chắn Giáo hội ủng hộ quyền con người và tự do tôn giáo, nhưng không thể biến một cử hành phụng vụ thành một thứ biểu tình.
3)- Chất lượng ơn gọi. Không ai phủ nhận số lượng ơn gọi dồi dào tại Việt Nam. Đó là một hồng ân Chúa ban. Nhưng Đức Hồng y có lý khi yêu cầu chúng ta quan tâm nhiều hơn đến chất lượng chủng sinh, cũng như linh mục. Sự quyến rũ của vật chất và hiện tượng trần tục hóa phải chăng đang làm vẩn đục cuộc sống linh mục? Ngoài ra, cần phải đặc biệt lưu ý đến cái nguy hiểm của căn bệnh trọng hình thức, thói giáo sĩ trị, cũng như việc lạm dụng quyền bính và chức vụ nơi các linh mục.
Về điểm này, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắn nhủ chúng ta: “Giáo sĩ trị phá hoại hiệp thông, bởi vì nó gây nên chia rẽ trong thân thể Giáo hội, đồng thời khích lệ và hỗ trợ để duy trì nhiều tật xấu mà hôm nay chúng ta đang tố cáo. Nói không với những lạm dụng, đó là nói không, một cách dứt khoát, với tất cả các hình thức giáo sĩ trị (…). Hãy trở nên những người nghèo về tiền của, mà giàu về các mối tương quan, không bao giờ cứng cỏi và gắt gỏng, nhưng nhã nhặn, kiên nhẫn, đơn giản và cởi mở”.
Chúng ta biết rằng các linh mục xuất thân từ cộng đoàn Dân Chúa, nên cũng là những con người bình thường như các thành phần khác của cộng đoàn. Vì vậy, chắc chắn các linh mục không có tất cả các năng khiếu hay “toàn thể các đặc sủng”, như một số người lầm tưởng. Trái lại, các mục tử được mời gọi để cố gắng chiếm hữu “đặc sủng của toàn thể”, nghĩa là đặc sủng để duy trì hiệp nhất, để xây dựng cộng đoàn…
4)- Con người cầu nguyện. Linh mục được mời gọi để biểu lộ dung nhan Chúa Chiên Lành và mang trong mình trái tim của Đấng Cứu độ, Đấng đã hiến dâng chính mình cho đàn chiên… Do ơn gọi của mình, linh mục phải là con người cầu nguyện cho bản thân và nhất là cho anh chị em đồng loại. Thật vậy, đối với linh mục, cầu nguyện không chỉ là một hình thức mộ đạo, mà là một nhu cầu, không chỉ là một cam kết giữa muôn một, mà là một sứ vụ bất khả thay thế: mỗi ngày chúng ta phải khẩn khoản trình lên Thiên Chúa những con người và những tình trạng khốn cùng. Tương tự như Moisen, chúng ta dơ tay lên trời để cầu khẩn cho dân chúng và đôi khi cũng dám cả gan “mặc cả” và tranh luận với Chúa như Abraham thuở xưa, để cầu bầu cho dân chúng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu một câu hỏi nhức nhối: Mỗi ngày chúng ta cầu nguyện bao nhiêu giờ?
5)- Vài điểm nhấn mục vụ. Anh em linh mục thân mến, hiện diện nơi Nhà thờ Chính tòa này để ký niệm ngày hồng phúc, chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về căn tính mục tử của mình, để ý thức đúng đắn hơn sứ vụ và trách nhiệm đối với cộng đoàn Dân Chúa. Phải chăng Chúa Chiên Lành đang mời gọi chúng ta theo chân Ngài, có lòng thương cảm thực sự đối với những ai bơ vơ, không có chủ chăn, với những người lầm đường lạc lối và với tất cả ai bệnh tật, nghèo đói, bị bách hại, bị loại trừ? Giữa muôn ngàn trách nhiệm, xin đặc biệt lưu ý mấy điểm sau đây:
a)- Gia đình. Hiện nay người ta đề cao nhân quyền và tự do cá nhân, nhưng gia đình vẫn là tế bào căn bản của xã hội và là Giáo hội tại gia. Hãy khuyến khích tiến trình chuẩn bị hôn nhân và đồng hành với các gia đình, nhất là các gia đình trẻ.
Ở đây, chúng ta đang đối diện với một nan đề: hiện tượng xuất khẩu lao động hay di công. Vì quê hương chúng ta chậm phát triển nên chưa cung cấp đủ việc làm cần thiết cho người dân. Do đó, tất nhiên là ngừơi trẻ phải đi khắp nơi để kiếm việc làm. Nhờ vậy, giải quyết được tình trạng thất nghiệp và đem về thu nhập cho nhiều gia đình. Nhưng không ai có thể quên được mặt trái của nó: gia đình chia ly, vợ chồng ly tán, gia đình tan hoang, hôn nhân đổ vỡ, biết bao đứa trẻ bỗng nhiên trở thành “mồ côi” khi cha mẹ vẫn còn sống! Với tư cách mục tử, chúng ta phải làm gì, nên làm gì và có thể làm gì để góp phần giải quyết vấn đề này?
b)- Giới trẻ. Giới trẻ chính là tương lai của xã hội và Giáo hội: thế giới tương lai tốt đẹp hay không lệ thuộc rất nhiều ở các em. Tuy nhiên, mấy năm nay, có thêm một thực tế đau lòng: giới trẻ bỏ học hàng loạt và rời quê đi làm lao động phổ thông. Nhiều nguyên nhân đưa đến hiện tượng đau buồn này. Nhung phải chăng nguyên nhân chính là sự xuống cấp thê thảm của nền giáo dục Việt Nam hiện nay và hiện tượng tham nhũng khiến nhiều người trẻ dù tốt nghiệp Đại học, mà nếu không có tiền để đút lót thì cũng kiếm được việc làm mong muốn. Tương lai của đất nước và Giáo hội sẽ ra sao với hiện tượng này?
c)- Người nghèo. Yêu thương người nghèo nghĩa là chiến đấu chống lại mọi hình thức nghèo đói, tinh thần và vật chất. Áp dung Kim Chỉ Nam của Giáo phận, bắt đầu từ năm nay, chúng ta sẽ lập quỹ người nghèo ở mức độ giáo xứ cũng như Giáo phận để hỗ trợ những hộ neo đơn, già nua, bệnh tật …
Anh chị em rất thân mến. Trong ngày kỷ niệm Đức Giêsu thành lập chức tư tế, xin anh chị em đặc biệt cầu nguyện cho giám mục và cho các linh mục của anh chị em. Ước mong rằng chúng ta sẽ đoàn kết với nhau để hiện đại hóa di chúc tình yêu của Chúa bằng những hành động cụ thể biểu lộ tình yêu của chúng ta đối với Chúa và đối nhau, đặc biệt đối với những người bệnh tật, nghèo khổ, bị bách hại, bị loại trừ.
Xin ơn trên luôn gìn giữ chúng ta trong tình thương của Người .
Tôi đã đọc lại thật kỹ nguyên bản tiếng Ý bài giảng Lễ Dầu của ĐTC, đối chiếu với nhiều bản dịch khác và với bài viết của Vũ Văn An. Tôi phải khiêm tốn nhìn nhận rằng khi dịch cụm từ “con l’odore delle pecore” (ở khúc 7) trong bài giảng của ĐTC thành “(Hãy làm những mục tử) với hương thơm của đoàn chiên”, là mình đã không hiểu đúng tư tưởng của ĐTC, do có một cách nhìn hơi quá lạc quan về ý nghĩa của phép xức dầu, mà không chú ý đủ tới góc nhìn rất thực tế của ngài về Dân Chúa và về vai trò của các mục tử ở giữa Dân Chúa. Tôi xin giải thích như sau.
Chắc chắn toàn bộ bài giảng của ĐTC thể hiện một tầm nhìn lạc quan và tích cực về phép xức dầu:
– Dầu ở đây là “Dầu Thánh (Crisma, mà chất liệu thực tế là dầu ô-liu pha với hương liệu, tức Crisma là một lọai dầu thơm)”; dầu ở đây là “dầu quý (olio prezioso)” (khúc 2 và 4), với mục đích: để “ướp thơm” (profumare) những con người, từ tư tế Aharon xuống đến những người sống ở “những vùng ngoại biên”…(khúc 4).
– ĐTC nhấn mạnh khi ngỏ lời với các linh mục rằng: “dầu xức không phải để ướp thơm bản thân chúng ta” (cuối khúc 4), nhưng là để xức cho “dân của mình”, “xức bằng dầu hoan lạc”, “bằng cách làm cho Tin Mừng mà chúng ta rao giảng đi vào cuộc sống thường ngày của họ, … giống như dầu xức cho ông A-ha-ron, Tin Mừng chảy xuống tận đường viền của thực tế cuộc sống…”(đầu khúc 5).
– Dầu Thánh, dầu quý, dầu hoan lạc ấy chính là “Dầu Thơm hoặc hương thơm (il profumo) của Đức Kitô, Đấng-Được-Xức-Dầu. Dầu ấy đến với Dân qua chúng ta (các linh mục). Dân chỉ ước muốn được xức bằng dầu thơm, vì họ biết chúng ta có thứ dầu đó. (giữa khúc 5).
– ĐTC kêu gọi các linh mục hãy “đi ra để trải nghiệm phép xức dầu của chúng ta, trải nghiệm sức mạnh và tính công hiệu mang giá trị cứu chuộc của nó: tại những “vùng ngọai biên”, nơi có đau khổ, nơi có đổ máu, nơi có sự mù lòa đang ước muốn được nhìn thấy, nơi có những tù nhân của biết bao ông chủ độc ác…” (khúc 6).
– Tiếp đến, ĐTC phàn nàn những linh mục “ít đi ra khỏi chính mình, ít xức dầu (hoan lạc) cho dân chúng”. Những linh mục đó có nguy cơ quên mất sứ vụ “người trung gian” và rơi vào vị trí của “người môi giới (mối lái) và người quản trị”, và một số trong họ “cuối cùng trở thành những linh mục buồn và biến chất thành một thứ nhà sưu tập đồ cổ hoặc đồ mới”(khúc 7).
– Cho đến đây (nghĩa là từ khúc 2 đến giữa khúc 7 của bài gỉang), ĐTC có một tầm nhìn lạc quan và tích cực về ơn gọi và sứ vụ của linh mục qua lời khuyên mạnh mẽ được ngài diễn đạt bằng hình ảnh: “Hãy ra khỏi chính mình, hãy đi ra để trao ban chính mình và trao ban Tin Mừng cho tha nhân, trao ban cái chút xíu dầu xức chúng ta đang có cho những người không có tí nào cả” (khúc 6). Điều đó có nghĩa là: khi linh mục tận tình xức dầu hoan lạc, dầu Phúc Âm cho Dân, tức cho đoàn chiên của mình, — mà Dân cũng “chỉ ước muốn được xức bằng dầu thơm (ấy), vì họ biết linh mục có thứ dầu đó (giữa khúc 5), thì đoàn chiên của linh mục ắt cũng phải tỏa hương thơm, thứ hương thơm mà họ nhận được từ Chúa Kitô qua trung gian linh mục (giữa khúc 5). Đó là hương thơm của sự thánh thiện, mà nhiều ngôn ngữu Âu châu gọi là “mùi của sự thánh thiện (l’odore di santità)”.
– Tại sao ĐTC không dùng kiểu nói: “Siate pastori col profumo delle pecore” (Hãy làm những mục tử với hương thơm của đoàn chiên), mà lại dùng kiều nói “Siate pastori con l’odore delle pecore (…những mục tử với mùi của đoàn chiên)”? – Thực ra về phương diện ngôn ngữ học, danh từ “l’odore” (dịch sát là “mùi”), khi đứng một mình, thường có một nghĩa “trung lập” và tổng quát, do đó người ta phải thêm một tính từ để xác định tính chất cụ thể cho từng trường hợp, như “un buon odore” (một mùi tốt, tức là mùi thơm), hoặc “un cattivo odore” (một mùi xấu, tức mùi hôi, thối). Tuy nhiên vẫn có trường hợp “l’odore” không có tính từ “buono” đi kèm, mà vẫn có nghĩa tích cực, như trong thành ngữ “ morire in odore di santità = chết trong mùi (của sự) thánh thiện” , tức, theo tiếng Việt chuẩn, chết trong hương thơm (của sự) thánh thiện”, bởi lẽ sự thánh thiện tự nó có giá trị tích cực, cho nên mùi của nó tất nhiên phải là mùi thơm, hoặc hương thơm.
+GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP.
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ