Dưới sự hướng dẫn của Tông huấn Pastores Dabo Vobis[1] và bước theo định hướng Đào Tạo Linh Mục dành cho các chủng viện tại Việt Nam[2], những ngày thường huấn lần thứ VI dành cho các nhà đào tạo những ứng sinh linh mục tại Việt Nam tập trung vào chủ đề: Học thuyết xã hội của giáo hội Công giáo như “cuộc đối thoại cứu độ”trong việc đào tạo linh mục tại việt nam hôm nay.
Khoá thường huấn được tổ chức do Đức cha Chủ tịch Antôn Vũ Huy Chương và Đức cha Phó Chủ tịch Giuse Đỗ Mạnh Hùng của Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Các tham dự viên gồm 126 người đến từ 10 Đại chủng viện, các ban mục vụ ơn gọi của 26 giáo phận và 14 dòng tu. Được sự tài trợ của Hội Thừa Sai Paris cùng với sự trợ giúp của Đại học Công Giáo Paris xuyên qua các chuyên viên, chúng tôi quy tụ tại Toà giám mục Xuân lộc từ ngày 01 đến 14 tháng Bảy, năm 2018. Ngoài ra còn có sự cộng tác của giáo sư Antonio Maria Baggio đến từ Ý, linh mục Phêrô Tạ Anh Vũ đến từ Đức, linh mục Giuse Bùi Công Trác hiện là Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, linh mục Ernest Nguyễn Văn Hưởng hiện là Đại diện giám mục đặc trách giáo dân của Tổng giáo phận Sài Gòn, cùng với một số anh chị em giáo dân hoạt động trong lãnh vực xã hội của Tổng giáo phận Sài Gòn. Tất cả làm cho những ngày học hỏi, chia sẻ, suy tư và cầu nguyện thêm phong phú.
A. Tổng quát về khóa thường huấn
Chương trình của khoá thường huấn khởi sự từ 5:30 với Kinh Sáng, hồi tâm và Thánh lễ cho tới 19:30 với Kinh tối. Mọi người đều tham gia tích cực và làm cho bốn chiều kích nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ được lưu tâm trong Ratio về đào tạo linh mục trở nên sống động và thiết thực.
Dẫu khác biệt nhiều vể tuổi tác, văn hoá, giáo dục và xã hội, chúng tôi cùng nhất tâm làm nên một cộng đoàn của những môn đệ Chúa Kitô. Quanh Ngài, tình huynh đệ triển nở thật tự nhiên vì chỉ có một đức tin, một lòng mến và một niềm hy vọng. Chúng tôi chia sẻ những ưu tư thao thức trong việc đào tạo, cùng thảo luận học hỏi và đặt vấn nạn để đào sâu hiểu biết, cùng chia sẻ những bữa ăn cũng như những giờ giải trí, thể thao và đến cả những tiếng hò la dõi theo World Cup 2018. Tất cả tạo nên một bầu khí vui tươi, thân ái và thanh thản.
Vào Chúa nhật, ngày 08 tháng 07, chúng tôi đến dâng lễ tại trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi của Giáo phận Xuân Lộc. Chúng tôi cùng tri ân Mẹ Maria, người Mẹ của Đất Việt yêu dấu cũng như có thể trải nghiệm tận mắt lòng đạo đức của các tín hữu địa phương.
Hẳn nhiên, phần lớn thời gian được dùng cho việc đào sâu kiến thức về những hướng dẫn của Giáo hội. Các thuyết trình viên như dụng cụ của Thiên Chúa đã khai sáng chúng tôi nhiều điều. Nhờ đó, một khi xác tín được những chân lý Giáo hội sống, chúng tôi có thể góp phần mình vào việc khắc sâu cho các ứng sinh linh mục lòng mộ mến học thuyết xã hội của Giáo hội.
Nhân dịp này, Đức cha Chủ tịch bổ nhiệm cha Giuse Phạm Văn Trọng, linh mục Tổng giáo phận Sài Gòn, làm Tổng thư ký của Ủy ban này.
B. Nội dung khóa thường huấn
1. Jacques Arènes: “Vấn đề truyền thụ ngày nay”. Sau khi cha Berceville trình bày tổng quát mang tính giới thiệu các đề tài học hỏi, giáo sư Jacques Arènes khai triển đề tài về sự truyền thụ các giá trị chân chính cho thế hệ tương lai. Giáo sư tập trung nhiều vào sự truyền thụ của gia đình. Dẫu gia đình đang gặp những khó khăn, dẫu cho những thế hệ trước nhiều khi lúng túng và hoài nghi về những giá trị mình truyền đạt, thì gia đình vẫn là tế bào cơ bản của xã hội. Sự đổi mới xã hội bắt đầu từ gia đình. Gia đình được mời gọi để trình bày một gia đình-chứng nhân trong việc truyền thụ những giá trị cao đẹp cho thế hệ tương lai. Các gia đình phải truyền thụ những giá trị không phải như một sự sao chép, nhưng như một sự trung thành đầy sáng tạo.
2. Nữ tu Sophie Ramond: “Những nền tảng Kinh Thánh giúp suy tư về công bằng xã hội“. Thuyết trình viên dựa vào ngôn sứ Amốt đề cho thấy một Thiên Chúa luôn yêu thương những con người nghèo khổ, khiêm hạ và bị thương tổn. Thiên Chúa luôn đứng về phía họ bởi vì họ chỉ đặt tin tưởng vào Ngài mà thôi. Thiên Chúa đã dành cho họ một chỗ trong Vương quốc của Ngài. Và khi phục vụ họ, chúng ta dâng lên Ngài lễ vật cuộc sống. Nó vượt xa những lễ vật chiên bò. Thuyết trình viên mời gọi các tín hữu luôn dựa trên Lời Chúa khi dấn thân cho công bằng xã hội với tình thương. Dẫu thế, chúng ta cần phải đọc Lời Chúa với một ánh mắt có phê phán, nghĩa là, với tâm hồn được hoán cải, được canh tân.
3. Dominique Greiner: “Xây dựng khoa luân lý tình huynh đệ”. Tác giả khảo sát Rerum Novarum, Populorum Progressio và Laudato Sí. Đối diện với những tham lam, ganh đua không thương xót, ích kỷ và quyền lực, tác giả cho thấy cả ba văn kiện đều muốn xây dựng một tình huynh đệ chân thành. Tình huynh đệ của Tin mừng phải thay cho một thứ tình huynh đệ cổ xuý hận thù, chia rẽ như chủ – thợ, hay một thứ tình huynh đệ bị thương tổn vì không để ý đến phẩm giá toàn diện của con người, hoặc một tình huynh đệ bị lãng quên vì chỉ lo đến lợi nhuận của riêng mình. Tình huynh đệ Tin mừng nói đến luôn dựa trên nguyên tắc “mọi sự đều liên đới”, bởi vì tính toàn diện của ngôi vị con người. Con người được tạo dựng để sống sung mãn.
4. Thierry – Marie Courau: “Đối thoại cứu độ nhắm đến nền luân lý tình huynh đệ”. Dựa trên văn kiện Ecclesiam Suam của Đức Phaolô VI, tác giả khai triển “đối thoại cứu độ”. Thiên Chúa đã cứu con người và lịch sử bằng cách đối thoại. Các trường hợp như Môsê, các Thẩm phán, Êlia, v.v. đều minh chứng chân lý này. Vì thế, để mang ơn cứu độ cho thế giới hôm nay, Giáo Hội cũng buộc phải đối thoại: đối thoại với các nền văn hoá, đối thoại với các tôn giáo và đối thoại với những người nghèo. Khi đối thoại với con người trong chính trạng huống hiện sinh của họ, Giáo hội thoát ra khỏi chính mình để mặc lấy Đức Kitô và Thần Khí hầu canh tân đổi mới chính mình. Đối thoại phải đi vào trong đường lối mục vụ của Giáo hội, vì nhờ đó Giáo Hội có thể cởi bỏ được chiếc áo hoàng vương để trở thành bạn đồng hành với con người thời đại vốn khao khát sự sống của Thiên Chúa.
5. Nhóm CT2: “Docat: Học thuyết xã hội của Giáo hội dành cho người trẻ”. Bầu khí học tập chuyển sang một mầu sắc khác. Cộng đoàn lắng nghe được những tín hữu đã cùng nhau qui tụ, học hỏi, chia sẻ và làm học thuyết xã hội của Giáo hội trong chính những nơi mình sống như y tế, trường học … Họ đã trình bày cách họ hấp thụ DOCAT. Họ thâm tín về chân lý và vẻ đẹp của giáo huấn này; đồng thời họ tin rằng nó có thể biến đổi Việt nam ở bình diện sâu xa nhất. Họ cũng tìm cách truyền bá DOCAT giữa các bạn trẻ một cách rất thâm tín. Có thể nói, họ đã sống và là Giáo hội một cách rất mới mẻ qua việc cùng nhau tạo nên những cộng đoàn Giáo hội nhỏ và cơ bản.
6. Ernest Nguyễn Văn Hưởng: “Ứng dụng học thuyết xã hội”. Bài được chia làm hai phần. Phần một, tác giả trình bày về việc huấn luyện lương tâm trong bối cảnh Việt Nam hôm nay có nhiều điều nhức nhối. Tác giả cho thấy những tác động của xã hội trên lương tâm con người, và cả người tín hữu. Tiếp đến, tác giả nói đến những điểm lưu ý khi trình bày học thuyết xã hội của Giáo hội: sự liên kết chặt chẽ giữa học thuyết này và việc rao giảng Tin mừng, vẻ đẹp của ơn gọi tín hữu và luật tự nhiên như chuẩn mực để đối thoại với mọi người. Cách riêng với các Kitô hữu, chúng ta có được một gia sản cao quý là Mười Điều Răn. Đó là tặng phẩm Thiên Chúa ban tặng để chúng ta sống nhân tính một cách vững chắc và tốt đẹp. Tác giả cũng mời gọi chúng ta đừng bỏ qua đóng góp của toàn nhân loại trong Hiến chương Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Những điều đó rất bổ ích cho chúng ta trong khi đối thoại với mọi người về phẩm giá con người cũng như nhân quyền. Sang phần thứ hai, một số bạn trẻ trình bày thực tại xã hội Việt nam hôm nay với hai hiện trạng bao gồm bạo lực và môi trường.
7. Antonio Maria Baggio: “Nguyên tắc tình huynh đệ được hiểu trong biểu hiện xã hội và công cộng”. Tác giả khảo sát tiến trình lịch sử của tình huynh đệ qua cuộc cách mạng của các thuộc địa Anh, cách mạng Pháp, và cách mạng tại St. Domingue (hiện nay là Haiti). Tất cả nêu cao khẩu hiệu “tình huynh đệ”. Thế nhưng tình huynh đệ này không đến từ trên cao song đến từ dưới thấp, tức là từ những con người bình đẳng. Đến thời Ánh sáng, con người chỉ chấp nhận uy quyền của lý trí mà thôi. Mọi thứ khác đều bị loại trừ. Từ đây, tác giả cho thấy Giáo hội buộc phải khởi sự một cuộc đối thoại với thế giới với nhiều xung đột khác nhau. Đây không phải là chuyện muốn làm hay không, mà là một mệnh lệnh hay một đòi buộc, vì Giáo hội không thể đứng ngoài và xa lạ với thế giới. Giáo hội được dựng lên để ở trong thế giới, dù không thuộc về thế giới. Từ đó, Giáo hội phải đón chào những gì mà thế giới đã nhận ra về tình huynh đệ, sự bình đẳng và tự do. Rồi Giáo hội làm hoàn hảo chúng bằng Tin mừng Đức Giêsu. Để làm việc này, Giáo hội buộc phải trả một giá rất mắc đó là chấp nhận như hạt giống mục nát để sinh ra nhiều bông hạt. Máu của các chứng nhân luôn sản sinh ra nhiều hạt giống tốt tươi trong mùa màng của Thiên Chúa.
8. Giuse Bùi Công Trác: “Đức Phaolô VI và những đóng góp cho nền hoà bình tại Việt Nam”. Trong học thuyết xã hội của Giáo hội, hoà bình luôn được nói đến. Đó là nỗi khát khao muôn thuở của con người. Ở đây, không đặt quá nặng đến việc diễn giải giáo thuyết của Đức Phaolô VI về hoà bình, tác giá chỉ nỗ lực trình bày về một mục tử luôn lo lắng đến sự tự do, bình an và thịnh vượng của con cái mình, cách riêng tại Việt Nam. Ngài làm mọi sự có thể để làm sao cho con dân Nước Việt được hưởng hoà bình trong sự thật, kính trọng nhau và phát triển. Do lòng yêu mến Việt Nam, Đức Phaolô VI đã viết các lá thư nhằm chuyển tải những lời kêu gọi đến các vị lãnh tụ như Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, đến Tổng Thống L. Johnson, đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Than, để cho dân Việt có thể, ít là, hưởng được sự ngưng bắn, dẫu chỉ là ngắn ngủi. Chúng ta đều cảm phục tấm lòng hiền phụ của ngài.
9. Tạ Anh Vũ: “Truyền thông Kitô giáo trong việc quảng bá và thực hành học thuyết xã hội Công giáo”. Tác giả cho thấy truyền thông như một tiến trình năng động để chia sẻ những giá trị và ý nghĩa đời sống xuyên qua các biểu tượng và hình ảnh. Điều này buộc tác giả phải tìm về nguồn cội của truyền thông trong chính nền tảng Ba Ngôi; theo đó, các ngôi vị thông truyền cho nhau để hiệp thông và các ngôi vị hiệp thông để thông truyền cho nhau. Như thế, truyền thông luôn gắn liền với sự thật, với việc xây dựng tình liên đới, và với sự tôn trọng nhân phẩm. Trong ánh sáng đó, Giáo hội nói đến truyền thông xã hội, tức là trong và của xã hội con người. Giáo hội không đặt nặng nhiều về các phương tiện, song về những con người, nghĩa là, nhấn mạnh đến con người làm truyền thông. Chân lý này dựa trên chính Thiên Chúa, đấng không chỉ thông truyền một sứ điệp, song lấy chính mình làm sứ điệp. Vì vậy, truyền thông xã hội mà Giáo hội thực thi luôn đi liền với sự nâng cao phẩm giá con người. Như thế, truyền thông xã hội không còn là một hoạt động, nhưng chính là sứ vụ. Sứ vụ ấy mở ra rất nhiều sáng kiến bởi vì lẽ, tận sâu thẳm, người làm truyền thông được sinh động bởi một khoa linh đạo phong phú.
C. Kết luận
Nhiều lúc chúng ta dễ bi quan vì xem ra chúng ta chưa làm được gì. Chúng ta thật bức xúc khi thấy những anh chị em chúng ta sống trong những điều kiện phi nhân bản và không xứng với phẩm giá con người. Điều ấy thật chính đáng. Nhưng cũng chính từ đó, chúng ta càng thâm tín hơn con đường Đức Giêsu đã đi. Ngài làm cho Nước Thiên Chúa đến bằng cách biến đổi từng đơn vị nhỏ bé. Hãy biến đổi chúng ta nên những người làm công bằng và chân lý. Hãy làm cho các gia đình chúng ta thành những người thực thi lòng xót thương và tha thứ. Hãy làm cho từng hội đoàn chúng ta nên dễ mến và biết đối thoại trong yêu thương và an hoà. Những điều đó nằm trong tầm tay chúng ta. Và rồi chúng ta sẽ thấy bộ mặt trái đất biến đổi, bởi lẽ chính Thánh Thần mới canh tân bộ mặt trái đất. Nước Thiên Chúa không hiển thị viên mãn ngay lập tức. Nước Thiên Chúa như hạt mầm lớn lên thành cây. Nước Thiên Chúa đi liền với sự kiên nhẫn. Và đó chính là con đường hành động của Thiên Chúa. Thực hành học thuyết xã hội của Giáo hội cũng chính là học để kiên nhẫn, tỉnh thức và cầu nguyện.
Điều ấy Đức cha Chủ tịch nhắc nhớ chúng tôi khi mời gọi chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa khi chân thành cám ơn mọi người đã cộng tác với nhau để sống tình huynh đệ Tin mừng, ít nhất là trong hai tuần qua. Thật đúng là những ngày hồng ân. Thiên Chúa muốn nhờ đó để tăng sức cho chúng tôi trong sứ vụ đào tạo những môn đệ của Chúa và hăng say sống học thuyết xã hội của Giáo hội ngay tại đây và lúc này.
Xuân Lộc, ngày 14 tháng 7 năm 2018
Ban thư ký khóa thường huấn
Uỷ ban Giáo sĩ và Chủng sinh
[1] x. Gioan Phaolo II, PDV, số 6.
[2] x. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đào Tạo Linh Mục: Định Hướng và Chỉ Dẫn , số 108 -109.
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ