Ánh sáng của Thánh Đa Minh

616 lượt xem 7 Tháng Tám, 2019

Vừa qua tôi có dịp đi thăm một ngôi nhà cổ tại xứ Kẻ Sặt. Đây vốn là một ngôi nhà thờ cổ được một người giáo dân sốt sắng chuộc về để gìn giữ. Trong ngôi nhà này có những bức tượng cổ bằng gỗ rất giá trị. Khi chiêm ngắm hai bức tranh khắc gỗ cổ xưa trên 100 tuổi, tôi thật ấn tượng. Một bức tranh khắc một vị thánh mặc áo dòng Đa-minh. Khuôn mặt trẻ trung. Tay mang một vầng sáng toả hào quang rạng rỡ. Chủ nhà thắc mắc không biết đây là vị thánh nào. Tôi trả lời đây chính là thánh Đa-minh. Bức tranh có nghiã thánh Đa-minh mang ánh sáng chiếu soi trong tăm tối.  

Tôi rất thích cách phiên âm tên thánh Đa-minh. Đa-minh vừa phiên âm tên ngài là Domingo, vừa nói lên ý nghĩa sâu xa của cuộc đời ngài là  ánh sáng.

Đa minh theo nghĩa Hán Việt là có nhiều ánh sáng. Quả thật cuộc đời của ngài chính là ánh sáng chiếu soi trong đêm tối. Đó chính là ơn gọi của ngài. Vì thế khi bà mẹ ngài mang thai đã nằm mộng thấy một con chó ngậm bó đuốc chạy đi soi sáng khắp các hang cùng ngõ hẻm tối tăm. Và ngày ngài rửa tội, bà mẹ đỡ đầu thấy trên trán ngài có ngôi sao toả sáng. Đa-minh chính là người mang ánh sáng. Ta có thể tóm tắt những ánh sáng ngài đem đến cho Giáo hội và thế giới thời Trung cổ.

1.Ánh sáng Tin Mừng.

Thời Trung cổ Giáo hội phát triển rực rỡ. Nhiều vua chúa theo đạo và sùng đạo. Các vị giám mục và linh mục được nhiều đặc quyền đặc lợi. Nhưng cũng chính vì thế mà giáo hội sa sút. Đi vào những thói tục trần gian. Đi vào những cử hành nặng hình thức bên ngoài. Quên đi nội dung cốt lõi của Tin Mừng. Làm mồi ngon cho lạc giáo xuất hiện. 

Một lạc giáo xuất hiện tại Albi, miền nam nước Pháp, phát triển rất mạnh mẽ. Trong một lần đi ngang qua miền nam nước Pháp, thánh nhân khám phá ra ông chủ quán trọ là người công giáo, nay đã theo lạc thuyết Albigeois. Giáo phái này chủ trương nhị nguyên. Những gì tốt mới do Thiên Chúa tạo dựng. Những gì xấu trên thế gian là do ma quỉ chiếm đoạt. Sau một đêm nói chuyện thánh nhân đã thuyết phục được chủ quán trọ ăn năn trở lại. Qua cuộc trò chuyện ngài khám phá thấy người ta bị lầm lạc vì không hiểu biết Tin Mừng.

Từ đó ngài càng xác tín phải thông thạo Tin Mừng mới có thể hoán cải người lầm lạc. Thực ra ngài đã say mê Tin Mừng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thay vì học các môn khác ngài dành nhiều thời giờ học Lời Chúa. Tiểu sử của ngài ghi lại: “Mặc dù Đa Minh rất thông thạo những khoa học phần đời, nhưng cậu không cảm thấy hứng thú gì, bởi vì cậu không tìm được sự khôn ngoan thông sáng của Thiên Chúa trong các khoa học đó, ít là cách trực tiếp. Các khoa học đó thường không nói đến danh thánh Chúa Giêsu. Vì vậy, để khỏi tốn phí sinh lực của tuổi thanh niên vào các khoa học đời, mà để thỏa mãn lòng khao khát khoa học cao siêu, Đa Minh vùi đầu tìm hiểu Thiên Chúa và Chúa Giêsu” (Thierry dApollda, Vie de saint Dominique, ch I, n 17..). Vì thế ngài say mê học Thần học và Thánh Kinh. Chính tại Palencia ngài đã ra công chú giải các sách Thánh Kinh.

Trong khi đi rao giảng, ngài luôn mang bên mình Tin Mừng Mátthêu và các Thư thánh Phaolô. Ngài hầu như thuộc lòng các quyển Thánh Kinh này. Trên đường rao giảng ngài thường cùng các bạn đồng hành dừng chân, đọc Tin Mừng và chia sẻ cho nhau những gì cảm nghiệm. Chính vì thế mà sau này ngài đưa ra tôn chỉ: Contemplare, contemplata aliis tradere: chiêm niệm và chia sẻ cho người khác những cảm nghiệm. Biến thành khẩu hiệu: Nói với Chúa, nói về Chúa, nói trong Chúa.

Không những thông thạo Tin Mừng, ngài còn có sáng kiến làm sao trình bày Tin Mừng bằng những ý tưởng đơn sơ dễ hiểu với người bình dân. Có thể đó chính là nguồn gốc Kinh Mân Côi. Trong Kinh Mân Côi chúng ta suy niệm Tin Mừng đơn sơ ngắn gọn tóm tắt tất cả cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu. Tin Mừng chính là ánh sáng trần gian. Ngài nổi tiếng với tài rao giảng. Nhưng thực ra ngài không rao giảng gì khác hơn là chính Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Chính vì thế sau một thời gian ngài rao giảng, biết bao người lầm lạc ăn năn trở lại đường ngay nẻo chính. Bè rối Albigeois đang phát triển mạnh mẽ bỗng tan tác như sáp gặp lửa. Ngọn lửa ánh sáng chân lý Tin Mừng phá tan bóng tối lầm lạc. Ngọn lửa ánh sáng chân lý Tin Mừng dẫn đưa mọi người trở về đường ngay nẻo chính.

Không chỉ phổ biến ngài còn thực sự sống Tin mừng qua đời sống khó nghèo.

2.Ánh sáng khó nghèo

Xin nhắc lại, thời Trung cổ là thời cực thịnh của Giáo hội. Các vua chúa quan quyền đều tuân phục Giáo hội. Vì thế Giáo hội bị sa sút. Các Giám mục mặc phẩm phục cao sang lộng lẫy, đi xe tứ mã, quyền uy nghiêng trời lệch đất. Cuộc sống  xa hoa không kém gì vua chúa. Ngay các đan viện khổ tu cũng biến tướng. Tại Pháp thời đó có đan viện Cluny phát triển cực thịnh. Nhà thờ dát vàng lộng lẫy. Những lễ nghi trang trọng chưa từng có. Các lãnh chúa dâng cúng quá nhiều nên cuộc sống các đan sĩ không còn giữ được những nét khổ hạnh nguyên thuỷ của thánh Biển Đức. Chính vì thế mà các vị tổ phụ Xi-tô đã cùng nhau rời bỏ đan viện cũ, đi vào vùng hoang vu sỏi đá lau sậy, lập nên Tân đan viện, để sống đúng tinh thần khổ hạnh hơn.

Trong khi đó bè rối Albigeois lại sống khó nghèo. Đi chân không. Mặc áo nhặm. Sống đơn sơ. Ăn chay hãm mình nghiêm ngặt. Chỉ ăn rau cỏ. Họ còn tiết dục, không lập gia đình. Nên họ được tín nhiệm. Đông đảo dân chúng miền nam nước Pháp tuốn đến theo bè rối.

Để rao truyền chân lý Tin Mừng, thánh Đa-minh trở lại lời khuyên của Chúa, sống đơn sơ khó nghèo. Ngài đi chân không, sống nhiệm nhặt. Chỉ sống bằng của dư thừa xin được của mọi người. Theo cha Đào trung HIệu, OP, thánh Đa-minh yêu mến đời sống khó nghèo qua việc bán sách giúp người nghèo tại Palencia. Tại đây ngài đã say mê học hỏi Tin Mừng đến quên ăn quên ngủ. Đã tỉ mỉ ghi chép những điểm chú giải trong một pho sách dày cộm. Nhưng khi thấy người nghèo đói khổ, ngài đã bán tất cả để giúp nuôi sống họ. Ngài đã thực hành Lời Chúa: bán tất cả những gì mình có, phân phát cho người nghèo.

Hơn thế nữa ngài đã biến tinh thần say mê học hỏi Lời Chúa thành thái độ dấn thân thực hành Lời Chúa qua đời sống khó nghèo, yêu mến người nghèo, chia sẻ cho người nghèo.

Về điểm này xin được đọc lại chứng từ đương thời của viện phụ Guillaume de Pierre : Cha Đaminh chẳng có gì cho riêng mình. Ngài quảng đại tặng người nghèo mọi thứ mình có. “Ngài không có giường nào ngoài nhà thờ, nếu không có nhà thờ, ngài ngủ ghế, ngủ đất, hoặc tháo nệm gia chủ trải để nằm trên rỉ giường… Ngài luôn luôn mặc áo xấu nhất trong anh em. Ngài đơn sơ, tự do thanh thoát, cổ võ người này kẻ khác sống đức tin và bình an”.

Vào thời đó Giáo hội không muốn phê chuẩn thêm dòng mới. Thánh Đa-minh đã gặp khó khăn. Nhưng một đêm kia, Đức Thánh Cha mơ thấy ngôi nhà thờ Laterano nghiêng ngả muốn sụp đổ. Bỗng có hai người ăn mặc khó nghèo đến ghé vai chống đỡ. Và ngôi nhà thờ vững vàng trở lại. Sáng hôm sau khi thánh nhân vào xin phép, Đức Thánh Cha nhận thấy ngài là một trong hai người nghèo khó đã chống đỡ Giáo hội, nên đã phê chuẩn cho phép lập dòng Anh Em Thuyết Giáo. Quả thật ngài đã đến chiếu ánh sáng Tin Mừng khó nghèo để Giáo hội được trở lại những nét tinh tuyền nguyên khôi của Tin Mừng.

3.Ánh sáng cầu nguyện

Thánh Đa-minh là con người cầu nguyện. Chân phước Jordano người sống đồng thời với thánh Đa-minh kể lại: ngài cầu nguyện suốt đêm không ngủ. Tiểu sử của ngài ghi lại: “Cha thường xuyên có mặt ở nhà nguyện cả ban ngày lẫn đêm. Cha cầu nguyện không ngơi, và dành nhiều thời gian để chiêm niệm và hầu như không rời khỏi tu viện. Thiên Chúa đã ban cho cha một ơn đặc biệt đó là cầu nguyện cho tội nhân, người đau khổ và kẻ ưu phiền; cha mang nỗi đau của họ trong thâm sâu của lòng trắc ẩn và nỗi đau này được tỏ lộ qua dòng lệ, qua tình cảm mãnh liệt nung nấu con người cha” Libellus 12.. ”.

Ngài cầu nguyện vì những lý do sau.

Ngài cầu nguyện vì lòng yêu mến Chúa. Yêu mến tha thiết nên cầu nguyện không ngừng nghỉ. Và tất cả những lời ngài giảng dậy, tất cả những việc ngài làm, chỉ là kết quả đương nhiên của lời cầu nguyện. Yêu mến Chúa nên tha thiết cầu nguyện với Chúa. Muốn nói với Chúa trước khi nói về Chúa. Và nói về Chúa chỉ là nói trong Chúa. Không chỉ là cầu nguyện ngài còn đi đến kết hợp sâu xa với Chúa Giêsu. Muốn chịu đau khổ với Chúa. Muốn chia sẻ công cuộc cứu độ với Chúa. Muốn cứu các linh hồn về cho Chúa.

Ngài cầu nguyện vì lòng yêu mến tha nhân. Ngài yêu mến con người. Đặc biệt những người nghèo khổ và các tội nhân. Tha thiết muốn yêu mến họ như Chúa Giêsu. Chăm lo phần rỗi các linh hồn như Chúa Giêsu. Ngài tha thiết cầu nguyện xin cho các tội nhân được ăn năn trở lại, được ơn cứu độ.

Ngài cầu nguyện cho việc tông đồ. Biết sức mình yếu hèn. Biết việc tông đồ cao cả. Biết ma quỉ tinh ranh xảo quyệt. Nên ngài tha thiết cầu nguyện cho việc tông đồ. Không chỉ đích thân cầu nguyện ngài còn xin mọi người cầu nguyện. Các bà đạo đức lần hạt cầu nguyện, tiền thân của dòng nữ Đa-minh chính là sáng kiến của ngài để cầu nguyện cho công cuộc hoán cải bè rối được kết quả.

Cầu nguyện tha thiết vẫn chưa đủ. Ngài còn gia tăng việc ăn chay hãm mình phạt xác để hiệp thông với sự đau khổ của Chúa, để lời cầu càng tha thiết, và càng hiệu quả hơn.

4.Ánh sáng hãm mình

Không còn nghi ngờ gì. Cha thánh Đa-minh là một con người hãm mình nhiệm nhặt. Ngài hãm mình phạt xác để hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Giêsu trên thánh giá. Ngài hãm mình phạt xác để đền bù tội lỗi của mình và của cả thế giới. Ngài hãm mình phạt xác để sống triệt để Tin Mừng của Chúa. Vì yêu mến tha thiết nên ngài có nhiều cách hãm mình phạt xác khác nhau.

Trước hết hãm mình bằng khiêm nhường hạ mình. Ngài nhiều lần từ chối chức giám mục. Tuy được anh em tín nhiệm bầu làm Bề trên Tổng quyền, nhưng ngài luôn muốn từ chức để được vâng lời anh em.

Ngài hãm mình phạt xác bằng tự nguyện sống nghèo. Ngài chọn bộ áo cũ nhất. Ngài nằm ngủ ngay trên ghế nhà thờ, hoặc bằng tấm đệm trải trên mặt đất. Ngài đi chân không không có giầy dép…

Ngài hãm mình phạt xác bằng vui lòng chịu đau đớn thể xác. Lần kia, khi khuyên một người lạc giáo trở về, cha nhận được câu trả lời bất ngờ : “Tôi không thể rời xa họ, vì tôi ăn nhờ ở trọ trong nhà họ”. Cha Đa Minh vừa lúng túng vừa đau lòng vì không có gì để trợ cấp cho anh ta. Cuối cùng cha tìm ra giải pháp : tự bán thân mình để lấy tiền cứu anh khỏi hố thẳm tội lỗi.

Nhiều lần cha ước mơ làm nạn nhân của những tấn tuồng tử đạo khủng khiếp. Khi đối phương hỏi ngài có sợ bị bắt không? Ngài trả lời: “Nếu bắt được tôi, xin các anh đừng giết tôi ngay, hãy băm xác tôi ra thành trăm mảnh, xẻo tai cắt mũi, rồi để tôi nửa sống nửa chết hay muốn kết liễu thì tùy ý anh”. Lần khác cha vui vẻ theo nhóm lạc giáo vào rừng gai, nhìn chân xước, máu chảy ngài nói “sám hối phải thế đó”. Rồi cười thoải mái trước sự ngạc nhiên của họ. 

Ngài còn vui lòng hơn nữa để chịu những đau khổ trong tâm hồn. Ngài đã thành công ở Toulouse nhưng ngài muốn đi giảng ở Carcassone. Lý do vì ở Carcassone ngài bị chống đối nhiều. Cha Đào trung Hiệu, OP ghi lại: Quả thế, tại vùng đó, đối phương sỉ nhục ngài đủ cách. Họ nhỗ nước miếng, ném bùn, nhét rơm vào áo rồi chế diễu. Như các tông đồ xưa, ngài sung sướng được chịu sỉ nhục vì Danh Chúa Kitô, kiên cường không lùi bước trước trở ngại đe dọa. Ngài bình thản tiếp tục hành trình, vui vẻ ca hát.

5.Ánh sáng bác ái

Có thể nói ánh sáng bác ái bao trùm toàn bộ cuộc đời thánh Đa-minh. Ngài có tấm lòng bác ái bao la.

Bác ái nên ngài yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Vì yêu mến Chúa nên ngài được bác ái. Vì được bác ái nên ngài càng yêu mến Chúa. Yêu mến tha thiết. Yêu mến đến độ chịu mất tất cả để được một mình Chúa. Và vì yêu mến Chúa mà yêu mến các linh hồn và yêu mến hi sinh đau khổ.

Bác ái nên ngài tha thiết với tha nhân và tội nhân. Muốn làm mọi sự cho tha nhân. Muốn hoán cải mọi tội nhân.  Muốn hi sinh tất cả cho mọi người. Đến độ muốn bán thân mình chuộc người nô lệ.

Bác ái nên ngài khiêm tốn quên mình. Bác ái nên ngài sẵn sàng chịu đau khổ. Bác ái nên ngài tha thiết đi rao giảng hơn làm giám mục. Bác ái nên lúc nào cũng canh cánh nghĩ đến phần rỗi của anh chị em.

Và sau cùng vì bác ái tràn ngập tâm hồn nên lúc nào ngài cũng vui tươi. Ánh mắt vui tươi. Nụ cười vui tươi. Không lúc nào ngài thấy đau buồn. Dù chịu đau khổ trong thân xác. Dù thiếu ăn thiếu mặc. Dù chịu đau khổ trong tâm hồn. Bị người ở Carcassone chống đối, khinh bỉ, hành hạ. Lúc nào ngài cũng vui tươi. Vì tâm hồn ngài tràn ngập đức bác ái.

Chiêm ngắm tấm gương của cha thánh Đa-minh ta thấy những ánh sáng của ngài vẫn còn cần thiết trong thế giới đầy bóng tối hôm nay.

Thế giới và Giáo hội cũng như bản thân mỗi người chúng ta hôm nay cần ánh sáng Tin Mừng. Biết bao nhiêu sáng kiến. Biết bao nhiêu thành công. Nhưng sao thế giới vẫn ngập tràn bóng tối đau khổ thất vọng. Sao Giáo hội vẫn chìm trong bóng tối tội lỗi. Đó là vì ta thiếu ánh sáng Tin Mừng. Ta chưa đặt ngọn đèn Tin Mừng lên giá cao soi lối. Ta chưa hiểu, chưa học, chưa sống Tin Mừng.

Thế giới và Giáo hội cũng như bản thân mỗi người chúng ta hôm nay cần đến ánh sáng khó nghèo. Càng giầu có về vật chất con người càng thấy mình chìm trong bóng tối. Đó là một vòng vây nghiệt ngã. Bao người mất tất cả hạnh phúc, người thân, sức khỏe và bình an, chỉ vì toan tính tranh đua hơn thiệt. Đặc biệt những người sống đời dâng hiến chưa thấy bình an vì còn mãi mê những giá trị trần thế.

Thế giới và Giáo hội cũng như mỗi người chúng ta hôm nay còn cần đến ánh sáng cầu nguyện. Thế giới tục hoá muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống. Đó là một sai lầm lớn lao. Thế giới khủng hoảng. Giáo hội khủng hoảng. Hội dòng khủng hoảng. Cá nhân khủng hoảng. Đó là vì thiếu Thiên Chúa. Không cầu nguyện không có giải pháp nào cho tất cả.

Thế giới và Giáo hội cũng như mỗi người chúng ta hôm nay cần đến ánh sáng hãm mình. Thế giới hưởng thụ khiến người ta chỉ nghĩ đến bản thân, đến chiều chuộng thân xác. Và thật kỳ lạ. Người ta sẵn sàng nhịn ăn để giảm cân, để có dáng thon. Nhưng ít có ai nghĩ đến nhịn ăn để hãm mình, để giúp người nghèo. Thật thảm thương. Khi quên mình người ta sẽ được niềm vui. Càng tìm bản thân càng thấy buồn chán thất vọng.

Thế giới và Giáo hội cũng như mỗi người chúng ta hôm nay cần đến ánh sáng bác ái.  Thế giới đang trở nên ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Đó là một thế giới bế tắc và buồn sầu. Chỉ khi biết nghĩ đến Chúa, đến tha nhân, đến quên mình người ta mới có nhiềm vui. 

Thánh Đa-minh là người mang ánh sáng. Ta hãy xin người soi sáng cuộc đời chúng ta. Và chúng ta hãy noi gương người chiếu sáng cuộc đời mình bằng ánh sáng Tin Mừng, ánh sáng khó nghèo, ánh sáng cầu nguyện, ánh sáng hãm mình và ánh sáng bác ái. Để chúng ta làm sáng lên thế giới đầy bóng tối hôm nay. 

Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt