Luật cũ chỉ buộc người Do-thái ăn chay mỗi năm một lần vào ngày đền tội (Lv 16,19-31). Ngoài ra, thời Chúa Giê-su người ta còn giữ chay tự nguyện những ngày chay chung vì những lý do như để cầu mưa. Hơn nữa, còn có những ngày chay tư nhân giữ vì lòng đạo đức, như nhóm Pha-ri-sêu ăn chay một tuần hai lần (Mc 2,18 ; Lc 18,12). Rất có thể bữa tiệc khoản đãi Chúa Giê-su đã được tổ chức vào một ngày chay đạo đức như vậy.
“các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng : “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?”
Ăn chay để làm gì nhỉ ? Tại sao nó quan trọng thế đến nỗi có người phải lên tiếng ?
– Ăn chay là kiêng khem giảm bớt ăn uống cho đỡ béo phì, cho đỡ bịnh tật… Nói chung là ăn nhiều quá rồi nên hạn chế bớt để giữ gìn sức khoẻ !
– Ăn chay là để hãm mình đền tội, lấy công lập phúc trước mặt Đức Chúa Trời và được mọi người kính nể vì mình là người đạo đức “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,12)
– Ăn chay chỉ là để giữ đúng luật ràng buộc, tất cả mọi người đồng loạt như nhau, ai không giữ là bị nhắc nhở cảnh cáo mà không có lòng tình nguyện “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?”.
– Ăn chay để kiềm chế giảm bớt ngọn lửa dục vọng… nhất là những đồ ăn gây ước muốn dâm ô…
– Ăn chay để giảm bớt chi tiêu, giúp người nghèo hơn mình. Sống đức ái và biết chia sẻ.
– Ăn chay để biết mình biết Chúa. Trong cái đói cái khát giúp nhận ra thân phận yếu hèn của mình và cũng là nhận ra đói khát tâm linh quan trọng thế nào …
Có rất nhiều lý do để kiêng khem giảm bớt năng lượng nạp vào cho cái thân xác ‘chết dở’ này. “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả : chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6,16).
Sống đức tin, gắn bó với Chúa “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ ?” nên cảm nhận hạnh phúc ngọt ngào rồi thì sẽ không còn nhu cầu nhiều cho thân xác. Và tình nguyện nhận thua lỗ thiệt thòi, mất mát, kém chất lượng về phía mình trong mỗi ngày nơi cộng đoàn, sống như thế thì còn gấp mấy lần ăn chay ấy nhỉ ?
Ngôn sứ Isaia chỉ cho dân biết các ăn chay mà Đức Chúa ưa thích nhất, đó là biết động lòng thương những con người chung quanh cuộc sống mỗi ngày : “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao : mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm ? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ?”
Thầy Giêsu đến trần gian sống với con người được ví như một hôn lễ là hình ảnh chỉ thời cứu độ mà ngôn sứ Isaia đã báo trước “Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,5) ; “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao ! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang” (Is 61,10). Có Thầy Giêsu hiện diện thì các môn đệ cũng phải luôn sống trong niềm vui cứu độ đó.
Vậy giờ đây có thể ‘ăn chay’ được rồi đấy ông thợ cày à ! – Ăn thì ăn chứ sợ gì ? Ăn chay, đọc kinh, đi lễ đến nhà thờ, tập tành các nhân đức, cầu nguyện, chia sẻ cho người nghèo… thực hiện tất tần tật với mục đích cuối cùng là GẶP GỠ CHÚA. Đó là năng kết hiệp mật thiết với Chúa trong ngày. Nếu chỉ quy về mình để bay bổng cái cảm giác khoái chí vì những việc mình làm thôi thì mọi việc đạo đức sẽ trở nên tồi tệ.
Thời điểm Chúa Giêsu đang ở với các môn đệ, đó là tiệc cưới, chính Người là Tân Lang và các môn đệ Người là các chàng phù rể. Ông Gio-an Tẩy Giả cũng đã tự ví mình như bạn đứng bên cạnh Chúa Giê-su là chàng rể (Ga 3,29). Lời Chúa ám chỉ về thời Mê-si-a còn gợi cho ai để ý thấy rằng một lý do quan trọng người ta ăn chay trong Cựu Ước chính là để chờ đón Đấng Mê-si-a. Đấng Mê-si-a đang đứng lù lù trước mặt, con người có gặp được không ?
Lm. Giuse Phạm Quang Sáng
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ