LÀM SAO ĐỂ MÙA CHAY LÀ MÙA LẮNG NGHE VÀ PHÂN ĐỊNH NHẰM CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN?

136 lượt xem 19 Tháng Ba, 2023

LÀM SAO ĐỂ MÙA CHAY LÀ MÙA LẮNG NGHE VÀ PHÂN ĐỊNH NHẰM CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN?

Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú

WHĐ (17.3.2023) – Mùa Chay là khoảng thời gian đặc biệt (gồm 40 ngày chay thánh), Giáo hội muốn con cái mình chuẩn bị tâm hồn để cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua (Cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô – Mầu nhiệm trọng tâm của đời sống đức tin Kitô hữu) được sốt sắng hơn.

Trong Mùa Chay Thánh, bên cạnh việc khuyến khích các tín hữu siêng năng tham dự các cử hành phụng vụ, đặc biệt lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, Giáo hội tha thiết mời gọi con cái mình cố gắng điều chỉnh đời sống, từ suy nghĩ, lời nói đến việc làm, sao cho phù hợp với niềm tin của mình. Và để có thể đạt được điều đó, một trong những việc hàng đầu cần phải thực hiện trong Mùa Chay là luyện tập lắng nghe Lời Chúa, vì như Đức Giê-su đã nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27). Không lắng nghe tiếng Chúa thì không thể biết thánh ý Ngài và bước theo Ngài được.

Nhưng, giữa môi trường và hoàn cảnh cuộc sống quá tất bật, bận bịu, hối hả, lo toan, gánh nặng cuộc đời, với quá nhiều “tiếng ồn” và đủ loại “âm thanh” như hiện nay…, làm sao có thể phân định đâu là tiếng Chúa để bước theo Ngài? Xin được góp vài tâm tình đơn sơ dưới đây như một chút chia sẻ trong Mùa Chay này.

1. SỰ KHÁC NHAU GIỮA NGHE VÀ LẮNG NGHE

2. NHƯNG LÀM SAO CÓ THỂ LẮNG NGHE

       a. Xét về bình diện tự nhiên

       b. Trên bình diện đức tin

3. NHẰM CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

1. SỰ KHÁC NHAU GIỮA NGHE VÀ LẮNG NGHE

Nghe là một trong năm giác quan đặc biệt của con người. Nhờ khả năng thính giác, người ta có thể tiếp nhận và trao đổi thông tin với nhau. Nhờ nghe, người ta có thể học hỏi lẫn nhau. Nhờ nghe, người ta có thể hiểu biết lẫn nhau. Nhờ nghe, người ta có thể yêu mến nhau. Và muôn vàn ích lợi khác có thể đến với con người nhờ nghe, giúp cuộc sống con người thêm phong phú.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải mọi âm thanh được tiếp nhận ngang qua lỗ tai đều giúp ích cho người nghe. Điều này hệ tại ở việc người ta đang “nghe” hay đang “lắng nghe”, hoặc đang lắng nghe điều gì. Nếu “nghe cho có nghe”, tức nghe qua loa, nghe chiếu lệ, nghe sơ sài, thiếu chủ đích, thiếu tập trung, nghe rồi bỏ đó, nghe điều vô bổ (đàm tiếu, nói hành, nói xấu …), thì hậu quả sẽ là: nghe vô ích, như “nước đổ đầu vịt” hay “đàn gảy tai trâu”, chẳng giữ lại cho mình điều gì tốt, và cũng chẳng giúp ích gì cho mình.

“Nghe vì bị nghe” cũng thế. Có những âm thanh không muốn nghe mà cứ phải nghe, như tiếng ồn của xe cộ; tiếng hát karaoke inh ỏi từ nhà hàng xóm; tiếng ồn trong các hàng quán hoặc những nơi công cộng khác; tiếng chồng (vợ) càm ràm; tiếng cha mẹ, anh chị em hoặc người hàng xóm cãi vã chửi bới nhau… Nghe như thế có lẽ chẳng khác gì đang bị “tra tấn”. Nghe như thế chỉ thêm chán, thêm buồn, thêm giận, thêm tức, thậm chí lại còn tổn thọ nữa.

Thế nên, “nghe” mang tính thụ động, nghĩa là không muốn nghe cũng cứ phải nghe, tự nhiên nghe, bởi đó là chức năng của đôi tai: để nghe. Đang khi đó “lắng nghe” lại mang tính chủ động, chủ ý, có mục đích; cố ý nghe, nghe thật kỹ, nghe cho bằng được… Và đó cũng chính là sự khác biệt cơ bản giữa việc nghe và lắng nghe.

Cũng chính từ khác biệt này, nghe và lắng nghe dẫn đến những hiệu quả khác nhau cho người tiếp nhận thông tin. Nếu “nghe chỉ để nghe” hoặc “nghe vì bị nghe” thì rốt cuộc là nghe mà cứ như không nghe, không hiểu, không biết gì cả, không ảnh hưởng hoặc tác động đến con người và cuộc sống của người nghe. Đang khi đó, việc lắng nghe, tức nghe cách chủ động, chủ ý, và có mục đích, lại giúp người nghe nắm bắt thông tin cách chính xác, hiểu và xử lý thông tin cách phù hợp, biến thông tin thâu nhận thành kiến thức của mình, làm cho kho tàng kiến thức và cuộc sống của mình được thêm dồi dào, phong phú.

2. NHƯNG LÀM SAO CÓ THỂ LẮNG NGHE

a. Xét về bình diện tự nhiên

Như đã chia sẻ trên, muốn nghe cách hiệu quả, thì phải biết lắng nghe, nghĩa là có sự chủ động, chủ ý của người nghe, nghe có mục đích. Điều này đòi hỏi người tiếp nhận thông tin phải thực hiện một số điều kiện nhất định nào đó, như phải có thời gian, không gian, thậm chí phải cố gắng học hỏi, trau dồi, rèn luyện, vì việc lắng nghe như thế được xem như một kỹ năng, rồi dần dần biến nó thành khả năng của riêng mình.

Thiết nghĩ, điều kiện trước hết cho việc lắng nghe là yếu tố thời gian. Phải có thời gian, phải đầu tư một lượng thời gian nhất định cho một cuộc lắng nghe nào đó. Nghe vội vàng, thiếu thời gian, thì không thể nghe kỹ, nghe hết câu chuyện được, và hậu quả là người nghe không thể nắm bắt đầy đủ thông tin hoặc thông điệp mà người nói muốn diễn đạt hoặc chuyển trao được.

Tương tự, cần phải có một không gian phù hợp. Nghe trong bầu khí thanh vắng, yên tĩnh thì dễ tiếp nhận thông tin hơn khi nghe nơi chốn ồn ào, náo động, vì khả năng thính giác, tức mức độ tiếp nhận hay ghi nhận thông tin của đôi tai và bộ nhớ có giới hạn. Kinh nghiệm cho thấy, đôi tai của chúng ta không thể ghi nhận cùng một lúc mọi thứ thông tin khác nhau mà nó tiếp nhận. Ví dụ: rất khó cho học sinh để nắm bắt kiến thức thầy cô giảng dạy nếu phòng học được bố trí cạnh bên cái chợ, luôn vẳng tiếng ồn ào. Hoặc làm sao có thể nghe ai đó đang muốn nói với mình điều gì nếu cuộc hội thoại được thực hiện giữa một buổi ca nhạc náo động?

Để có thể lắng nghe cách hiệu quả, ngoài các yếu tố trên, cũng cần có một đôi mắt tinh tường và một trái tim nhạy cảm. Thật vậy, ngoài khả năng nhìn (thấy), đôi mắt còn có thể “nghe” nữa. Trái tim con người cũng vậy, có thể “nghe” được. Người ta hay nói về một thứ “ngôn ngữ không lời” là thế. Ví dụ, chỉ cần liếc qua điệu bộ của người con, bà mẹ có thể nghe được cảm xúc, nhu cầu, hoặc tâm trạng của con mình. Từ ánh mắt, cách nhìn, người ta cũng có thể trao đổi thông tin cho nhau hoặc hiểu biết nhau cách sâu sắc. Từ sâu thẳm của tâm hồn, qua nhịp điệu của con tim, thay lời muốn nói, người ta có thể yêu nhau say đắm. Từ trái tim đến trái tim. Trong giao tiếp hằng ngày, ngôn ngữ không lời vẫn được nhiều người mặc nhiên hoặc chủ ý sử dụng. Cách riêng, anh chị em khiếm thính chủ yếu trao nhận thông tin qua loại ngôn ngữ này.

b. Trên bình diện đức tin

Trên bình diện đức tin cũng thế, để có thể lắng nghe tiếng Chúa, trước hết, cần phải đầu tư một lượng thời gian nhất định. Câu chuyện chị em Mác-ta và Ma-ri-a được ghi lại trong Tin mừng Thánh Lu-ca là một ví dụ. Từ khi được Chúa ghé thăm, cô Ma-ri-a cứ ngồi mãi bên chân Chúa để nghe Người dạy. Hôm đó, cô đã hoàn toàn dành thời gian cho việc lắng nghe, thậm chí cô phải hi sinh nhiệm vụ phụ giúp chị mình trong việc bếp núc. Mác-ta – người chị của cô – đã “nhắc nhở” cô về thái độ này. Nhưng Đức Giê-su lại đánh giá cách khác. Ngài đã khen ngợi cách Ma-ri-a đã chọn: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (x. Lc 10,38-42).

Tin mừng cho biết, trước những sự kiện nhiệm mầu liên quan đến Chúa Giê-su cũng như ơn gọi và cuộc đời của Mẹ, “Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Dù được gọi là Đấng đầy ân sủng và có Chúa ở cùng, (x. Lc 1,28), Đức Ma-ri-a luôn phải miệt mài tìm kiếm thánh ý Chúa. Có thể nói, Mẹ đã dành thời gian, không chỉ một lúc nào đó, nhưng cả cuộc đời của mình cho việc lắng nghe, với một tâm hồn luôn quảng đại và sẵn sàng hiến dâng trọn vẹn bản thân cho Thiên Chúa trong niềm tin yêu phó thác (GLHTCG 2622). Nhờ đó, Mẹ đã có thể kiên trì cất bước theo Chúa từ khi thưa hai tiếng “xin vâng” trong ngày truyền tin, đến mãi tận chân thập giá trên đồi Can-vê (x.Ga 19,25), để hiệp thông với Con mình cách trọn vẹn trong công trình cứu chuộc nhân loại.

Trước khi công khai rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su đã vào sa mạc ăn chay 40 đêm ngày (x. Mt 4,1-11; Mc 1,12-13; Lc 4,1-13). Trong thời gian đó, Ngài đã phải đối diện với nhiều mưu ma chước quỷ hiểm độc. Nhưng chính trong thời gian và sự khổ chế đó, Ngài đã phân định đâu là thánh ý Chúa Cha, rồi vui lòng đón nhận và trung thành bước đi trên con đường thập giá cho đến cùng (x. Pl 2,6-8). Cũng vậy, trong suốt thời gian công khai rao giảng Tin mừng, Đức Giê-su thường lui vào nơi thanh vắng, lên núi, nhất là lúc đêm khuya, để cầu nguyện (x. GLHTCG 2602). Ngài cũng dạy môn đệ làm theo như thế: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21,36; Mc 6,31).

Noi gương Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a và các mẫu gương khác trong Thánh Kinh, ngay từ những ngày đầu khai sinh của mình, Hội Thánh luôn chú tâm đến việc lắng nghe và tìm kiếm ý Chúa (x. Cv 1,12-14). “Hội Thánh cũng mời gọi các tín hữu cầu nguyện đều đặn: qua các kinh nguyện hằng ngày, các Giờ Kinh phụng vụ, Thánh lễ Chúa nhật và các lễ trọng của năm phụng vụ” (GLHTCG 2720).

Bên cạnh yếu tố thời gian, để có thể lắng nghe tiếng Chúa, cũng cần có một khung cảnh hoặc một không gian phù hợp. Thông thường, muốn nghe cần phải lặng, và càng lặng càng nghe rõ ràng hơn. Để nghe tiếng sóng biển, người ta không cần phải lặng mà vẫn cứ nghe. Nhưng có những tiếng sóng – loại sóng xô trong lòng ta – hay để nghe tiếng Chúa nói – thì nhất thiết cần phải lặng mới có thể nghe được, như bài hát có tựa đề “Lặng” của linh mục nhạc sĩ Trần Tuấn đã diễn tả.

Tin mừng cho biết “lời cầu nguyện của Đức Giêsu thường được thực hiện trong nơi vắng vẻ và kín đáo” (GLHTCG 2620). Chính Đức Giê-su đã chọn sa mạc để ăn chay bốn mươi đêm ngày. Ngài cũng đã dạy các môn đệ khi cầu nguyện hãy vào phòng và đóng cửa lại (Mt 6,6). Và, mặc dù có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, vì Chúa ở khắp mọi nơi, Hội Thánh cũng đề nghị một số không gian cho việc cầu nguyện: “Những nơi thuận tiện nhất để cầu nguyện là những góc cầu nguyện cho cá nhân hay cả gia đình; các đan viện, các đền thánh để hành hương và, nhất là nhà thờ, đối với cộng đoàn giáo xứ, là nơi thích hợp để cầu nguyện phụng vụ và là nơi đặc biệt để tôn thờ Thánh Thể” (GLHTCG 2696). Thật vậy, không phải trong cơn gió bão, động đất hay lửa, nhưng chính trong cơn gió hiu hiu mà Tiên tri Ê-li-a đã gặp được Chúa (1V 19,11-12). Cũng vậy, nếu chúng ta thực sự muốn lắng nghe tiếng Chúa, hãy tìm cho mình một không gian yên tĩnh. Nơi đó, chúng ta cũng cần phải hy sinh các công việc khác, thậm chí như cô Ma-ri-a, đã coi việc lắng nghe lời Chúa quan trọng và khẩn thiết hơn bổn phận giúp đỡ chị mình lúc đó. Nhất là, để có thể tập trung, hãy cố gắng tắt điện thoại di động và tạm ngưng mọi công việc hoặc mối liên hệ khác, để chỉ còn lại mình ta và Chúa, trong sự hiện diện thiêng thánh của Ngài. Lúc đó, lòng ta tựa như đang kề bên lòng Chúa và có thể nghe được tiếng Ngài.

Dĩ nhiên, cũng cần biết rằng, đường lối Thiên Chúa thường khác xa đường lối loài người; cách thức Chúa dùng cũng rất khác xa cách thức nhân loại: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9). Chính Đức Giê-su đã khẳng định với Phê-rô: “Xa-tan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23). Vì thế, trong khi lắng nghe tiếng Chúa, ta không thể chờ đợi nơi Chúa một câu trả lời như câu trả lời một ai đó được. Tiếng Chúa thường được âm vang một cách sâu kín trong tâm hồn, hoặc gián tiếp qua những con người, hoàn cảnh, biến cố vui buồn trong cuộc sống. Mở đầu Thư Do Thái, tác giả cho biết: “Thuở xưa, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2).

Qua vũ trụ, Thiên Chúa như đang nói với con người: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa. Không trung loan báo việc tay Ngài làm” (Tv 18,2). Sách Khôn Ngoan dạy: “Vì các thụ tạo lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Đấng tạo thành” (Kn 13,5). Thánh Phao-lô quả quyết: “Trí khôn con người có thể nhìn thấy [Thiên Chúa] qua những công trình của Người” (Rm 1,20). Chúa cũng đang nói với chúng ta qua những người đang sống quanh ta, nhất là những người nghèo khổ: “Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han” […]. Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (x. Mt 25,31-46). Đức Giê-su cũng dạy chúng ta cần biết nhìn vào các biến cố xảy ra trong cuộc sống quanh ta, được xem như những dấu chỉ thời đại, để nhận biết sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa (x. Mt 16,1-3).

Vì thế, có lẽ chúng ta cũng cần phải học biết nghệ thuật “cảm âm,” như các nhạc sĩ, ca sĩ thường làm. Nhờ năng khiếu và luyện tập, đôi tai của họ có thể cảm nhận được âm thanh và tính chất của nó (cao độ, trường độ…), nhờ đó, họ có thể phân biệt, chọn lọc và chỉ giữ lại những yếu tố âm nhạc nào khả dĩ phục vụ cho tác phẩm của họ được hay nhất. Trong đời sống thường ngày cũng vậy, cần luyện tập khả năng “cảm âm” để có thể nhận ra đâu là tiếng Chúa. Cuộc đời của chúng ta tựa như khúc hát, có những nốt thăng nốt trầm, vì thế cũng cần phải ghi vào đó những “nốt lặng” nữa: “Để ta thấy Chúa, bước đi song song cùng ta. Lặng… để ta thấy Chúa đớn đau hơn ta khổ đau. Lặng… để ta thấy Chúa sớt chia bao vui buồn không tên. Ngài luôn ở bên, con có hay đâu Ngài ơi” (Lời bài hát Lặng – linh mục nhạc sĩ Trần Tuấn).

Tuy nhiên, trong khi cố gắng lắng nghe và tìm kiếm ý Chúa, chúng ta đừng quên yếu tố “trợ giúp”. Trước hết, vì chính Đức Giê-su đã quả quyết: “Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì” (Ga 15,5). Và câu chuyện Chúa gọi tiên tri Sa-mu-en là một ví dụ khác. Chúa gọi tên ông tới ba lần: “Sa-mu-en, Sa-mu-en, Sa-mu-en”, nhưng ông cứ ngỡ là tiếng của ông Ê-li. Rồi sau đó, nhờ làm theo sự hướng dẫn của Ê-li, Sa-mu-en đã có thể đáp lại tiếng Chúa gọi (x.1 Samuen 3,1-10). Tương tự, nhờ lời giải thích của Phi-lip-phê mà viên thái giám người Ê-thi-óp mới có thể hiểu được ý nghĩa của đoạn sách ngôn sứ I-sai-a ông đang đọc (x. Cv 8,26-31). Để có thể thưa hai tiếng “xin vâng”, chính Đức Ma-ri-a cũng cần một lời giải thích từ sứ thần Gáp-ri-en (x. Lc 1,26-38).

Đang khi tìm kiếm ý Chúa, có thể chúng ta cũng bị rơi vào các hoàn cảnh tương tự trên: bối rối hoặc chưa hiểu ý Chúa, v.v… Lúc đó, chúng ta cần phải kiên trì, nhẫn nại, và đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp. Các ví dụ trên cho thấy Thiên Chúa luôn luôn ở bên chúng ta trong mọi hoàn cảnh, và Người cũng luôn chuẩn bị cho ta một sự trợ giúp tốt nhất và kịp thời, đặc biệt qua Hội thánh của Người. Điều quan trọng là hãy luôn luôn biết xin ơn lắng nghe, vì người ta thường thích nói hơn thích nghe. Và, không chỉ xin ơn biết lắng nghe, chúng ta cũng hãy xin Chúa giúp chúng ta biết lắng nghe với một trái tim yêu thương, với đức tin vững vàng, đức mến nồng nàn và kiên trì trong đức cậy.

3. NHẰM CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

Chúa nói: “Ai nghe lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn ngoan xây nhà trên đá” (Mt 7,24). Và thánh Gia-cô-bê đã căn dặn: nghe lời Chúa mà không thi hành thì là nghe suông, tự lừa dối chính mình (x. Gc 1,22). Trong thư Ê-phê-xô, thánh Phao-lô khuyên nhủ: “Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa” (Ep 5,10). Vì thế, tìm kiếm và làm theo ý Chúa là điều quan trọng nhất của cuộc đời chúng ta, vì ý Chúa luôn luôn tốt đẹp cho chúng ta hơn ý của chúng ta. Đó là tại sao chính Đức Giê-su đã thưa với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện mà là ý Cha” (Lc 22,42; Mt 26,39; Mc 14,36).

Nhìn vào tấm gương của tổ phụ Áp-ra-ham, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi các tín hữu hãy học cách lắng nghe, hành trình, trò chuyện, và ngay cả tranh luận với Chúa, nhưng luôn sẵn sàng đón nhận và thực hành lời Chúa. Chúng ta cũng có thể tìm thấy nhiều mẫu gương tương tự trong Kinh Thánh. Ví dụ, trước tiếng gọi của Chúa, Môi-sen đã thưa: “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập” (Xh 3,11). Rồi qua cuộc đối thoại và nhận ra tiếng Chúa mời gọi, ông đã can đảm tuân hành. Tiên tri Giê-rê-mi-a cũng vậy. Ông đã thành thật thưa với Chúa: “Ôi, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói” (Gr 1,6). Và khi được Chúa giải thích, ông cũng đã mau mắn thi hành sứ vụ Chúa trao. Trước lời truyền tin của sứ thần Gáp-ri-en, Đức Ma-ri-a cũng đã “bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì”. Rồi sau khi được sứ thần trấn an và giải thích, Mẹ vẫn thắc mắc: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?”. Nhưng cuối cùng, sau khi lắng nghe và nhận ra ý Chúa, Mẹ đã chấp nhận và thưa hai tiếng “xin vâng” (x. Lc 1,26-38).

Không có gì làm đẹp lòng Chúa cho bằng việc thực thi ý Ngài. Đó cũng chính là tâm nguyện của Đức Giê-su trong suốt hành trình trần thế, như Thư Do Thái cho biết: “Khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích của lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-7). Chính vì vậy mà Chúa Cha đã tuyên phán về Đức Giê-su: “ Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 13,7).

Ngược lại, nếu chịu khó tìm kiếm ý Chúa, rồi nhận biết ý Ngài, nhưng không thi hành, thì được coi là một chọn lựa sai lầm. Đó là câu chuyện buồn của người thanh niên giàu có được Tin mừng Nhất lãm ghi lại. Theo thỉnh cầu của người thanh niên, Đức Giê-su đã chỉ cho anh ta cách đạt được sự sống đời đời là hãy về bán tất cả tài sản hiện tại anh có mà cho kẻ khó rồi đến theo Chúa. Nhưng người thanh niên này đã không làm theo như vậy vì tiếc của. Nét mặt của anh ta, vì thế, vẫn luôn lộ ra một vẻ u buồn (x. Mt 19,16-22; Mc 10,17-22; Lc 18,18-23).

Đối với chúng ta, để có thể làm đẹp lòng Chúa, một trong những việc cần làm, đặc biệt trong Mùa Chay này, là phải biết sám hối ăn năn, vì chính Đức Giê-su đã quả quyết: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10). Việc sám hối của chúng ta làm đẹp lòng Chúa, vì chính lúc chúng ta sám hối là lúc chúng ta đang đáp lại tiếng Chúa mời gọi: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (x. Mc 1,14). Vua Đa-vít là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta trong việc này. Qua tiên tri Na-than, Chúa đã chỉ cho Đa-vít thấy được tội lỗi nặng nề của ông. Và sau khi nghe được tiếng Chúa, Đa-vít đã hết lòng sám hối ăn năn: “Ông nói với Na-than: Tôi đắc tội với Đức Chúa”. Và “Na-than nói với Đa-vít: Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài” (x. 2 Sm 12,1-15). Như thế, việc lắng nghe tiếng Chúa phải dẫn tới hành động. Và hành động của Đa-vít ở đây chính là hành vi sám hối. Đó là sự chọn lựa đúng đắn của Đa-vít, một sự chọn lựa phù hợp ý Chúa, làm đẹp lòng Chúa. Và chọn lựa những gì làm đẹp ý Chúa để thực hiện chính là đỉnh cao của việc phân định.

Qua câu chuyện ở trên, một lần nữa, chúng ta hãy chú ý đến yếu tố trợ giúp. Trong câu chuyện này, vai trò của tiên tri Na-than là quan trọng. Nhờ Na-than, Đa-vít mới biết và chịu thừa nhận tội lỗi của mình. Và cũng qua Na-than, Đa-vít nhận được sự thứ tha của Chúa. Vai trò “trung gian” như thế vẫn đang được thể hiện trong Hội thánh Chúa. Chính Đức Giê-su đã trao ban sứ mạng này cho Hội thánh khi Ngài nói với Phê-rô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19). Và trước khi về trời, Đức Ki-tô Phục sinh không chỉ giao phó cho các Tông đồ sứ mạng làm phép rửa cho muôn dân, mà còn truyền cho họ phải dạy bảo người ta tuân giữ mọi điều Ngài đã truyền dạy. Ngài không chỉ ủy quyền và giao phó sứ mạng đó cho Hội thánh, mà Ngài còn hứa ở với Hội thánh cho đến tận thế (x. Mt 28,19-20). Chính lời hứa này của Đức Ki-tô Phục Sinh đã làm cho Hội thánh trở nên “cột trụ và điểm tựa của chân lý” (1 Tm 3,15). Hội thánh, vì thế, được gọi là Mẹ và là Thầy của chúng ta. Nơi Hội thánh và nhờ Hội thánh, chúng ta được dạy dỗ, được chỉ dẫn để biết đâu là điều Chúa muốn để thực hành, và đâu là điều không hợp ý Chúa để xa tránh. Cũng chính qua Hội thánh (Bí tích Hòa giải) Thiên Chúa lắng nghe lời thú nhận tội lỗi của chúng ta, và qua Hội thánh, Ngài nói lời thứ tha với chúng ta.

Mỗi lần sám hối là mỗi lần trở lại nhà cha, như hành trình của người con thứ được kể trong dụ ngôn người cha nhân hậu, một hành trình được khởi đầu bằng việc sám hối trở về của người con, và kết thúc bằng một bữa tiệc linh đình do người cha khoản đãi: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (x. Lc 15,11-32). Rồi lúc đó, con tim chúng ta sẽ vui trở lại, tâm hồn và cuộc đời chúng ta lại được đổi mới, niềm tin, yêu, hi vọng của chúng ta một lần nữa lại được thắp sáng.

Biết lắng nghe… để nhận ra tội lỗi của mình và tình thương bao la của Chúa, rồi sám hối ăn năn, quyết tâm trở về với Chúa, là một việc làm cần thiết, hệ trọng và ý nghĩa biết bao!

Giáo xứ Hiệp Nghĩa, ngày 15 tháng 01 năm 2022
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 128 (Tháng 3 & 4 năm 2022)