Thần học – Luồng gió mới cho tâm hồn

1578 lượt xem 17 Tháng ba, 2023

Quả thật, trong cuộc sống, nếu ta không quan sát cái gì mới thì nó như đã chết rồi. Cuộc sống thực sự năng động khi cảm thấy bỡ ngỡ trước vẻ đẹp, trước chân lý sâu thẳm đem lại cho ta có ý nghĩa trong cái nhìn của Chúa. Chính vì thế, khi cuộc sống cho ta cơ hội tiếp cận thực tế về thần học, đặc biệt trong lòng Giáo hội, chắc hẳn mỗi người đều có những cảm nhận riêng về khái niệm thần học. Theo Từ điển Công giáo: “Thần học, có tiếng gốc Hy Lạp là Theologia – được ghép bởi Theos – Thần, Thiên Chúa và logia – khoa học , nghĩa là khoa học hay môn học nghiên cứu và tìm hiểu về thần linh, Thiên Chúa. Thần học là “sự giải thích – có ý thức và có phương pháp – mặc khải của Thiên Chúa đã được đón nhận và nắm giữ trong đức tin” (Karl Rahner). Như vậy, thần học có thể được gọi là “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết”, là “khoa học của đức tin”.[i] Với suy nghĩ hạn hẹp, sau những tháng ngày ngắn ngủi được tiếp cận môi trường thần học tại Học viện Liên dòng Thánh Gioan XXIII, người viết cảm nhận rằng: Thần học là một thành trì học vấn được xây dựng nên từ những viên gạch của trí thức đức tin… Thần học không phải là những rễ cây cằn cỗi giáo điều mà là vườn hoa sức sống từ ân sủng Chúa Thánh Thần. Thật sự thần học ẩn chứa nội hàm sâu sắc và có nền tảng từ Thánh Kinh, Thánh Truyền và huấn quyền của Giáo hội, là con đường để chúng ta khám phá kho tàng tri thức khoa học thánh.

Nhớ lại… mới ngày nào bước vào cánh cửa thần học, tôi có đôi chút bỡ ngỡ, ngại ngùng với môi trường mới, con người mới, giáo sư mới… thì nay lại thoắt ẩn thoắt hiện trong tôi chút lưu luyến khi thời gian khóa học đã gần mãn. Từng ngày từng ngày cứ chầm chậm tiến đến và những cánh cửa mới đang rộng mở phía trước hứa hẹn luồng gió mới nơi tâm hồn tôi. Như một quy luật của cuộc sống, “cánh cửa này đóng lại – cánh cửa kia mở ra”.

Ngày tháng cứ dần trôi mời gọi tôi biết học cách trưởng thành hơn để phát huy giá trị và ý nghĩa cuộc đời mình. Đặc biệt, quãng thời gian nơi ngôi nhà Học viện, tôi cảm nhận chút hồn nhiên khi được trở lại tuổi học trò cắp sách đến trường. Thật là những tháng ngày bình dị, được học tập, nghiên cứu, được tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng, nhiều văn hóa để từ đó được mở rộng đầu óc, mở rộng tầm nhìn và ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến quan niệm và cách sống của tôi. Từ đó, tôi được bổ túc những khiếm khuyết còn thiếu để mỗi ngày sống, tôi trở nên dụng cụ hữu hiệu hơn trong lòng bàn tay Chúa qua căn tính của một nữ tu.

Mỗi khi đến lớp, bắt gặp ánh mắt, nụ cười, lời chào thân thương của các bạn đồng chí hướng, tâm hồn tôi nhuốm màu hạnh phúc và bình yên. Hơn nữa, bầu khí nhẹ nhàng trong khuôn viên lớp học toát lên một vẻ đẹp thật khó trộn lẫn, chút rạo rực, nhiệt huyết, tươi sáng của đời thánh hiến. Bên cạnh đó, một động lực không thể thiếu làm nên sức sống đầy hứng khởi cho ngôi nhà Học viện chính là đội ngũ giáo sư – những mục tử, nữ tu tràn đầy nhiệt huyết, nơi đó ẩn chứa sự phong phú ân sủng bên trong, thể hiện qua lời giảng dạy với ngôn từ lắng đọng, những bài học kinh nghiệm quý báu trong đời sống thường nhật.

                                       Ân nghĩa ân sư ân nghĩa tín

                                       Ơn biết ơn trao ơn nghĩa tình

                                       Tri thủ tri đắc tri ý chí

                                       Đức tin đức mến đức cậy tin

                                        tưới xơ vun xơ khuyên dạy

                                       Thầy xây thầy đắp trí nhân linh

Có thể nói, nếu một cây cổ thụ cao lớn được nhú lên từ một mầm cây nhỏ bé hay một tảng đá bị mài mòn cũng từ dòng nước nhỏ xiết qua thì nền móng của sự hiểu biết, khả năng truyền thụ tri thức, kỹ năng nơi các vị ân sư cũng được kết dệt nên từ lòng mến yêu, ước muốn dấn thân, phục vụ Chúa thể hiện qua những ngày kiên trì học tập, trau dồi kỹ năng, cần cù, miệt mài nghiên cứu trong ơn thánh Chúa và trung thành đường hướng của Giáo hội. Người uyên bác thấu tỏ tất cả bằng sự hiểu biết, người nhân nghĩa chuyển tải kiến thức bằng tình yêu. Quý ân sư đã tận tình truyền đạt tất cả vì thao thức, đã quảng đại dạy dỗ tất thảy với sự chân thành. Các ngài đã truyền lửa cho mỗi học viên, không chỉ về kiến thức đức tin nhưng dạy về tri thức lễ nghĩa, uốn nắn nhân phẩm đạo đức, khơi dậy tiềm năng, là người dẫn đường để học viên phát triển và hoàn thiện bản thân, trưởng thành cho đúng nghĩa một con người, hơn nữa là một người nữ tu.

Trong cảnh sắc trời mùa xuân, cành lá đã đâm chồi nảy lộc, mầm xanh đang thoát khỏi vỏ bọc xù xì vươn mình đón nhận những tia nắng ấm áp diệu kỳ. Làn gió nhè nhẹ luồn hơi ấm của mùa xuân lan tỏa khắp nơi, làn gió sức sống ấy có lẽ cũng đã và đang phả vào đầy tràn nơi từng ngóc ngách của Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Điển hình trong những buổi ngoại khóa được tổ chức gần đây.

Chuyên đề: Vaticano II - Trờ về nguồn, đọc dấu chỉ và đổi mới - Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Viên
Chuyên đề: Vaticano II – Trờ về nguồn, đọc dấu chỉ và đổi mới – Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Viên

Buổi ngoại khóa đầu tiên diễn ra với chủ đề “VATICAN II – TRỞ VỀ NGUỒN, ĐỌC DẤU CHỈ VÀ ĐỔI MỚI”. Thật ngạc nhiên khi được biết Công đồng đã sử dụng 28 tấn giấy cho việc biên soạn nhưng cuối cùng đúc kết gọn gàng trong cuốn sách Công đồng đang thịnh hành ngày nay. Ba dòng chữ đúc kết sâu sắc của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên giúp học viên ghi nhớ và thực hành trong cuộc sống: “Giáo hội diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của mình bằng cách quan tâm đến sự hòa hợp giữa trở về nguồn (resourcement), đọc dấu chỉ (read sign) và đổi mới (aggiornamento)

Hãy trở về! Hãy xem lại! Hãy hối cải!

Đọc dấu chỉ!

Hãy trả lời! Hãy đổi mới! Hãy sống động!”

chuyên đề: Mầu nhiệm giới tính khác biệt - Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn
chuyên đề: Mầu nhiệm giới tính khác biệt – Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn 

Tiếp đến, chuyên đề “MẦU NHIỆM VỀ SỰ KHÁC BIỆT GIỚI TÍNH” được trình bày bởi Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn quả là một trong những chủ đề gây cảm hứng và thách thức trong bối cảnh con người thời đại. Mầu nhiệm về sự khác biệt giới tính đang mở ra một thao thức cho người tu sĩ, làm sao trả lời các vấn nạn dị biệt giữa nam và nữ, trong mục vụ hôn nhân gia đình. Tất cả đòi hỏi phải được đào sâu hiểu biết dựa trên nền tảng vững chắc trong các lĩnh vực, đặc biệt với khía cạnh thần học: ngôn ngữ giản đơn nhưng lại dễ hiểu, đơn giản nhưng lại thuyết phục,. Theo lời mời gọi của Công đồng Vatican II: “Trong hoạt động mục vụ, phải am hiểu cách đầy đủ không chỉ các nguyên tắc thần học nhưng cả những khám phá của các khoa học trần thế, nhất là khoa tâm lý và xã hội học, để rồi đưa vào áp dụng, sao cho các tín hữu được hướng dẫn để có đời sống đức tin tinh ròng và trưởng thành hơn”[ii].

Xét một góc độ nào đó, chắc hẳn mỗi học viên đều ấp ủ những giấc mơ và niềm ước ao, đồng chí hướng trong đời dâng hiến. Vì thế, “thật là hợp pháp khi người nữ thánh hiến khao khát muốn thấy căn tính, khả năng chuyên môn, sứ mạng, trách nhiệm của mình được nhìn nhận rõ ràng hơn, cả trong tâm thức của Giáo hội lẫn trong đời sống hằng ngày[iii]. Nếu kinh nghiệm là một quá trình học hỏi hằng ngày thì học hỏi phải được hỗ trợ bằng huấn luyện cụ thể. Tương lai gần không thể giới hạn tầm nhìn: tính chuyên nghiệp mới (tri thức và kỹ năng) có thể đóng góp vào việc mở rộng tầm nhìn, nhất là để không ở lại bên lề tương lai, bị giam hãm trong cái nhìn thiển cận mà về lâu dài sẽ làm tê liệt con đường tổng thể.[iv] Chính vì thế, có tri thức thôi chưa đủ, còn phải có tấm lòng rộng mở. Học không chỉ để mở mang đầu óc mà còn mở rộng tấm lòng với người, với đời. Khi mở lòng đón nhận tất cả với cái tâm yên bình, ta sẽ không chùn bước trước khó khăn, không đánh mất mình trong những so đo toan tính, không lạc lối trong ganh ghét hơn thua, biết mở rộng con đường cho mình, cũng biết dắt dìu giúp đỡ người khác.[v] Học với tâm hồn trong sáng, trí óc sáng tạo và sống nhân cách của người môn đệ Chúa Kitô là “biết cách đọc dấu chỉ thời đại với con mắt đức tin và  tìm cách đáp ứng với sự trung thành năng động đối với nhu cầu của Giáo hội và thế giới”.[vi]

Quá khứ đã qua đi, tương lai là điều chưa biết. Thời gian cứ thế trôi mang theo bao nỗi niềm thao thức để lớn lên cùng năm tháng. Nhưng thời gian chẳng đợi ai cũng chẳng thể lấy lại khi ta đã bỏ lỡ. Chính vì thế, nếu cánh cửa thần học luôn rộng mở chào đón luồng gió ân sủng của Chúa Thánh Thần ngang qua các vị ân sư và những học viên làm nên ngôi nhà Học viện thân thương thì phải chăng cánh cửa thần học vẫn là lối đi cho các học viên bước đến cánh cửa khác, thổi hồn tông đồ vào những môi trường và sứ vụ mới trong một tâm thế người nữ tu dâng hiến tràn đầy hứng khởi, hy vọng và niềm vui.

Một chút cảm nhận tỏ lộ trong bối cảnh tiết trời xuân dịu dàng và êm đềm với những cơn gió se lạnh, những tia nắng chan hòa như rót xuống một chút gì đó thật chan hòa ấm áp, khiến lòng trở nên chút xốn xang và tinh tế hơn rất nhiều. Vì thế, nếu một ngày nào đó, những bạn cùng chí hướng đã và đang là học viên của Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII vô tình đọc được dòng chữ này thì hãy dừng lại ít phút trong thinh lặng để tạ ơn và tri ân, hồi tưởng lại những kỉ niệm quý giá nhất, để hít căng vào lòng những kí ức, để ôn lại những bài học sâu sắc, tìm lại trong ta một chút gì đó để nhớ, để thổi vào cuộc sống chút năng lượng tích cực, để lan tỏa tần số yêu thương cho thế giới hôm nay.

                                                                                               La Nobita

“Chú thích:

[i] Từ điển Công giáo, NXB Tôn Giáo, trang 819

[ii] Công đồng Vatican II, “Gaudium et spes”, số 62

[iii] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita consecrata, số 58

[iv] Bộ các Hội dòng Thánh hiến và Tu đoàn Tông đồ, Rượu mới bầu da mới, trang 119

[v] Đại sư Tinh Vân, Một đời đáng giá đừng sống qua loa, NXB Hà Nội, trang 209

[vi] https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-01/bo-tu-si-thu-ngay-doi-song-thanh-hien-27.html