Làm chứng cho Tình yêu
Một lãnh tụ vô thần đã tuyên bố: “Chúng ta hãy triệt phá Giáo hội, nhưng đừng tạo ra những vị tử đạo”. Khi tuyên bố như thế, một cách mặc nhiên ông ta công nhận điều mà Thánh giáo phụ Tertulianô đã nói là đúng : “Máu các Thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”. Hôm nay, chúng ta mừng kính các Thánh Tử đạo tại Việt Nam. Máu các Ngài đã đổ ra năm xưa, dệt nên những trang sử oai hùng giữa lòng dân tộc. Chúng ta kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ cái chết của các bậc tiền bối cha ông và mở lòng đón nhận sứ điệp về ơn gọi tử đạo mà các Ngài chuyển giao cho con cháu là chúng ta ngày hôm nay.
Lược sử Giáo hội Việt Nam qua dòng thời gian
Hạt giống đức tin đã được gieo vào mảnh đất quê hương Việt Nam từ hơn 500 năm trước. Trong suốt chiều dài lịch sử, Giáo hội Việt Nam đã trải qua hơn 100 năm sống trong bách hại. Sắc dụ cấm đạo đầu tiên được ban hành năm 1625, kéo dài đến hết thời Văn Thân năm 1886. Hàng vạn con người đã ngã xuống do sự thù ghét. Thế gian ghét đạo, ghét Đức Giêsu và ghét luôn những môn đệ của Ngài. Đây chính là điều mà Chúa Giêsu đã cảnh báo từ 2000 năm trước (Mt 5, 11; 10, 22 ). Trong số các anh hùng Tử đạo, đã có 118 vị được ghi tên trong sổ bộ các thánh, gồm 117 hiển thánh và một chân phước. Có 97 vị là người Việt Nam, 11 vị Tây Ban Nha, và 10 vị người Pháp. Họ thuộc đủ các giai tầng xã hội, gồm 8 Giám mục, 50 linh mục, 15 thầy giảng, 1 chủng sinh và 44 giáo dân. Trong số giáo dân, có cả những vị làm quan trong triều đình, có vị làm nghề thu thuế, làm binh lính, y sĩ hoặc chỉ là nông dân. Dù là người Việt Nam hay ngoại quốc, các Thánh Tử đạo đều nói lên một chứng từ duy nhất, đó là các Ngài làm chứng về Đức Giêsu chịu hiến tế, như Thánh Phaolô đã khẳng quyết: “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh vào Thập giá”. Cái chết của các Ngài là bài giảng sống động nhất và thâm thúy nhất. Họ rao giảng không phải trên lý thuyết, nhưng bằng chứng tá cụ thể, những chứng tá sống động và rất sâu xa. Có 6 loại án được thực hiện để hành quyết các vị tử đạo: Bá đao (cắt thân thể thành trăm mảnh) có 1 vị; Lăng trì (chặt chân tay, mổ bụng và vất xuống sông) có 4 vị ; Thiêu sinh (đốt sống) có 6 vị; Xử giảo (xiết cổ bằng dây) có 2 vị ; Xử trảm (chém đầu) có 75 vị và chết rũ tù có 9 vị. Vị Tử đạo lớn tuổi nhất là linh mục Vũ Bá Loan 84 tuổi và trẻ nhất là chủng sinh Tôma Thiện 18 tuổi. Trong thời Trịnh Nguyễn từ năm 1745 đến năm 1774 có 4 vị. Thời vua Cảnh Thịnh (1788 – 1801 ) có 2 vị. Dưới thời Minh mạng (1820 – 1840) có 58 vị tử đạo. Trong thời Thiệu Trị từ năm 1841 đến 1847 có 3 vị và thời Tự Đức từ năm 1847 đến 1883 có 50 vị. Đó là phác lược tổng quát các mốc điểm thời gian và bối cảnh dẫn đến cái chết của các Thánh Tử đạo. Nhìn lại một cách tổng quát lịch sử của Giáo hội Việt Nam, chúng ta tạ ơn Chúa vì gia sản đức tin mà cha ông đã để lại. Gia sản đó được đan dệt bằng máu và nước mắt, đúng như lời quả quyết của thánh Tertulianô: “Máu các vị tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu.”(sanguis martyrorum semen christianorum est)
Ý nghĩa của việc tử đạo
Triết gia Jean Guitton, bạn thân của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị có kể lại một giai thoại. Hồi còn rất nhỏ, ban đêm ông ngủ với mẹ. Nhà hàng xóm bên cạnh có người chết. Giữa đêm khuya vắng bỗng có tiếng khóc ai oán vang lên nghe thật não nuột. Đứa bé sợ, ôm chầm lấy mẹ và hỏi: “Mẹ ơi, chết là gì hả mẹ?” Bà mẹ trẻ lúng túng không biết trả lời thằng bé thế nào. Bà ngồi bật dậy mở Kinh thánh ra đọc. Trong Tin mừng Gioan, bà đọc thấy đoạn sau: “Trước lễ vượt qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13,1)”. Gấp sách lại, bà nói với đứa con: “Con ơi, chết là trở về với Chúa Cha và yêu thương đến cùng. Đây là hai chiều kích đặc thù nơi cái chết của Đức Giêsu, vị tử đạo đầu tiên, và cũng được lập lại nơi cái chết của các Thánh tử đạo tại Việt nam. Các Ngài đã chết để trở về nhà Cha và hoàn tất cuộc hành trình yêu thương của mình nơi trần thế. Họ ý thức Lời Chúa dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Nếu được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn, nào có ích gì?” (Mc 8, 35-36)” .Thánh Phaolô Đạm nói trước tòa án Nam Định: “Nếu tôi có hai linh hồn, tôi sẽ bán một cái cho ma quỷ để cho các ông vui lòng, nhưng tiếc quá tôi chỉ có một linh hồn, nên tôi không thể bỏ mất”.
Nhưng trên hết, hành vi Tử đạo luôn hàm ngậm ý nghĩa của việc làm chứng. Hạn từ Marturion theo nguyên ngữ Hi Lạp cũng mang chở ý nghĩa này. Các Ngài chết để làm chứng, nhưng không phải làm chứng cho một chế độ, một chủ nghĩa, nhưng làm chứng cho một con người. Con người đó chính là Đức Giêsu, một Thiên Chúa làm người đã can đảm đón nhận cái chết khủng khiếp giống một tên cướp, để khai mở cho chúng ta chân trời ơn cứu độ. Các Thánh Tử đạo đã dùng máu của mình để làm chứng cho Đấng mà các Ngài tin theo.
Sống ơn gọi tử đạo ngày hôm nay
Trong đại hội tu sĩ trẻ thế giới tổ chức tại Rôma đầu tháng Chín năm 2016. Ban tổ chức đã dành một tiếng đồng hồ để các tu sĩ đặt câu hỏi và Đức Thánh Cha trực tiếp trả lời. Có một anh em tu sĩ dòng DonBosco đến từ Syria đứng lên phát biểu và hỏi Ngài vài điều. Đức Thánh Cha sau khi trả lời đã hỏi ngược lại: “Con từ đâu đến đây ?”. Vị tu sĩ trẻ nói là Ngài đến từ Syria. Đức Thánh Cha mở to đôi mắt nhìn vị linh mục và nói với cử tọa: “Chúng con hãy cầu nguyện cho các vị tử đạo hiện nay tại Iraq và Syria”. Cả hội trường xúc động vì tình hình chiến sự đang xảy ra rất khốc liệt tại Trung Đông, khiến bao nhiêu Kitô hữu bị giết, nhiều gia đình ly tán, các nhà thờ bị đốt phá, cả trăm ngàn người dân vô tội phải trốn tránh hoặc đi tị nạn.
Như vậy, ngày hôm nay vẫn còn các vị tử đạo, những con người bị thù ghét vì lý tưởng và niềm tin của mình. Nhưng hiểu theo nghĩa rộng hơn, sống mầu nhiệm tử đạo không phải là chuyện viễn tưởng xa vời. Đó chính là bản chất ơn gọi gắn liền với căn tính Kitô hữu chúng ta. Chúa Giêsu đã nói “Ai muốn theo tôi phải bỏ mình vác thập giá hằng ngày mà theo tôi”(Mc 8,34).
Hầu hết các quốc gia trên thế giới ngày nay đã bãi bỏ án tử hình, và cũng tôn trọng tự do tôn giáo, ít nhất là trên lý thuyết. Việc đàn áp tôn giáo với những màn tra tấn, tống ngục hay giết chết đang dần bị con người ngày hôm nay đào thải, vì nó đi ngược với khái niệm về nhân quyền mà xã hội luôn đề cao. Tuy nhiên lời mời gọi của Đức Giêsu đi vào mầu nhiệm tự hủy để sống ơn gọi tử đạo vẫn luôn mang tính thời sự cho tất cả mọi người thuộc mọi thời đại, vì nó là thuộc tính nơi cuộc sống của những học trò Đức Giêsu. Ơn gọi Kitô hữu luôn hàm ngậm cái chết. Cái chết trên Thập giá theo gương Đức Giêsu là đích điểm mà tất cả mọi người chúng ta phải vươn tới. Văn hào Goethe đã viết: “Làm một việc hy sinh to lớn trong khoảnh khắc thì dễ, chỉ cần chút can đảm nhất thời, nhưng thể hiện những hy sinh nho nhỏ và liên tục trong suốt cuộc đời thì khó hơn nhiều”. Đó là cái chết tiệm tiến, từ từ trong cuộc sống đức tin để sao chép lại chính cái chết của Đức Giêsu. Mô thức ơn gọi tử đạo của tất cả chúng ta hôm nay là như thế. Chúng ta phải đi sâu vào cái chết không đổ máu, không xích xiềng hay tù ngục qua cuộc sống hằng ngày và một cuộc sống như vậy chính là để làm chứng cho tình yêu.
Kết luận
Để kết luận, xin trích mượn tư tưởng của thánh Charles de Faucauld. Ngài nói: “Ở đời này chúng ta chỉ có thể ôm lấy Chúa Giêsu bằng cách ôm trọn Thập giá của Ngài. Ta không thể yêu mến Thập giá mà lại không có Chúa Giêsu bị đóng đinh nằm ở trên. Đồng thời chúng ta cũng không thể ôm lấy Chúa Giêsu mà lại vắng bóng Thập giá”. Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu. Cánh hoa hồng càng rực rỡ càng có nhiều gai nhọn ẩn sâu bên dưới. Cũng vậy tình yêu đến thật nhiều xuyên qua đau khổ. Con đường đau khổ dẫn đến Thập giá, chính là con đường của ơn gọi tử đạo, con đường của tình yêu. Cũng như thánh Têrêsa hài đồng Giêsu đã viết: “Sống bằng tình yêu không phải là định cư mãi với Chúa Giêsu trên đỉnh núi Tabor giữa những vinh quang sáng chói, nhưng là còn phải trèo lên đỉnh Calvê để ôm nhận Thập giá như một kho tàng”. Sống ơn gọi tử đạo là như thế.
Văn Hào, SDB
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”